Những cuộc tình lỡ

Ảnh: Georgy Trofimov/Unsplash

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí !

Sau Tết Tân Mùi 1991 vài tháng, tôi nhận được kết quả “bị đá” thanh lọc như hơn hai phần ba số người trong “group” tôi. Thế là hết, những kẻ kém may mắn chúng tôi nhủ thầm! Chuyện kháng cáo chỉ còn là thủ tục và việc xem xét để đảo ngược quyết định bị bác quyền tị nạn lúc này khó khăn chẳng khác gì vấn đề kiếm đường vượt biên ngày xưa vì tỉ lệ rất thấp. Hơn nữa chỉ có mười lăm ngày để nộp hồ sơ sau khi nhận giấy quyết định là thời gian quá ngắn.

Nào là phải suy nghĩ tìm cách phản bác lại lập luận của phỏng vấn viên BOI (Bureau Of Immigration,) phải tìm người giỏi tiếng Anh để dịch rồi lo nhờ ai đánh máy hộ. Tất cả các điều này không hề dễ dàng với người đang đau khổ, thất vọng, tinh thần suy sụp nghiêm trọng, vả lại chẳng phải ai cũng có khả năng trình độ để đối đầu nhất là đa phần thuyền nhân ở thời điểm này đều là người dân nghèo, trình độ học vấn thấp, lý lẽ yếu kém… Nhiều kẻ nhận giấy bác đã bỏ ăn, bỏ học, đi lang thang như người điên hay nằm vùi suốt ngày thì lấy đâu sáng suốt mà làm kháng cáo với kháng cự được?

Trước tình cảnh thập phần nguy nan ấy, Hội Đồng Đại Diện lại phải lập ra Ban Kháng Cáo do anh Khánh làm trưởng ban và đồng thời xuất quỹ của Hội Đồng Trung Tâm chi cho ban này mỗi tháng để làm việc giúp đồng bào. Ban Kháng Cáo gồm có bộ phận tiếp nhận hồ sơ, bộ phận lý luận giúp đồng bào phản biện, bộ phận dịch thuật dịch mỗi trang kháng cáo được trả thù lao 5 pesos, bộ phận đánh đơn kháng cáo cho bà con… Tất cả mọi người trong ban này được Hội Đồng Đại Diện chu cấp một số tiền tượng trưng để động viên tinh thần làm việc xem như là “allowance!”

Từ khi BOI công bố kết quả thì cả trại xôn xao, sôi động hẳn lên. Ngày cũng như đêm thiên hạ nhốn nháo, người đậu thì chuẩn bị lên đường, kẻ rớt ở lại âu sầu lo làm đơn kháng cáo. Hầu như tất cả “Vietnamese overseas” ở các đệ tam quốc gia sang trại làm thiện nguyện cho cơ quan CADP vào thời gian đó như thầy Nam, frère Tín, Văn (lớn,) Văn (nhỏ), Nam (nhỏ), Mr. Roy, cô Trang, Thoa, Hoàng, Huyền, Nhàn, Vy, Tâm, chị Lan… đều lao vào giúp những đồng bào bất hạnh bằng mọi cách có thể. Họ đau theo nỗi đau của đồng bào mình – những người bị “screened-out!”.

Thẻ thiện nguyện IOM của tác giả.

Nhờ có vốn liếng Anh ngữ nên các anh chị em này thường nhận dịch đơn kháng cáo cho bà con, ngoài ra cả Cha Crawford, Cha Nguyễn Trọng Tước (tức nhà văn Nguyễn Tầm Thường) cũng như một số thiện nguyện viên ngoại quốc ở những cơ quan khác cũng tham gia dịch thuật, góp ý hoặc “correct” lại các đơn đã được dịch sao cho hay hơn, mạnh hơn, đúng văn phạm hơn, đúng cách hành văn trong tiếng Anh hơn… Có thể nói kể từ lúc ấy, trại PFAC đã thức cả đêm lẫn ngày!

Trước tình hình bi đát này, Tổ Chức Thanh Niên Việt Nam ở trại bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ pháp lý tại Hoa Kỳ qua thư từ liên lạc với BPSOS (Boat People SOS) do tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng làm giám đốc; và LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers) được điều hành bởi LS Nguyễn Quốc Lân trong việc chống thanh lọc bất công… Thời kỳ tranh đấu bất bạo động hình thành! Khi toàn bộ các người PA được chuyển lên Bataan và những người được công nhận tị nạn chính trị cũng lần lượt ra đi thì nơi ăn chốn ở trong trại rộng rãi hơn. Nhà tôi thì có ba người PA với thằng Quang, thằng Tuấn đậu thanh lọc lên đường.

Sáng sớm một hôm khi sương mai vẫn lành lạnh, bầu trời ở miền biển lúc bình minh lẽ ra đã sáng trắng thì bữa nay lại cứ đùn đục, sương mù vương vấn khắp nơi khiến tạo vật có vẻ âm u ảm đạm như cụ Tố Như đã nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”. Anh em chúng tôi ra khỏi nhà theo dòng người khiêng vác vali, thùng giấy đến cổng chính; nơi chuyển trại, để tiễn đưa trong tiếng ca nức nở, ai oán của Khánh Ly văng vẳng trên loa truyền thông mà nghe cay đắng, nghẹn ngào. Giọng nhừa nhựa rên một cách ma mị quyện lẫn với tiếng kèn saxo làm tôi “nhức xương”.

Nơi cổng trại, thiên hạ đứng đông nghẹt trong ngoài. Người ta réo gọi, kêu la ơi ới.  Tiếng cười hòa trong tiếng khóc vẽ nên bức tranh tị nạn bi hài. Tôi chợt để ý thấy trong một góc hàng rào khá xa, thằng Tài với gương mặt đầy khổ đau đang ôm chặt lấy lưng ong của con Thanh không nói tiếng nào. Còn con nhỏ thì khóc như mưa, nước mắt đầm đìa.

Chuyện tình của tụi nó là một trong những câu chuyện đẹp và buồn của trại này. Tôi biết hai đứa vì cả hai đều đi Group 169 Mangsee với chú Minh họa sĩ. Hai đứa nó thương nhau từ Việt Nam và ba Tài là thiếu tá QLVNCH đi cải tạo về. Vì bị phân biệt đối xử, cả hai vượt biên nhưng không may Tài được “granted” nhờ có cha là sĩ quan cải tạo còn Thanh thì bị “đá.” Thế là Ngưu Lang đành lìa xa Chức Nữ trong đoạn trường mà khi bước chân xuống thuyền cả hai không bao giờ nghĩ tới. Đắng quá đời tị nạn cuối mùa!

Như thường lệ, sáng một ngày kia chú Minh qua nhà réo tôi đi ra quán Hương (chùa) uống cà phê. Cả hai có cảm giác gì khác lạ trên cánh tay lúc bước đi, ngó xuống thấy có những hạt nhỏ li ti như bụi rớt lên da, chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Tôi đưa tay quẹt một cái thì nó biến mất nhưng ngón tay của tôi thì hơi nhờn nhờn như gặp phải tro vậy.

Tại quán cà phê, bà con tới trước đã kéo nhau vào núp dưới mái hiên mà không thể ngồi ngoài như mọi hôm. Chúng tôi đưa mắt nhìn theo tay một số người đang chỉ lên trời thì thấy bầu trời lúc này trở nên xám xịt, vô số tro bụi li ti đang theo gió bay tới và rơi xuống phủ lên cây lá, mái nhà một màu trắng đục giống như tuyết. Giữa lúc thiên hạ đang ngạc nhiên trước hiện tượng lạ thì từ trên các khu Sáu, Bảy, Tám, một số bà con diện đồ đẹp ùn ùn kéo xuống Chùa Vạn Đức trong sự thích thú chưa từng có để chụp hình.

Văn Phòng OIC cấp giấy chứng nhận đã tham gia công tác dọn sạch tro bụi trên phi đạo do núi lửa Pinatubo phát nổ năm 1991.

Và khi mọi người còn hoang mang, ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì mấy sơ ở phía dưới văn phòng CADP tất tả chạy lên ban truyền thông. Ngang qua quán thấy đám đông chúng tôi đang tụ tập, các sơ yêu cầu bà con về nhà ngay, vì đấy là bụi của núi lửa Pinatubo trong dãy núi Zambales ở miền Trung đảo Luzon vừa phát nổ sau sáu trăm năm ngủ yên. Đó là ngày 15 Tháng Sáu 1991.

Hội Đồng Điều Hành yêu cầu mọi người không ra ngoài vì tro bụi xuống mỗi lúc một nhiều, bay mịt mờ khắp nơi. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi núp trong nhà, đóng cửa cái và tất cả cửa sổ nhưng bụi vẫn len vào. Thỉnh thoảng tôi hé cửa sổ lên xem tình hình thế nào thì thấy tro rớt dày đặc, không thể mở mắt ra được. Rồi trời bắt đầu đổ mưa càng lúc càng lớn. Mưa rơi rả rích liên tiếp ba bốn hôm. Mưa rơi thúi trời, thúi đất! Đường sá lầy lội, trơn ướt. Mọi phương tiện giao thông đình trệ!

Tro bụi do núi lửa Pinatubo phun ra chôn cả một ngôi làng, phủ đầy thành phố Olongapo cũng như căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ trên Vịnh Subic. Riêng Clark Air Base; căn cứ Không Quân Hoa Kỳ, thì bị sập cả mái do tro bụi phủ dày và nặng. Mỹ phải vội vã di tản cả mười bốn ngàn binh sĩ và dân thường cùng hầu hết phi cơ các loại ra khỏi khu vực trong hai ngày. Đây cũng là một trong vài lý do để Hoa Kỳ chính thức đóng cửa hai căn cứ quân sự lớn nhất ở Trung Á. Nhiều sông ngòi bị lấp kín tạo nên lụt lội, cầu cống đường sá bị sập, nhà cửa bị cuốn trôi, đê điều bị vỡ ở các khu vực quanh vùng phụ cận bán đảo Bataan, Tarlac, Pampanga. Thủy lộ bế tắc, cầu không vận cũng chẳng thể hoạt động được do phi đạo trơn trượt. Lúa gạo khan hiếm đưa đến đói kém tràn lan. Hơn tám trăm thường dân đã chết trong thiên tai này!

Ở PFAC, chúng tôi không có lương thực trong cả tuần lễ vì “runway” bị phủ đầy tro trong ngày nắng và biến thành bùn sình khi trời mưa khiến máy bay không đáp xuống được. Ngoài bến tàu, thuyền không thể cập cảng do lòng sông trở nên cạn. Thuyền nhân nào có trải qua giai đoạn này ở Phi mới thấm được cái thân phận “vô tổ quốc (stateless)” của mình. Sau bao ngày đói khát, tôi cùng một số anh em thanh niên trong nhà và chung quanh mò ra “Vườn Dừa” hái dừa về ăn qua bữa! Dừa bên Phi thì bạt ngàn như rừng. Bọn tôi “vô tư” hái, cho đến sáng một hôm, lúc chúng tôi chuẩn bị trèo lên cây thì bỗng nghe tiếng la ó của nhiều thanh niên Phi. Họ ở trần trùng trục, đầu quấn khăn rằn lắm màu sặc sỡ, tay vung mã tấu sáng loáng, miệng kêu rú, hò hét xông ra rượt anh em tôi chạy tuốt về cổng trại. Thủy Quân Lục Chiến Phi phải vội xông ra với súng M16 trên tay ngăn cản, đám người hung dữ kia mới chịu thôi.

Khi chúng tôi bày tỏ tình trạng khó khăn, đói kém và chân thành xin lỗi, mấy thanh niên kia mới thông cảm bỏ qua. Chẳng những thế mà những ngày sau đó họ còn đích thân hái mang vô tặng. Chuyện đã qua nhiều năm nhưng hôm nay tôi ghi lại sự kiện tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn này nhằm muốn nói lên tấm lòng tốt và hiếu khách mà người dân Phi đã cư xử nhân ái với Thuyền Nhân Việt Nam tại Palawan.

Thời gian này một thằng em trong nhà xin tôi cho nó đưa một thanh niên quen biết trạc tuổi tôi; là thiện nguyện viên của IOM từng đón ghe nó từ Liminangcon về trại, tới ở cùng. Tùng; tên người mới đến, sáng làm thiện nguyện bên IOM, chiều thì thông dịch cho Cao Ủy, ngoài ra anh ta còn nhận dịch cả đơn kháng cáo nữa nên vô cùng bận rộn. Tùng ở đây một mình, vợ con còn bên Việt Nam do vượt biên bị rớt lại. Sống với nhau được mấy tháng, tôi và Tùng trở nên thân thiết.

Văn phòng IOM nằm gần CFSI (Community and Family Service International) nên những lúc rảnh rỗi, Nga – làm thiện nguyện cho cơ quan này thường sang IOM chơi “scrabble” với hai thiện nguyện viên người Mỹ là Kim và Rachel để trau dồi thêm Anh Văn – và đã gặp Tùng. Nga giận chồng bay bướm nên dắt con gái ra đi, bây giờ gặp Tùng cũng là người Sài Gòn. Cả hai có hoàn cảnh tương tự, đều cùng thiếu thốn tình cảm gia đình nên họ nhanh chóng tìm đến với nhau. Tuy không công khai nhưng lâu dần mọi người đều biết họ là một cặp và ai cũng thông cảm cho hoàn cảnh “rổ rá cạp lại” này!

Một hôm, khi đi ngang Chùa Vạn Đức, tôi bỗng muốn vào lạy Phật. Hôm ấy khá đông người và ồn ào. Tôi tò mò nhìn vào phòng Cúng Dường thì thấy có nhiều em trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức đang tập văn nghệ chuẩn bị cho Lễ Vu Lan. Ngay lúc đó, một anh đánh guitar trong ban nhạc hô to:

– Rồi hát lại nè.

– “Quyệt Nam, Quyệt Nam nghe từ vào đời. Quyệt Nam hai câu…

– Thôi, ngừng. Ngừng!

Giọng ai đó la thật lớn. Tôi nhìn theo thì thấy một chú tuổi cỡ trung niên, vừa từ phía sau hậu điện bước lên vừa nói:

– Việt Nam chớ quyệt, quyệt cái gì?

Khi chú bước vào trong tôi nhìn kỹ thì ra đó là chú H. cựu thiếu tá không quân VNCH; Phó Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức kiêm thầy dạy Anh Văn trong chùa và cũng là thông dịch viên Cao Ủy. Giải nghĩa xong, chú kêu mấy em Phật tử hát lại. Chú lấy tấm bảng đen, viết chữ “Việt Nam” to đùng rồi dạy mấy em như dạy chính tả:

– Chữ này là chữ V, khi mấy cháu đọc chữ vi thì răng hàm trên cắn nhẹ môi dưới một tí trước khi phát âm phải không hà. Nên bây giờ mấy cháu đọc chữ Việt y hệt như phát âm “vi” vậy đó, dễ lắm!…

Chiều một hôm khi nắng xuống tới chân tường, anh em Vinh và Thắng bên nhà 12 Khu 1 sang rủ chúng tôi qua nhà tụi nó lai rai. Thế là tôi với anh Năm và hai thằng em trong nhà xách cây guitar theo. Ngồi trên cái chõng tre ọp ẹp kê bên hè dưới cửa sổ, chúng tôi vừa uống “ác quỷ” ngâm với xí muội và trái tắc vừa ca hát. Đây thực chất là một loại “gin” trắng như rượu đế có nồng độ cao hơn 40% alcohol, do đó rất mau “bốc”, vì thế người ta in hình con quỷ trên nhãn chai là nhằm để cảnh cáo người dùng nên cẩn thận. Khi bọn tôi đang vui say thì Tùng về tới. Nó sà xuống cạnh chúng tôi nhập bọn và nghêu ngao đầy hứng thú.

Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa… trong vũng nước cuộc đời…”

Lúc tôi hát bài “Khúc thụy du” thì mặt thằng Tùng bỗng trở nên buồn bã, mắt mơ màng ngó ra khơi. Ngoài kia biển lấp lánh, gờn gợn theo làn gió nhẹ dưới nắng nhạt chiều tàn. Từng đợt sóng nhỏ rì rào, lăn tăn vỗ vào bờ đá như tiếng mẹ ru, muôn đời không dứt. Xa xa mấy chiếc thuyền nan làm bằng ván ép của thuyền nhân, đong đưa lắc lư theo từng con sóng vỗ trên bến tị nạn trong ánh hoàng hôn như phận kẻ muộn màng. Đến khi thằng Đức (Mã) vừa đàn vừa cất tiếng: “Phải chi em đừng có chồng và anh còn đơn côi… Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền”… thì thằng Tùng bỗng đứng bật dậy thốt “đm” và bỏ đi một mạch vào nhà.

Tác giả ngồi trước nhà ở PFAC

Đầu Tháng Bảy 1991, Tùng đưa tôi lên giới thiệu với ông William Barriga; trưởng phòng IOM để thay thế nó, vì vài hôm nữa nó sẽ chuyển trại đi định cư. Trước hôm đi, nó dẫn tôi ra ngoài sân và đưa tôi phong thư có 2000 pesos, giọng buồn rầu nhờ tôi chuyển cho mẹ con Nga. Ngày tôi hẹn Nga, nàng hơi ngạc nhiên và ngần ngại nhưng rồi ngậm ngùi, nước mắt đoanh tròng lúc tôi trao bao thư của Tùng.

… Cách nay mấy tháng tôi bất ngờ nhận được “request” kết bạn của Tùng qua Facebook. Sau vài lần hàn huyên thì nó mới viết cho tôi một cái “message” dài về những tháng ngày định cư của nó ở Canada:

Mày biết tao và Nga thương nhau nhưng chẳng thể tới với nhau được vì ai cũng còn trách nhiệm vợ chồng và bổn phận làm cha mẹ với con cái nên đành chia tay… Bên đây, tao vừa đi làm vừa đi học và lo bảo lãnh vợ con tao ngay khi tao nhập tịch… Những ngày đầu đoàn tụ cũng vui nhưng con tao thì có vẻ xa lạ với tao!… Điều đáng nói là cuộc sống vợ chồng tao đã rơi vào một hố sâu to lớn sau nhiều năm ngăn cách… Cả hai có vẻ gượng gạo dù cả hai rất cố gắng nhưng tình cảm không thể miễn cưỡng được N. à.

Những lúc đó, đầu óc tao cứ quay cuồng về vùng đất xa xăm xưa cũ với hình bóng ai đó… Tao biết tao có lỗi… Tao cố gắng chuộc lại lỗi lầm, xua đuổi quá khứ bên trời tị nạn mà chẳng được mày ơi… bởi ‘da thịt đã thôi nát tình nồng say’ (*)… để cuối cùng cả hai đành phải chia tay năm 2015 vì không còn đồng điệu sau khi con tao ra đại học. Tụi tao chấp nhận sự thật phũ phàng! Con trai tao về Việt Nam làm việc và vợ tao cũng theo nó về bển từ dạo ấy luôn rồi. Giờ tao sống một mình, lạnh lùng trong giá buốt mỗi khi đông về, như bác sĩ Zhivago sau khi chia tay Lara vậy!”

Đọc xong “message” của Tùng, tôi mỉm cười cách ví von của nó và bần thần đứng lên, bước đến bên cửa sổ ngó mông lung ra ngoài. Qua ánh đèn đường vàng vọt, tuyết trắng xóa rơi phủ kín một vùng rộng lớn, tôi miên man nghĩ về cái “nghiệp duyên” của nó. Tình chồng nghĩa vợ của Tùng là có duyên nợ với nhau từ kiếp trước nhưng có lẽ nghiệp duyên của hai người nặng nên không đi đến cuối đời và nó sẽ còn khổ nữa bởi cái nghiệp nó lại vừa tạo ra ở kiếp này. Biết nói sao hơn âu đó là số phận của mỗi người, thánh giá của ai người nấy vác thôi. Ngoài ra cũng có thể xem đây là cái giá phải trả khác cho kiếp nạn của dân tộc Việt Nam trên đường tìm kiếm tự do sau cơn “hồng thủy 1975” vậy!

Ohio, ngày 15 Tháng Một năm 2022

Kỷ niệm những mùa Valentine xưa ở PFAC

Chú thích:

* Mượn câu hát trong bài Rong rêu nhưng đổi sang thể phủ định

_____

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: