Ansi parla Zarathustra/ Ansi parla USA – Nietzsche/PN.Nam
Dẫn Nhập: Để bắt đầu Bài Học Thứ Ba, hãy so sánh chuyện ngày trước với sự kiện hôm nay. Theo nhận định của Mỹ (Quốc hội/Chính phủ/báo giới/dư luận xã hội), nếu Hòa Bình/Hiệp Định Ba Lê ngày 27 Tháng Một 1973 phải cơn nguy nan của Tháng Ba, Tháng Tư 1975 ở Nam Việt Nam, Sài Gòn thì ắt phải có lý do. Đấy là Nguyễn Văn Thiệu, “một người tuyệt vọng đến độ phát hoảng và đứng đầu danh sách tham nhũng”. Và dù miền Nam có mệnh hệ nào thì “Việt Nam cũng không phải là tận cùng thế giới”!
Tương tự như thế, hôm nay trong diễn văn ngày 16 Tháng Tám 2021 sau lần rút bỏ Afghanistan, Tổng thống Joe Biden cho biết Hoa Kỳ đã chi tiêu hơn $1,000 tỷ để huấn luyện và trang bị cho 300,000 quân của chính phủ Afghanistan. Nhưng lực lượng này phần đông đã không dám chống lại quân Taliban khi bị tấn công. Thế nên, Tổng thống Joe Biden trút trách nhiệm lên giới lãnh đạo Afghanistan đã bỏ cuộc, chạy trốn ra nước ngoài sau khi đã vô cùng tham nhũng! Sao mà giống nhau đến vậy, dẫu đã hơn 46 năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975 tại Việt Nam. Có lẽ sự việc không mấy thay đổi, hoặc phải chăng con người cũng không thay đổi?! Và nếu có thay đổi chăng chỉ thay đổi về danh xưng, chức vị như từ thượng nghị sĩ nên Tổng thống Joe Biden?! Chúng ta đi vào từng điểm cụ thể của Bài Học Thứ Ba.
III- Bài Ba: Trò Ma, USA!
31- Tháng Tư 1975, Mỹ chỉ hơi lấn cấn để cuộc rút khỏi Việt Nam được thực hiện trong “Hòa Bình và Danh Dự” do còn đôi lời cam kết qua những lá thư giữa Nixon và Nguyễn Văn Thiệu. Không có gì khó, sẵn vụ năm người Cuba đột nhập vào tòa nhà Watergate của Đảng Dân Chủ. Hai ký giả Bernstein và Woodward của báo Washington Post được một “ông nằm vùng, phục sẵn trong Bạch Cung, bí danh Deep Throat” cho tin; mãi đến 2005 mới lòi ra đấy là Mark Felt, phụ tá FBI. Ông nầy suốt hai năm 1973, 1974 báo cho hai ký giả của Washington Post đủ các chi tiết (bí mật) về Nixon, của các cố vấn John Mitchell, Halderman để hai ký giả nầy viết thành sách, All the President’s Men, tố cáo Tổng thống Nixon và Ban Tham Mưu về tội nghe lén!
Giằng co đến 8 Tháng Tám 1974 thì Tổng thống Nixon buộc phải từ chức để khỏi bị truất phế, ra tòa. Cũng vô hiệu hóa tất cả những lời cam kết với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu! Tháng Tư 1975, Tổng thống kế nhiệm Ford khi đến Palm Spring, California trong lần nói chuyện với doanh nhân, nhân viên chính quyền cao cấp ở San Diego, buộc phải nói thật: “Tình hình quả thật bi thảm và chúng ta cần một ý nghĩa mới về đoàn kết quốc gia trong thời điểm đau buồn và hỗn loạn này...”
Và cuối cùng, khi lâm thế bí vì bị chất vấn “về 58,000 quân nhân Mỹ tử trận ở Việt Nam...”, vị tổng thống không do bầu cử mà nên chức phận đã ngậm ngùi than vãn: “Chúng ta quả thực không thực tế một chút nào vì đã quá trịnh trọng cam kết tại hội nghị (Ba Lê, 27 Tháng Một 1973) khi đã chấm dứt (trong thực tế) chiến đấu ở Việt Nam (từ 1970 qua Việt Nam hóa chiến tranh)”. Cuối cùng, nếu có phần thành thật là ở lời thú nhận cay đắng của Phó Tổng thống Nelson Rockefeller: “Tôi e rằng một số người Việt đang dần chết ở Đà Nẵng, Nha Trang… Trong khi, chúng ta vẫn tiếp tục sống…”. Nói như thế kể ra cũng đủ gọi là thành tâm!
#32- Sự trùng hợp về thời gian 20 năm trong chiến tranh Việt Nam (1955-1975) lập lại ở Afghanistan vào ngày 15 Tháng Tám 2021 với hình ảnh chiếc trực thăng di tản người Mỹ chạy thoát từ nóc Tòa Đại Sứ Mỹ trong lúc phiến quân Taliban chiếm Dinh tổng thống không tốn một viên đạn, sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài. Lịch sử lập lại khá chính xác. Nếu năm 1975, Tổng thống Richard Nixon đã thất hứa không trả đũa quân cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp Định Ba Lê, tấn công chiếm đóng Sài Gòn, do ông đã buộc phải từ chức sau vụ Watergate!
Cũng tương tự, năm 2020, ông Trump không đắc cử thì hứa hẹn dàn xếp bao nhiêu có giá trị gì đâu? Và cũng y hệt đối với Việt Nam trên báo chí Mỹ luôn có nhận định: Quân lực VNCH KHÔNG CHỊU CHIẾN ĐẤU! Thế nên, năm 2021, Tổng thống Biden (cũng) chỉ cần lập lại: “Quân đội Mỹ không thể và không nên chiến đấu trong một cuộc chiến và chết cho cuộc chiến đó trong khi lực lượng (quân đội) Afghanistan không muốn chiến đấu cho chính họ.” Trong bài diễn văn ngày 16 Tháng Tám, Joe Biden khẳng định: Ông không hề ân hận việc rút bỏ Afghanistan, chỉ hiềm lực lượng Taliban tiến chiếm quá nhanh hơn ông ước tính (?!).
Tổng thống Joe Biden lặp lại nhiều lần trong bài diễn văn ngày 16 Tháng Tám: Ông là Tổng thống Mỹ thứ tư quyết định rút định rút quân khỏi Afghanistan để không phải giao gánh nặng “khó khăn” này cho một vị “tổng tư lệnh (quân lực Mỹ) thứ năm! Tóm lại, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã hoàn tất một hành động lịch sử cao cả, hy sinh. Nói theo thành ngữ nhân gian là “Sau ta là chấm dứt. Mặc kệ chúng bây”.
#32- Cũng trong bài diễn văn ngày 16 Tháng Tám, Tổng thống Mỹ nói lời chắc nịch: “Tôi sẽ không để lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ. Lỗi lầm đã phải ở lại (Afghanistan) và đánh nhau bất tận trong một cuộc chiến không ăn nhầm gì với quyền lợi nước Mỹ, bị nhận chìm trong một cuộc nội chiến tại một xứ sở xa xôi bằng cách khai triển quân lực Mỹ không biết đến bao giờ ngưng!”
Nói như thế chứng tỏ Tổng thống Joe Biden bị suy thoái trí nhớ trầm trọng. Vì trong tám năm làm phó dưới thời Obama, nội các của ông và Obama không hề có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Cụ thể trong thời kỳ Tổng thống Trump bàn thảo kế hoạch rút quân với phe Taliban thì bị chính ông phản đối mạnh mẽ với tư cách Ủy ban Ngoại giao Thượng viện. Joe Biden cũng quên mất: Cách rút quân hỗn loạn trong ngày 15 Tháng Tám cũng chỉ là kế hoạch của Tổng thống Trump. Chỉ khác một bên dự trù để lại 2,500 quân trong vòng 14 tháng, một bên cuốn cờ chạy vội lúc 3 giờ sáng với ước tính Taliban sẽ tới Kabul trong vòng chín tuần sau.
Tổng thống Joe Biden chỉ không tính ra: Bọn giặc Taliban tiến quân nhanh quá! Tuy nhiên Biden cũng còn đủ trí nhớ để cáo buộc: Trăm sự (khó khăn) ngày hôm nay là do từ Tổng thống Trump để lại, vì đã áp đặt với Taliban để chỉ có hai giải pháp: Hoặc chấm dứt nhiệm vụ của quân đội Mỹ ở Afghanistan hay tái bùng nổ cuộc chiến! Tổng thống Joe Biden quyết định rút quân! Làm gì nhau bây giờ?!
#33-Tưởng chuyện rút quân vội vã ngày 15 Tháng Tám dần hồi sẽ như bùn đánh sang ao, ai ngờ viên đại tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ với trách nhiệm cao nhất về mặt quân sự đã có nhận định từ tình hình thực tế: Rồi đây những thành phần cực đoan ở Afghanistan (nhóm khủng bố Al-Qaeda) chắc chắn sẽ trở lại dưới quyền cai trị của Taliban. Một nhận định cụ thể chính xác mà bất kỳ người lính (cấp thấp, trung bình tầm thường) nào cũng có thể nhận ra!
Nhưng dẫu nhận định thực tiễn nầy đã được/đúng ra là bị viên Ngoại trưởng Antony J. Blinken trong cuộc họp báo ngày 3 Tháng Chín phủ nhận qua tuyên bố: Chúng ta đã có một nền ngoại giao được 100 quốc gia ký kết, và Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết bày tỏ mong muốn một chính quyền do Taliban cầm đầu bao gồm quyền tự do đi lại, chống khủng bố, các quyền căn bản cho người dân Afghanistan, bao gồm phụ nữ và các dân tộc thiểu số; thành lập một chính quyền đa thành phần và không chủ trương trả thù…
Trời đất! Viên ngoại trưởng nước Mỹ hôm nay có là một người bình thường không? Anh Antony này mơ một chuyện múc trăng dưới nước về lòng yêu chuộng hòa bình của Taliban sẽ thực hiện nghị quyết LHQ?! Hiệp định tái lập hòa bình tại Việt Nam 27 Tháng Một 1973 được ký kết long trọng trước chứng kiến của thế giới, 13 nước ký định ước bảo trợ thi hành bao gồm Trung Cộng; kẻ xây dựng nên hiệp định, Lê Đức Thọ của cộng sản Hà Nội được trao giải Nobel Hòa Bình. Tất cả đã biến thành mảnh giấy vụn, cộng sản Hà Nội ngang nhiên xé bỏ trong ngày 30 Tháng Tư 1975. Cũng bởi tay Lê Đức Thọ, bí thư chiến dịch HCM chứ không ai khác!
Cũng đáng tội, Ngoại trưởng Antony Blinken sinh năm 1962. Năm 1975 khi Đại sứ Mỹ cuốn cờ tháo chạy ở Việt Nam, “em tôi” mới được 13 tuổi, vừa qua tiểu học. Hẳn chú nhỏ Antony năm ấy không biết Nam Việt Nam là gì? Sài Gòn nơi đâu? Tóm lại, nhận định của tướng Milley là một thực tế không thể chối cãi – Đảng ta phải thanh toán nó! Tướng Milley lại là Tham mưu trưởng Liên quân do Donald Trump đề cử từ ngày 1 Tháng Mười 2019. Màn cuối của bài học thứ ba được dựng lên! Đố anh Milley chạy đâu thoát, cho dẫu là đại tướng?! Đến siêu Tổng thống Nixon, bầu cử năm 1972 thắng đối thủ áp đảo 49/1 cử tri đoàn, mà chỉ đến 8 Tháng Tám 1974 còn phải từ chức! Thêm một lần đao phủ Bob Woodward ra tay. Cỡ Milley chạy sao khỏi?
#34-Woodward-Anh là ai? Robert Woodward sinh năm 1943, phụ tá chủ bút báo Washington Post năm 1971. Năm 1972, Bob liên kết với Carl Bernstein dựng nên cuộc điều tra về vụ Đảng Cộng Hòa nghe lén cuộc họp đại hội của Đảng Dân Chủ ở tòa nhà Watergate. Tiến trình điều tra của Woodward-Bernstein được phổ biến suốt hai năm 1973, 1974 trên Washington Post, in thành sách All the President’s Men, dẫn đến sự kiện toàn Ban Tham Mưu của Tổng thống Nixon phải ra điều trần gay go trước Quốc hội Mỹ, đưa đến bi kịch chính trị:
Tổng thống Nixon, người được đánh giá là nhân vật được “chuẩn bị kỹ nhất” để làm tổng thống; nhân sự đã giữ chức vụ phó tổng thống hai nhiệm kỳ dưới thời Tổng thống Eisenhower (1953-1961); và quan trọng hơn hẳn là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, ký kết nên Thông cáo Thượng Hải 1972 thiết lập một Trật Tự Mới cho toàn cầu sau Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, 1945. Và hệ quả tất nhiên từ Thông cáo Thượng Hải 1972 là Hiệp Định Ba Lê được ký kết, 27 Tháng Một 1973 và Mỹ rút ra khỏi Việt Nam trong ngày 30 Tháng Tư 1975. Thông cáo Thượng Hải 1972 không chỉ có từng ấy tác động, đấy là Hòn Đá Tảng của LIÊN HỆ MỸ-TRUNG CỘNG CỦA 10 ĐỜI TỔNG THỐNG MỸ CHO ĐẾN HÔM NAY, 2021, VỚI TỔNG THỐNG JOE BIDEN.
#35- Chúng ta không hề quá đề cao công việc của hai cá nhân viết báo tên gọi Bob Woodward-Carl Bernstein với cuốn All the President’s Men của họ. Nhưng quả thật, nếu không có cuộc điều tra dai dẳng đăng suốt hai năm 1972, 1973 trên Washington Post và cuốn All the President’s Men thì không làm sao đưa đến sự kiện, Tổng thống Nixon buộc phải từ chức để khỏi bị truất phế, ra tòa, 8 Tháng Tám 1974. Cũng vô hiệu hóa tất cả cam kết với Tổng thống Thiệu. Mỹ rút khỏi Đông Dương. Việt Nam nhường Biển Đông cho Trung Cộng – Tiền đề của tất cả tranh chấp hôm nay nơi vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Chiến công của Woodward và Bernstein được ký giả lão thành Gene Roberts đánh giá: “Có thể là một cuộc cuộc điều tra lớn nhất trong mọi thời đại”. Thừa thắng xông lên, sau vụ Watergate, Bob tiếp tục làm cho Washington Post, viết 20 cuốn sách về sinh hoạt chính trị Mỹ, những vấn đề thời sự mà 13 cuốn trong số nầy được xếp hạng bán chạy nhất. Từ thập niên 1970, Bob chơi toàn với những ông lớn, điển hình với Tổng thống George W. Bush qua sáu lần phỏng vấn suốt 11 giờ làm việc.
Bob có những nhận định mang tính quyết định về những vấn đề sống còn của quốc gia như sự kiện: Liệu Iraq có vũ khí sát thương tập thể hay không? Bob (khôn ngoan) nói nước đôi: Tôi nghĩ rằng sự may mắn (Sự may mắn nào-Là gì?-Pnn) chỉ xảy ra với tỷ số zero”, hoặc: “Này, hãy xem đây nhé, chứng cớ (về vũ khí sát thương mức độ cao-WMD của Iraq) không mạnh như chúng ta nói đâu!”. Khôn ngoan, sắc sảo, chuyên nghiệp, Woodward và Bernstein mang về cho Washington Post hai lần giải Pulitzer về phóng sự. Với kỳ tích hơn ba thập niên làm báo, năm 1995 Woodward được Chủ nhiệm Washington Post, Ben Bradlee, tán dương: Là nhà báo tài giỏi nhất của mọi thời đại. Năm 2001, Bob Woodward nhận được Giải Walter Cronkite dành cho Nhà báo ưu tú nhất. Walter Cronkite là ai? Như thế nào? Vấn đề sắp sửa có câu trả lời với nhân sự tiếng tăm này.
#36- Đầu năm 1968, trong khói lửa Mậu Thân ở Huế, Walter Cronkite đã tường trình vào tận phòng ngủ của mỗi người dân ở Mỹ: Cả Việt Nam và Washington từ lâu (vốn) có lòng tin vào vào những điều sáng sủa, nay chỉ thấy những đám mây đen. Bây giờ hơn bao giờ hết, kinh nghiệm đẫm máu ở Việt Nam sẽ chấm dứt bởi một giải pháp… Giải pháp như thế nào? Walter Cronkite nói rõ hơn: Chúng ta (người Mỹ) mày mò tìm kiếm giải pháp ấy nhưng đấy (vẫn) là cách thực tế nhất, nếu gọi đấy là một kết luận chẳng mấy hài lòng.
Bấy giờ là Tháng Hai 1968 trong máu lửa Miền Nam, hóa ra Cronkite đã THẤY RA/NÓI RA hòa đàm Ba Lê sẽ khai diễn chính thức vào cuối năm, Tháng Mười Một 1968; và sẽ ký kết 27 Tháng Một 1973 để đưa đến kết thúc tất nhiên, 30 Tháng Tư 1975. Lẽ tất nhiên Cronkite không (thể) nói (chưa nói) rõ hơn cảnh tháo chạy của Đại sứ Mỹ Martin ra khỏi Sài Gòn trong sáng ngày 29 Tháng Tư 1975. Nhưng Cronkite đã làm Tổng thống Johnson phải não nề than vãn với Giám đốc Frank Stanton của CBS sau khi bản tin từ Việt Nam chuyển về Mỹ trên hệ thống CBS: Này Frank, đây là tổng thống của anh. Vâng, chào Tổng thống. Frank, (các) anh chơi tôi quá! Tổng Thống Mỹ nói rõ hơn: “Nếu như tôi mất Cronkite thì tôi cũng mất thành phần người Mỹ trung lưu”.
Từ, bởi bản tin của CBS mỗi buổi tối được Walter Cronkite (ở Việt Nam) đưa vào tới phòng ngủ của người Mỹ, Tổng thống Johnson, người được 90% Quốc hội và dân chúng Mỹ ủng hộ trong quyết định trừng phạt cộng sản Hà Nội qua Nghị quyết Vịnh Bắc Việt, 7 Tháng Tám 1964, phải bỏ cuộc tái ứng cử 1968. So với Walter Cronkite, Bob Woodward có phần độc hơn với thành tích hạ bệ Nixon, 1974; và chín đời tổng thống Mỹ phải nể sợ kể cả Tổng thống Reagan. Sau hơn nửa thế kỷ chiếm lĩnh ngôi vua trong giới báo chí Mỹ lẫn thế giới, năm 2021, Woodward mở mặt trận mới với Tham mưu trưởng liên quân Milley. Trận chiến đang tiếp diễn nhưng phần thắng thua hẳn đã thấy rõ.
#37- Trở lại với đại tướng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, sĩ quan cao cấp nhất của Quân lực Mỹ, Cố vấn Quân sự cho tổng thống, Hội đồng An ninh Quốc gia, Hội đồng An ninh Nội địa và Bộ trưởng Quốc phòng. Chức vụ cao, nhiệm vụ lớn nhưng rõ ràng, cụ thể. Nhưng viên đại tướng cao cấp này theo cáo buộc của Woodward trong cuốn sách viết chung với Robert Costa, một nhà báo khác cũng của Washington Post, cuốn sách có tên là ‘PERIL/Hiểm Họa’ đã phạm những tội tầy trời như sau.
Trong thời gian biến động bầu cử tổng thống, từ Tháng Mười 2020, đại tướng Milley đã hai lần nói chuyện điện thoại với ‘đối tác’ đại tướng Li của Trung Cộng. Lần đầu vào cuối Tháng Mười, vài ngày trước cuộc bầu tổng thống khai diễn, 3 Tháng Mười Một 2020, và lần thứ nhì, ngay sau ngày 6 Tháng Một 2021, ngày biến động với trăm ngàn người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump, bao vây tòa nhà Quốc hội khi Quốc hội đang chính thức họp kiểm phiếu bầu tổng thống.
Theo Woodward, tướng Milley bàn hai chuyện với tướng Trung Cộng: Thứ nhất trấn an Trung Cộng là mọi việc ổn định tại Mỹ, không có khủng hoảng chính trị hay đảo chánh gì hết. Và thứ nhì, cũng không có nguy cơ chiến tranh với Trung Cộng, và cho dù Tổng thống Trump có lên cơn không kiểm soát ra lệnh đánh Trung Cộng thì ông sẽ thông báo cho Trung Cộng biết trước.
#38- Dẫu chỉ là một binh nhì, cũng không ai có thể chấp nhận việc một Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đi nói chuyện với một tướng lãnh quân đội Trung Cộng trên thực tế vẫn chỉ là một đối thủ quân sự chứ chưa phải đồng minh chiến lược như Pháp, Anh… của NATO! Tướng Milley nói những gì? Bob Woodward trình bày chi tiết: Milley ra hai lệnh: Thứ nhất kiểm lại thủ tục bấm nút bom nguyên tử và ra lệnh Trung tâm chỉ huy chiến lược – Strategic Command Center phải thông báo cho ông biết trước khi có hành động (theo lệnh Tổng thống, lúc ấy là Trump).
Và thứ nhì, ra lệnh cho tất cả tư lệnh quân binh chủng Mỹ và Bộ Tư Lệnh Trung Ương – US Central Command – không được quyền hành động bất cứ chuyện gì kể cả việc tuân lệnh tổng thống (Trump) trước khi được phép của ông ta. Sách Peril của Woodward cũng cho biết là Tướng Milley cũng đã nói chuyện điện thoại với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi! Chủ tịch Hạ viện là một nhân sự không có bất cứ quyền hành, trách nhiệm để thảo luận vấn đề quốc phòng với tướng Milley. Như thế là thế nào?
Kết Luận: Câu chuyện đã quá dài, bài viết cần phải kết luận: Với quan điểm, kinh nghiệm của một quân nhân sống hết đời với chiến tranh Việt Nam, bản thân xét vấn đề qua những sự kiện cụ thể:
1/ Khi tướng Milley điện thoại cho tướng Trung Cộng lần thứ nhất, Bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper (7/2019-11/2020), xác định ông đã chỉ thị cho các viên chức Bộ Quốc phòng tiếp tục giữ liên lạc với các đối tác Trung Cộng như bình thường, nhưng không hề cho phép chính Tướng Milley điện thoại cho tướng Trung Cộng.
2/Khi Tướng Milley điện thoại cho tướng Trung Cộng lần thứ nhì, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Christopher Miller (11/2020-1/2021), cho biết ông tuyệt đối không hề cho phép Tướng Milley điện thoại cho ai hết.
3/Hiến Pháp Mỹ có ghi rất rõ tổng thống là tổng tư lệnh quân đội. Hiến Pháp cũng quy định quân đội và vấn đề quốc phòng phải hoàn toàn dưới quyền một nhân vật dân sự, tuyệt đối cấm không cho một quân nhân bất kể cao cấp tới đâu, lấy quyết định.
4/Tướng Milley cũng đã nói chuyện điện thoại với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi! Chủ tịch Hạ viện là một nhân sự không có bất cứ quyền hành, trách nhiệm để thảo luận vấn đề quốc phòng với tướng Milley.
5/Tất cả sách của Woodward viết trong mấy mươi năm có đặc điểm là không nói láo hay phịa tin, mà tất cả đều dựa trên những tiết lộ, tin mật (CÓ THẬT) của người này, người kia. Với số tuổi sắp chạm 80 (sinh 1943), chắc chắc Woodward không đem sự nghiệp một đời để bàn chuyện tầm phào, đánh kẻ vô danh, không mục đích. Vậy Sự Thật ở nơi đâu? Người viết không có khả năng kết luận, chỉ có thể nhận định cuối cùng: Ở Mỹ có rất nhiều trò ma không ai có thể lường được! TRÒ MA KHI MỸ THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH – LỊCH SỬ DẠY NHƯ THẾ.
Người Lính QL/VNCH – Công Dân Mỹ gốc Việt
Phan Nhật Nam
Để Tưởng Niệm Đại Họa, 11/9/2001-11/9/2021