Chuyện đổi tiền và những cuộc đánh úp tàn bạo

Cuộc đổi tiền năm 1985 (ảnh tư liệu)

Hôm qua ồn ào thông tin mật mà tòe loe, kín mà hở, rằng Sài Gòn sẽ bị lockdown (tạm dịch là phong tỏa). Lập tức có ngay những ông bà quan cai trị (chắc bị đẩy làm người phát ngôn nhất thời) đứng ra tuyên bố đó là tin đồn nhảm trên mạng xã hội. Với thể chế này, những thứ trên mạng xã hội, và cả chính mạng xã hội nữa, đều rất chi bố lếu bố láo. Lại nhớ từng có khá nhiều facebooker bị phạt, ít thì 2-3 triệu, nhiều thì 5-7 triệu đồng, về cái tội cầm đèn chạy trước ôtô.

Hôm nay 7 Tháng Bảy (song thất nhật), tin “đồn nhảm” đã thành sự thật. Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền “Saigonpore” chính thức công bố từ sau 0 giờ ngày 9 Tháng Bảy, tức nửa đêm mai, sẽ thực hiện chỉ thị 16 trên toàn thành phố, trong 15 ngày, rồi tùy tình hình sẽ tính tiếp. Gọi Chỉ thị 16 cho văn vẻ thế thôi, chứ thực ra là phong tỏa, cách biệt, ngăn cách, theo kiểu dân mạng là lockdown.

Tôi sống từ bé tới giờ ở thế chế này nên biết cái cách họ nói một đằng làm một nẻo, nhưng cứ ngoan cố giấu diếm. Họ chỉ cốt giấu được tới đâu hay tới đấy, nhưng họ không nghĩ rằng cách ấy cực kỳ tai hại, bởi thiên hạ sẽ không tin vào bất cứ thứ gì họ nói nữa, hoặc họ nói gì thì cứ phải hiểu ngược lại. Nhân vụ này, tôi kể lại chuyện họ mấy lần đổi tiền, cũng cung cách đó, rất chi là… bản chất ngoan cố.

Đổi tiền 1978

Tháng Tư, 1978, tôi vào Sài Gòn đã tròn năm. Một năm ròng với biết bao đổi thay khi chính thức bước vào đời. Hồi còn sinh viên, mọi thứ thật đơn giản, trong trẻo, ngay cả sự vất vả, đói khổ, thiếu thốn cũng được nhìn nhận rất nhẹ nhõm. Giờ thì thay đổi tận gốc. Chả khác gì cuộc vật lộn với đời, lăn vào bãi bể nương dâu. Lúc này sống được đã khó, chống chọi lại đủ thứ tai ách bủa vây lại càng khó hơn.

Đến khi tôi gõ những chữ này, thời gian đã trôi qua hơn 40 năm rồi, nên trí nhớ về ngày tháng cứ chập chờn, nhớ nhớ quên quên. Người ta bảo “cái gì không biết thì tra gu gồ”, nhưng tôi nhớ được đến đâu kể đến đấy, kệ cụ gu gồ. Láng máng là sát cuối Tháng Tư 1978, một buổi tối, chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn Trường dự bị  Đại học Tiền Giang (91 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5, TP.HCM) gọi đám anh em giáo viên trẻ miền Bắc chúng tôi lại, bảo rằng sáng mai có mặt để làm theo sự phân công của nhà trường. Cũng đoán được phần nào chuyện gì rồi bởi tin đồn đổi tiền đã rộ lên từ mấy hôm.

Phường tôi ở là trọng điểm người Hoa tại Sài Gòn. Họ đang chộn rộn, hoang mang lắm. Suốt mấy tối liền, tivi ra rả lên tiếng kêu gọi người dân cần tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, tin đổi tiền là đồn nhảm, do bọn phản động chống phá cách mạng, do bọn bành trướng Bắc Kinh xúi giục, bà con đừng có tin…

Hết lãnh đạo phường, đến quận, đến thành phố lên tivi trấn an dân chúng, vẫn điệp khúc hãy tin chính quyền, đừng mắc mưu kẻ địch. Đám công chức, giáo viên chúng tôi thực ra chả quan tâm lắm bởi làm gì có tiền mà đổi. Lương tháng 64 đồng, không có thêm bất cứ phụ cấp hoặc thu nhập gì, còn gọi lương ba cọc ba đồng, vào đúng thời điểm đói rách, ăn độn, thiếu thực phẩm, đói vàng cả mắt nên có đồng nào chén sạch đồng ấy, lấy đâu tiền dành dụm mà đổi.

Tuy vậy, cả đêm khó ngủ, chờ đến sáng hôm sau. Mới tờ mờ sáng ngày 3 Tháng Năm, khác hẳn mọi hôm, loa phường đã oang oang, thông báo lệnh đổi tiền. Nội dung cho biết đổi ở đâu, mỗi người được đổi bao nhiêu, mỗi hộ bao nhiêu…

Tiền mệnh giá 30 đồng, đồng tiền lạ không giống ai duy nhất trên thế giới, chỉ người cộng sản An Nam mới nghĩ ra được! (chú thích của tác giả)

Số cán bộ, giáo viên trường tôi được đổi tại trụ sở Ủy ban phường 9 trên đường Nguyễn Tri Phương, đối diện Trường cấp III Trần Khai Nguyên. Chú Thăng dặn dò, nhớ nhé, mỗi người được đổi 100 đồng, một hộ gia đình được đổi 200, nếu nhà đông người được tối đa 500 đồng.

Ai hoặc gia đình nào có nhiều tiền hơn số quy định phải làm bản khai cụ thể, tiền đó ở đâu ra, rồi số tiền ấy sẽ được gửi vào Ngân hàng Nhà nước, sau này xác minh là tiền chính đáng thì rút ra dần, còn không rõ ràng sẽ bị tịch thu.

Đó là ở thành phố, chứ vùng nông thôn, như Tiền Giang chẳng hạn, mấy thầy cô cùng trường tôi cắm trụ dưới Cơ sở II than trời, bởi cá nhân chỉ được đổi 50 đồng, hộ gia đình 100 đồng, hộ đông người tối đa 300 đồng. Nhà tôi quê ngoài Hải Phòng cũng vậy, bu tôi chịu khó buôn bán, tiết kiệm dành dụm, ăn chả dám ăn, tiêu chả dám tiêu, đổi có 300 đồng nên bị mất ối tiền, nhưng bu tôi giấu không cho cả nhà biết, sợ bị… mắng.

Tôi vét voi mãi chỉ còn chưa đầy hai chục, chẳng vội vàng gì. Lão Vy (Nguyễn Văn Vy đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn của tôi) cũng chẳng khá hơn, hình như có 21 hay 22 đồng. Độc thân cần quái gì dành dụm. Tay học sinh bộ đội đi học chơi thân với chúng tôi, Đào Gia Thiệp người Thủy Nguyên, có những hơn bốn chục.

Cả đám cười như nghé. Đang dập dờn định kéo nhau ra Ủy ban phường thì chị em cái Thu người Hoa bán tạp hóa-cà phê ở dưới phố hớt hơ hớt hải chạy lên kiếm. Tôi hay trò chuyện với Thu nên nó cũng mến tôi. Nó bảo anh ơi, nếu các anh chưa đủ suất thì đổi giúp em với. Ba đứa chúng tôi nhận lời, cái Thu đếm tiền đưa 200 đồng, cứ cảm ơn rối rít, rồi chạy vụt về, có lẽ đi tìm tiếp người khác nhờ đổi. Nhà nó buôn bán nên có tiền.

Ngoài Ủy ban phường không khác cái chợ vỡ. Mặc cho công an phường và dân phòng vòng trong vòng ngoài, dân chúng cứ rên rỉ, la hét, than thở, chửi bới, năn nỉ, thôi thì đủ kiểu. Một ông sồn sồn nhìn là biết ngay người Hoa, lớn tiếng, giọng lơ lớ, tỉu hà ma chúng bay, chúng bay là quân lừa đảo, quân ăn cướp, cướp không mồ hôi nước mắt của chúng ông. Mấy cậu thanh niên cờ đỏ đến nói gì đó, ông nhổ phì một phát, bỏ đi không thèm nói thêm một lời.

Thực ra chỉ có bọn người nhà nước chúng tôi và dân lương thiện ngây thơ tin vào tuyên truyền của nhà nước thôi, chứ đám có tiền thì họ đã ngóng đón trước rồi. Tôi nghe kể hôm qua có gia đình người Hoa ở chợ An Đông còn mua cả cần xé vé số để nếu hôm sau xổ số mà trúng sẽ có tiền hợp pháp.

Chú Thăng bảo rằng đổi tiền thế này về hình thức chỉ nhằm đánh vào bọn tư sản thôi, chứ công nhân viên chức ba cọc ba đồng đâu có ảnh hưởng gì. Rồi ông nói nhỏ, cũng là một dạng ăn cướp, ăn cướp hợp pháp. Đau nhất là cướp chính của dân. Còn tôi thì hiểu rằng từ sau vụ này khó mà tin được người nhà nước, tin vào mấy ông lãnh đạo, tin vào đài báo, tivi nữa. Mới hôm trước khăng khăng rằng không đổi tiền, hôm sau tráo trở nuốt lời làm ngược lại.

Xã hội sau vụ đổi tiền chả khác gì trải qua cơn bão, đầy bi kịch. Mấy hôm sau, nghe người ta kể lại có những người bị mất của, sạt nghiệp do đổi tiền đã thắt cổ hoặc nhảy cầu tự tử. Cộng đồng người Hoa bị đánh đòn kinh tế nốc ao này càng thêm chán ngán, họ rục rịch chuẩn bị kéo nhau về Hong Kong hoặc Trung Quốc.

Số người vượt biên ngày càng tăng nhanh. Trường tôi cũng có mấy thầy cô ra đi, trong đó có thầy Đái Phụng Thời, dạy toán, Phó bí thư Đoàn trường, bạn tôi. Số tiền mà chị em Thu nhờ đổi, chúng tôi lĩnh xong đưa trả lại không thiếu đồng nào. Một thời gian sau chị em Thu cũng vượt biên. Cả đứa học trò tôi là Trịnh Hảo Tố Như, người Hoa, nhà số 41 Nguyễn Chí Thanh, ngay sát ký túc xá 43 Nguyễn Chí Thanh tôi ở, cũng cùng gia đình lặng lẽ đi trong đêm, sáng hôm sau khi tôi xuống phố mới biết.

Cuộc đổi tiền năm 1978 đã gây ra bao nhiêu bi kịch, tang thương. Kẻ cai trị mới đã lộ rõ bản chất ăn cướp, mà đối tượng không ai khác chính là nhân dân. Kinh tế chẳng những không khá hơn mà ngày càng lụn bại. Và càng bi kịch hơn nữa, sau đổi tiền có vài tháng, đồng tiền lại mất giá nhanh vùn vụt, gần như chẳng còn bao nhiêu giá trị. Thày Vy đùa bảo không khác gì tờ giấy lộn, còn tệ hơn cả khi chưa đổi. (còn tiếp)

Cuộc đánh úp tàn bạo năm 1985

Như đã kể, trải qua cuộc đổi-cướp tiền Tháng Năm 1978, tôi đã biết sức mạnh của tiền và sự cay đắng mà đồng tiền đem lại. Nhưng phải nói, đến lần đổi tiền thứ tư, vào Tháng Chín 1985, và cũng là lần cuối cho đến tận bây giờ, tôi mới thực hiểu con người bị khốn khổ bởi đồng tiền như thế nào. Và cần làm rõ thêm, bản thân tiền bạc chả có tội gì, nó chỉ gây nên đau khổ khi nó được điều hành, chi phối bởi những thế lực cầm quyền ghê gớm, tàn bạo.

Suốt mấy năm trời, sự nghèo đói mò đến tận chân giường. Những nhà trước kia khá giả một chút giờ cũng bắt đầu lôi đồ đạc, vật dụng sinh hoạt ra bán dần. Sau cuộc chạy loạn “nạn kiều” của người Hoa năm 1978-1979 thì có lẽ cuộc chạy ăn của dân chúng, công chức, nhân viên nhà nước trước năm 1985 gây sôi động Sài Gòn nhất.

Mặt mũi ai cũng vêu vao, má hóp lại, da nhăn nheo đen sạm. Thương nhất mấy cô giáo, gầy còm, xanh xao vẫn phải đứng lớp ròng rã. Thầy Võ Thanh Long dạy lý – một trong những thầy giáo cự phách của Trường DBĐH, cũng như các thầy Trần Mạnh Hảo (toán), Cung Bỉnh Duyệt (lý), Nguyễn Cương (hóa), Nguyễn Văn Vy (văn), Phương Văn Dần (Nga)… cười méo xẹo – nói rằng giờ là lúc “thầy giáo tháo giầy”. Chưa bao giờ câu nói đùa ấy đúng cay đắng chua chát như lúc này. Thầy Hảo thì bảo cứ nói “giáo chức – dứt cháo”, cũng đúng quá đi mất.

Xung quanh chợ An Đông (quận 5) gần trường tôi hình thành mấy lề đường chợ trời, người ta đem đủ thứ ra đó bán, từ cái tủ lạnh, tivi vốn rất hiếm lúc bấy giờ, đến cái thìa chiếc muỗng bằng inox, thậm chí cả cái dây kéo fermeture cũ dùng rồi cũng tháo khỏi quần áo cũ bày ra bán. Miễn thứ nào có người mua là bán thì mới có tiền mua gạo mua cá cho khỏi chết đói. Hồi người Hoa chạy, tôi còn lang thang lề đường kiếm tìm những thứ đồ rẻ, mấy con dao ăn, bức tranh khắc gỗ (giờ vẫn còn) nhưng đến kỳ này thì tiền cũng chả có để mua.

Đồng tiền mệnh giá 10 đồng này (mệnh giá cao nhất trước năm 1978) còn được dân gian âu yếm đặt tên là “cụ mượt” (chú thích của tác giả)

Đồng lương vẫn thế nhưng tiền mất giá kinh khủng, vừa lĩnh ở phòng tài vụ xong, ra đến cửa là đã có thể vơi đi cả nửa do trả nợ. Bóp mồm bóp miệng lắm cũng chỉ kéo được hơn hai chục ngày với số tiền còm ấy. Vài năm trước, lương còn đủ mua được chục ký gạo, hằng ngày nhặt nhạnh mớ rau, con cá vụn…, còn giờ tan trường là cúi mặt vội về, không dám la cà ngoài chợ nữa. Thằng con đầu lòng tôi, sinh Tháng Năm 1984 tính toàn bộ tuổi nhũ nhi của nó chỉ được uống đúng một hộp sữa Meiji hơn 400gr khi nó bị ỉa chảy. Hôm chạy xe đạp tới đường Nguyễn Thông quận 3 mua hộp sữa ấy, tôi hiểu rằng mình sẽ phải nhịn ăn trong nhiều ngày tới.

Lạ ở chỗ, đến năm 1984-1985 đồng tiền không những mất giá khủng khiếp mà cũng rất hiếm. Trường tôi tháng nào cũng nợ lương giáo viên, nghe đâu phòng tài vụ của anh Trần Văn Thông (trùng tên với tôi, khác họ) bảo rằng nhà nước không có tiền (chẳng bù bây giờ, cứ thiếu tiền là in, kệ cụ lạm phát).

Mấy đứa em họ tôi làm công nhân cũng than xí nghiệp không có tiền. Sao người ta xì xào nhà nước in tiền liên tục, nhờ Tiệp Khắc in nhiều lắm. Vậy thì tiền nó chạy đi đâu? Hàng hóa khan hiếm, tiền mất giá và thiếu hụt, cuộc sống đi xuống từng ngày, tất cả in khắc vào gương mặt. Vợ tôi đang thất nghiệp, ở nhà chăm cu con đầu lòng, mỗi lần thấy chồng thất thểu từ trường về, chán chả hỏi gì nữa, bởi có hỏi cũng vẫn những câu trả lời cũ kỹ vô hồn. Quả thật, mình đang sống mà có cảm giác tất cả đều rất cũ, như sống thời xửa thời xưa kiếp trước chứ không phải bây giờ, sống hộ ai đó chứ không phải cho chính mình.

Nhìn những khuôn mặt xanh xao, xám xịt, quắt queo, gò má nhô ra của người thân, của đồng nghiệp, bạn bè, tôi tự hỏi chả biết dòng đời còn trôi chảy đến đâu nữa. Đành phó mặc dòng đời mà sống thôi.

Từ nửa cuối Tháng Tám 1985 đã râm ran tin đồn đổi tiền. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy, người huyện Thủy Nguyên, học trước tôi một khóa, vào Sài Gòn dạy trước tôi một năm, là người vốn rất hiền lành chuẩn mực, vậy mà cáu tiết “đổi đéo gì đổi lắm thế”, cứ như thể cuộc đổi tiền ghê rợn lần trước, năm 1978, mới vừa xảy ra vậy. Có nhẽ sự ám ảnh ấy nó đeo đẳng, kéo dài, đau đớn quá, khó có thể quên. Cứ qua mỗi ngày, tin đồn lại càng rộ càng đậm.

Đám đàn ông người Hoa cởi trần hoặc áo may ô ba lỗ tuổi sồn sồn sáng nào cũng ngồi cà phê chỗ góc vườn hoa ven đường An Dương Vương gần nhà thờ Thánh Jeanne D’Arc, quận 5 bàn gì bí mật lắm. Thầy Cung Bỉnh Duyệt bảo đó là những xì thẩu, họ quyết định về kinh tế lên hay xuống của Sài Gòn.

Cứ xong cữ cà phê sáng của họ thì lại có “đường lối” kinh tế cụ thể cho ngày ấy. Giá vàng, giá trị đồng tiền, gạo nước, vải vóc, tôm cá lên xuống ra sao đều được quyết định từ cái góc xộc xệch nhếch nhác này. Thầy Duyệt cười, đổi tiền hay không, cứ ra đó là có thể biết. Đám ấy không quyết định việc đổi tiền nhưng nó biết chắc chắn có đổi tiền hay không. Nó không bị mắc mưu bị đánh úp như hồi năm 1978 nữa.

Mỗi lần nhà nước đổi tiền là mỗi lần đồn đoán, lo sợ, giải thích, phân trần, trấn an. Lần này 1985 cũng vậy. Truyền thông nhà nước đưa một số vị lãnh đạo có tên tuổi lên tivi, lên đài phát thanh khuyên nhân dân hãy tin tưởng vào đảng và nhà nước, đừng mắc mưu bọn bóc lột, bọn chống phá cách mạng, bọn bành trướng Bắc Kinh.

Nhưng dân thì đã rút ra được kinh nghiệm xương máu, cứ bao giờ có ông to bà nhớn nào lên kêu gọi dụ dỗ thì chỉ vài ba ngày sau là đổi tiền. Đến giữa Tháng Chín, tôi nhớ láng máng ngày 13 hay 14 Tháng Chín chi đó, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm khi họp ban giám hiệu với các tổ trưởng bộ môn đã xì ra thông tin sẽ có đổi tiền, thầy bảo nghe thì biết vậy, đừng nói lung tung. Trò đời, với những thứ quốc cấm ấy thì giấu làm sao được. Tôi chỉ về hé với thầy Vy, bởi tôi cũng chẳng biết liệu có đổi hay không. Thầy Vy nói, tao với mày, cũng như đám đánh Mỹ quá đà tụi mình, có mấy đồng bạc ranh, đổi hay không đổi sợ chó gì…

Đọc tiếp: Chuyện đổi tiền: Cuộc đánh úp ăn cướp năm 1985 (bài 2)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: