Khép lại cánh cửa đời

Hình minh họa: pexels-quang-nguyen-vinh

Sau ngày 30 Tháng Tư, lúc thu dọn sách vở, hành lý để về quê Kiên Giang tôi biết từ nay cánh cửa trường Văn khoa- hay bất luận trường nào- đã vĩnh viễn khép lại với mình.

Rồi nhớ những buổi sáng hăm hở đến trường, náo nức chờ nghe các giáo sư giảng các bài học triết, Anh văn, Hán văn… gặp gỡ bao nhiêu sinh viên nam nữ từ khắp miền đất nước hội tụ về, được kết thân với nhiều anh, chị, bạn khả ái lịch sự mà nghe tiếc nuối ngẩn ngơ.

Lâu lắc gì cho cam, chỉ cách đây dăm hôm thôi, tôi tưởng chừng nhiều năm tháng trôi qua rồi bởi bao nhiêu biến cố dồn dập xảy đến. Xã hội thay đổi, kéo theo cuộc đời hàng triệu con người thay đổi – trong đó có gia đình chúng tôi –như từ ánh sáng bạch nhật hoá thành màn đêm âm u, tăm tối.

Ba tôi vào trại tù cải tạo, chị hai mất việc, láng giềng ngưng đem vải cho má may quần áo, vì đâu biết những ngày sắp đến thế nào mà chưng diện. May là ngoại còn lúa gạo dự trữ đủ ăn nguyên năm cho cả gia đình mười miệng. Cái ăn chưa đến nỗi khẩn cấp, nhưng nỗi buồn tù tội, thất học, tương lai tăm tối đổ ập lên gia đình tôi. Bầu không khí ảm đạm bao trùm, không còn tiếng cười nói vô tư bình yên như xưa nữa.

Ở tỉnh thành lập đoàn học sinh sinh viên(SVHS), gom tụ thành phần “ưu tú tương lai” lại, chia ra nhiều toán, mỗi toán chục người với nhiệm vụ đi gom rác rưởi các chợ, móc ống cống đường mương bị nghẹt, nhổ cỏ công viên… Giao cho vài SV hăng hái muốn lập thành tích chỉ huy, sáng sáng tụ họp ở địa điểm định sẵn, phân công việc cho các SVHS ngơ ngác khờ khạo chưa nhận thức được sự đổi đời, hy vọng sắp tới sẽ được trở lại trường học, túa ra nhiều ngã, dùng cuốc xẻng dao hoặc tay không, hì hục hăng hái “lao động là vinh quang” từ sáng đến trưa, tạm ngừng chạy về nhà ăn cơm, xong chiều ra làm tiếp. 

Mấy người trưởng, phó, thư ký đoàn từng là bạn khá thân thiết với chị em tôi. Lúc ở Saigon, tuy không học cùng phân khoa nhưng thường xuyên gặp trong các lần họp mặt hội ái hữu tổ chức cắm trại Lái Thiêu, Bình Dương, hoặc đến chỗ trọ nấu chè, làm bánh xèo… đàn ca hát xướng rất vui vẻ đầm ấm.

Bây giờ gặp lại, họ làm ngơ như thể chưa từng quen biết. Thật không hiểu nổi. Vì thừa biết gia đình tôi thuộc thành phần không được chào đón ở chế độ mới nầy, nên họ xa lánh cho khỏi liên luỵ chứ gì.

Chị em tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” được vài tuần lễ, rồi nhận thức rõ ràng là chế độ mới nầy chẳng bao giờ chấp nhận cho chúng tôi tiếp tục trở lại trường học, nên quyết định ngừng gia nhập đàn cừu non phí thì giờ vào chuyện vô bổ dọn rác xúc mương nơi công cộng, thay vì ở nhà đỡ đần gia đình việc nội trợ có ích hơn.

Mưu sinh? Từ nhỏ đến giờ, ngoài chị hai thì năm chị em tôi trở xuống có làm ra một đồng xu cắc bạc nào ngoại trừ quét nhà nấu cơm giặt quần áo? Đa số các nhân viên công chức cũ bị thôi việc vì lý lịch, thiếu người nên họ tuyển dụng người mới thay thế, trình độ học không cần bằng cấp miễn sao thuộc thành phần không dính líu với chế độ cũ vào làm việc ngân hàng, dịch vụ thương mại, giáo viên… nên tôi cũng thử nộp đơn xin việc. 

Phải có tờ khai lý lịch, qua chứng nhận của ông trưởng khóm và công an phường kèm theo lá đơn. Ông trưởng khóm “ba mươi tháng tư” vốn xuất thân nông dân rặt, bốn mùa đi chân đất, khăn ca-rô choàng qua cổ làm dáng, răng bám nhựa thuốc, chữ viết ngoằn ngoèo chứng vào tờ đơn tôi đại khái như sau: 

-Chứng nhận đương sự ngụ tại địa chỉ v.v… có cha là công chức nguỵ đang đi học cải tạo.

Đến công an phường, tên đồn trưởng cũng viết y hệt rồi đóng mộc. Thử hỏi với nhân thân như thế thì trường học hay cơ quan nào dám nhận tôi vào làm việc dù chỉ đứng bán hàng tạp hoá hay khiêng vác gạch cát đá ở công trường?

Tôi đau khổ tuyệt vọng vì không thể tự lo bản thân, nhẹ gánh phần nào cho má và chị hai. Nên tìm an ủi chúi đầu vào đọc sách để tạm quên thực tại, những quyển sách văn học, lịch sử, chính trị dày được tôi nghiền ngẫm nhiều đến độ thuộc lòng từng chi tiết chương đoạn. Nhìn đống sách chương trình học rất giá trị đúc kết từ tri thức lỗi lạc của các giáo sư, tiến sĩ dành cho hậu sinh, tôi đã thức nhiều đêm gạo bài chuẩn bị kỳ thi lên năm thứ hai mà thẫn thờ chua xót.

Hình minh họa: pexels-mimi-fitz

Tôi hưởng thú đọc sách thêm thời gian không lâu thì họ phát động chiến dịch “tiêu huỷ đốt văn hoá phẩm đồi truỵ của tàn dư Mỹ Nguỵ”, chúng tôi đem đốt nấu ăn gần hết, chỉ giấu được vài chục quyển vào thùng đựng đạn đại liên chôn dưới lòng đất. Nhưng tôi còn cố giữ lại được tập thơ chép tay sưu tầm các bài thơ hay của nhiều thi sĩ từ thời tiền chiến đến cận đại. Tôi thường đem quyển thơ ra ngồi đu đưa trên chiếc võng mắc ngoài hàng ba nhà sàn của ngoại đọc tới đọc lui các vần thơ thanh tao lãng mạn mượt mà hòng chạy trốn hoàn cảnh thực tế trần trụi chốc lát. Một buổi trưa tôi đang đắm hồn vào cõi mộng qua những lời thơ trữ tình của nhiều thi sĩ:

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Mắt xanh lã bóng dừa hoang dại

Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng (Mộng Dưới Hoa, thơ Đinh Hùng)

Hoặc:

Mai tôi ra đi chắc trời mưa

Tôi chắc trời mưa mau

Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội

Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau (Paris, Thơ Nguyên Sa)

Tôi đang còn ngẩn ngơ với bốn câu thơ của Wolfgang Goethe được Đan Chinh phỏng dịch một cách thần sầu, bởi nó đánh trúng vào tâm trạng tôi hiện tại:

Anh là vĩnh phúc trên đường về hư mất

Lúc đời sống còn độc hơn cả chính cơn đau

Và cái đẹp phát sinh từ ngỗ nghịch

Chính là điều cuốn ta lại gần nhau

Thì một giọng nói thô thiển đàn ông sát bên tai khiến tôi giật nẩy mình vì bất ngờ:

-Ê con nhỏ đọc cái gì đó, đưa đây tao coi.

Nhìn lên, là cậu ba Tòng đứng cạnh hồi nào tôi chả hay biết. Cậu gốc Saigon nhưng lấy vợ láng giềng cách nhà tôi chục căn, làm nghề chạy xe Lambretta chở khách. Giao hảo tốt đẹp với ba má, thỉnh thoảng đến nhà uống trà, kể đủ thứ chuyện đời vô thưởng vô phạt. Sau ngày 30 Tháng Tư, bỗng cậu bỏ nghề chạy xe, ngày ngày cầm cuốn sổ lớn đi từng nhà kêu họp hành hoặc kiểm kê dân số… thái độ hống hách, lời lẽ sử dụng toàn các danh từ tối nghĩa sặc mùi cộng sản. Chúng tôi khá ngạc nhiên sao cậu học ở đâu mà lẹ thế. 

Tôi đưa quyển thơ cho cậu. Ông cầm lên đọc, lật tới lật lui hồi lâu mấy trang sách rồi hỏi:

-Mấy cái vớ vẩn này mày chép ở đâu vậy?

Tôi trả lời đại:

-Thầy dạy môn Quốc văn dạy tụi con ở trường.

-Toàn là thơ văn uỷ mị, sặc mùi tiểu tư sản. Mầy đem đốt liền nghe chưa.

Chỉ còn mỗi tập thơ là nguồn an ủi, thế mà ông cũng truy cùng đuổi tận. Uất ức nên bỗng dưng hết sợ, tôi cãi:

-Sao gọi là uỷ mị? Ai mà không có tình cảm, tâm hồn trái tim để yêu thương đồng loại con người với nhau hả cậu? Hồi cậu cưới mợ, bà thím (tức là má vợ của ông) đâu có đồng ý. Nếu cậu không thương mợ, sao cậu vẫn nhất định chinh phục để cưới cho được, vậy cậu cũng uỷ mị sao?

Nghe tôi nói cứng, ông ngẩng phắt đầu lên trừng mắt nhìn tôi, mở miệng định nạt gì đó, tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ông không chớp.

Cuối cùng ông ta hạ giọng: 

-Mầy đem cất quyển tập đó từ nay không được đem ra đọc nữa nghe chưa? Bây giờ tao giao cho mầy công việc nầy nè, là đi với chị mầy đến từ nhà kiểm kê nhân số, nơi sanh, tình trạng gia đình, học lực, nghề nghiệp… điền vào các mẫu có sẵn đây. (Không lâu sau, chả biết lý do gì ông cũng vào tù. Khi được thả, ông bán nhà đưa vợ con đi đâu mất tiêu.)

Ngoại tôi sở hữu vài mẫu đất ruộng, tự đứng ra canh tác mỗi năm một mùa là dư gạo ăn cho cả nhà mười người, còn bán bớt số lúa thặng dư. Lúc đầu ruộng chưa bị bắt vào hợp tác xã nên ngoại vẫn tiếp tục ra đồng, dù bà ngoại đã sáu mươi bảy tuổi, ông ngoại bảy mươi ba. 

Nghe rục rịch địa phương gởi giấy đến gia đình nào có trai gái từ 18 tuổi đi làm thuỷ lợi nhiều ngày– tức đào kênh rạch– ở những vùng xa xôi hẻo lánh, không điện, nước mặn, muỗi đỉa dầy đặc. Nhà tôi cả đàn năm cô gái ở tuổi xuân không có việc làm, sợ họ bắt đi đào kênh nên ông bà ngoại thương cháu, gom cây lá dừa nước vào cất cái chòi nhỏ trên bờ đê ngay thửa ruộng cách nhà hơn cây số, khoảng 4 mét vuông cho mấy chị em tôi, giả như đi làm ruộng, hầu đánh lạc hướng để họ không bắt đi đào kênh nơi vùng hoang vu hiểm độc.

Thế là sáng sáng, tôi mặc cái quần nhuộm úa màu, đen không ra đen, vàng không ra vàng chất liệu xấu giặt nhiều lần bị cuốn lai nhăn nhúm cao lửng lơ khỏi mắt cá chân, áo bà ba vải thâm nâu má may cho mỗi đứa một cái – cũng để che các cặp mắt soi mói–mang theo sách – cũng lại sách, may là họ có bán quyển Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo. Bà ngoại luộc nồi khoai lang đỏ, em gái tôi còn vác cái mền theo để đắp nữa chứ. 

Hình minh họa: pexels-tom-fisk

Tiếng là đi làm ruộng, thực ra chúng tôi chỉ vào chòi nằm đắp mền đọc sách, ca hát, ăn khoai lang. Đến trưa, còn bắt cậu em trai 15 tuổi lội nước đem cơm vào. Xế chiều lững thững thu dọn đồ đạc trở về nhà, lội qua mấy cánh đồng nước ngập, rất sợ đỉa vắt bám hút máu. 

Qua đợt gọi đi làm thuỷ lợi, chị em tôi cũng chán không vào ruộng nằm đọc sách ăn khoai nữa. Đến khi lúa chín, phải thuê thêm mấy người thợ cắt lúa, đập lúa, chuyên chở lúa bằng xuồng nhỏ từ ruộng về nhà…

Tôi cũng ra đồng giúp giũ rơm. Số là lúc ấy mọi việc chưa dùng máy móc, mà toàn sức người. Sau khi gặt lúa, đến lúc đập lúa thì phải thuê các thanh niên trẻ khoẻ mạnh quấn bó lúa to nặng bằng dụng cụ đặc biệt (tôi không biết tả sao cho dễ hiểu), dùng cả hai cánh tay giữ chặt, giơ bó lúa lên cao lấy sức đập mạnh xuống tấm ván kê nghiêng góc 45 độ cho hạt lúa rơi ra tuôn xuống cái nệm đan bằng cói. Mỗi bó lúa phải đập nhiều lần cho đến khi hết hạt. Lúc ấy tôi sẽ nhặt từng bó lên giũ tiếp cho các hạt còn dính sót ở giữa rơi hết hẳn. 

Động tác khom lưng cúi xuống nhặt bó rơm, đứng thẳng lên dùng hai cánh tay giũ mạnh xong quẳng bó lúa ra xa… được tôi lặp đi lặp lại từ sáng đến chiều hàng ngàn lần liên tiếp, cho hết hai mẫu lúa. Trời nắng hừng hực, tôi đội nón lá, mái tóc nửa lưng được cột lại gọn gàng, không quen che mặt nên khi Mặt trời ngã dần về Tây, đống rơm rạ cao vút lên không như ngọn đồi nho nhỏ thì hai má tôi đôi đỏ bừng, thân thể rã rời, lưng và hai cánh tay mỏi nhừ nhấc hết lên, tôi cố gắng chịu đựng không than thở tiếng nào. Nghĩ thầm: Ông bà ngoại tuổi cao thế mà còn làm quanh năm không nề hà, còn tôi chỉ làm chưa đầy một ngày. Càng nghĩ càng thương ông bà ngoại vô biên.

Một trong các anh người Khmer đập lúa chắc quan sát tôi từ sáng, lên tiếng:

-Trời ơi cô ơi, nghề ruộng nhọc nhằn cô làm không nổi đâu. Cô về kiếm nghề gì nhẹ nhàng văn phòng mà làm đi. 

Tôi chỉ cười nhẹ. Trả lời anh thầm trong lòng: Anh ơi, giá mà tôi có quyền chọn lựa tương lai cho mình nhỉ? Cuộc sống kéo dài hai năm không có ngày mai như thế. Tưởng đã rơi xuống tận cùng nấc thang xã hội, ngờ đâu cuối năm 1977 gia đình tôi còn sống trong hoàn cảnh bi thảm hơn nữa… 

Thật may mắn phúc đức cho những ai đã vượt thoát trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975 ấy. 

Thụy Sĩ, 25 Avril 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: