Mỗi năm đến Tháng Tư là tâm trạng tôi cứ man mác nỗi tiếc thương. Những kỷ niệm từ 48 năm trước hiện về rõ nét dù lòng không muốn nhớ. Không muốn nhớ bởi những ngày đen tối ấy chẳng những đã giáng tai ương cho cuộc sống của gia đình tôi và chính bản thân mà còn gieo tang tóc chia lìa cho hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng Tự Do nói chung.
Ngày 26.04.75
Để đến trường Văn Khoa, tôi luôn phải đi ngang Đại Sứ Quán Mỹ. Từ mấy tuần qua, thấy người ta đứng sắp hàng rồng rắn trước cổng, mỗi ngày mỗi dài ra, mỗi nhiều thêm lên. Lúc đầu tôi thắc mắc không hiểu, sau mới biết là họ đến ghi tên xin đi Mỹ. Rồi đường phố thấp thoáng chỗ nầy chỗ nọ bóng dáng nhiều người mặc quân phục VNCH hơn thường lệ. Rồi số người từ miền Trung chạy loạn đổ xô vào, trong số đó có gia đình những người bạn học quê Qui Nhơn, Huế, Quảng Ngãi…
Tôi quyết định bỏ trường, ra xa cảng miền Tây mua vé xe đò về quê cách 250 km với mục đích kể cho ba má nghe những gì tôi chứng kiến cùng những gì dư luận bàn tán về cuộc chiến, định thuyết phục ba má tìm đường ra đi. Bởi chúng tôi sống ở một tỉnh có bờ biển lẫn sông rạch kinh ngòi chằng chịt nên việc ra đi lúc ấy rất dễ dàng như đi dạo chơi, chỉ cần đến bến tàu, xuống thuyền trả tiền cho tài công thuê họ chở đến nơi hạm đội của Mỹ chờ sẵn ngoài khơi gần đảo Phú Quốc là thoát hiểm họa.
Ngày 27.04.75
Vì chị ba và em gái thứ năm vẫn còn ở lại Sài Gòn – hai người vương vấn người yêu nên còn nấn ná – má kêu chị hai sáng hôm sau nghỉ làm (chị là thư ký cho Ty Thông tin nơi ba tôi đảm trách), để đi Sài Gòn đón hai người và thu xếp đồ đạc về quê, không được nấn ná. Sáng 5 giờ chị hai ra đi, gần chiều đã thấy chị quay về một mình. Thì ra hôm qua chiếc xe đò chở tôi buổi sáng đi qua Cai Lậy vẫn còn an toàn thì đến trưa đã bị Cộng quân tấn công với đạn, pháo, mìn, súng… Người chết rất nhiều, đoạn đường bị chặn không thể qua lại. May mà chuyến xe tôi đi sớm, chứ không thì chiếc xe chở tôi có thể cũng là một trong những chiếc xe bị trúng đạn pháo.
Nhà tôi nằm ở ngoại ô quận cách tỉnh 7km. Mặt trước nhà là liên tỉnh lộ nối dài Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn. Bên kia con đường là sân bay nhỏ dân sự lẫn quân sự chạy dài từ Cầu Hoằng ngút đến tận Ngã Ba. Nhà chúng tôi nằm giữa đoạn sân bay ấy. Xa hơn phạm vi phi trường là các đồng lúa xanh ngút ngàn của nhiều nông gia, trong số ấy có của ông bà Ngoại tôi. Phía sau nhà là dòng sông hiền hoà mà chiều chiều khoảng 5 giờ, nhiều chiếc giang đỉnh chở khoảng chục người trên mỗi chiếc, có cả cố vấn Mỹ chạy ngang nhà vào tận các làng mạc xa xôi, cho đến tận sáng hôm sau mới trở về căn cứ. Thỉnh thoảng có chiếc bị bắn chìm, và người đi chiều hôm trước không bao giờ trở về sáng hôm sau.
Ba tôi ban ngày vẫn ra ty – ngoài tỉnh – làm việc bình thường. Trưa, tối về ăn cơm, nhưng bắt đầu từ Tháng Ba, mỗi tối ông vào ngủ trong dinh quận, cách nhà tôi gần 1 km. Từ sau Tết, bên kia sông, đoạn giữa Cầu Quây và mộ ông Hội Đồng Suông, một nơi khá hoang sơ, là căn cứ địa của “bọn họ”. Cứ vài tối là họ lén lén lút lút ra phát loa ra rả đòi tiêu diệt sĩ quan công chức VNCH, trong đó có tên ba tôi. Gần sáng thì họ thụt trốn đâu mất dạng.
Ngày 28.04.75
Lần này đích thân Má đi Saigon để tìm hai con gái bị kẹt trên ấy. Cũng như chị hai, đến chiều lại quay về vì có trận đánh lớn, cắt giao thông hoàn toàn. Ba má lo lắng, nỗi bất an hằn rõ trên mặt. Lúc ấy chưa có điện thoại nên không sao liên lạc được. Má như ngồi trên đống lửa.
Ngày 29.04.75
Má may mười bao vải nhỏ cho mười thành viên trong gia đình, gồm ông bà Ngoại, Ba Má, và sáu chị em tôi. Xếp vào mỗi bao mấy bộ quần áo cho từng người, vật dụng cần thiết, giấy tờ khai sinh, bằng cấp học lực, ít tiền… nói để khi cần thì bao của ai người ấy mang đi cho nhanh.
Cách nhà tôi hơn nửa cây số có căn cứ của quân chủng Hải Quân. Bình thường họ ra ngoài sinh hoạt những lúc không phải đi hành quân, trên các giang đỉnh siêu nhẹ lướt nhanh. Lúc còn học ở quê nhà, tôi thấy họ mỗi ngày. Bây giờ, họ túc trực ngày đêm trong doanh trại, không thấy xuất hiện ngoài đường phố nữa.
Ngày 30.04.75
Khoảng nửa đêm ngày 29.04 rạng sáng 30, mọi người đang ngủ bỗng choàng thức bởi tiếng súng, xen tiếng đạn pháo liên hồi từ phía cánh đồng bên ngoài phi trường bắn tới tấp, vào chung quanh nhà chúng tôi và nhà hàng xóm. Ông bà Ngoại, Má kêu mấy chị em tôi mau ra khỏi mùng chạy núp vào góc kẹt của bồ lúa sau nhà bếp.
Bao nhiêu năm chiến tranh, chúng tôi thường xuyên thấy quân phục các quân chủng VNCH của họ hàng, thân thuộc, bạn hữu…, xe thiết giáp, xe jeep, GMC, trực thăng, chiến đấu cơ, chiến hạm, giang đỉnh…, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi trong tâm điểm của trận chiến trực tiếp giữa hai phe đối lập. Nghe tiếng súng bắn gần bên tai như thế, bàng hoàng, kinh hãi không sao tả hết. Tôi kêu thầm trong đầu: Trời ơi, VC đã mò tới đây rồi sao? Họ có tìm giết chúng tôi – thuộc thành phần công chức – như họ đã làm trong trận Mậu Thân 1968 Huế không?
Trời sáng, đã thấy rõ mặt người. Lợi dụng thỉnh thoảng tiếng súng hơi lơi, Ngoại, Má và cậu em trai ra trước nhà, hé mở cánh cửa sổ quan sát. Nghe tiếng Má thảng thốt kêu nho nhỏ:
–Trời ơi, có mấy ông đội nón cối nằm bên kia vệ đường bắn vào nhà dân kìa. Đóng cửa chặt lại, tìm chỗ núp cho mau.
Chúng tôi quá sợ hãi, chui trở lại vào cạnh bồ lúa. Nếu họ có bắn từ đàng trước vào thì đã có bồ lúa cao chất ngất che. Trời càng sáng rõ thì âm thanh lửa đạn càng dữ dội. Bây giờ chúng không phải chỉ đến từ phía cánh đồng mà mọi phía: Từ căn cứ Hải quân, từ dưới sông, khi các chiếc giang đỉnh bắn đáp trả.
Đến trưa thì tiếng súng, tiếng pháo lớn càng liên tu bất tận. Chúng tôi nằm dí một góc không dám cục cựa. Một tiếng nổ thật lớn ngay nhà dì ba kề bên, rồi nghe tiếng dì khóc nấc lên kinh hoàng, kêu cứu má tôi:
–Trời ơi là trời, chị hai ơi, bé Mai Chi bị trúng thương chết rồi chị hai ơi. Con ơi là con ơi. Sao con bỏ ba má mà đi sớm vậy hả con ơi.
Dì ba là em họ dì với má tôi. Chồng dì là hạ sĩ quan đang làm nhiệm vụ tuyển mộ tân binh ở tỉnh. Sau, dì kể là một mảnh đạn cối bay lạc, văng miểng trúng vào ngực con bé 11 tuổi. Bé hộc lên một tiếng nhỏ rồi hồn lìa khỏi xác, trong miệng vẫn chưa kịp nuốt củ khoai lang dì nấu ăn tạm cho qua cơn đói. Còn dì thì trúng thương ngay chân và bụng, máu chảy lênh láng.
Thế là dì cùng bốn con trai còn lại, từ 15, 13, 9, và 3 tuổi, chân thấp chân cao băng qua mảnh sân sau, mò mẫm qua nhà chúng tôi. Thêm mười mấy người hàng xóm ở gần cũng nhập chung. Thế là có hơn hai chục người dồn đống, kẹt bồ lúa không đủ chỗ nên chia nhau chui nằm dưới chiếc giường sắt kê cạnh. Má tôi xé áo băng tạm vết thương cho dì chứ không còn cách nào khác.
Ngày thường Mai Chi học chung, chơi chung với em gái út 10 tuổi của tôi. Giờ chứng kiến cái chết quá bất ngờ thương tâm bởi miểng đạn vô tình, và máu me đầy người của dì ba, em tôi khóc la thất thanh, khiến mọi người đều rúng động tâm can.
Tiếng súng nặng, nhẹ vẫn dồn dập không ngớt, ngoài đồng bắn vào, dưới sông trả đũa bắn lên, nhà dân ở giữa lãnh đủ. Linh cảm sự chẳng lành nếu cứ trốn trong hốc bồ lúa, Ngoại và hai người hàng xóm liều mình chạy xuống mé sông. Ngẫu nhiên có chiếc tàu nhỏ dùng chuyên chở hàng hoá, thực phẩm của ai neo đậu ngay bến nhà tôi, Ngoại bèn thúc giục mọi người dìu nhau nhảy xuống, nằm rạp dưới lòng tàu. Đạn lớn nhỏ thi nhau rớt chung quanh chiếc tàu, bắn nước văng tung toé cả vào mặt chúng tôi.
Thế rồi người lớn thay nhau dùng chèo, chống qua bên kia bờ, thoát ngoài tầm đạn giao tranh. Không ai bị trúng đạn. Đúng là phép lạ. Dì ba bị thương nặng không thể đi, má tôi và cậu em trai 15 tuổi dùng chiếc mền làm võng đặt dì lên, cột hai đầu mền vào chiếc dầm bơi làm đòn gánh lếch thếch nhấc dì đi theo con đường đê ruộng gập ghềnh, lần dò ra ngoài lộ lớn cách hơn hai cây số, chờ xe lam chở dì ra bịnh viện tỉnh. Phần tôi thì ẵm cậu bé Tùng ba tuổi. Trời trưa nắng như đổ lửa trên đầu. Đoàn chúng tôi toàn đàn bà trẻ nít hơn hai chục người thất thểu lê bước. Tội nghiệp má và em trai, bởi dì ba vốn thân hình khá tròn trịa nên cứ đi được vài chục thước là phải dừng lại, ì ạch thở. Những người đàn bà trẻ đi cùng đều bồng bế trên tay con nhỏ nên không ai đỡ đần má và em tôi để cáng dì ba.
Khát nước cháy cổ, lo tránh đạn đâu có thời gian và tâm trí để mang theo nước, cạnh ruộng có vũng nước nhỏ đục ngầu. Có lẽ là vũng nước trâu nằm chăng? Mọi người mừng như bắt được vàng, bụm nước vào lòng bàn tay mà uống lấy uống để, dù nước ruộng có vị sình non! Hơn hai cây số nhưng phải mất từ trưa đến chiều mới ra được đường cái. Má tôi ngồi vật ra lề, lã đi vì mệt, chờ chiếc xe lam chở đoàn người chạy nạn ra tỉnh. Sau đó gia đình tôi tụ họp ở nhà bà-nội-nuôi. Ba tôi bị kẹt trong Ty Thông tin tỉnh từ mấy ngày nay, cùng đến đoàn tụ.
Nhưng cuộc đoàn tụ chỉ kéo dài thêm vài ngày. Chị ba và em gái thứ năm thu dọn quần áo về quê, chuyện học hành của chúng tôi hoàn toàn khép lại. Ba tôi ra trình diện, bên “may mắn thắng cuộc” hứa chỉ học tập vài hôm, nhưng vài hôm ấy biến thành bảy năm khổ sai nơi U Minh Thượng.
Khi trở về nhà, mới thấy góc vách chỗ chúng tôi ẩn nấp cạnh bồ lúa có nhiều lỗ thủng, còn chiếc giường sắt cháy còng queo, vạt lót giường bằng tre thì không còn chút dấu vết, chỉ thấy lớp bụi mờ đen nhẻm phủ mặt đất. Chúng tôi suýt mất mạng nếu không liều mình cùng nhau nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ sang sông. Cả nguyên ngày 30 Tháng Tư chạy giặc. Chiều tối hôm đó, ba tôi mới cho má con tôi hay là miền Nam đã mất!