Mùa xuân để lại của Tổng thống Thiệu

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Getty Images)

Ở Việt Nam, trong thế kỷ 20, có ba cuộc cải cách ruộng đất. Một cuộc ở phía Bắc năm 1954 diễn ra với đầy máu xương, khiến hàng triệu người khốn khổ; trong khi đó, hai cuộc cải cách ở miền Nam thì mang lại cơm no áo ấm cho đồng bào và sự thịnh vượng cho quốc gia (miền Nam VNCH).

Cuộc cải cách ruộng đất đầu tiên ở miền Nam được thực hiện thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, kéo dài từ 1955 đến 1963. Và cuộc cải cách điền địa thứ hai được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiến hành từ 1967 đến 1973. Cuộc cải cách thứ hai được thực hiện trong bối cảnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và chính quyền VNCH đương đầu với thù trong giặc ngoài, phải đối phó với những âm mưu phá hoại của Việt Cộng nằm vùng, và cuộc chiến bảo vệ miền Nam trước sự phá rối liên tục của cộng sản Bắc Việt.

Tổng thống Thiệu bắt đầu thai nghén chiến dịch cải cách ruộng đất vào Tháng Hai 1966. Sau chuyến thị sát Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Tổng thống Thiệu nói rằng ông không hài lòng về việc nhà nước vẫn kiểm soát nhiều đất công, thay vì giao cho người dân. Nói rằng “đất đai phải thuộc về người trồng cấy”, Tổng thống Thiệu muốn giao cho người dân quyền sở hữu ruộng đất một cách tuyệt đối; cho họ quyền sống chết với mảnh đất của mình.

Thời điểm đó, nhiều quan chức chính quyền Đệ Nhị Cộng hòa chưa tin rằng nông dân sẵn sàng trở thành người chủ của ruộng đồng. Cơ quan viện trợ Hoa Kỳ USAID, nơi yểm trợ các chính sách phát triển cho Nam Việt Nam, cũng nghi ngờ về quyết định của Tổng thống Thiệu. Tìm hiểu của USAID cho thấy không ít nông dân miền Nam, vốn trải qua hàng trăm năm làm tá điền, vẫn chưa có ý thức làm chủ. Họ vẫn thích làm công ăn lương để không phải suy nghĩ và lo lắng về chuyện tô thuế hay luật pháp.

Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có nhiều nông dân luôn khao khát có mảnh đất riêng, cho họ và cả con cháu họ. Trong hồi ký Tâm Tư Tổng Thống Thiệu, tác giả Nguyễn Tiến Hưng, Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ VNCH kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kể, Tổng thống Thiệu đồng ý cho phép USAID tổ chức cuộc thăm dò rộng khắp miền Nam về quyền tư hữu đất đai của người dân. Viện Nghiên cứu Stanford (Stanford Research Institute, nay gọi là SRI International) được giao nhiệm vụ nghiên cứu về ý thức trách nhiệm công dân của nông dân Việt Nam trong việc sở hữu đất đai. Cuối cùng, kết quả cho thấy: “Người dân ước mong sở hữu mãi mãi một miếng đất. Đối với người nông dân sống trong mái nhà tranh có một mảnh đất khoảng 1/3 mẫu, làm sao có được một vài sào ruộng canh tác là giấc mơ kết nối quá vãng, hiện tại và tương lai, kết nối tổ tiên và con cháu”.

Ngày vui nhất trong đời làm Tổng thống của ông Thiệu: Người cày có ruộng (file photo)

Trong tuyn t“Vit Nam Cng Hòa, 1955-1975: Kinh Nghim Kiến Quc” (Vũ Tường và Sean Fear biên tp, NXB Đi hc Cornell), giáo sư Cao Văn Thân (Tổng trưởng Cải cách Điền địa và Phát triển Nông nghiệp; Tổng Trưởng Bộ Phát triển Nông thôn thời Đệ Nhị Cộng hòa) thuật lại:

“Vào tháng 6 năm 1969, tôi đã hoàn thành dự án luật và trình lên Tổng thống Thiệu. Tổng thống đã đệ trình lên Quốc hội vào ngày 01 tháng 7 năm 1969. Sau bảy tháng thảo luận gian truân, Quốc hội cuối cùng đã thông qua đề nghị bây giờ được gọi là “Chương trình Người Cày Có Ruộng” (NCCR). Tổng thống Thiệu ký thành Đạo luật vào ngày 26 tháng 3 năm 1970.

Đạo luật hoàn tất dài năm trang, với 22 điều khoản. Mục tiêu của đạo luật này nhằm xóa bỏ hiện trạng tá điền bằng cách truất hữu đất đai không do chủ đất trực tiếp canh tác. Đất bị thu hồi sẽ được phát miễn phí cho nông dân, với mức tối đa 3 mẫu tây (hectare) cho mỗi gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long và một mẫu tây ở miền Trung Việt Nam. Người nông dân phải tự trồng trọt trên phần đất họ được phân phối và không được chuyển giao quyền sở hữu trong mười lăm năm đầu. Họ cũng được miễn lệ phí trước bạ và thuế đất trong năm đầu tiên.

Mặc dù nhiều cơ quan truyền thông Mỹ hoan nghênh nỗ lực của chúng tôi, các viên chức Mỹ ở miền Nam có những cảm nghĩ lẫn lộn. Viên chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) không nhiệt tình lắm và họ không tin chúng tôi có thể thành công. Kế hoạch của chúng tôi hoàn toàn khác với bất kỳ chương trình cải cách ruộng đất nào mà họ biết. Hơn nữa, họ lo lắng rằng khoản tiền bồi thường cho chủ đất sẽ tạo ra một khoản thiếu hụt về ngân sách cho chính phủ miền Nam Việt Nam, và USAID sẽ phải bù đắp thiếu hụt này với sự trợ giúp tài chính nhiều hơn. Trên thực tế, chi phí trong 10 năm của chương trình ước tính khoảng 400 triệu USD.

Tuy nhiên các viên chức tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã ủng hộ chương trình NCCR (…). Những nỗ lực này giúp thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ tài chính cho chương trình. Năm 1969, Đại sứ Bunker ký một thỏa thuận mà theo đó Hoa Kỳ sẽ trang trải 10% chi phí ước tính, bắt đầu với khoản trợ cấp đầu tiên là 10 triệu đôla Mỹ. Năm 1970, 30 triệu đôla Mỹ đã được ký thác trong khi chờ đợi tiến triển thực hiện và đến năm 1973, Hoa Kỳ đã đóng góp gần 40 triệu đôla Mỹ. Mặt khác, chính phủ miền Nam Việt Nam đã chi khoảng 200 triệu đôla Mỹ cho chương trình này (…).

Chương trình NCCR bao gồm gần một triệu mẫu đất, và có tầm ảnh hưởng đến một triệu gia đình dân cày thuê nhưng không có ruộng đất. Nếu cho rằng một gia đình trung bình có sáu người, chúng ta có thể phỏng đoán có khoảng sáu triệu người được hưởng lợi. Thành công của chương trình tùy thuộc vào sự thực hiện nhanh chóng. Để đạt mục tiêu nầy, chúng tôi phải đặt ra một quy trình chính sách có thể nói là rất táo bạo, dựa trên phân quyền và ủy quyền cho các viên chức được dân bầu ra ở trong hơn 2.000 làng nông thôn (…).

Chương trình NCCR là một đề án quy mô, và việc thi hành rất phức tạp đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ và liên tục ở tất cả các cấp. Chính bản thân Tổng thống Thiệu rất quan tâm, xem xét tiến trình của chúng tôi tại các cuộc họp hàng tháng và giao cho tư lệnh quân đội ở bốn vùng chiến thuật trách nhiệm đáp ứng các mục tiêu thực hiện. Hợp tác quân sự là cần thiết vì an ninh nông thôn là điều không thể không có nếu muốn chương trình thành công. Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cũng bổ nhiệm một vị tướng lãnh cao cấp để giám sát quá trình tố tụng và giải quyết mọi tắc nghẽn hành chính.

Với hậu thuẫn mạnh mẽ của chánh phủ, chương trình chúng tôi đã trao bằng khoán đất đai cho hơn 200.000 mẫu đất chỉ trong năm đầu tiên – gần bằng toàn bộ diện tích được phân phối bởi các chính phủ ở miền Nam trong 20 năm trước đó. Đến cuối năm 1973, chúng tôi đã hoàn thành khoảng 1,1 triệu mẫu, chiếm gần 40% tổng diện tích canh tác ở Nam Việt Nam.

Vào năm 1974, tình trạng cày thuê hầu hết đã biến mất ở miền Nam và mức sống của nông dân đã tăng lên một cách đáng kể so với giai đoạn trước khi cải cách, do giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 30% từ năm 1968 đến năm 1971. Tăng trưởng nông nghiệp — chiếm khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc dân vào thời điểm đó – góp phần vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của Nam Việt Nam, đạt mức trung bình 8,6% trong những năm 1969-1971. Nói tóm lại, chương trình NCCR của chúng tôi đã tạo ra một tầng lớp đông đảo các chủ đất nhỏ ở nông thôn. Kết hợp với hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, quyền sở hữu đất đã làm giảm đáng kể tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng ở nông thôn miền Nam”.

(Hết trích)

Bộ tem Người cày có ruộng (manhhai|Flickr)

Bên cạnh việc cải cách điền địa, phải kể đến việc hình thành hệ thống ngân hàng khắp miền Nam cho nông dân vay vốn mua máy móc, phân bón; tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh canh nông đi học hỏi ở Phi Luật Tân, Nhật, Thái Lan… Việc ứng dụng giống lúa Thần Nông đem lại những thành công rực rỡ, khiến ngay cả Viện Nghiên cứu Lúa Philippines (IRRI – International Rice Research Institute) cũng phải ngạc nhiên.

Gọi Tổng thống Thiệu là người mang đến những giấc mơ hòa bình có lẽ không sai, vì ông luôn nghĩ về những ngày hậu chiến hòa bình ấm no. Nhắc lại thành quả thời kỳ làm Tổng thống của ông Thiệu, có thể thấy một trong những câu nói đáng nhớ nhất của ông là khi ông ký ban hành Luật Người Cày Có Ruộng: “Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi. Ngày ban hành luật ‘Người Cày Có Ruộng’ được coi là ngày nghỉ lễ toàn quốc”.

Cho đến lúc âm thầm ra đi khỏi Việt Nam vì sự phản bội của đồng minh cũng như những người cùng màu da tiếng nói, Tổng thống Thiệu gần như luôn giữ im lặng trước tất cả vu cáo và đơm đặt về cuộc đời cầm quyền của mình, từ những kẻ chiến thắng đến những kẻ thua trận. Không biết đã có ai đến bên ông để cảm ơn về những mùa xuân mà ông để lại ở Việt Nam, hay thấu hiểu được giấc mơ chưa trọn của một người yêu nước.

_________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: