Tôi học xong, ra trường vào cái thời mà nước Mỹ thê thảm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế 1985-1987. Sau gần một năm ròng rã lê gót đi tìm việc, mới kiếm được cái job đầu tiên toàn thời gian ở Mỹ. Bước chân vào sở, cái gì cũng lạ, mà cái người dắt mình đến cái phòng làm việc cũng lạ lắm luôn, một anh da đen trẻ to hơn cái cột đình. Qua Mỹ năm 1980 đi học đi làm bán thời gian thì cũng chỉ thấy và gặp người Mỹ Da Đen qua loa thôi, chứ chưa tiếp xúc trực tiếp như bây giờ thì đây mới là lần đầu.
Thấy người Việt mình thường hay chê bai người Da Đen là “chúng nó ở dơ, hôi hám và toàn trộm cắp, băng đảng”, nhưng Ronald – người da đen mà tôi gặp – không “hôi lắm” và cũng không có vẻ gì thuộc vào dạng ở dơ cả. Khuôn mặt mới nhìn thì hơi có vẻ dữ tợn, nhưng khi Ron, tên tắt, nhoẻn miệng cười thì thấy ngay được cái nét hiền hậu. Ron dẫn tôi đi, giới thiệu khắp nơi, với khắp mọi người ở cái hãng nhỏ xíu có chưa tới 100 nhân viên đó.
Tôi làm ở đây được một năm rưỡi thì nhảy job và xin nghỉ vì lúc này, cuối năm 1988 công việc phất lên nhiều như… nước thủy triều đang lên. Cứ vài ba tháng lại nhảy job mới là lương bổng và benefits lại tăng thêm nên dại gì nằm một chỗ. Ron vẫn ở lại làm cho hãng cũ, anh ta đã làm ở đó đã hơn chục năm rồi nhưng không bao giờ dám nhúc nhích. Dễ hiểu thôi, vì đã có lần anh ta tâm sự “Cái gốc Da Đen như tôi, có job làm đàng hoàng và có benefits là may rồi. Tôi cứ nhìn vào điều đó để an vui và tiếp tục công việc!”. Ron cũng là người đầu tiên giới thiệu và dắt tôi đi câu cá biển ở Redondo Beach vào năm 1987, để rồi ghiền luôn, khi kéo những con cá nặng đến gần chục ký lô, lôi cho mày chạy sút quần luôn. Công việc mới của tôi ở xa hơn, lại đi ngược đường nên chúng tôi chia tay nhau từ đó.
***
Năm 2006, chúng tôi mua lại một tiệm ăn nhanh trong một cái shopping mall ở Raleigh. Sang lại tiệm lúc đầu cần phải giữ luôn nhân viên đã làm ở đây từ trước. Trong số hơn chục nhân viên ở đó, có một cô bé người Da Đen mới 16 tuổi, vẫn còn học Trung Học nhà ở gần đó. Lần đầu tiên, nhìn vào cái thời khóa biểu người manager cũ để lại, tôi hơi có tí ngạc nhiên, vì Sydney, tên cô bé, chỉ làm có 6-7 tiếng đồng hồ mỗi tuần vào hai buổi trưa thứ Bảy và Chúa Nhật, mỗi ngày ba tiếng, vào đúng cái thời điểm bận rộn nhất, khách ăn đông nhất trong ngày. Nó lại đứng cashier, tính tiền nhanh hơn bất cứ nhân viên nào làm trong tiệm, tính nhanh như máy, lại khéo tay làm 2-3 thứ việc một lúc, ăn nói nhã nhặn và lịch thiệp. Tôi nghĩ, có lẽ con bé chỉ muốn làm có vậy vì còn phải đi học toàn thời gian kia mà.
Mãi về sau này, khi tôi thay thế người manager tự mình quản lý tiệm để chỉnh đốn lại, tôi mới khám phá ra rằng, Sydney giỏi, siêng năng, không bao giờ đến trễ, cho dù mỗi tuần chỉ làm có 6-7 tiếng, cái check lương cũng chỉ mấy chục bạc, chỉ được người manager kia ban phát cho có thế, không chịu thì thôi. Ở cái tuổi 16 mà lại là Da Đen nữa, nên người ta đánh đồng tất cả hễ cứ Da Đen… là lười biếng và không xài nổi. Tôi cho Sydney làm tới 24 tiếng một tuần và luôn nhắc chừng cháu về việc học. Học là chính. Trong số tất cả nhân viên làm cho chúng tôi, Sydney đứng hàng đầu về nhanh nhẹn, tháo vát, siêng năng, chăm chỉ và nhất là có trách nhiệm, không bao giờ đi làm trễ, không ăn gian thời giờ cho dù chủ hay manager không có mặt ở tiệm.
Hai năm sau, Sydney học ra trường đậu điểm cao, chuyển lên một trường đại học khá xa nhà. Lưỡng lự mãi, nó mới báo cho tôi biết là không thể làm việc cho chúng tôi được nữa, nhưng không quên kèm thêm lời cám ơn và năn nỉ, khi nó về nhà sau mỗi khóa học, hãy nhớ đến nó, và cho nó việc làm phụ thêm. Sydney còn làm cho chúng tôi thêm ba mùa Hè và hai mùa lễ cuối năm nữa trước khi nó chuyển sang tiểu bang khác để tiếp tục con đường học vấn.
Cũng như Ron, Sydney biết thân phận Da Đen mà không được chọn lựa của nó, nó siêng năng hơn bất cứ ai, cố gắng hơn bất cứ ai, vì cái nước da và vì SỰ KỲ THỊ của MỌI NGƯỜI, bất kể giống dân hay sắc dân nào khác. Việc CỐ GẮNG để VƯƠN LÊN của những người Da Đen như nó và Ron, đòi hỏi sự cố gắng phi thường, nghiến răng và cúi đầu gấp ngàn lần người Da Trắng và gấp chục lần người Da Vàng để vươn lên. Để thoát được ra khỏi cái định mệnh trớ trêu đó, người Da Đen ở Mỹ còn phải cố gắng hơn cả cá chép vượt vũ môn mới có hy vọng hóa rồng. Và cho dù ngay cả sau khi họ phải trải qua bao nhiêu vũ môn trong đời, để hóa thành rồng, mà cái xã hội này cũng chẳng bao giờ nể phục hay tôn trọng những cố gắng phi thường của họ. Người Việt mình còn gọi cựu Tổng thống Obama bằng cái tên “thằng mọi đen” thì cỡ Ronald hay Sydney có đáng gì để phải bận tâm.
Đôi khi tôi nghĩ, nếu người Việt mình đổi chỗ cho người Da Đen thì không biết có ai “phấn đấu” đủ để trở thành Barack Obama, Martin Luther King hay có bao nhiêu người phụ nữ “phấn đấu kiên cường” được như Sydney, khi sáu năm sau, mẹ nó ghé ngang tiệm ngay lúc tôi có mặt ở đó và báo cho tôi biết trong một niềm hãnh diện vô biên là nó mới chuyển trường, chỉ còn hai năm nữa sẽ ra bác sĩ. Tôi chợt nhớ lại cái cảm giác nghi ngờ, khi nó đến tiệm lấy tấm check cuối cùng và ôm tôi nói lời từ biệt, trong tôi lúc đó, có tới 90% nghĩ là nó sẽ CHẲNG BAO GIỜ RA TRƯỜNG với cái bằng bác sĩ nổi, ở cái xã hội này.
***
Khi tôi đọc một bài báo người ta lên án hai bác sĩ Pháp lên tiếng “đòi” mang những loại thuốc mới bào chế xong cho dịch bệnh Covid-19 qua Phi Châu để THỬ NGHIỆM trên cái lũ “Mọi Đen” mà lòng buồn khôn tả. Đêm ngủ, chợt nhớ đến Sydney, đến Ronald mà thương cho thân phận “Mọi Đen” của họ. Chuyện này cũng có gì là mới mẻ đâu, xưa giờ Mỹ, Pháp và một số quốc gia phát triển vẫn thường đem những loại thuốc mới bào chế xong qua Phi Châu để thử nghiệm trên những con người cũng có trái tim, cũng có những ước mơ kia, như những con chuột bạch… À phải đổi lại là như những con chuột đen này mới đúng. Dân Da Trắng “khôn lắm”, dại gì thử những loại thuốc chưa biết ảnh hưởng ra sao trên dân của họ. Cái giá để trả cho những cuộc “bán mạng” này ở Phi Châu lại “cực rẻ”, rẻ hơn bèo. Chỉ cần 2-3 trăm đô là “bọn mọi” sẽ xúm vào ghi danh để có cái cơ hội bốn chết, bốn sống và hai phần còn lại sẽ chỉ là khốn nạn suốt đời.
Năm ngoái, khi nghiên cứu về dịch bệnh Covid-19, tôi lạc vào một bài viết hết sức thống khổ của những người Da Đen bị nhiễm và tỷ lệ tử vong đến đáng sợ ở những thành phố, những tiểu bang ở Mỹ. Cái bảng so sánh tỷ lệ tử vong giữa người Mỹ Da Trắng, người Mễ với người Mỹ Da Đen ôi sao nó cách biệt trùng khơi vạn dặm. Có những nơi như ở tiểu bang Louisiana khi dân số người Mỹ Da Đen chỉ có 32% trên tổng dân số nhưng lại có hơn 70% tỷ lệ tử vong vì Covid-19.
Cũng dễ hiểu thôi. Tôi đã từng ghé thăm những góc nhỏ tồi tàn trong một thành phố, tôi cũng từng cư ngụ ở những khu xóm không ai muốn ở với những tội ác tràn lan, với những cảnh sống cơ cực và những mảnh đời tuyệt vọng ở những “khu Mỹ Đen” trên đất Mỹ. Những con người Da Đen không được quyền chọn lựa này, được nguyên cả một hệ thống tinh vi của chính quyền người Da Trắng gom lại, đẩy vào những khu ghetto, những trại tập trung không có hàng rào kẽm gai, không có cổng và lính canh nhưng không dễ gì thoát ra được. Thêm vào đó là những vùi dập không ngóc đầu lên được đến từ mọi sắc dân khác.
Ở những nơi này, những thứ phục vụ cần thiết nhất, tối thiểu nhất đều bị tước đoạt qua những hệ thống tinh vi, chậm chạp nhưng hết sức chắc chắn, từ chợ búa, nhà thương, phương tiện di chuyển, cảnh sát, cứu hỏa đến trường học và những cơ sở liên quan về giáo dục. Chính quyền của người Da Trắng cô lập những con người Da Đen có mặt bất đắc dĩ ở đất nước này vì họ đã mất đi cái quyền xử dụng người Da Đen như Nô Lệ.
Để thoát ra khỏi những chốn đó, người Da Đen nói riêng và da màu nói chung ở Mỹ phải có những ý chí và cố gắng phi thường. Thử hỏi, bao giờ thì người Mỹ gốc Việt mới có một người làm Phó Tổng thống như bà Kamala Harris. THỬ HỎI, TRONG CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC MẤY NGƯỜI?
***
Bài viết trên không thể hiện quan điểm của SGN. SGN luôn đón nhận các ý kiến phản bác trên tinh thần tôn trọng lập luận trái chiều được thể hiện bằng ngôn ngữ lịch sự chừng mực. Vui lòng gửi bài viết phản hồi nếu quý độc giả không đồng ý với tác giả. Xin gửi về: [email protected].
Trân trọng,
BBT Saigon Nhỏ