Chuyện chưa kể của thầy Quyên Di

Thầy Quyên Di (ảnh: Saigon Nhỏ)

Năm 1979, thầy Quyên Di trở thành cư dân của California. Nơi đây thầy bắt đầu công việc dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tỵ nạn. Quay trở lại nghề chính của mình sau khi rời khỏi nước từ năm 1977, dựng lại và bảo tồn tiếng Việt lần này, gắn liền với đời thầy không rời. Và còn mang nặng trách nhiệm hơn, với ý nghĩa nếu những con người Việt Nam đến Mỹ quên mất ngôn ngữ quê hương của mình, sẽ mãi là một cộng đồng đau yếu và lạc loài trong đời sống mới.

50 năm với tiếng Việt ở Little Saigon, thầy Quyên Di được nhìn thấy như là một người thầm lặng dựng ngọn cờ kiêu hãnh “Tiếng Việt còn, người Việt còn”.

Trong những câu chuyện mà thầy Quyên Di kể về mình, thường là niềm vui về việc mở rộng tiếng Việt, chuyện viết được những tập sách đánh vần mới, có thêm học sinh dạy tiếng Việt… Nhưng thầy ít kể về những khó khăn của đời mình, mà xem đó những thử thách phải có. Là một người Công giáo, thầy Quyên Di tin rằng Chúa đã mang thầy đi, giao cho thầy những điều phải làm và đưa đến những khó khăn như lời căn dặn bí mật cho sự nghiệp.

Nhưng đời thầy Quyên Di cũng đã trải qua những điều ít kể cho ai, cũng về nghề đi dạy. Mà nếu mọi thứ trớ trêu không ập đến, có lẽ giờ đây thầy Quyên Di vẫn là một ông giáo lặng lẽ ở Việt Nam, sống qua ngày và chấp nhận mọi đổi thay.

Sinh ra trong một gia đình có đông anh em, ước mơ được trở thành linh mục. Thế nhưng khi bố mất sớm, mẹ phải chật vật chăm sóc những đứa em vào lúc chiến cuộc Việt Nam ngày càng gay gắt, người thanh niên Bùi Văn Chúc, sinh năm 1948, buộc phải lao vào mưu sinh để giúp mẹ và gia đình.

Vừa theo học Đại học Văn Khoa, vừa nhận dạy Việt Văn cho các lớp Trung học đệ nhất cấp (tức từ lớp 6 đến lớp 9 hiện nay ở Việt Nam), thầy Quyên Di dần dần gắn với nghề, gắn với tiếng Việt. Nơi làm việc đáng nhớ của Thầy trước khi lên tàu ra biển, là làm phụ trách và quản lý chính của trường Trung học Nguyễn Bá Tòng.

Thầy Quyên Di (ảnh Saigon Nhỏ)

Cố giữ tiếng Việt ở quê nhà

Năm 1975, những linh mục phụ trách việc giáo dục cảm nhận được các biến động đang đến, nên gọi anh thầy giáo trẻ Bùi Văn Chúc và căn dặn chuyển cho anh đứng tên quản lý trường. Đơn giản vì anh chỉ thuần là một giáo viên, không tham gia chính quyền và không phục vụ gì khác ngoài giáo dục, như vậy thì hy vọng chính quyền mới tạm thời không làm gì căng thẳng.

Đó là giải pháp được bàn gấp với anh giáo Chúc, bởi bên ngoài, nhiều sự kiện đóng cửa trường, tịch thu công sở, linh mục, thầy giáo có làm việc với nhà nước Việt Nam Cộng Hòa bị bắt, bị đi tù… diễn ra khắp nơi. Nghe lời các cha, thầy Chúc nhận đứng tên phụ trách, nhưng đó chính là giai đoạn mang đến cho thầy nhiều suy nghĩ, dẫn đến sự thôi thúc ra đi, thôi thúc được sống và làm việc trong một môi trường trong lành, không lo ngại.

Để kiểm soát chặt những nơi tập hợp đông người, nhiều trường học, cơ sở hoạt động của miền Nam đều bị các chính trị viên, nhân viên an ninh… đến làm việc cùng để kiểm soát. Trường của thầy Chúc cũng vậy. Một người mới xuất hiện, và giành quyền hiệu trưởng ở đây, nhưng công việc của ông ta không liên quan gì giảng dạy. “Thật ra, khi nhắc lại chuyện này tôi thấy cũng khó vì có thể đó là phong cách của ông ta nhưng mọi chuyện bắt đầu từ đó”, thầy Chúc, nay là thầy Quyên Di kể. Người hiệu trưởng này mỗi ngày ngồi trước cửa trường quan sát khắt khe từng học sinh, từ khi lúc đến cho đến lúc về.

Có lần, khi thầy Quyên Di đang trong tiết dạy, bỗng người hiệu trưởng này xồng xộc đi vào lớp, kéo một học sinh đưa ra ngoài. Cả lớp lúc ấy kinh hoàng, chết lặng. Anh thầy trẻ Bùi Văn Chúc gầy gò và chỉ mới 27 tuổi, tức giận phản ứng, khiến cả lớp bất ngờ. Ông nắm tay ông hiệu trưởng lại, và nói “Tôi không biết là ngoài Bắc trường học giáo dục như thế nào. Nhưng ở trong miền Nam, thầy đứng lớp là người có quyền tuyệt đối. Thậm chí Tổng thống bước vào lớp cùng phải xin phép. Thầy không thể xông vào làm như vậy mà không có ý kiến tôi”. Cả lớp vỗ tay, hoan hô, còn ông hiệu trưởng ngại ngùng lùi ra.

Sau lần đó, thầy Quyên Di bị dò xét nhiều, bởi thái độ “không tuân phục” người lãnh đạo chính trị của trường. Trường được gửi đến thêm một số “thầy”, giống như thầy hiệu trưởng để kiểm soát chặt hơn. Những va chạm nhỏ nhưng là mồi lửa bất hoà giữa thầy và những người của chính quyền mới ngày càng nhiều. Sự kiện cuối cùng, cũng là giọt nước tràn ly khiến sau đó thầy bị nghỉ việc, chuyển sang trường khác.

Thường mỗi buổi sáng, trường tổ chức chào cờ của chính quyền mới. Nhưng lần nào cũng khó khăn. Một phần do cách quát tháo, người ra lệnh không quen thuộc, và cả chuyện học sinh cố tình không muốn xếp hàng chào cờ. Vào một buổi, ông hiệu trưởng thì gọi loa, 5-7 người khác thì chạy thúc hối học sinh vào hàng vẫn nhốn nháo không xong. Thầy Quyên Di được gọi đến để tập hợp học sinh. Do quen mặt và hiểu cách thức, thầy gọi học sinh vào hàng nhanh chóng và yên lặng. Ông hiệu trưởng nhìn thầy Quyên Di, không vui và nói mát “anh có vẻ giỏi chỉ huy nhỉ?”.

“Ở trường học ngày thường, đôi khi nghe khen như vậy thì có thể là chuyện vui. Nhưng thời điểm đó ở Sài Gòn nghe cán bộ ‘khen’ như vậy, không khác nào báo trước chuyện không lành sắp đến”, thầy Quyên Di nhớ lại, cười. Ông tự hiểu vị trí của mình, và phải tính trước. Nên sau đó ít lâu, thầy bị chuyển sang trường Hùng Vương (cạnh bệnh viện Hồng Bàng) vì không được ông hiệu trưởng hài lòng.

Vài tháng sau, thầy xuống tàu ở cầu chữ Y (Quận 5) và ra biển, tìm về một phương trời mới, nơi thầy hy vọng không có chuyện giám sát con người bằng họng súng, chữ nghĩa bị đổi thay bằng ý chí chính trị chứ không là văn hoá.

Thầy Quyên Di cùng phóng viên Saigon Nhỏ và nữ giáo viên Tiếng Việt thế hệ mới (ảnh: Saigon Nhỏ)

“Tiếng Việt còn, người Việt còn”

Tháng Năm 1978, thầy tới New Orleans, nơi cộng đồng người Việt đánh cá, nhà nhà mưu sinh sớm chiều nhưng cũng day dứt muốn con mình được học tiếng Việt trong đời sống Mỹ. Thầy Quyên Di được chào đón như vị cứu tinh của cộng đồng, vừa dạy tiếng Việt, vừa dạy giáo lý. Nhưng cuộc sống bình yên, và có thể nói là đầy đủ không làm thầy thoả chí.

Năm 1979, thầy quyết định đi California vì muốn đi học thêm, muốn được làm việc với một cộng đồng lớn hơn, và là nơi khởi sắc thịnh vượng, rộn ràng sinh hoạt văn hoá ở miền đất nắng ấm của người Việt. Từ giã cộng đồng Việt ở New Orleans, thầy bắt đầu chuyến du hành cuối của mình và làm nhiều việc để mưu sinh vào những ngày mới đến: Bỏ báo, dạy thêm, và nhận vẽ sơ đồ cơ khí sau một khoá học ngắn.

Trường Việt ngữ Hồng Bàng ở Westminster tình cờ biết được thầy Quyên Di trước đây có dạy học ở Việt Nam nên mời tới tổ chức ban huấn luyện sư phạm và hoạt động cho các lớp liên kết. Những năm tháng đó, người Việt đến Mỹ ngày càng nhiều, nên nhu cầu dạy tiếng Việt cho trẻ con cũng tăng nhanh ở các bang, rồi lan sang cả Canada, Úc…

Được giới thiệu đi để tổ chức lớp, viết giáo trình, thầy Quyên Di trở thành tên tuổi quen thuộc của các hội đoàn, chùa, nhà thờ, sinh hoạt cộng đồng… có nhu cầu dạy tiếng Việt. Đây là giai đoạn mà thầy kể là rất khó khăn và nhọc nhằn, nhưng mang lại niềm vui khôn tả của thầy Quyên Di, vì thầy tìm thấy lại khung trời cũ, sinh hoạt cũ và những con người quen thuộc cũ.

Cái khó của tiếng Việt ở Mỹ, là đứng ở vị trí của ngôn ngữ thứ hai, trong đời sống tiếng Anh là chính. Thầy Quyên Di phải nghĩ cách để tạo ra một lối giáo dục nhanh, dễ hiểu và dễ nhớ, và xen kẽ phổ cập cả văn hoá truyền thống Việt Nam. Đầu năm 2000, khi được đại học Fullerton mời giảng dạy môn sư phạm song ngữ, thầy bắt tay vào dựng bộ giáo trình tiếng Việt đầu tiên của người Việt tại Hoa Kỳ (một số tập hợp tác với nữ giáo sư Kim Oanh).

Dần dần ý nghĩa của việc phát triển tiếng Việt không còn là chuyện riêng của người Việt Nam. Mọi thứ lớn dần lên với sự có mặt của người châu Á ngày càng nhiều, đã đi đến việc đòi hỏi các hệ thống giáo dục công nhận và giảng dạy các giá trị văn hoá Đông Nam Á. Cùng chiều dài của các vận động, hoạt động và xây dựng hệ thống sinh viên sư phạm dạy ngôn ngữ Đông Nam Á, cả tiếng Việt, sự góp mặt của thầy Quyên Di là một phần quan trọng của ý nghĩa tiếng Việt và văn hoá Việt hiện diện ở Hoa kỳ.

Trong các ghi chú của cơ quan giáo dục ở California, về ông thầy giáo gầy gò, có giọng nói nhỏ nhẹ, ghi rằng:

“Ông Quyên Di là giảng viên và giảng viên dạy tiếng Việt tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Á tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Ông cũng là chuyên gia về giảng dạy tiếng Việt và là chuyên gia về kinh nghiệm của người Việt người dân miền Nam California, đặc biệt là ở Little Saigon thuộc Quận Cam. Quyên Di – Chúc Bùi đã viết một bộ sách giáo khoa cho học sinh người Mỹ gốc Việt do Nhà xuất bản Tuổi Hoa của Garden Grove, California xuất bản.

Ngoài trách nhiệm giảng dạy của mình tại UCLA, ông cũng giảng dạy các khóa học tiếng Việt chuyên sâu tại Đại học bang California ở Long Beach (CSULB) trong mùa hè. Quyên Di đã giành được một số giải thưởng vì đã làm việc không mệt mỏi trong việc giảng dạy tiếng Việt cho cả sinh viên đại học và giáo viên cộng đồng tình nguyện”.

Đến California, miền đất hứa của những di dân vì tự do, cái tên Quyên Di được thầy chọn như một phần đời mới của mình. Theo nghĩa Hán Việt, Quyên Di có nghĩa là sự trong sáng để lại. “Tôi nghĩ rằng mình sống, viết, và trong cả suy nghĩ, thì cố gắng để lại điều trong lành đẹp đẽ cho mọi người”, ông nói với phóng viên Saigon Nhỏ.

Nhưng có lần trong lớp học của thầy một học sinh đã giải nghĩa tên Quyên Di của thầy theo một cách khác. “Quyên là dòng nước nhỏ, Di là để lại”, thầy kể lại và cười. Thật lạ lùng, đúng là trong sự nghiệp dựng “tiếng Việt còn, người Việt còn”, thầy đã tạo nên những dòng suối nhỏ, dịu mát và an ủi ngôn ngữ của cha ông trên quê hương thứ hai đầy mới lạ.

Little Saigon được dựng lên bởi nhiều bàn tay cùng góp sức, khởi đầu như những viên gạch nhỏ, trong đó, lịch sử hình thành thủ phủ tự do của người Việt, có cả những dòng suối nhỏ đã dày công chuyên chở tiếng Việt đến mọi nơi của thầy Quyên Di.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: