Lập được nhóm nhạc để có được cuộc sống thỏa thích trong niềm đam mê, không còn gì sung sướng bằng, nhưng cuộc đời, chẳng có gì dễ dàng, đơn giản…
Nhóm nhạc The Friends từng “làm mưa làm gió” ở Little Saigon, vào đầu thập niên 2000.
Anh Tony Hoàng, cư dân thành phố Garden Grove, nói đó cũng là thời điểm anh mới “chân ướt chân ráo” tới Mỹ, may mắn được ở ngay khu Little Saigon, có nhiều người Việt, và được nghe nhạc The Friends trình bày những bản nhạc Việt bị cấm ở Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm của những tên tuổi trong làng âm nhạc Việt trước 1975, như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn,…
Một thời ‘làm mưa làm gió’ ở Little Saigon
The Friends có thời gian “đóng đô” tại quán cà phê Friend Deli nằm trên đường Brookhurst góc Chapman trong khu phở Hoa Soan Bên Thềm Cũ. Thời ấy ở khu vực này có ít người Việt, nên quán vắng khách, nhưng thấy quán có sân vườn đẹp, Vũ bàn với chủ quán, kết hợp làm một đêm nhạc lãng mạn mùa Hè ở ngoài vườn.
Chủ quán phân vân, không biết làm bằng hình thức nào, Luân Vũ nói ngay ý tưởng của mình: “Hình thức này bất lợi cho anh và cho em, nhưng sẽ có đường hậu. Như vầy nè, bữa đó, anh tặng cho khán giả mỗi người một ly cà phê, em đăng báo mời người ta tới nghe nhạc free. Bữa sau, mình mới bán vé.”
Nghe xong, chủ quán cà phê lắc đầu nguầy nguậy: “Trời trời, quán anh đã ế, giờ em còn kêu tặng free cà phê, sao anh chịu nổi!” Vũ bèn giải thích: Thay vì anh tốn tiền đăng quảng cáo trên Little Saigon Radio 106.3, báo Người Việt, báo Viễn Đông, Việt Báo,… thì anh tặng cà phê cho khách, đâu cũng vào đó à. Giờ anh không chịu, em đi quán khác à nhe. Nói xong, Vũ bỏ đi, chưa đầy 5 phút thì nhận được cú phone của chủ quán: “Okay anh quyết định, chơi luôn em ơi!”
Luân Vũ tự mình bỏ tiền túi mướn âm thanh, rồi đăng quảng cáo trên Viet Weekly, có nội dung: “Chương trình ca nhạc của một nhóm bạn trẻ đến quán cà phê Pháp nằm trên đường Brookhurst-Chapman, với chủ đề “Lãng mạn Mùa Hè”, uống cà phê free, quý khách có thể yêu cầu những bản nhạc về mùa Hè mà mình yêu thích,…”
Vũ mời ca sĩ Bích Vân, Phạm Hà, Bảo Châu, Vân Anh, Lê Hồng Quang và một số người bạn. Bù lại, anh cho bán bánh mì để… gỡ vốn.
Nhạc phẩm Bao Giờ Biết Tương Tư của Phạm Duy. Biểu diễn: Nhóm The Friends: Vương Hương (piano), Luân Vũ (violin), Nguyễn Đức Đạt (guitar).
Giữa chương trình đêm đó, Vũ thông báo: “Quý khách thấy anh chị em làm tốt không? Dạ thưa, tụi em miễn phí nước và không thu vé xem ca nhạc hôm nay, nhưng… có ‘thực mới vực được đạo’, nên mời quý khách tham dự chương trình lần sau, em đã in sẵn một số vé, có chủ đề “Phố Thu”, các cô chú, anh chị không chỉ xem ca nhạc mà còn thưởng thức tranh do họa sĩ vẽ tại chỗ, cuối buổi sẽ bán đấu giá tranh.”
Mỗi bức tranh mà họa sĩ vẽ tại đêm nhạc, có chủ đề theo mỗi bản nhạc như “Mùa Thu cho em”, “Giọt Mưa Thu”,… Vé bán $15, gồm $5/ly cà phê, $10 để giúp các bạn trẻ cống hiến âm nhạc có tiền đổ xăng. Bữa đó khán giả mua tới tấp, hết sạch vé!
Đêm nhạc “Phố Thu” thành công ngoài sức mong đợi, được đà, Luân Vũ làm tiếp chương trình đặc biệt có chủ đề về Hà Nội. “Vì sự nhạy cảm của cộng đồng, hát về Hà Nội là con dao hai lưỡi,” Vũ nói. “Nếu làm ‘Nhớ Mùa Thu Hà Nội’, họ sẽ đặt câu hỏi ‘Ê, mày nhớ ai dzậy?’ ‘Muốn về Hà Nội sống hả? ‘Nhớ Cộng sản hả?’, nên tôi mới lấy chủ đề là “Hà Nội xưa”, để không ai bắt bẻ gì được.”
Có ý vậy thôi, chứ ngay lúc đó, Vũ cũng không biết phải trang trí bằng cách nào, liền hỏi khán giả: “Ở đây quý vị nào có con cháu học về ngành mỹ thuật, hội họa không? Nếu có tinh thần giúp nhóm trẻ, xin bỏ thời gian thiết kế cho khu vườn này mang dáng dấp Hà Nội xưa, cũng là cách để giáo dục các bạn trẻ.” Ngồi bên dưới có họa sĩ Hoàng Nguyễn, giơ tay nói: “Tôi sẽ giúp các bạn, với điều kiện các bạn đi mua gỗ, tôi sẽ làm chùa Một Cột.”
Báo chí lúc đó khai thác, đưa tin có một nhóm trẻ tổ chức chương trình ca nhạc với nội dung khá sốc “Có một Hà Nội mọc lên giữa Little Saigon”.
Họa sĩ Hoàng Nguyễn cho học trò của ông ở LA Art Institute vẽ lại những hình ảnh của Hà Nội, như Hồ Gươm, Chùa Một Cột, những cô gái Hà Nội với tà áo dài tha thướt,… Khán giả hiếu kỳ, chạy tới coi từ sáng tới tối, làm nghẹt con đường. Các họa sĩ còn vẽ hình trên áo T-shirt, xé ra, làm thành một bức tranh tổng thể về Hà Nội.
Đêm nhạc hôm ấy, không đơn thuần như một buổi ca nhạc bình thường, mà là “âm nhạc đối thoại”, giữa MC Đại Dương và khán giả, để hồi tưởng lại kỷ niệm xưa, và để các cô chú lớn tuổi có dịp giải thích cho lớp người trẻ biết thêm những kiến thức về Hà Nội.
Chương trình ca nhạc vẫn gồm Luân Vũ (violin), Nguyễn Thị Hậu (cello), Sĩ Dự, Vương Hương (piano), các ca sĩ Bích Vân, Phạm Hà, Bảo Châu, Vân Anh,… Show “cháy” vé, dù giá bán cao hơn lần trước: $25/vé. Đêm đó, có một ca sĩ mới từ Việt Nam sang định cư, đứng một góc, sụt sịt khóc. Thấy vậy, Luân Vũ cầm micro, hỏi khán giả: “Thưa quý vị, là nghệ sĩ, tôi không chịu nổi khi có một ca sĩ phải ngậm ngùi rơi lệ vì không được hát. Ở đây chỉ là không gian của âm nhạc, nghệ thuật, không ‘chính trị chính em’ gì hết, vậy nên nếu được sự đồng ý của quý vị, tôi xin mời ca sĩ lên phục vụ vài bài”.
Khán giả vỗ tay rần rần, ca sĩ bước lên, vừa hát, vừa khóc.
“Sau vài show, chủ quán thấy làm ăn được, nên ‘hất’ tôi ra, không chịu hợp tác nữa,” Vũ kể. “Biết tin, mấy anh bên Viet Weekly nói, nếu làm ở quán cà phê mãi, thì suốt đời chỉ làm nô lệ cho họ mà thôi, và khuyên tôi tổ chức ngoài rạp. Ý trời, tiền đâu mà ra rạp chớ! Mấy anh nói, không có tiền ra rạp thì mướn trường học.”
Đánh dấu bước ngoặt của The Friends là buổi biểu diễn tại Santa Ana High School.
Hai chị em Luân Vũ-Vương Hương và nhóm bạn hữu chí cốt còn có các buổi biểu diễn nhạc thính phòng. Tiếng lành đồn xa là dưới miền Nam có ban nhạc “làm mưa làm gió”, ông Phúc Quảng Đà – “bầu show” trên San Jose, mời The Friends lên chơi, trả $10,000. Cách đây gần 20 năm, tiền cachet như vậy là rất cao.
Gặp họa
The Friends quy tụ những người bạn, chơi dòng nhạc yêu thích là bán cổ điển, để sau những ngày làm việc căng thẳng, mọi người được xả stress, thư giãn, hoài cổ, những khách mời đều là người có nghề nghiệp ổn định, như ca sĩ Bảo Châu là nha sĩ, ca sĩ Phạm Hà – chủ tiệm bánh mì Gala, Xuân Quang là chủ tiệm vàng, hay ca sĩ Bích Vân vẫn theo nghề ca hát,… Đó là lý do nhóm The Friends luôn chọn những chương trình âm nhạc theo chủ đề, như “Phố Thu”, “Hà Nội Xưa”, “Đón Xuân cùng Văn Cao”, “Động Hoa Vàng”, “Phúc Âm Buồn Của Trịnh”,…
“The Friends bị ganh ghét, nói tôi có thế lực nào đứng đằng sau nên mới có tiền làm show, mà thiệt sự tôi nghèo thấy mồ, làm vì nghệ thuật thôi. Năm 2007, khi tôi làm show nhạc Trịnh, gửi nhà sách Tú Quỳnh bán vé, bà Tú Quỳnh nói: ‘Trời, nhóm em bán sao lại Thúy Nga, thôi để vé đây chơi cho vui thôi, chứ mấy em làm không nổi đâu.” Vậy mà vé bán đắt như tôm tươi, một tuần sau, Vũ phải in thêm, bán với giá $30, $50, $100, và bán được 1,200 vé.
Sau 1975, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sáng tác một số bài hát dành cho thiếu nhi, mà bài “Em là hoa hồng nhỏ” mang nội dung về tình yêu thương gia đình thôi, nhưng vẫn bị nói là bài hát của cộng sản. Biết các bé trong cộng đồng học tiếng Việt, thích hát tiếng Việt, nhưng các thầy cô giáo lấy video bên Việt Nam dạy, Luân Vũ cảm thấy… không ổn, nên đứng ra dạy cho các bé hát nhạc Việt và đưa những “ca sĩ nhí” của mình lên biểu diễn.
Nhóm The Friends và các “ca sĩ nhí” trong nhạc phẩm “Em là hoa hồng nhỏ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhưng đó lại là một trong những lý do khiến The Friends gặp họa. Nhiều người phản ứng đêm ca nhạc “Phúc Âm Buồn Của Trịnh”, trong đó có bài “Em là hoa hồng nhỏ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được nghệ sĩ Vương Hương hòa âm. Hôm ấy, ca sĩ Khánh Ly phải lên tiếng: ‘Nếu có lỗi gì, tôi xin thay mặt các em trẻ, đứng ra xin lỗi’.
Đêm hôm đó, trời “khóc” thay cho nỗi buồn của nhóm The Friends, nên đổ cơn mưa, nhưng không ai bỏ vé, nhìn khán giả đông nghẹt. Bài cuối cùng “Như một lời chia tay”, khán giả hát theo, nhiều người khóc…
Mở quán để có chỗ chơi nhạc
Năm 2012, The Friends ngừng hoạt động sau chín năm “chinh chiến”. Luân Vũ hùn vốn, mở nhà hàng Moonlight trên đường Westminster. Năm 2017, anh rút vốn, để hai năm sau mua lại nhà hàng LV Restaurant & Lounge và chính thức làm chủ từ năm 2020.
“Tôi để dành tiền, mua LV Restaurant & Lounge là để chị Hương và tôi trụ lại, dù nơi này không cao sang, nhưng có chỗ cho hai chị em tôi vẫn được sống với âm nhạc, không phải làm thuê cho ai,” Vũ tâm sự. “Trước đây tôi tạo nhóm The Friends cũng là để người ta không ăn hiếp hai chị em. Không có chị Hương, tôi không thành công trên xứ Mỹ.”
Luân Vũ biết chế biến tất cả các món ăn, khách đông, anh lăn vào bếp làm phụ. LV Restaurant & Lounge có sức chứa 180 chỗ, là nơi thỉnh thoảng Luân Vũ tổ chức các chương trình nhạc thính phòng, hoặc các show “Đêm Quang Dũng”, “Đêm Lệ Thu”, “Đêm Khánh Ly”, “Đêm Elvis Phương”, “Đêm Tuấn Anh”, “Đêm Hữu Khanh”,… và vào các buổi tối trong tuần, khách hàng tự hát cho nhau nghe, nếu có yêu cầu, ông chủ Luân Vũ sẵn sàng kéo đàn phục vụ.
LV Restaurant & Lounge cũng là nơi nghệ sĩ dương cầm Vương Hương đến để giải tỏa nỗi bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, nhưng là khi chị còn khỏe mạnh.
Cách đây mấy năm, chị bị ung thư ngực. Khi vô bệnh viện bác sĩ mới phát hiện chị còn bị nhiều bệnh khác, như trầm cảm, từng bị cắt bỏ buồng trứng. Chị có đứa con trai duy nhất bị bệnh tự kỷ. Vương Hương hiện dưỡng bệnh tại tư gia ở Fountain Valley và dù rất nhớ sân khấu, nhớ khán giả, nhưng chị ngại tiếp xúc vì lý do sức khỏe.
Cuối năm 2011, các ca nhạc sĩ Sĩ Đan, Sĩ Dự, Trần Thái Hòa và Ý Lan khuyến khích Luân Vũ mở đêm tiệc nhạc ủng hộ Vương Hương, đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ tại Orange County có dịp bày tỏ tình tương thân tương ái, khi có người trong giới gặp chuyện chẳng lành.
Một nhà báo quen biết nghệ sĩ Vương Hương đã lâu, nhận xét: “Ai cũng từng nghe ngón đàn thánh thót, ngọt ngào điêu luyện của Vương Hương, nhưng rất ít người biết đến cái ‘sĩ’ đáng quý của người nghệ sĩ này, là không oán trách, hận thù mà cứ để tình yêu âm nhạc của mình đem nguồn vui, đem cái đẹp đến cho đời.
Sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng, cô luôn nhường nhịn đồng nghiệp. Khi các đồng nghiệp tranh nhau đàn cho ca sĩ nổi tiếng thì cô âm thầm rút lui. Và khi các ca sĩ nổi tiếng yêu cầu cô đàn cho họ thì cô lại bị đồng nghiệp trách là hay tranh giành. Trước sau như một, cô không phân trần, không đính chính, không giãi bày. Ai khen, cô cám ơn, ai chê, cô không oán trách.”
***
Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình, cứ được hai ba câu, Luân Vũ lại nhắc tới chị Vương Hương của mình. Anh nói: “Sau 23 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ, được đi đúng con đường mình mơ ước, là nhờ tất cả mọi người thương yêu tôi, từ Bố, Mẹ, gia đình, nhất là chị Vương Hương dạy tôi biết làm việc siêng năng, không bao giờ nản chí, biết nhịn nhục, bỏ qua cái tôi, để vươn lên ở một xã hội mà rất khó đi được bằng chính đôi bàn chân mình.”
Luân Vũ không nhận mình là người tài giỏi, mà cho rằng nhờ may mắn anh mới được sống với nghệ thuật mà không gặp khó khăn về kinh tế. Anh nói mình rất hãnh diện vì qua Mỹ với hai bàn tay trắng, và nhờ siêng năng làm việc bằng sức lao động, dành dụm và có được nơi để nuôi sống gia đình, không cần ai giúp đỡ, lại được người vợ hiền, đảm đang sanh cho “hai cục vàng”: bé gái Nguyễn Hoàng Hạc Cầm, và bé trai Nguyễn Phúc Thiên Vũ.
Giờ đây, sau những cơn giông ba bão tố, Vũ tìm cách tránh xa mọi hiềm khích, giữ lòng luôn bình an, dành toàn tâm toàn ý lo cho cuộc sống gia đình và tạo mọi niềm vui, chăm sóc cho người chị Vương Hương, chỉ mong có phép màu giúp chị vượt qua được cơn bạo bệnh.