Little Saigon Ký

Little Saigon, Nam California, nơi chất chứa những dấu ấn đậm nét của người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ (ảnh: MK)

Little SaigonTan sở thay vì lái xe đi hướng Bắc ra xa lộ 91 về nhà, tôi lại quẹo trái về hướng Nam đi Little Saigon để đến thăm một người bạn đang làm ở tiệm pizza do người Việt làm chủ, cửa tiệm nằm ngay góc trong khu thương mại, đa phần là của người Mễ, trên đường Magnolia. Điểm đặc biệt ở đây ngoài chủ tiệm, tất cả nhân viên đều là người Việt, không có một người “nước ngoài” nào cả, kể từ khâu nhồi bột, nấu nướng, pha chế cho đến việc chạy xe đi giao bánh.

Có hôm vui miệng tôi hỏi sao lạ vậy, thường thì đầu bếp pizza là người Âu Mỹ, nhưng anh bạn tôi đùa rằng vì để giữ độc quyền pizza thương hiệu Việt Nam nên chủ tiệm chỉ thuê người Việt và sinh hoạt như người trong gia đình để giữ bí mật “nghề nghiệp”… là vì pizza của tiệm có cho thêm mùi nước mắm. Tôi hỏi:

– Có thật không?

– Có hay không miễn khách ghiền là được.

Mà thật, mấy đứa con tôi thường hay khen và thích pizza ở tiệm “Bác Mười” nên thỉnh thoảng tôi hay ghé tiệm sau khi tan sở, vừa thăm bạn vừa mua pizza do chính bạn làm, dĩ nhiên là có phần đặc biệt lớn hơn, nhiều topping hơn, nhưng có thêm mùi nước mắm hay không thì tôi không biết.

Chiều hôm ấy, tôi đến tiệm không thấy hắn, người trực phone tiếp khách đặt mua pizza, vừa điện thoại vừa ra hiệu chỉ cho tôi đi vòng ra parking phía sau. Hắn đang rửa xe, thấy tôi, hắn day mặt qua nói lớn “ngồi chơi chờ chút xíu, cũng sắp xong rồi.”

Trời nắng nóng như đổ lửa, không một ngọn gió lay, nền xi măng đậu xe nóng hừng hực, gặp nước bốc lên hơi khói càng làm cho không khí như muốn choáng ngộp. Tôi ái ngại nhìn hắn đang rửa xe, một chiếc xe hơi đời rất cũ, chắc cũng trên 20 năm, màu xanh dương đậm, bạc màu trăng trắng, loang lổ.

Hắn chà xà bông rất kỹ sau đó xịt nước lên đều khắp rồi mới lau khô thật cẩn thận. Hơi sốt ruột, tôi lên tiếng:

– Xe cũ mà rửa nhiều nước vậy bạn.

– Chỉ rửa bữa nay rồi thôi.

Tôi chưa hiểu hắn muốn nói gì, nhưng im lặng cùng đi vào trong tiệm. Trên đường đi hắn nói nhỏ:

– Tối nay mình sẽ đem xe ra “nghĩa địa” giao xe cho họ cùng với giấy tờ sở hữu rồi ký tên và lấy một ngàn đồng. Coi như bán xe cũ cho họ theo chương trình trợ cấp của chính phủ.

– Ừ thì xe cũ quá rồi, có khi chạy đi giao hàng lỡ chết máy dọc đường thì mất cả chì lẫn chài.

– Không. Xe chạy còn tốt, nhưng đến lúc phải giã từ thôi.

– Đã phế đi rồi mà còn rửa chi cho kỹ vậy bạn.

– Nó đã theo và giúp mình bấy lâu nay, nhờ có nó mà thu nhập gia đình ngày càng khấm khá. Mình thầm nói lời cám ơn nó. Vạn vật hữu tình mà bạn.

Tôi sững sờ khi nghe hắn nói vậy. Chợt nghĩ, không lẽ khi nhồi bột làm bánh cho các con tôi, chắc hắn cũng vì một chữ tình nên bánh ngon hơn chăng? Dù có thêm mùi nước mắm hay không. Tôi thấy lòng mình chùng xuống, hình ảnh của hắn gần mấy mươi năm trước thoáng hiện về…

Hắn qua Mỹ cùng với gia đình, một vợ, ba con nhỏ, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ mới lên ba, theo diện HO và không có thân nhân bảo lãnh nên cơ quan di trú muốn đưa đi đâu cũng được, nhưng may thay có hội đoàn mà hắn thuộc về trước đây bảo lãnh nên hắn được định cư ở Little Saigon, trong khi các người khác đi cùng đợt với hắn được đưa qua các tiểu bang khác ở miền Đông hay Trung Tây nước Mỹ.

Khi mới sang, cả gia đình được chính phủ trợ cấp ban đầu sáu tháng, hắn thuê nhà ở khu chung cư giá rẻ, gần chợ và bến xe buýt cho tiện việc đi lại khi chưa có xe. Mọi việc dần dần đi vào nề nếp ổn định. Ban ngày buổi sáng hắn đến trường college học tiếng Anh (ESL), buổi chiều đi phụ giúp cho một hãng may quần áo gia công, chỗ mà vợ hắn đang làm thợ may ăn công theo sản phẩm. Gần nửa năm sau có người bạn rủ hắn về làm ở tiệm pizza và nhượng lại cho hắn một chiếc xe hơi cũ với giá rẻ.

Lâu dần, việc học hành là phụ, cứ tà tà mà lên lớp còn việc làm ở tiệm pizza mới là chính, ban đầu là nửa buổi sau đó là cả ngày, thu nhập ổn định cho đến khi tốt nghiệp college, hắn làm đơn xin việc các nơi, nhưng rất khó khăn vì lớn tuổi và cũng không có chuyên môn gì nên lâu ngày hắn cũng thôi và chọn luôn nghề làm bánh pizza cũng như đi giao bánh khi có đông khách đặt mua. Thôi thì “hy sinh đời bố cũng cố đời con” đành vậy.

Sở dĩ hắn chọn nghề pizza là vì có tiền “tip” mỗi khi đi giao bánh. Trong tiệm ai cũng biết, hắn có một ngăn gỗ nhỏ trong hộc bàn có khóa để đựng tiền tip, độ chừng một hai tháng khi số tiền tương đối đủ vài trăm là hắn gởi về Việt Nam giúp người thân, gia đình cật ruột. Mấy mươi năm làm ở tiệm pizza hắn đều gởi tiền về đúng hạn chưa bao giờ ngưng vì bất cứ lý do gì.

Từ hơn 20 năm làm ở tiệm pizza, hắn đã xây nên một gia đình hạnh phúc như mơ ước. Nhớ ngày xưa lúc còn đi học ở Sài Gòn, bạn bè trang lứa thi cử thường hay kháo với nhau rằng “Nhất Y, Nhì Dược” hay “Nhất Y Khoa, Nhì Quốc Gia Hành Chánh.” Nay ba đứa con của hắn, hai đứa con gái lớn là tiến sĩ dược khoa, đứa con trai là thạc sĩ vi tính. Thứ nữa là khi đi làm ở các công ty lớn của Mỹ, ngoài các phúc lợi, nhân viên còn có phần tiền để dành “401K” rất lớn khi về hưu. Các con hắn nói “tụi con là 401K của Ba.” Đứa lớn mua xe đời mới cho Ba, đứa kế mua nhà riêng cho Ba Mẹ ở để tiện việc tiếp khách, khi trà, rượu vui vẻ “Ba tha hồ ngâm thơ, bài Hồ Trường cho các Bác nghe chơi.”

Hắn sinh quán ở Bình Định (Quy Nhơn), mồ côi cha mẹ từ rất sớm ở với người anh Hai cho tới lớn. Năm 1965, cộng sản đánh chiếm vùng quốc gia giết chết cả hai vợ chồng người anh Hai trong đồn Nghĩa quân, hắn bơ vơ từ đó, bèn lặn lội vào Sài Gòn cùng với hai người cháu trai, con của anh Hai, làm nghề thợ hồ để kiếm sống. Dù trong hoàn cảnh nào, hắn cũng không bỏ học và lúc theo học ở trường Đại học Văn khoa, hắn nổi tiếng là người văn hay chữ tốt, chữ tốt đúng nghĩa đen vì hắn viết chữ chân phương rất đẹp.

Một góc đại lộ Bolsa với bảng tên đường “Saigon” (ảnh: MK)

Sau ngày 30 Tháng Tư, tan hàng, hắn trình diện đi cải tạo tại Sài Gòn theo diện viên chức chế độ cũ, sau đó bị đưa đi các trại khổ sai của cộng sản trong suốt năm năm trời, khi được tha về sống vô gia cư một thời gian, sau đó công an tỉnh Bình Định lại bắt hắn đem về giam ở Quy Nhơn hơn ba năm nữa với tội danh “vớ vẩn” không chấp hành lệnh địa phương.

Ra tù hắn lập gia đình với một cô giáo, người cùng quê, rồi cũng làm nghề “vớ vẩn” phụ vợ nuôi con mà không mong gì con cái được ăn học thành tài. Chật vật kiếm cái ăn còn chưa đủ, hơi sức đâu mà nghĩ đến việc học hành, hơn nữa với chính sách chung trên toàn miền Nam, lý lịch cá nhân là rào cản chính đối với việc học của con em các gia đình quân nhân, viên chức thuộc chế độ cũ. Chính sách phân liệt các thành phần trong xã hội là sự kỳ thị vô cùng thâm độc của cộng sản, khi họ tuyên truyền rằng: Có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn, thật ra với hắn chỉ có nghĩa là “đau khổ của những người nầy mới tạo được hạnh phúc cho những người kia.” Vậy thôi.

Nhưng rồi thế sự xoay vần, ai ngờ trong bước đường cùng, khốn khó, cơ trời lại chuyển đổi cho những gia đình như hắn được ra đi định cư tại Mỹ. Thật là may mắn, cho nên có những hôm đông khách phải chạy xe đi giao pizza liên tục trên từng cây số giữa trưa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, không kịp lau khô mà hắn vẫn cảm thấy rất vui vì “hạnh phúc ở quanh đây”, tự do chọn việc làm và sống một cuộc đời đáng sống, xứng với quyền con người, không ai làm khó dễ hay bị đe dọa, áp bức. Con cái lớn lên trong môi trường bình đẳng, được học hành và trợ giúp qua các chương trình dành cho người tị nạn.

Khi hai đứa con gái lớn có chồng con yên ổn, mua nhà ra riêng cũng là lúc hắn đến tuổi về hưu (66 tuổi) nên thôi làm ở tiệm pizza về nhà làm những việc cần làm, muốn đi chơi đâu tùy thích và niềm vui nhất là được trông cháu và phụ ba mẹ chúng đưa rước các cháu đi học.

Còn về sinh hoạt xã hội, cộng đồng thì cũng giống như lâu nay là hắn luôn yểm trợ, đóng góp tiền bạc cho các tổ chức, cá nhân đang tranh đấu trong các phong trào dân chủ trong nước cũng như ở hải ngoại hầu xây dựng lại một nước Việt Nam tự do không cộng sản.

Hắn thuộc về số đông người Việt thầm lặng, lo làm ăn, chưa bao giờ cầm cờ đi biểu tình, mặc dù biểu tượng cờ vàng là màu cờ hắn luôn tôn thờ và trong sâu thẳm hắn thuộc về thành phần chống cộng ba đời. Đối với hắn không có hòa hợp hay hòa giải gì cả, mà chỉ là chính trị bịp, bản chất của cộng sản muôn đời là lừa dối và độc tài.

Hắn chưa bao giờ về Việt Nam, nghề nghiệp là trở ngại chính nhưng phần khác là do sự tàn ác, đọa đày trước đây của cộng sản đối với gia đình hắn cho nên “còn cộng sản là hắn không bao giờ trở về”. Đơn giản vậy thôi.

– Thế là bạn còn thù ghét cộng sản?

– Thù ghét để làm gì, họ sắp sụp tới nơi rồi và họ sẽ phải đền tội bằng cách nầy hay cách khác, sớm hay muộn về những tai họa mà họ đã gây ra cho dân, cho nước.

Đối với hắn Việt Nam bây giờ chỉ còn trong trí nhớ, các thế hệ con cháu sau nầy rồi sẽ trở thành dân bản địa, không còn nói và viết tiếng Việt, nếu còn cũng chỉ là tiếng lơ lớ như người ngoại quốc nói tiếng Việt, nhưng nếp sống văn hóa vẫn còn trong sinh hoạt của người Việt và mùi nước mắm vẫn còn phảng phất quanh thủ phủ Little Saigon.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: