Những ai sinh hoạt ở Hội Cây Kiểng Việt Nam-Hoa Kỳ (Vietnamese USA Bonsai Society) tại Nam California đều biết anh Dzũng Phạm, trưởng ban kỹ thuật của hội.
Một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi đến ngôi nhà nơi gia đình anh Dzũng đang cư ngụ, thăm “gia tài” của anh ở vườn sau nhà với rất nhiều loài cây kiểng, và nghe anh kể về cuộc đời gắn liền với bonsai – môn nghệ thuật mang giá trị đặc biệt: không kiếm được nhiều tiền, mà chỉ giúp người chơi khéo léo và kiên nhẫn hơn.
Nghề chọn người
Anh Dzũng là con trong một gia đình có truyền thống làm nghề chăm sóc cây. Ba mẹ anh đều làm việc trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn từ trước năm 1975. Ba của anh Dzũng là ông Phạm Tấn Đẹp – trưởng phòng kỹ thuật Thảo Cầm Viên Sài Gòn – người truyền nghề, và cũng “truyền lửa” cho công việc chăm sóc cây kiểng của anh.
Anh Dzũng kể, thời trai trẻ, cuộc sống của anh khá bấp bênh: “50 năm trước, tôi chỉ mới là cậu bé lên chín, học ở trường Thạnh Mỹ Tây, phường 19 quận Bình Thạnh, lên cấp hai tôi học ở trường Hồng Hà, nhưng tới cấp ba thì bị gián đoạn, mãi sau mới có điều kiện trở lại trường. Cha tôi đi lính và sau đó làm việc trong Thảo Cầm Viên từ trước ngày tôi ra đời năm 1966. Ông lo về chuyên môn kỹ thuật. Mẹ tôi cũng làm việc trong đó, nên cả nhà tôi sống trong khu nhà của nhân viên ngay trong Thảo Cầm Viên.”
Năm 1990, thấy công việc của con vẫn chưa ổn định, ba anh khuyên: “Thôi, vô làm chung với ba mẹ và mấy anh, cho yên thân đi con.”
Tôi hỏi, “Ngoài ba mẹ anh, nhà có bao nhiêu người làm trong Thảo Cầm Viên, mà bác nói tới ‘mấy anh’ lận!” Anh Dzũng cười, “Lúc đó nhà đã có anh thứ ba, thứ năm, thứ sáu, thứ tám làm trong đó. Tôi thứ chín, sau này còn cô em thứ 11, cũng nối nghiệp gia đình.”
Ở trong Thảo Cầm Viên có hàng ngàn cây gỗ với hàng trăm cây cổ thụ thuộc loài quý hiếm nhất Việt Nam, và rất nhiều loài lan nội địa, xương rồng, bonsai,… Nhà kính là nơi trưng bày cây sưu tầm, bonsai, mà anh Dzũng là một trong rất ít nhân viên được chọn vào để chăm sóc cây.
“Tôi nghĩ đúng là ‘nghề chọn người’ vì thiệt ra hồi đó tôi cũng có biết nghề gì đâu, ba tôi làm về thiết kế công viên, chứ ông đâu có chuyên về bonsai,” anh Dzũng kể. “Tuy vậy, ông lại là người phát hiện ra tôi có năng khiếu nghệ thuật.”

Đội hoa viên của Thảo Cầm Viên có gần 20 người chuyên lo tổ chức cây kiểng, nhưng riêng về bonsai, tạo dáng cây cảnh chỉ có anh Dzũng và hai nhân viên khác được giao công việc cần nhiều sáng tạo nghệ thuật này. Hằng ngày anh và đồng nghiệp chịu trách nhiệm chăm sóc, cắt tỉa tạo dáng cây. Để hoàn thành việc tạo dáng, nếu cây có nét sẵn, chỉ mất khoảng một năm; nhưng cũng có cây mất tới ba, bốn năm mới ra được dáng hoàn chỉnh.
Anh Dzũng thừa nhận, bản thân anh lúc mới vô nghề không hề biết là mình cũng có máu yêu nghệ thuật. Nhưng làm một thời gian, càng ngày anh càng mê các loài kiểng chậu, kiểng cổ, và bonsai. Anh tự tìm đọc trên sách, báo những bài viết về bonsai, và ghi danh đi học.
“Lúc đầu mình chỉ làm vì công việc thôi, nên những tác phẩm đầu tay không được ưng ý, từ từ tay nghề mới dần nâng cao,” anh tâm sự. “Nhưng cũng may mắn là trong Thảo Cầm Viên có nhiều cây cho mình thử, rồi hằng năm đều có triển lãm cây kiểng, bonsai, và triển lãm nào cũng có cuộc thi. Tôi không bỏ sót triển lãm nào, vì muốn tìm hiểu, trao đổi với những người đi trước. Đồng nghiệp của tôi, là cố vấn kỹ thuật, lúc đó là bác Trương Văn Đấu, một nghệ nhân khá nổi tiếng ở miền Nam. Tôi gọi là ‘đồng nghiệp’ nhưng thật ra là ‘bậc ông,’ vì lúc tôi mới vào nghề, ông đã thuộc hàng ‘cửu thập siêu thọ’.”
Theo anh Dzũng, ở miền Nam hồi ấy, ông Trương Văn Đấu được xem là cuốn “từ điển sống” về thực vật, vì khi đưa bất cứ cây nào, dù là cây non mới mọc, ông sẽ nói luôn cây thuộc loại nào, mọc ở đâu, môi trường sống ở đó ra sao… Sau này khi sinh hoạt ở đại học Khoa Học Tự Nhiên (trên đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay), anh Dzũng được thọ giáo thầy Nguyễn Thiện Tịch. Một hôm khi đang làm việc, anh thấy thầy mình đến Thảo Cầm Viên, bèn hỏi: “Ủa, thầy đi đâu vô đây ạ?” Thầy Tịch trả lời: “Thầy đi kiếm sư phụ của thầy, là bác Trương Văn Đấu.”
Anh Dzũng há hốc, nghĩ trong đầu: “Ồ, sư phụ của thầy là đồng nghiệp của mình. Tự hào quá!”

Bonsai là cây được lấy dáng từ cây cổ thụ bên ngoài thu gọn vô một cái chậu. Cây thiên nhiên ở ngoài có tiêu chuẩn tự nhiên, tầm cao, dáng nét ra sao, thì nghệ nhân bonsai sẽ nuôi và tạo dáng cây giống y như vậy, như một tác phẩm ngoài đời thu nhỏ vào trong một cái chậu. Thay vì cây thật có nét đẹp, nét xấu, nghệ nhân bonsai là người cắt tỉa, tạo dáng cây sao cho tác phẩm của mình chỉ giống phần đẹp, và làm mất khuyết điểm là phần xấu của cây đi. “Nhưng không phải cây nào cũng đem về tỉa nhánh, uốn cành để thành bonsai được,” anh Dzũng nói. “Ví dụ cây cao thẳng, không có cành nhánh, thì không làm được.”
Nhờ chịu khó, cùng với niềm đam mê nghệ thuật, và hơn hết là được học từ những bậc trưởng lão trong ngành cây kiểng bonsai, anh Dzũng được chọn là một trong năm người của ban giám khảo thay phiên tại các cuộc thi cây kiểng hàng tháng ở trường đại học Khoa Học Tự Nhiên tổ chức. “Được làm ban giám khảo, được nghe người khác bình luận, và cũng được nhận xét nhiều tác phẩm khác nhau, cũng là lúc tôi rút cho mình rất nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá, nhất là về bonsai” anh Dzũng nói.
15 năm sống ở Mỹ – tiếp nối niềm đam mê gần nửa thế kỷ
Thời tiết Nam California, buổi trưa nắng gắt, nhưng dưới bóng hiên nhà, gió thổi, vẫn thấy lạnh. Anh Dzũng ngồi nhớ lại 15 năm trước, khi phải từ bỏ tất cả để sang Mỹ.
“Tôi đi Mỹ năm 2010. Đi vì tương lai của gia đình, chứ lúc đó phải bỏ nghề, buồn lắm,” anh kể tiếp. “Lúc mới qua tôi ở thành phố Fullerton, sau về Midway City, rồi qua Westminster, rồi dọn qua Garden Grove cho tới giờ. Nhiều khi nhớ cây, thấy ai bán ở chợ trời Garden Grove thì mua vài cây nho nhỏ về, làm một miếng gắn ngoài cửa sổ để đặt lên, chứ nhà chung cư làm gì có chỗ mà trồng. Mà khi đó lạ nước lạ cái, cũng chẳng biết ai chơi bonsai, càng ngày tôi càng thấy biết trong cộng đồng Việt cũng có nhiều người mê cây như mình.”

Những lần đi chợ trời Garden Grove, ngồi lựa cây, anh Dzũng nghe các “đồng hương” rủ nhau đi họp hội cây kiểng, lúc đó vợ chồng anh chị David và June (Dung) Ngụy hay tổ chức ở chùa Bảo Quang. Anh nghe thì mừng lắm, nhưng chỉ tham gia được một vài lần, vì bận đi làm, mới qua, lái xe chưa rành, nên anh phải tạm gác lại niềm đam mê của mình.
“Hên sao sau đó tôi có duyên gặp anh Đan Nguyễn (hiện nay là hội trưởng Hội Cây Kiểng Việt Nam-Hoa Kỳ- Vietnamese USA Bonsai Society) và anh Lê Quang Bình, rủ ra sinh hoạt cho vui. Tôi cũng sinh hoạt bình thường, nhưng mấy anh thấy tôi có tay nghề, biết về bonsai, nên kêu ra phụ, rồi tôi ‘lên chức’ trưởng ban kỹ thuật của Hội luôn, cho tới giờ.
Khi đó, gia đình anh Dzũng chuyển tới một ngôi nhà có sân sau rộng một chút, nên anh có điều kiện quay lại thú vui hằng ngày với cây cỏ. Anh cùng bạn bè lên núi đào cây về nuôi dưỡng và uốn thành bonsai. “Lần đầu tiên tôi được đi đào cây với ông Henry, một người Mỹ rất rành đường xá và cây cối ở Nam California, trời ơi, thích quá chừng luôn,” anh Dzũng nhớ lại. “Không khí ở vùng cao miền Nam California rất là tuyệt vời, mát mẻ, trời trong xanh, mây trắng,… Bữa đó tôi đào được bốn, năm cây nhỏ, đem về nuôi.”
Cuộc sống của người mới nhập cư khi tuổi đời không còn trẻ như anh Dzũng khá chật vật, khiến anh không thể dồn hết thời gian và tâm sức để thỏa niềm đam mê. Tuy vậy, bất cứ lúc nào rảnh rỗi, anh đều dành cho cây.
Số lượng cây ở nhà anh cứ tăng lên, cho đến khi không còn chỗ để đặt, để trưng. Nếu muốn có cây mới, có tác phẩm mới, thì phải “giải quyết” bớt cây trong vườn bằng cách ai thích và muốn mua thì anh bán. “Phải bán thì mới có tiền mua dụng cụ, phân bón,… mà chăm sóc cây mới,” anh nói. “Riết rồi mình có nghề tay trái. Gọi là nghề chứ thật ra lời lã không bao nhiêu, mà chủ yếu lấy công làm lời. Vườn tôi chắc khoảng chừng 50-60 cây lớn và nhỏ. Lúc đầu tôi không đủ khả năng chơi những cây ‘cứng’ giá ngàn đôla. Giờ thì ‘gia tài’ của tôi có cây mắc tiền nhất là trên $10,000, dù tôi thật sự không muốn, và cũng khó định giá, vì cây có tuổi đời hàng vài trăm năm trở lên. Rất quý!”

Anh Dzũng cũng nhận ghép và uốn cây cho những ai có nhu cầu, nhưng chỉ nhận cây dài ba gang tay trở lên. “Môn chơi này không hề đơn giản, ở đây thường người ta ghép sống khoảng chừng nửa gang tay. Để nhánh ba gang tay mà sống thì không dễ chút nào, phải biết nghề, hiểu cây để biết ghép vào đâu thì cây mới sống được.”
Anh Dzũng giới thiệu mảnh vườn cũng đã kín các chậu kiểng, chỉ một cây bonsai sắp hoàn thành, anh nói: “Cây này tôi đào trên núi cách đây khoảng bảy năm, và đang ghép trên 50 vết, giờ thành công rồi, vì các nhánh ghép đều sống. Những cây này tôi chỉ mới ghép chứ chưa uốn, nên chưa hiện rõ hết nét đẹp. Chơi bonsai công phu lắm, và phải kiên nhẫn nữa.”
Trong vườn nhà anh Dzũng có không nhiều cây thành phẩm, vì cứ xong cây nào lại có người tới mua. Vả lại, ý định của anh là để cây có chút tự nhiên, khi đem tham dự triển lãm mới “make up” cho đẹp, để “ai ưng thì gả luôn.”
Hội trưởng Đan Nguyễn cho biết mỗi năm, Hội Cây Kiểng Việt Nam-Hoa Kỳ tổ chức từ hai đến ba cuộc triển lãm. Tại đây, hội trưng bày và bán nhiều loại cây kiểng và bonsai của các hội viên, cũng nhằm mục đích “trình làng” những tác phẩm mới, cho có thêm niềm vui trong cộng đồng, và tạo cơ hội để ai muốn đến mua bonsai và vật liệu.
“Tại các cuộc triển lãm luôn có phần demo do anh Dzũng phụ trách. Sau khi tỉa, uốn cây thành tác phẩm hoàn chỉnh, hội tổ chức bán đấu giá để lấy kinh phí ‘trà, nước, bánh trái’ cho các hội viên trong các buổi sinh hoạt,” anh Đan nói.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với bonsai, nhưng tới giờ anh Dzũng cho biết vẫn phải học hỏi, anh nói: “Tôi chỉ rành về kỹ thuật, chứ nghệ thuật thì phải học suốt đời. Thẩm mỹ luôn có cách sáng tạo riêng, có chiều sâu khác nhau. Người không rành, nhìn thấy dáng giống nhau, nhưng ‘người trong cuộc’ sẽ thấy rõ mỗi cây đều có đường nét khác nhau.”

***
Hiện tại, nghề trồng cây không nuôi sống đủ gia đình, anh Dzũng vẫn tới hãng làm việc mỗi ngày, buổi chiều tưới cây, thứ bảy chăm sóc cây và Chủ Nhật dành thời gian cho gia đình.
Anh Dzũng là người “đẹp trai” nhất nhà, vì anh chỉ có chị vợ và hai cô con gái, nhưng chẳng có ai mê cây bằng anh.
“Không có người ‘nối gót,’ vậy anh có lời khuyên gì cho những người mê cây kiểng?” Anh trả lời ngay: “Phải thích mới chơi, mới nói chuyện về bonsai được nhe. Vì có thích mới tìm thấy niềm vui, quên bớt cực khổ. Làm xong một tác phẩm, sướng lắm, nên dù làm cây biết bao nhiêu năm rồi, với tôi, mỗi ngày đối với tôi đều mới mẻ, và thấy được ích lợi rất nhiều. Lợi ích là tôi có chỗ để thư giãn. Ở trong nhà không làm gì, ra ngoài trời hít thở không khí trong lành, đầu óc thoải mái hơn.”
Sau khi chiêm ngưỡng các tác phẩm đầy tính nghệ thuật và sự sáng tạo của người có tâm hồn nghệ thuật, sự đam mê và lòng kiên nhẫn, khi chia tay anh Dzũng, tôi chào tạm biệt và nói anh xứng đáng là một nghệ nhân, anh khiêm tốn, lắc đầu phản ứng: “Tôi chỉ là người trong nghề lâu năm thôi, chứ không dám nhận mình là nghệ nhân đâu!”