Không phải “người thường”

Jeremy Shuler thời điểm vào Cornell (Shuler family)

Khi mới ba tháng, Jeremy Shuler, ở Grand Prairie, Texas, đã khiến bố mẹ sửng sốt bởi khả năng tập trung cao độ. Lên 15 tháng, Jeremy đã biết mẫu tự và có thể tìm chữ và số khắp nơi, từ trong những sợi mì, trên mây, các vì sao hoặc từ những họa tiết gạch sàn…

Jeremy Shuler cùng bố mẹ (Shuler family)

Không phải dễ để tắm cho cậu bé vì em cứ nghịch viết chữ và số bằng vòi nước. Lúc một tuổi rưỡi, Jeremy hỏi mẹ về một e-mail mà mẹ đang viết cho người bạn ở Seoul. Khi được mẹ chỉ cho thấy các dòng chữ Hàn, hôm sau, Jeremy kết hợp phụ âm và nguyên âm để đọc thành vần, rồi cậu đọc luôn một quyển sách viết bằng Hàn ngữ! Năm hai tuổi, Jeremy đọc thạo tiếng Hàn lẫn tiếng Anh.

Thật không phải “người thường” chút nào. Trước khi ăn bánh sinh nhật lần thứ năm, Jeremy đã học chương trình toán dự bị đại học. Một hôm, thấy quyển “Journey Through Genius: The Great Theorems of Mathematics” của mẹ trên kệ, Jeremy “chôm” xuống đọc qua đêm và từ đó mê mệt và tôn kính các bậc lỗi lạc Leonhard Euler, Carl Friedrich Gauss và Isaac Newton…

Khả năng Jeremy siêu việt đến mức mẹ cậu cũng phải chào thua. Mẹ cậu, lúc đó đang học tiến sĩ công nghệ hàng không tại Đại học Texas ở Austin, đã bỏ ngang chương trình tiến sĩ để ở nhà dạy con (homeschool). Lúc ấy, bố của Jeremy Shuler là kỹ sư làm việc cho Lockheed Martin tại Dallas. Mẹ cậu thật ra gần như không dạy gì. Jeremy vui thích với sự tìm tòi kiến thức. Cậu đọc mọi thứ, từ bách khoa toàn thư đến sách toán.

Jeremy năm 2006 (Shuler family)

Năm lên 8, Jeremy được bố đưa sang Anh sống một năm. Khi bố Andy Shuler đi làm, Jeremy và mẹ (Harrey) lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo. Họ tính thế này, Jeremy sẽ học ngôn ngữ và văn hóa Milan, Brussels, Glasgow hoặc Wales. Thế rồi cậu bé đọc sách địa, sử và ngôn ngữ. “Chúng tôi bỏ luôn việc tra cứu Wikipedia. Cứ việc hỏi Jeremy là ra tất” – bố cậu kể. “Thủ đô Chad là gì con?” – Jeremy sẽ nói ngay tức thì. Khi lên 10, cậu đã đạt đến giới hạn những gì mà bố mẹ hoặc giáo viên phổ thông có thể dạy.

Cậu thi SAT (phần thi để vào đại học) đạt điểm cao hơn 99.6% các thí sinh thi năm đó! Cụ thể: 800 điểm môn toán, lý và hóa; 750 điểm lịch sử thế giới và Latin ngữ. Cậu thi tiếp AP (Advanced Placement) với các môn điện tử và từ trường, thống kê học, kinh tế vi mô và vĩ mô. Và cũng đạt điểm cao nhất ở mỗi môn!

Jeremy Shuler thời điểm vào Đại học Maryland, 2020 (today.umd.edu)

Năm 2016, khi 12 tuổi, Jeremy Shuler được nhận vào Đại học Cornell, nơi bố cậu từng học khóa ’97 và ông nội cậu là cựu giáo sư. Tại trường này, Jeremy học vật lý ứng dụng và lý cơ khí. Môn phụ là toán. Nội dung các môn học không có gì xa lạ với cậu. Vấn đề của cậu là hòa nhập với “các bạn sinh viên” như thế nào…

Năm 2020, sau khi Jeremy Shuler trở thành sinh viên trẻ nhất tốt nghiệp đại học lừng danh Cornell, gia đình Shuler dọn đến College Park, thành phố thuộc hạt Prince George’s ở tiểu bang Maryland. Jeremy Shuler ghi danh chương trình tiến sĩ vật lý Đại học Maryland, trở thành người thứ hai trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất lịch sử đại học này (người thứ nhất là Stephen J. Smith, Ph.D. ’97, nhỏ hơn Jeremy Shuler hai tháng tuổi)… Năm nay 18 tuổi, Jeremy Shuler “có đủ thời gian để ăn mừng ngày nhận bằng tiến sĩ bằng một ly champagne” – bố của cậu nói…

____________

Đọc câu chuyện Jeremy Shuler khiến người ta nhớ đến một thiên tài khác: ông Phạm Công Thiện. Năm 16 tuổi, ông Thiện đã soạn quyển tự điển Anh ngữ Tinh âm. Năm 15 tuổi, ông đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha (ngoài ra còn biết tiếng Sankrit và Latin). Chưa đầy 19 tuổi, ông viết cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. Vài năm sau, khi chỉ hơn 20, dù chưa từng thi tú tài lẫn tốt nghiệp đại học, ông Thiện đã được thầy Thích Minh Châu mời về làm khoa trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn tại Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Một trí tuệ thật sự khủng khiếp!

Ông Phạm Công Thiện (file photo)

Hãy thử đọc một đoạn trong quyển “Im lặng hố thẳm” xuất bản năm 1967 khi ông mới 26 tuổi để thấy Phạm Công Thiện phi phàm như thế nào:

“Tính và Việt hiện thể ra tính và việt, thuận theo ý nghĩa qui định của transcendens và esse của La tinh. Trong triết lý Hy lạp thời thượng cổ, Việt là έπέγεινα τής οϋσίας (Platon, République, VI, 509, B), Tính là tính trong τόόυ nằm ở câu τόόυ έστι μαθόλου μάλιστα πάντων của Aristote (Métaphisique, B4, 1001a21).

Việt trong chữ Tàu là 越 trong 越 鳥 巢 南 枝 hay trong 越 裳 ở đời Hùng Vương; Tính là 性 trong 天 命 之 謂 性 câu mở đầu chương thứ nhất của sách Trung Dung, Chữ Phạn (Sanskrit) là nguồn của Việt và Tính; chữ Phạn của Việt là pàramità; chữ Phạn của Tính là Tad trong Ấn Độ giáo hay Tattva trong Phật giáo. Trong lịch sử nhân loại, Tính thể hiện giữa lòng đời nơi hóa thể của một người trên người, tên là Jésus mà esse của Jésus là esse trong nghĩa Ipsum Esse subsistens của thánh Thomas d’Aquin; Việt thể hiện giữa lòng sống nơi hóa thân của một người vượt người, tên là Phật Thích Ca Mâu Ni…”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: