San Frans: Cà phê sách ‘sống chậm’ của hai cô gái Việt

Open Book Project khai trương, nhẹ nhàng như chính chủ ý của hai cô gái trẻ gốc Việt ở San Francisco
Cà phê sách Open Book Project của hai cô gái gốc Việt, nơi mọi người có thể sống chậm và trò chuyện cùng nhau.

Cho dù từng ấp ủ ý tưởng sẽ cùng nhau làm một dự án gì đó, nhưng Meegan Nguyễn và Linh Đan Lê chưa bao giờ nghĩ rằng, họ sẽ thực hiện điều đó nhanh và bất ngờ đến như thế. “Plan” giờ không chỉ là “plan” nữa. Đôi bạn của thành phố San Francisco năng động đã thực hành câu nói “cơ hội không bao giờ đến hai lần” vào dự án đầu tay: Open Book Project.

Meegan Nguyễn là một hoạ sĩ đồ hoạ. Linh Đan làm việc cho một công ty sản xuất phim. Cả hai biết nhau trong thời gian học San Francisco State University. Như tất cả mọi người, cả hai tốt nghiệp, đi làm, ước mơ xây dựng sự nghiệp riêng dù chưa định hình rõ ràng, chưa biết đó sẽ là mô hình kinh doanh gì.

Meegan Nguyễn (trái) và Linh Đan Lê. Ảnh: Arthur Alvarez

Cho đến khi, Meegan biết tin Queens, siêu thị nhỏ chuyên bán thực phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, nơi cô làm việc thêm vào cuối tuần sẽ ngừng hoạt động. Queens đóng cửa để chuẩn bị cho một hướng kinh doanh mới. Cô gái 9X nói với Linh Đan, và rất nhanh, cả hai quyết định địa điểm trên đường 9th Avenue sẽ là cơ hội cho họ thực hiện “một điều gì đó.”

“Tụi em chỉ có hai tuần để nói ‘Yes’ với người chủ của tiệm và khoảng ba tuần để Open Book Project ra đời. Ý tưởng của dự án này là một sân chơi cho cộng đồng, ở đây bao gồm cả những người bạn, người hàng xóm. Đơn giản là một nơi để mọi người đến, trò chuyện, kết bạn với nhau.” Một buổi sáng Thứ Tư, từ San Francisco, hai cô gái trẻ Meegan và Linh Đan kể về câu chuyện của Open Book Project.

Ngồi cạnh nhau, Meegan Nguyễn, cô gái có gương mặt của người Hàn Quốc dù cô nói “em là người Việt 100%”, có phần nào hoạt bát hơn Linh Đan. Linh Đan đến Mỹ từ rất nhỏ. Tiếng Việt của cô đủ để người đối diện biết cô là người gốc Việt. Cả hai hào hứng khi nói về điểm đặc biệt của Open Book Project: “Đây là một nơi để kết nối mọi người với nhau, có thời gian sống chậm lại.”

“Em nghĩ nơi này như phòng khách của nhà mình. Tụi em mời mọi người đến, uống cà phê, trà, ăn bánh, đọc sách, và trò chuyện thân thiện với nhau,” Meegan nói.

Cơ hội ra đời Open Book Project của hai bạn trẻ đến trong một thời gian rất ngắn. Thêm vào đó, cả hai chưa có kinh nghiệm kinh doanh. Những tuần lễ đầu tiên là thời gian quay cuồng với thiết kế quán, lên menu, tìm đối tác để lấy cà phê. Nhưng có lẽ những gì bắt đầu với ý tưởng càng đơn giản thì càng có ý nghĩa sâu xa.

Như Meegan, cô muốn “phòng khách nhà mình thế nào thì cứ mang ra đây như thế.” Với Linh Đan thì “nơi này vừa là nơi kinh doanh, vừa là một ‘non-profit’”. Nghĩa là, cô nói, “mọi người có thể đến để làm việc hoặc ngồi đọc sách đều được cả. Đây là một free space.”

Meegan nói, cô muốn Open Book Project là một nơi để mọi người sống chậm lại một chút, để có thể ngồi nói chuyện với nhau. Meegan nhận thấy, sau Covid, mọi người chỉ muốn một chỗ nào đó để gặp gỡ, kết nối với nhau. Cá nhân cô cũng bị thu hút bởi những quán cà phê được xây dựng theo phong cách nhẹ nhàng, một nơi chỉ dành cho những người thật sự muốn gặp gỡ nhau và trò chuyện.

Thế là mọi chuyện trở nên dễ dàng với cả hai. Trong vỏn vẹn ba tuần lễ sắp xếp ngăn nắp “phòng khách”, chuẩn bị thực đơn nước uống, bánh cho khách hàng, Open Book Project khai trương, nhẹ nhàng như chính chủ ý của hai chủ nhân.

Theo Linh Đan, “nếu không có bạn bè, cộng đồng giúp đỡ, ủng hộ thì tụi em cũng không làm được dự án to như thế này.” Cả hai nhận được sự chia sẻ nhỏ nhưng ấm áp từ cộng đồng trong khu vực. Ví dụ, có người mang đến một bức tranh treo tường; cửa hàng sách gần đó đề nghị có cơ hội làm chương trình workshop; có người đóng góp thêm những cuốn sách hay trên kệ.

Để đáp lại, hai chủ nhân của Open Book Project chọn đối tác kinh doanh với tiệm là một cơ sở rang cà phê ở địa phương.

Linh Đan cho rằng, vấn đề khó khăn nhất của xã hội lúc này là con người rất hạn chế trong việc giao tiếp với nhau. Cô nhận thấy chính mình cũng cần phải học cách thể hiện suy nghĩ của mình, hoặc làm thế nào để bày tỏ với bạn bè. “Nơi này là nơi em tập giao tiếp với mọi người,” Linh Đan nói.

Meegan tiếp lời bạn: “Trong cuộc sống, ai cũng cần sự kết nối.”

Giữa một xã hội mà tốc độ phát triển của công nghệ nhanh hơn suy nghĩ của con người, đang âm thầm thay thế cả sự giao tiếp vốn là bản năng riêng của loài người, thì một nơi như Open Book Project sẽ khiến người ta có cơ hội chậm lại, để đọc nhiều hơn, hiểu mình và hiểu nhau hơn.

Đọc thêm:

Nam Coffee, ‘mang cà phê Việt đi đánh xứ người’

Càphê Roasters – Cà phê Việt duy nhất ở PA được rang như thế nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: