Tin nóng từ Georgia cho hay ứng cử viên Thượng Viện Herschel Walker, cựu cầu thủ bóng bầu dục NFL, hồi năm ngoái đã khai với Sở thuế IRS rằng nơi cư ngụ chính của anh ta là Dallas. Chi tiết động trời này khiến truyền thông báo chí và mạng xã hội rộ lên chữ “carpetbagger” để gọi Walker.
Tự điển Oxford định nghĩa carpetbagger là “a political candidate who seeks election in an area where they have no local connections” – ứng cử viên chánh trị ra tranh cử tại địa phương nơi họ không có mối liên hệ.
Trường hợp của Herschel Walker thật ra hơi khác vì anh ta sanh ra và lớn lên ở Georgia, chơi football cấp trung học và đại học cũng ở Georgia. Chỉ khi vào NFL, Walker mới di cư qua Texas để chơi cho đội Dallas Cowboys. Nghe nói sau đó Walker tậu căn nhà mấy triệu đôla ở xứ cao bồi và lấy đó làm địa chỉ thường trú (homestead) để được giảm thuế nhà đất (CNN nói Walker được bớt khoảng $1,500/năm). Thành thử gọi Walker là carpetbagger cũng hơi oan, mặc dù xét về mặt pháp lý thì anh ta có vi phạm luật bầu cử của Georgia thật. Thế còn nguồn gốc của chữ carpetbagger là chi?
Ngày xưa có một loại va-li đựng hành lý thông dụng và phổ biến vào thế kỷ 19 gọi là carpetbag. Nó làm bằng vải của những tấm thảm (carpet), miệng là chiếc khung gỗ và có quai xách. Ban đầu người ta dùng các loại thảm Á Đông (oriental rugs), về sau còn dùng thảm của Bỉ (Brussel carpet) vì sau khi may thảm thì những mảng vải thừa dùng làm túi xách rất tiện. Carpetbag được chuộng hơn rương hòm vì nó nhẹ, bền, rẻ và dễ mang đi đường xa, không cần mướn porters để khiêng giùm.
Trong truyện khoa học giả tưởng “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” (1873) của Jules Verne, hành lý duy nhất của nhân vật chính Phileas Fogg chỉ là cái túi carpetbag chứa vài bộ đồ và một đống tiền mặt. Ngoài ra carpetbag còn có công dụng phụ trên các toa xe lửa hạng bình dân không có sưởi: Hành khách có thể mở nó ra để đắp như mền. Tại vậy nên nó còn được gọi là “railway rugs.”
Chữ carpetbagger bắt đầu xuất hiện ở Mỹ sau cuộc nội chiến Civil War (1861-1865), vào thời điểm gọi là Reconstruction – Tái Thiết. Bấy giờ dân miền Bắc di cư khá nhiều để tham gia công cuộc xây dựng đất nước hậu chiến tranh. Nhiều người vào Nam lập nghiệp không mang theo gì nhiều ngoài cái túi xách carpetbag. Họ gồm đủ thành phần – thương gia, doanh nhân, thầy giáo cô giáo, mục sư, cựu chiến binh v.v. Đa số là người da trắng, và hầu hết ủng hộ đảng Cộng Hòa, tức đảng của Lincoln, chủ trương abolition tức xoá bỏ chế độ nô lệ. Dân miền Nam gọi những người miền Bắc này là carpetbaggers.
Đảng Cộng Hòa còn được tiếp tay bởi nhóm người gọi là “scalawags” – những người da trắng ở miền Nam chống nô lệ và hợp tác với bên thắng cuộc. Thêm vào đó là một thành phần thứ ba cũng cùng phe với đảng Cộng Hòa thời bấy giờ, đó là những người cựu nô lệ vừa được giải phóng, gọi là “freedmen.” Với những ưu thế về kinh tế, tài lực cũng như ảnh hưởng chính trị, dần dà đảng Cộng Hòa ở miền Nam nắm hầu hết vị trí quan trọng trong hội đồng thành phố, nghị viện tiểu bang, dinh thống đốc, lưỡng viện Quốc Hội v.v. Điều này khiến cho dân miền Nam, đa số theo đảng Dân Chủ, vô cùng ganh ghét mặc dù phần lớn các chính sách của người miền Bắc không ngoài mục đích phát triển các tiểu bang miền Nam.
Thuở bấy giờ ở miền Nam có trên 430 tờ báo nghiêng theo đảng Cộng Hòa, đa số các chủ biên là scalawags; khoảng 20% là dân carpetbaggers từ ngoài Bắc vào. Tưởng cũng nên nói thêm là cuộc Nam tiến của người miền Bắc đã bắt đầu từ những năm 1862, khi chiến cuộc vừa mới mở màn. Nhiều người dọn đến những vùng đã được quân đội Liên Bang giải phóng và kiểm soát để xây trường học cho trẻ em da Đen. Hai chi phái Cơ Đốc Giáo có nhiều đóng góp cụ thể nhất trong nỗ lực xoá nạn mù chữ ở miền Nam thời bấy giờ là Methodist Church và Baptist Church.
Sau chiến tranh nhu cầu tái thiết lên cao. Miền Nam khi ấy cần được công nghiệp hóa để bắt kịp miền Bắc. Đa số carpetbaggers là dân có học và có của. Một số không ít vô Nam cũng là để tìm kiếm cơ hội làm ăn, xây dựng doanh nghiệp. Dân carpetbaggers không những mang tư bản vô Nam mà còn đem cả vốn liếng kỹ thuật và học thuật. Chưa kể trong 60 người carpetbaggers làm Dân Biểu và Nghị Sĩ tại Quốc Hội có đến 52 người là cựu chiến binh từng phục vụ cho phe Union, tức phe thắng cuộc.
Năm 1865 chính phủ Liên Bang thành lập một văn phòng nhà nước mang tên Freedmen’s Bureau để trợ giúp những gia đình nô lệ vừa được trả tự do. Những người theo đảng Cộng Hòa của cả hai miền Nam Bắc lúc ấy đều có cùng một mục đích chung là hiện đại hóa và công nghiệp hóa nền kinh tế của miền Nam trước đây vốn lệ thuộc vào chế độ nô lệ. Họ cho xây nhiều trường học các cấp, kể cả đại học cho người da Đen. Họ nâng cấp và khuếch trương hệ thống hoả xa. Năm 1870 dân miền Bắc chỉ nắm khoảng 20% dặm đường sắt ở trong Nam. Đến năm 1890 con số này đã tăng lên đến 88%, đồng thời 47% các vị giám đốc hỏa xa là người miền Bắc.
Về mặt chính trị, mặc dù đảng Cộng Hòa kiểm soát phần lớn các nghị viện và ghế thống đốc ở miền Nam, nhưng nội bộ đảng Cộng Hòa cũng có sự chia rẽ giữa nhóm scalawag bảo thủ và nhóm carpetbagger cấp tiến được sự ủng hộ của khối freedmen. Ít lâu sau thành phần scalawag lai nhảy sang đảng Dân Chủ để chống lại cựu đảng của họ. Song trong chính trị chẳng có điều gì trường cửu.
Vào thập niên 1940, một số lãnh đạo của đảng Dân Chủ bắt đầu chuyển hướng sang ủng hộ phong trào bình quyền và dân quyền cho người da Đen. Điều này khiến cho khối bảo thủ đòi tách ra để lập một đảng mới tên là States’ Rights Democrats – biệt danh là Dixiecrats. Tuy đảng mới này không thọ được bao lâu, nhưng nó thành công trong việc chia phiếu đảng Cộng Hòa trong mùa bầu cử tổng thống năm 1948, dẫn đến chiến thắng bất ngờ của Harry Truman.
Ngày nay chữ carpetbagger đã biến thành một thuật ngữ chính trị tiêu cực hàm ý miệt thị. Ngoài định nghĩa ghi ở đầu bài, Oxford còn một định nghĩa thứ nhì, dùng để tả Herschel Walker có lẽ cũng không sai: “A person perceived to be an unscrupulous opportunist” – kẻ trục lợi bất phân phải trái.
________
Đọc thêm: Tiếng Anh theo dòng thời sự