Trải qua hàng mấy trăm năm đến nay câu đối này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Câu đối này xảy ra trong hoàn cảnh lúc ấy ông Trạng Quỳnh, môt người văn hay, chữ tốt thời ấy muốn vào xem bà Đoàn Thị Điểm (còn gọi là Hồng Hà nữ sĩ) tắm, cũng là một cao thủ về thơ phú, nhưng để được phép vào xem ông phải đối được một câu đối của bà, không ngờ ông bí luôn, đủ thấy câu đối này lợi hại cỡ nào.
Đây có thể là một câu đối luôn “hot” và đứng vững trong lịch sử văn học Việt Nam nhất mà không có người đối được, mặc dù chúng ta đã có hàng trăm tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư văn học, nhà ngôn ngữ học nhưng cho đến này vẫn chưa có vị nào có thể “Vừng ơi, mở ra” được. Vậy tại sao đáp lại câu đối này khó quá vậy, sau đây chúng ta sẽ phân tích một chút về những câu đã đáp lại câu đối này và tại sao luôn luôn vẫn không hoàn chỉnh:
Theo tôi các câu đáp của quý vị đưa ra vẫn chưa hoàn chỉnh vì lý do sau:
– Về tình huống và ngữ cảnh lúc bà Điểm đang tắm. Đây là một câu đối đầy sexy và thách thức, bỡn cợt rất bạo gan so với thời đại ấy vậy câu đáp cũng phải trong hoàn cảnh ấy. Đã có một số câu có thể đáp ứng phần nào mà tôi đã xem qua nhưng chưa đã lắm (phần này là khó nhất vì các câu đáp nghiêm túc quá).
– “Bì bạch” là chữ Hán có nghĩa “da trắng”, với danh từ đứng trước tính từ và còn là từ tượng thanh, láy âm (âm thanh thường xảy ra khi tác động vào nước) bổ nghĩa cho động từ “vỗ”, có thể một số ít câu đáp đã đáp ứng phần nào (như “la thất thanh”).
– Phần này quan trọng nhất mà nhiều câu đáp còn sai: Ai vỗ? Da trắng không thể tự vỗ được vậy không là chủ thể mà phải là bà Điểm vỗ. “Da trắng” là của bà Điểm, như vậy hai từ đầu tiên không được là chủ thể, thí dụ như “Bảy xanh” (Bảy xanh la thất thanh) theo tôi còn đối gượng ép, hơn nữa mang “Bảy” nghĩa là ông Bảy (danh từ riêng) đối với từ “Da” (danh từ chung) tôi vẫn thấy chưa thuyết phục.
Một số thí dụ chưa đạt:
– “Trời xanh màu thiên thanh”, “màu” không là động từ (nếu là động từ có thể hiểu ngầm là “có màu”; trong trường hợp này còn gượng ép khi đối với động từ “vỗ”). “Thiên thanh” không là từ tượng thanh, láy âm.
– “Mâm vàng thấy bàng hoàng”, “bàng hoàng” không là từ tượng thanh, láy âm.
– “Rừng sâu mưa lâm thâm”. “Lâm thâm” không phải từ láy âm.
Hơn nữa, ba câu trên hơi lạc tình huống, ngữ cảnh.
– “Tay sơ sờ tí ti”. “Tay” đáp với “da” được nhưng “sơ” (nghĩa là sạch) theo tôi không được xếp vào bảng màu nên không đáp chuẩn với “trắng” được; còn “tí ti” đáp với “bì bạch” vẫn thấy gượng ép làm sao ấy.
– “Rùa vàng yêu quy hoàng”. “Quy hoàng” không phải từ tượng thanh, láy âm.
Trong tất cả các câu đáp, tôi xin chọn ra một câu theo tôi là hay nhất có thể đồng ý 90%:
– “Buồng xanh vang thất thanh”, trong câu này chúng ta phải hiểu “thất” cũng có nghĩa là “buồng”, chẳng hạn “nội thất”. Câu đáp này khá hoàn chỉnh. Chỉ có một điều, nếu bắt bẻ chi li thì “da” là một bộ phận thân thể, chỉ có thể đáp tốt nhất là “môi, mắt, mũi, tay…”, thành ra gần như hoàn hảo thôi. Đó là chưa kể câu này chưa ăn nhập lắm với hoàn cảnh lúc ấy.
Nói tóm lại cho đến nay, có rất nhiều câu đáp nhưng được phần này lại mất phần khác không hoàn chỉnh 100%. Câu đối “Da trắng vỗ bì bạch” vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chưa có câu đáp nào hoàn toàn thuyết phục 100%.
Nguồn: Phạm Đình Tiến; Page: Quán Văn