Trong quy trình tố tụng ở Mỹ có một thủ tục gọi là Target Letter. Chữ target ở đây vừa có nghĩa là mục tiêu vừa có nghĩa là đối tượng – tức cái đích nhắm của Bộ Tư pháp, tạm dịch sang tiếng Việt là Thư Chiếu Cố.
Target letter là văn thư chính thức công tố viên gởi cho một cá nhân, báo cho họ biết họ đang bị điều tra và có khả năng sẽ bị truy tố. Trong thư, công tố không những liệt kê khái quát những cáo buộc mà còn cho đối tượng cơ hội đến gặp công tố viên để giải thích hoặc giải đáp thắc mắc nếu có.
Người nhận cũng có thể nhân cơ hội này ra điều đình với đại diện của Tư Pháp để tránh bị khởi tố. Nói cách khác, target letter có thể xem như một phép lịch sự trong thủ tục tố tụng, thường được gởi ra không lâu trước khi chính quyền quyết định truy tố ai đó.
Ngày 18 Tháng Bảy 2023, Donald Trump đăng lên mạng xã hội Truth Social rằng Công tố viên Đặc biệt Jack Smith vừa gởi cho ông ta một lá thư chiếu cố. Song ông Trump không cho ta biết nội dung của bức thư ấy, và cũng không nói ông ta bị Jack Smith cáo buộc những tội gì. Tuy nhiên, một nguồn tin khả tín vừa hé lộ vài chi tiết đáng chú ý, xin được ghi ra đây với sự dè dặt cần thiết vì không ai có thể kiểm chứng trừ phi văn phòng Jack Smith chính thức lên tiếng.
Căn cứ theo nguồn tin này, Jack Smith đã báo cho Donald Trump hay ông ta bị cáo buộc vi phạm những điều khoản sau đây của bộ luật hình sự Liên Bang:
1/ Conspiracy to commit offense or to defraud the United States – âm mưu chống phá hay lừa đảo, gian lận nhà nước Liên Bang;
2/ Tampering with a witness, victim, or an informant – quấy rầy nhân chứng, nạn nhân hay người cung cấp tin tức cho chính quyền.
3/ Deprivation under the color of law – ???
Điều 1 và 2 thì dễ hiểu nên khỏi bàn, nhưng Điều 3 có lẽ cần nói rõ thêm. Nó được dựa trên Điều 18, Khoản 242 của bộ luật hình sự (Title 18, Section 242, U.S. Code). Tóm tắt như sau:
“It is a crime for any person acting under color of any law to willfully deprive a person of a right or privilege protected by the Constitution or laws of the United States.”
Cụm từ “under color of law” ở đây tạm dịch là “mang màu sắc pháp lý” – nó được dùng trong ngữ cảnh này để ám chỉ những hành vi phạm pháp dựa vào quyền thế hoặc quyền lực để tước đoạt (deprive) quyền lợi cá nhân của người khác được Hiến Pháp hoặc luật pháp bảo vệ.
Cần nói thêm rằng hành vi gọi là “under color of law” bao gồm không chỉ những gì nằm trong quyền hạn của nhân viên công lực (như cảnh sát, quản giáo nhà tù, quan toà v.v.) mà luôn cả những gì nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của họ nếu họ thi hành dẫu không được quyền. Nói cách khác, “deprivation under color of law” có thể hiểu đơn giản là “lạm dụng chức quyền để xâm hại đến quyền lợi của người khác.”
Tất nhiên đến giờ phút này văn phòng Jack Smith không hề cho ta biết ông Trump đã “lạm dụng những quyền gì” để “xâm hại những ai,” nhưng căn cứ theo quy trình tố tụng xưa nay thì những điều ấy sẽ được công bố trong tương lai gần. Chẳng hạn như hồi tháng Sáu vừa rồi, Trump đã bị truy tố tội cất giấu tài liệu mật chỉ vài ngày sau khi ông ta nhận được thư chiếu cố từ Jack Smith, với bản cáo trạng gồm 37 tội danh.
Song, cũng theo nguồn tin nọ thì bức thư target letter thứ nhì này lại không đả động gì đến những tội danh như “sedition” hay “insurrection” – tức “mưu phản” hay “phiến loạn”. Không những vậy, Donald Trump là đối tượng duy nhất bị nêu tên trong bức thư.
Theo đó ta có thể suy đoán Jack Smith còn nắm trong tay nhiều con bài khác mà ông ta chưa vội tung ra. Vụ án sắp tới này có lẽ chỉ xoay quanh âm mưu lật kèo kết quả bầu cử 2020 do Trump chủ mưu. Ta hãy chờ xem bao nhiêu “target” khác trong quỹ đạo của Trump rồi cũng sẽ bị Jack Smith gởi thư chiếu cố – từ đó suy ra những “kẻ gian” nào đã “xả thân” cộng tác với Tư Pháp để… được khoan hồng!
Cho tới nay nhiều người vẫn nghĩ (hoặc mơ ước) rằng dẫu Donald Trump có bị kết án và phải ngồi tù chăng nữa thì ông ta cũng sẽ được ân xá nếu nước Mỹ đưa được một tổng thống Cộng Hoà vào Bạch Cung. Thoạt nghe thì hợp lý, nhưng nghĩ kỹ lại ta sẽ thấy trường hợp của ông Trump phức tạp hơn vậy nhiều. Ngoài chuyện bị truy tố bởi chính phủ Liên Bang ông ta còn đang bị điều tra bởi Chưởng lý Fani Willis của Georgia, tội xía vô cuộc bầu cử ở tiểu bang này. Bà Willis đã báo hiệu cho biết bồi thẩm đoàn tại Fulton County đang chuẩn bị biểu quyết, rất có thể vào tháng Tám, để truy tố (indict) ông Trump.
Nếu như Donald Trump bị kết án (convicted) bởi Georgia thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chiếu theo luật Liên Bang thì tổng thống Mỹ không có quyền ân xá người bị Georgia kết án, do nguyên tắc phân chia quyền lực giữa liên bang (federal) và tiểu bang (state). Thêm vào đó, luật của Georgia cũng không cho phép thống đốc của tiểu bang ân xá ai cả. Quyền ấy nằm trong tay một hội đồng ân xá gọi là Georgia Board of Pardons and Paroles gồm năm người. Và cho dù thống đốc Georgia có quyền bổ nhiệm người của đảng ông ta vào hội đồng ân xá đi nữa, họ cũng chỉ được phép cứu xét đơn của những can phạm nào đã ngồi tù ít nhất 5 năm.
Tiếng Anh có thành ngữ “the chickens have come home to roost” – dịch sát là bầy gà mái đã về chuồng để được đạp (bởi chú gà trống). Mới nghe tưởng chuyện gì sung sướng lắm, nhưng ý nghĩa của câu đó, nói theo kiểu của ta, là “gieo gió thì gặt bão.” Lá thư chiếu cố thứ nhì từ Jack Smith mới chỉ là một trận gió nhẹ, chưa phải cơn lốc xoáy sắp sửa đập vào cái chuồng gà!