HIẾU CHÂN
Mười lăm quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương hôm nay Chủ nhật 15-11 đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP), tạo ra khung pháp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các thành viên sau đại dịch.
RCEP là một “sáng kiến” của Trung Quốc, nhằm thành lập khu vực thương mại tự do gồm 10 quốc gia ASEAN, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và New Zealand (Ấn Độ đã tham gia đàm phán giai đoạn đầu nhưng về sau đã rút ra). Việc ký kết ngày hôm nay ghi nhận quá trình đàm phán giữa các thành viên đã hoàn tất, văn bản hiệp định đã được thống nhất, nhưng hiệp định chỉ bắt đầu có hiệu lực sau khi tất cả các nước đã phê chuẩn.
RCEP đặt ra một số luật lệ và tiêu chuẩn chung điều hành hoạt động thương mại giữa các thành viên. Tính chung 15 thành viên RCEP đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng và dân số toàn cầu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 15 nền kinh tế thành viên RCEP có dân số 2.7 tỷ người, giá trị tổng sản lượng hằng năm khoảng 25.6 ngàn tỷ Mỹ kim; và giá trị thương mại khoảng 12.4 ngàn tỷ Mỹ kim. Nếu RCEP hoàn tất thì đây có thể là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, trong đó có ba nền kinh tế lớn nhất, nhì và thứ tư của châu lục (Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn). Để so sánh, khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) với hiệp định USMCA có dân số 493 triệu người, giá trị tổng sản lượng khoảng 24.4 ngàn tỷ Mỹ kim và giá trị trao đổi thương mại chỉ vào khoảng 7.8 ngàn tỷ Mỹ kim.
RCEP có khoảng 20 chương, quy định trong vòng 20 năm sẽ xóa dần khoảng 90% thuế nhập cảng cho hàng hóa của các nước thành viên buôn bán với nhau; và cũng đặt ra các luật lệ chung về thương mại điện tử, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ, chuỗi cung ứng v.v…
*
RCEP được Trung Quốc đề nghị vào năm 2011 như một đối trọng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership, TPP) do Mỹ cầm chịch lúc ấy đang trong giai đoạn đàm phán.
TPP gồm 12 nước (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ). TPP là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đặt ra các luật lệ và tiêu chuẩn điều hành thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, nguồn gốc sản phẩm, biện pháp phòng vệ, tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm, rào cản kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh v.v… Từ năm 2008, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đẩy mạnh việc đàm phán TPP, coi đây là một chiến lược kinh tế trong tổng thể chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì thế, TPP đặc biệt chú trọng vào quyền của người lao động, việc mua sắm của chính phủ và chống việc trợ cấp của chính phủ cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu TPP được thực hiện thì đây sẽ là một cơ chế mạnh buộc Trung Quốc phải thay đổi cung cách điều hành kinh tế có tính cướp bóc của họ. Đối lại, Bắc Kinh đề nghị đàm phán hiệp định RCEP không có Mỹ và các nước châu Mỹ, đồng thời không đề cập tới những vấn đề mà Trung Quốc cố né tránh trong giao dịch với các nước như quy định việc mua sắm của chính phủ, trợ cấp doanh nghiệp nhà nước v.v…
Hiệp định TPP hoàn tất đàm phán và ký kết ngày 4-2-2016 và chờ các chính phủ phê chuẩn để bắt đầu có hiệu lực. Nhưng Tổng thống Donald Trump, trong tuần lễ đầu tiên sau ngày nhậm chức, đã quyết định rút ra khỏi TPP, không phê chuẩn hiệp định mà chính quyền Obama đã mất nhiều năm thương lượng. Quyết định rút ra khỏi TPP được giới phân tích chính trị coi là món quà đầu tiên và giá trị mà Tổng thống Trump tặng cho Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Với sự vận động của Nhật Bản, mười một nước còn lại trong TPP đã cố gắng duy trì hiệp định, sửa chữa một số điều khoản và cho ra đời Hiệp định xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (Comprehensive and Progressive Trans Pacific Partnership, CT-TPP) có hiệu lực từ ngày 30-12-2018. Nhưng thiếu vai trò nhạc trưởng của Hoa Kỳ, hiệp định CT-TPP không thể hiện được tác dụng ban đầu của TPP. Có bảy nước thành viên CT-TPP tham gia hiệp định RCEP ký kết hôm nay.
*
Sau khi được Trung Quốc mời chào năm 2011, quá trình đàm phán hiệp định RCEP diễn ra chậm chạp. Nhưng sau khi ông Donald Trump làm tổng thống và phát động cuộc thương chiến tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh ra sức thúc đẩy và tăng tốc việc đàm phán RCEP. RCEP là hiệp định thương mại đa phương (multinational) đầu tiên mà Trung Quốc tham gia, có tác dụng mở rộng và củng cố ảnh hưởng kinh tế của nước này lên toàn khu vực vào lúc chính phủ Mỹ có khuynh hướng ngày càng bảo hộ thị trường nội địa và sử dụng thuế suất làm vũ khí trong thương mại quốc tế.
Phát biểu qua mạng trực tuyến tại hội nghị cấp cao ASEAN hôm thứ Năm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) nói rằng ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc; kim ngạch buôn bán hai chiều ASEAN-Trung Quốc trong chín tháng đầu năm nay đã lên tới 481.81 tỷ Mỹ kim, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp sự lan tràn của đại dịch Covid-19. Sáu nước thành viên RCEP, gồm Nhật, Nam Hàn, Úc, Singapore, Việt Nam và Indonesia có giá trị giao dịch thương mại với Trung Quốc lớn hơn giao dịch với thị trường Mỹ năm 2018, theo World Integrated Trade Solution.
Hiệp định RCEP sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa giao lưu thương mại Trung Quốc – ASEAN và chắc chắn sẽ làm cho khối này gắn bó mật thiết hơn với Trung Quốc, giúp xoa dịu những vấn đề vướng mắc như tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Nhật Bản, Việt Nam và Philippines đang xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông nhưng sức hút của thị trường Trung Quốc quá mạnh làm cho các nước này khó mà cưỡng lại lời mời tham gia RCEP.
Việc Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, không tham gia RCEP càng tạo thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện tham vọng của mình.
Với Hoa Kỳ, việc ký kết RCEP hôm nay sẽ gia tăng sức ép lên chính quyền tương lai của ông Joe Biden, buộc Mỹ phải tìm cách củng cố các quan hệ kinh tế với châu Á trong điều kiện Mỹ không có mặt ở cả CT-TPP và RCEP. Đã có những dự đoán chính phủ Biden/Harris có thể sẽ quay trở lại tham gia hiệp định CT-TPP; chính ông Joe Biden năm ngoái cũng đã nói ông sẽ cố gắng đàm phán lại hiệp định TPP nhưng giới quan sát cho rằng điều đó không dễ dàng và nhanh chóng.
Trong tình huống như vậy, báo Nikkei nhận định: “Trung Quốc đang siết chặt việc thu phục ASEAN trong khi Mỹ hướng nội”. Chưa rõ chính phủ mới của Mỹ sau ngày 20-01-2021 sẽ có sách lược nào để quay trở lại châu Á, thực hiện việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.