HIẾU CHÂN
Coronavirus gây dịch cúm Vũ Hán có thể lây lan chậm hơn, bớt nguy hiểm hơn khi thời tiết chuyển sang mùa hè và các cộng đồng dân cư những khu vực ấm áp dường như có lợi thế hơn trong việc ứng phó với dịch COVID-19, nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết.
Tương quan giữa dịch và thời tiết
Nghiên cứu của Qasim Bukhari và Yusuf Jameel đăng trên Social Science Research Network phân tích mô hình thời tiết các khu vực bị nhiễm COVID-19 và chỉ ra rằng, “tính đến ngày 22-03-2020, có đến 90% các trường hợp lây nhiễm virus 2019-nCoV xảy ra trong vùng có nhiệt độ 3-17 độ C, khí ẩm tuyệt đối 4-9g/m3; trong khi số ca nhiễm ở vùng nhiệt độ cao hơn 18 độ C và khí ẩm tuyệt đối lớn hơn 9g/m3 thì chưa tới 6%”.
Phân chia theo địa lý thì đại đa số các trường hợp nhiễm coronavirus nằm trong dải “hành lang” từ vĩ độ 30 đến vĩ độ 50 Bắc bán cầu, trong khi khu vực từ Xích đạo đến vĩ tuyến 30 Bắc, thời tiết ấm nóng hơn và độ ẩm cao hơn, thì hoạt động của virus yếu hẳn. “Ở những nơi nhiệt độ lạnh hơn thì số ca nhiễm virus tăng rất nhanh. Có thể thấy điều đó ở châu Âu, nơi hệ thống y tế được coi là tốt nhất thế giới,” tiến sĩ Qasim Bukhari, nhà khoa học máy tính ở MIT, tác giả của nghiên cứu, cho biết.
“Do có sự kết hợp trước giữa sự phát tán của virus với độ ẩm và phần lớn trong số 320.000 ca nhiễm virus xảy ra ở những vùng có dải độ ẩm khô ráo (4-9g/m3 – tức 4-9 gam hơi nước trong một mét khối không khí), chúng tôi tin rằng độ ẩm tuyệt đối có vai trò trong việc quyết định sự lây lan của virus 2019-nCov, dù vẫn chưa có sự hiểu biết về cơ chế của mối tương quan giữa sự lây lan của coronavirus và độ ẩm tuyệt đối,” báo cáo viết.
Hai nhà khoa học này tính ra, để độ ẩm tuyệt đối lớn hơn 9g/m3 thì nhiệt độ không khí phải cao hơn 15 độ C, khi nhiệt độ tăng lên 25 độ C thì độ ẩm tuyệt đối vượt mức 9g/m3, độ ẩm tương đối đo được trên ẩm kế sẽ vượt mức 60%.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán miền trung Trung Quốc thì mọi người đều lo rằng Đông Nam Á sẽ là điểm nóng kế tiếp bởi vì Đông Nam Á có vị trí địa lý gần gũi và có giao thương mật thiết với tâm dịch; nhưng thực tế điểm nóng lại bùng lên ở Nam Hàn, Nhật Bản, Iran, Ý và Hoa Kỳ – những khu vực lạnh và khô hơn nhiều so với Đông Nam Á.
Từ thực tế đó, các nhà nghiên cứu dự báo, nếu độ ẩm có vai trò trong việc phát tán coronavirus thì từ nay đến tháng 06-2020, khu vực Bắc bán cầu từ vĩ độ 35 trở lên, yếu tố thời tiết sẽ không hạn chế được sự lây lan của virus bởi vì khu vực này luôn có nhiệt độ dưới 20 độ C và độ ẩm không vượt mức 9g/m3. Trong khi đó, ở châu Á, gió mùa sẽ mang theo hơi ẩm, độ ẩm sẽ cao hơn 10g/m3 và do đó làm chậm sự lây lan của virus.
Các tác giả cho rằng sự phát tán của virus chỉ chậm lại đáng kể khi nhiệt độ vượt quá 25 độ C, mà các nước bắc châu Âu và Bắc Mỹ chỉ có thể đạt trần nhiệt độ này vào tháng 7 và thời gian duy trì nhiệt độ cao cũng không dài.
Còn tại Mỹ, theo tiến sĩ Bukhari, do sai lệch về nhiệt độ, ở các tiểu bang miền Nam như Arizona, Florida và Texas dịch COVID-19 diễn biến chậm hơn các tiểu bang phía bắc như Washington, New York và Colorado; tiểu bang California nằm giữa hai xu hướng này.
Từ đó các tác giả khuyến cáo cơ hội làm chậm đà lây lan của coronavirus dựa vào yếu tố môi trường và thời tiết ở Bắc Mỹ và châu Âu là “rất giới hạn”; mối liên hệ giữa thời tiết (nhiệt độ, ẩm độ) với sự lây lan của virus cần được nghiên cứu thêm và các biện pháp can thiệp về y tế cộng đồng cần phải được thực thi trên khắp thế giới để ngăn chặn sự phát tán của virus 2019-nCoV.
Dịch sẽ lan dần về hướng Bắc?
Lập luận về mối tương quan giữa nhiệt độ, độ ẩm và sự phát tán của virus của các nhà khoa học MIT được các nhà dịch tễ học công nhận.
Trong một báo cáo mới đây, bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên chống HIV/AIDS toàn cầu và thành viên đội đặc nhiệm chống coronavirus của Tòa Bạch ốc, nói rằng ở Bắc bán cầu, dịch cúm diễn ra theo xu hướng từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và cả bốn loại coronavirus gây bệnh cúm mùa hằng năm đều gần như biến mất khi thời tiết ấm lên. Bác sĩ Birx lưu ý dịch SARS năm 2003 cũng diễn ra theo xu hướng tương tự, nhưng bà nhấn mạnh, dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và Nam Hàn tương đối muộn nên rất khó khẳng định con coronavirus chủng mới này cũng sẽ đi theo con đường như vậy.
“Nhiệt độ ấm hơn có thể làm cho virus bớt lây lan, nhưng bớt lây lan không có nghĩa là không truyền nhiễm,”
– TS Qasim Bukhari, MIT
Ngoài nghiên cứu của Đại học MIT nói trên, ở Mỹ và ở nước ngoài cũng có những nghiên cứu đưa ra nhận định tương tự. Một phân tích của các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha và Phần Lan nhận thấy coronavirus phát tán mạnh trong điều kiện khô ráo và lạnh, nhiệt độ trong khoảng 28,3 độ F đến 49 độ F (-2 đến 10 độ C). Một nhóm nghiên cứu khác của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Hàng ở Trung Quốc phân tích dữ liệu của Trung Quốc và 14 nước khác phát hiện trong thời kỳ đầu mới bùng phát dịch, trước khi Bắc Kinh ban bố biện pháp phong tỏa, thì các thành phố có nền nhiệt độ cao, không khí ẩm ướt có tốc độ lây lan thấp hơn rất nhiều so với những vùng lạnh và khô ráo. Nghiên cứu của các khoa học gia Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu ghi nhận, môi trường tốt nhất cho coronavirus phát triển mạnh là nhiệt độ 8,72 độ C.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ-Iran tại trường Y khoa Đại học Maryland, do bác sĩ Mohammad Sajadi dẫn đầu, phát hiện các khu vực nhiệt độ âm (dưới 0 độ C) có rất ít trường hợp nhiễm coronavirus, mà dịch bùng phát chủ yếu ở khu vực có nhiệt độ từ 5-11 độ C, độ ẩm từ 45-79%. Nhóm nghiên cứu này dự báo khi thời tiết ấm dần lên thì khu vực nhiễm bệnh có thể lan rộng hơn về phía Bắc, tới vùng Trung Tây nước Mỹ, British Columbia của Canada và Đông Bắc Trung Quốc.
Không nên chờ “trời diệt virus”
Các nhà khoa học đều cho rằng, tuy có mối tương quan giữa thời tiết và dịch bệnh, các nhà hoạch định chính sách và công chúng không nên ngồi chờ trời nóng lên sẽ tiêu diệt virus, mà nên tích cực phòng bệnh. “Nhiệt độ ấm hơn có thể làm cho virus bớt lây lan, nhưng bớt lây lan không có nghĩa là không truyền nhiễm,” tiến sĩ Bukhari nói. Ngay cả các chủng coronavirus gây cúm mùa cũng không hoàn toàn mất đi trong mùa hè mà tiềm ẩn trong cơ thể người chờ đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát trở lại.
Bác sĩ Jarbas Barbosa, phó giám đốc Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (Pan American HO), bộ phận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Mỹ, nói rằng, sự kiện dịch COVID-19 phát tán cả ở Nam bán cầu, ở Úc châu và Phi châu cho thấy con coronavirus chủng mới này sống được trong nhiệt độ ấm, sống dai hơn con coronavirus gây dịch cúm mùa và các bệnh hô hấp khác. Đó là lý do tại sao WHO thúc giục các quốc gia phải hành động nhanh chóng và quyết liệt để kiềm chế virus khi số ca bệnh còn tương đối thấp và người bị nhiễm có thể được phát hiện, theo dõi và cách ly dễ dàng.
Bác sĩ Julio Frenk, nguyên bộ trưởng y tế Mexico và hiện là chủ tịch Đại học Miami cảnh báo: “Một trong những nguy cơ lớn là chúng ta tự mãn cho rằng virus sẽ bớt nguy hiểm khi thời tiết ấm lên, độ tuổi nào đó không bị nhiễm v.v… Nếu mọi người không thực hiện những cảnh báo và khuyến nghị của cơ quan y tế thì hậu quả sẽ là thảm họa”.