Biden hóa giải xung đột, ngăn cuộc đình công của ngành hỏa xa

Lo ngại một cuộc tổng đình công của công nhân hỏa xa, công ty Amtrak thông báo tạm ngừng các chuyến vận chuyển đường dài từ Thứ Năm 15 Tháng Chín đến khi có thông báo mới. Ảnh hành khách chờ tàu tại nhà ga Diridon ở thành phố San Jose, California hôm qua 14 Tháng Chín 2022. Ảnh Tayfun Coskun/Anadolu Agency via Getty Images.

Các công ty vận tải đường sắt Hoa Kỳ và các nghiệp đoàn đại diện cho 115,000 công nhân hỏa xa đã đạt được một thỏa thuận tạm thời để ngăn chặn cuộc đình công sắp xảy ra có thể gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng để đi tới một thỏa thuận chính thức giữa giới chủ và công nhân, còn rất nhiều trở ngại phải giải quyết.

Thỏa thuận đạt được sáng Thứ Năm 15 Tháng Chín được Tổng thống Joe Biden ca ngợi như là một thắng lợi của nước Mỹ và cũng được coi là một thắng lợi lớn về chính trị của ông, cho phép chính quyền ngăn chặn một thảm họa kinh tế trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra trong vòng hai tháng nữa, theo nhận định của hãng tin AP.  

Khi các nghiệp đoàn hỏa xa công bố sẽ đình công trên toàn quốc để đòi cải thiện chính sách đãi ngộ cho công nhân, chính quyền Biden bị lâm vào thế khó xử: Ủng hộ người lao động hay ủng hộ giới doanh nghiệp một ngành kinh tế hết sức thiết yếu của đất nước. Trong cuộc điện thoại vào đêm muộn hôm qua, Tổng thống Biden đã thúc giục hai bên tích cực tìm một giải pháp thỏa hiệp và kết quả là một thỏa thuận tạm thời được thông qua sau 20 giờ đàm phán căng thẳng tại trụ sở Bộ Lao động Mỹ.

Theo tinh thần của thỏa thuận, các công ty hỏa xa sẽ phải tăng lương công nhân 24% trong vòng năm năm tới, cải thiện thời khóa biểu làm việc và chính sách chăm sóc sức khỏe theo cách mà ông Biden gọi là tôn trọng “phẩm giá của lao động”. Đổi lại, công nhân hỏa xa sẽ tiếp tục làm việc mà không đình công như kế hoạch. 

Các công nhân hỏa xa Mỹ đã ba năm không được tăng lương, các vụ tranh chấp hợp đồng liên tiếp xảy ra và dù cho thỏa thuận tạm thời bảo đảm mức tăng lương đáng kể, vẫn còn nhiều vướng mắc giữa hai bên liên quan tới các vấn đề về lịch làm việc, thời gian được nghỉ ốm có hưởng lương v.v….

Một số công ty hỏa xa – bao gồm Union Pacific của tập đoàn Berkshire Hathaway, BNSF và Norfolk Southern đã cắt giảm gần 30% lực lượng lao động trong sáu năm qua, đưa ra đòi hỏi nhiều hơn từ những người lao động có nguy cơ nhiễm COVID- 19 do tiếp xúc trong khi công ty liên tục tăng lợi nhuận, mua lại cổ phiếu, thưởng lớn cho các nhà quản lý và trả cổ tức cho cổ đông.

“Thỏa thuận này cho phép chúng ta tiếp tục xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn với một nền kinh tế thật sự hoạt động vì người lao động và gia đình họ. Hôm nay là một chiến thắng, tôi nói thật lòng, là một chiến thắng của nước Mỹ,” ông Biden phát biểu tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc sáng nay, theo AP.

Tuy nhiên, theo Reuters, các nhà lãnh đạo của 12 nghiệp đoàn tham gia các cuộc đàm phán phải vận động các thành viên bỏ phiếu phê chuẩn hoặc từ chối thỏa thuận trong vài tuần tới – một việc không dễ dàng. 

Vài giờ sau khi thỏa thuận được công bố đã có 11,000 thành viên của hai trong số 12 nghiệp đoàn được biết là đã đồng ý với thỏa thuận. Một nghiệp đoàn, The International Association of Machinist and Aerospace Workers, gọi tắt là IAM, Quận 19 với 4,900 thành viên, đã phản đối thỏa thuận tạm thời, nhưng cam kết sẽ đình hoãn mọi cuộc đình công của các thành viên để dành thời gian cho các cuộc thương lượng bổ sung và các nghiệp đoàn khác xem xét bỏ phiếu.

Tổng thống Joe Biden tiếp các nhà đàm phán đại diện các công ty hỏa xa và các nghiệp đoàn công nhân đường sắt tại Phòng Bầu Dục vào sáng nay 15 Tháng Chín, sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận tạm thời để duy trì hoạt động của ngành hỏa xa, ngăn chặn một cuộc tổng đình công có thể xảy ra gây thiệt hại lớn cho kinh tế Mỹ. Ảnh Doug Mills-Pool/Getty Images.

Tòa Bạch Ốc lo ngại một cuộc tổng đình công của ngành hỏa xa, cho dù kéo dài bao lâu, cũng sẽ gây ra những hậu quả tồi tệ cho nền kinh tế, làm gián đoạn việc cung cấp hàng hóa và đẩy giá cả tăng cao giữa lúc cử tri đang chuẩn bị quyết định cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào Tháng Mười Một.

Một cuộc đình công của ngành hỏa xa có thể làm đóng băng gần 30% các chuyến vận tải hàng xuyên nước Mỹ tính theo trọng lượng, gây ra lạm phát, khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại tới $2 tỷ mỗi ngày và gây ra một loạt các tai họa giao thông ảnh hưởng đến các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và bán lẻ của Mỹ.

Tuy lo ngại và cố tránh một vụ gián đoạn do xung đột giữa hai phía, nhưng ông Biden đã cố không làm mất lòng cử tri cả phía doanh nghiệp lẫn phía nghiệp đoàn. Tổng thống đã cố ý không đưa ra những điều khoản của thỏa thuận cho bất cứ bên nào mà để họ tự quyết định theo quyền lợi của mỗi bên, Bộ trưởng Lao động Marty Walsh cho biết. “Trọng tâm của Tổng thống là bảo đảm hai bên sẽ đạt được một sự thỏa hiệp thỏa mãn được mọi người và tránh được một vụ gián đoạn lớn cho nền kinh tế,” Bộ trưởng Walsh nói.

Quan điểm và cách giải quyết của chính quyền Biden được cả hai phía tán thành; coi chính quyền là một người trung gian đáng tin cậy trong việc tìm điểm chung giữa giới chủ và người lao động. Trước đó, trong lúc nhánh hành pháp nỗ lực vận động hai bên thỏa hiệp, thì khối Cộng Hòa ở Thượng Viện hôm qua Thứ Tư 14 Tháng Chín đã đề nghị một giải pháp đứng về giới chủ, theo đó các nghiệp đoàn hỏa xa bị buộc phải chấp nhận các hợp đồng mà giới chủ đưa ra. Họ phê phán các nghị sĩ Dân Chủ đã ngăn chặn biện pháp của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: