Chỉ số tín nhiệm giảm, Tổng thống Joe Biden đối mặt những gì?

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki vất vả trả lời chất vấn của giới truyền thông về đường hướng điều chỉnh kinh tế của Tổng thống Joe Biden trong buổi họp báo ngày 23 Tháng Mười Một (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Tổng thống Joe Joe Biden cố chuyển một thông điệp về sự hy vọng khi nước Mỹ chuẩn bị cho Lễ Tạ ơn. Khi một tổng thống phải bảo đảm với người dân là “sẽ có đủ gà tây” và một vài thứ khác cho ngày lễ này thì điều đó nên được xem là một dấu hiệu về tình trạng bất ổn quốc gia (national malaise).

Thách thức chồng chất

Câu chuyện xảy ra vào hôm Thứ Ba ngày 23 Tháng Mười Một 2021 khi kỳ nghỉ lễ bắt đầu, và người dân (vốn mệt mỏi bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong 100 năm qua) đang bị “trừng phạt” bởi giá cả tăng, phí xăng dầu ngất ngưởng và tâm lý lo ngại mùa Đông sẽ có một đợt tăng nhiễm coronavirus đột biến. Chương trình nghị sự mới công bố mang tính “bước ngoặt” của tổng thống được thiết kế để định hướng lại nền kinh tế. Nhưng do ví tiền và tinh thần của nhiều người dân Mỹ đã bị tổn hại vào thời điểm này, nên việc phải chờ các chương trình phức tạp hóa giải mọi vấn đề thì cũng phải mất đến vài tháng hoặc nhiều năm.

Trong khi có một số dấu hiệu cho thấy có sự tăng trưởng về việc làm và tiền lương, phe Cộng Hòa vẫn sử dụng những khó khăn của đất nước để công kích khả năng lãnh đạo của Biden và ngày càng tự tin về chiến thắng lớn tại Hạ Viện và Thượng Viện trong cuộc bầu cử năm tới. Hầu như vài ngày lại có một bằng chứng mới củng cố cho luận điểm của đảng Cộng Hòa. Họ tin rằng các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc sẽ có giá cao hơn vào năm 2022. Trong khi những dư âm về nỗ lực đảo chính đe dọa nền dân chủ của cựu Tổng thống Donald Trump vẫn chưa hết, mà nơi hâm nóng là Ủy ban 6 Tháng Giêng của Hạ Viện với những giấy triệu tập chật vấn nhiều cận thần của Trump, thì cựu tổng thống hầu như không hề chùn bước mà có vẻ đang đẩy nhanh sự chuẩn bị giành lại ghế vào năm 2024.

Giá xăng tăng cao là một trong những vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất; trong ảnh là bảng giá tại một cây xăng ở Los Angeles, California ngày 23 Tháng Mười Một 2021 (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Bài học từ Virginia

Nhiều vấn đề Biden đối mặt đã vượt ngoài tầm kiểm soát của ông. Ví dụ sự rạn nứt chuỗi cung ứng và lạm phát tại Mỹ cũng như giá khí đốt tăng mạnh. Tình hình có vẻ nguy ngập đến mức mới đây, Tòa Bạch Ốc thấy có trách nhiệm phải nhấn mạnh “Tổng thống hoàn toàn có thể tái tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 2024” như “lá bùa” vấn an những người ủng hộ.

Bối cảnh nguy hiểm này giải thích về sự xuất hiện quan trọng của Biden trước Lễ Tạ ơn, khi ông cố thuyết phục người dân Mỹ và bày tỏ sự nhận thức được nỗi đau của họ. Biden vẽ bức tranh một quốc gia đang mạnh lên, chiến thắng COVID-19, với một số thành tựu kinh tế và những dấu hiệu phục hồi khi số đông du khách quay trở lại phi trường cho kỳ nghỉ lễ quy mô lớn đầu tiên sau gần hai năm. “Chúng ta đã đạt được tiến bộ lịch sử trong 10 tháng qua” – Biden nói – “Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh. Còn rất nhiều điều để tự hào và rất nhiều việc chúng tôi có thể làm để xây dựng tương lai”.

Tuy nhiên, Biden phải giải quyết những thách thức lớn sau khi chưa ăn mừng xong một trong những thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông: Ký thành luật gói cơ sở hạ tầng được lưỡng đảng thông qua (được xem là một phép lạ trong bối cảnh Quốc Hội phân cực sâu sắc và có lúc tưởng như bế tắc); và Dự luật chi tiêu xã hội $1.9 ngàn tỷ được Hạ Viện thông qua vào tuần trước (dù số phận của nó khá bấp bênh tại Thượng Viện).

Một trong những bài học mà đảng Dân Chủ cần rút ra là thất bại trong cuộc bầu cử thống đốc bang Virginia vào đầu tháng này. Sau chiến thắng của ứng viên đảng Cộng Hòa, nhóm trung tả Dân Chủ Third Way đã tiến hành buổi thảo luận với cử tri để tìm hiểu tại sao họ lại ủng hộ ứng viên Cộng Hòa Glenn Youngkin. Phát hiện “lạnh sống lưng” cho thấy những cử tri này đã không thể nêu ra bất cứ điều gì “tốt” mà đảng Dân Chủ đã làm! Họ không hài lòng với đường hướng của đất nước (bao gồm cả tình trạng thiếu lao động và giá cả cao) và không nghĩ rằng đảng sẽ giải quyết được những khó khăn đó.

“Reset” lại lời hứa

Những ngày gần đây, Biden có vẻ muốn reset lại những cam kết và hứa hẹn trước đó. Tìm cách kiểm soát giá cả và khơi dậy niềm tin, Biden tuyên bố sẽ “giải phóng” số lượng dầu lớn nhất từ ​​trước đến nay từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (Strategic Petroleum Reserve) để tăng nguồn cung và hạ giá mua. Tổng thống chống lại luận điểm của đảng Cộng Hòa rằng, chính vì quá lo giải bài toán biến đổi khí hậu nên hậu quả dẫn đến là tình trạng tăng giá nhiên liệu. Biden cũng nhấn mạnh việc chính phủ có biện pháp thích đáng giảm số container tồn đọng tại các cảng; và đang phối hợp cùng các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target để kết nối lại nguồn cung. Những động thái này không chỉ bảo đảm các kệ hàng vẫn đầy ắp mà còn giảm áp lực sức cầu dẫn đến lạm phát.

Biden nói: “Các gia đình có thể yên tâm. Sẽ có đủ gà tây và mọi thứ khác trên kệ, từ xe đạp đến giày trượt băng cho Lễ Tạ ơn. Các nhà bán lẻ lớn đã xác nhận với tôi là các kệ hàng của họ sẽ được dự trữ đầy đủ trong mùa lễ”. Biden muốn làm “phá sản” luận điểm của phe Cộng Hòa rằng “người Mỹ đang phải đối mặt với mùa lễ Tạ ơn thiếu thốn và đắt đỏ nhất trong lịch sử!”. Tuy nhiên, các động thái “phá vây” của Biden có thể hiệu quả về mặt chính trị ở mức độ nào đó nhưng vẫn còn những câu hỏi nghiêm túc về hiệu quả của chúng trong dài hạn và về khả năng tăng tỷ lệ tín nhiệm đối với tổng thống trong các cuộc thăm dò, nhất là thành phần dân số dưới 40 tuổi.

Thách thức lớn nhất đối với Biden là tâm lý bất mãn của cử tri. Khi Tổng thống nói rằng lạm phát không phải do chi tiêu mạnh tay của đảng Dân Chủ mà là “một tai họa qui mô toàn cầu” thì điều đó cũng có nghĩa rất khó giải quyết đơn phương được vấn đề. Đứt gẫy chuỗi cung ứng khiến giá tăng cao do Covid-19 làm đình trệ các cơ sở sản xuất ở châu Á là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của Biden. Việc xả kho 50 triệu thùng dầu của ông là “lịch sử” nhưng nó cũng chỉ có tác dụng hạn chế, vì người Mỹ sử dụng đến 20 triệu thùng mỗi ngày, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục kiềm nguồn cung và khống chế giá.

Hy vọng lớn nhất và có lẽ duy nhất đối với Biden và đảng Dân Chủ trong cuộc tranh cử giữa kỳ 2022 là tình hình chính trị lẫn kinh tế sẽ dịu dần nếu đại dịch kết thúc, tạo ra nhiều việc làm hơn, chuỗi cung ứng được nối lại… Sau đó là những tác động tích cực đầu tiên của luật cơ sở hạ tầng (và cả dự luật chi tiêu xã hội, nếu nó được thông qua). Chỉ như vậy thì cử tri mới cảm thấy an tâm và họ có thể kỳ vọng về đổi mới và cải cách. Bất luận ra sao, không ai có thể đưa ra bất kỳ giả định nào về các cuộc bầu cử trong tương lai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: