Đồng loạt ‘truy quét’ người vô gia cư, có giải quyết được gốc?

Người vô gia cư ở California chiếm 1/3 trong tổng số người vô gia cư trên cả nước. Tặng thực phẩm cho người vô gia cư ở thành phố Westminster, CA. (ảnh: Đoantrang/SGN)

Ném cọc lều, chăn và túi vải thô vào xe đẩy hàng và ba toa xe, Will Taylor dành cả buổi sáng để cùng mọi người phá bỏ những cái lều, mà họ từng gọi là “nhà”.

Các nhà thầu từ thành phố Portland đến để dỡ bỏ những túp lều và tấm bạt trên con phố nhỏ phía sau một ngã tư đông đúc. Theo thông báo của thành phố, mọi người có một giờ để rời khỏi khu vực này. Đó chỉ là một trong số hơn chục khu lều đã được dọn sạch.

‘Chúng tôi cũng là con người’

Những thứ gì không thể xách theo, đều được đặt trong túi nhựa trong, gắn thẻ ngày và địa điểm lấy đi và gửi đến một nhà kho rộng 1,000 foot vuông (1,020 m2).

Đây không phải là lần đầu tiên và sẽ không phải là lần cuối cùng, Will Taylor và hàng chục người vô gia cư khác phải làm như thế.

Taylor, 32 tuổi, người phải “dọn nhà” như thế ít nhất ba lần trong bốn năm sống như người vô gia cư, nói: “Mọi việc có thể trở nên khó khăn hơn, thôi thì cứ để dòng nước trôi rồi… trôi theo thôi.”

Cùng chung cảnh ngộ với Taylor, Angelique Risby, 29 tuổi, đứng nhìn những nhân viên mặc áo màu vàng có phản quang, xúc những đống rác vào túi màu đen. Risby vô gia cư hai năm qua, cho biết cô đã chứng kiến cảnh này một lần, và lúc nào cũng sẵn sàng cho lần kế tiếp, và hôm nay, điều đó xảy ra.

David Sjoberg, 35 tuổi, nói: “Từ ‘quét’ mà họ sử dụng… cảm giác giống như… quét rác vậy đó. Mà chúng tôi có phải là rác rưởi đâu, chúng tôi cũng là con người mà!”

Những dãy lều dựng tạm bợ ở vỉa hè, từ lâu đã là một nét đặc trưng của các thành phố Bờ Tây, nhưng hiện đang lan rộng khắp Hoa Kỳ. Năm ngoái, số lượng người vô gia cư liên bang lên tới 580,000, hậu quả của thời gian dài đại dịch, không có tiền trả tiền nhà, sức khỏe lụi tàn, nghiện ngập gia tăng,…

Hồ sơ mà hãng tin AP thu được cho thấy nỗ lực dọn dẹp các khu lều ngày càng gia tăng ở các thành phố từ Los Angeles đến New York, theo yêu cầu của các cộng đồng dân cư, nhằm giải quyết điều mà họ cho là nguy hiểm và mất vệ sinh.

Nhưng bất chấp hàng chục triệu đôla đã được chi trong những năm gần đây, dường như số lượng lều dựng trên vỉa hè, trong công viên và các đoạn đường dốc trên các xa lộ không giảm chút nào.

Quang cảnh khu lều của người vô gia cư trên Skid Row, Los Angeles, CA. (ảnh: Allen J. Schaben / Los Angeles Times via Getty Images)

Truy quét chỉ giải quyết được cái ngọn

Những người vô gia cư và những người ủng hộ họ nói rằng những cuộc “truy quét” như vậy  là tàn nhẫn và lãng phí tiền của người đóng thuế, thay vì xây thêm để đủ nhà ở cho mọi người, nhất là những người đang không có chỗ nương thân.

Tại Phoenix, số lượng lều bị “quét” tăng vọt lên hơn 3,000 vào năm ngoái, mà trước đại dịch (năm 2019) chỉ có khoảng từ 1,200. Cho đến Tháng Chín, Las Vegas dỡ bỏ khoảng 2,500 lều, năm 2021 chỉ có 1,600 cái. Tại Minneapolis, tình hình cũng không khá hơn, số lượng lều bị dỡ bỏ tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Nhiều thành phố khác xác nhận rằng việc người vô gia cư dựng lều nơi công cộng đang tiêu tốn nhiều thời gian hơn và họ bắt đầu theo dõi các con số, ngân sách dành cho an ninh và xử lý rác thải, đồng thời tăng cường hoặc triển khai các chương trình kết nối người vô gia cư với dịch vụ nhà ở.

Scout Katovich, luật sư của American Civil Liberties Union (Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ – ACLU) -đơn vị đệ đơn kiện, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng các luật này ở cấp tiểu bang và địa phương nhằm hình sự hóa tình trạng vô gia cư và đó thực sự là một phản ứng sai lầm trước cuộc khủng hoảng vô gia cư này, tính hợp hiến của các cuộc truy quét và tịch thu tài sản ở hàng chục thành phố, bao gồm Minneapolis, Miami, Albuquerque, Anchorage và Boulder, Colorado.

Trước và sau khi “truy quét” của người vô gia cư ở thành phố Garden Grove, CA. (ảnh: GGPD/Facebook)

Bà nói: “Những luật lệ và biện pháp thực thi này không thực sự làm giảm bớt cuộc khủng hoảng, mà thay vào đó, càng khiến người dân rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo.”

Nhưng Thống đốc California Gavin Newsom, tiểu bang có gần một phần ba “dân số vô gia cư” của đất nước, nói rằng việc để lại những cái lều tạm bợ này, chỉ càng cho các vết thương thêm mưng mủ, chứ không phải là lòng trắc ẩn, cũng không phải là một lựa chọn.

Ông nằm trong số các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa kêu gọi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đưa ra phán quyết gây tranh cãi của tòa phúc thẩm Khu vực 9, cấm chính quyền địa phương dọn dẹp các khu lều không bảo đảm cho mọi người sống ở đó đều được cung cấp giường bên trong.

Năm ngoái, San Francisco bị ACLU của Bắc California kiện vì tội truy quét và tịch thu tài sản của người vô gia cư, phải thi hành lệnh của tòa án. “Tôi hy vọng điều này sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao,” Newsom, cựu thị trưởng San Francisco, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào Tháng Chín với hãng tin Politico. “Và đó là một tuyên bố tuyệt vời đến từ một đảng viên Đảng Dân chủ tiến bộ.”

Đầu tháng này, các đội ở Denver dựng hàng rào kim loại khi các sĩ quan cảnh sát kêu gọi người dân rời khỏi khu lều che chắn hết một số khu nhà ở trung tâm thành phố.

Một đống lửa bùng để sưởi ấm, và tuyết bao phủ mặt đất xung quanh các tấm lều tạm bợ.

Đối diện Tòa thị chính San Francisco là một dãy lều của người vô gia cư ở khu Tenderloin, San Francisco, California trong đại dịch COVID-19, Tháng Giêng, 2022. (ảnh: Melina Mara/The Washington Post via Getty Images)

David Ehler Jr., 52 tuổi, rời căn lều với vài món đồ vệ sinh cá nhân, túi ngủ, và cái máy sưởi. Ehler đã trở thành người vô gia cư ở Denver khoảng hai năm sau khi bị một người bạn đuổi ra khỏi nhà. Anh nói, rất khó kiếm được việc làm ở Connecticut, mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mất việc làm, mất nhà, mất tất cả.

Los Angeles cho biết mỗi tháng sở vệ sinh của thành phố nhận được khoảng 4,000 yêu cầu của cư dân, về việc dọn dẹp các lều của người vô gia cư, tăng gấp đôi so với những năm trước đó.

Còn ở Portland, mỗi ngày thành phố phải dọn sạch khoảng 19 cái lều. Các đội vệ sinh đã dọn gần 5,000 lều ở thành phố 650,000 dân này, kể từ Tháng Mười Một năm 2022, nhưng ngày nào cũng có cái mới “mọc” lên. Sara Angel, Giám đốc điều hành của nhà thầu dọn dẹp các khu lều cho thành phố, cho biết các đội đi làm nhiệm vụ còn phát hiện thi thể của người vô gia cư trong lều, chết vì dùng thuốc quá liều.

Denver báo cáo đã chi gần $600,000 cho việc dọn dẹp vệ sinh và dỡ bỏ 230 khu lều lớn vào năm 2021 và 2022. Còn Phoenix cho biết họ đã chi tới gần $1 triệu vào việc này, chỉ trong năm 2022.

Đối với những người vô gia cư, việc truy quét có thể gây “chấn thương” về tinh thần cũng như thể xác. Họ thường xuyên bị mất giấy tờ tùy thân cũng như điện thoại di động, máy tính xách tay và các vật dụng cá nhân. Họ mất kết nối với cộng đồng mà họ tin cậy để được hỗ trợ.

Theo Dodge, người đã làm việc với người vô gia cư hơn hai năm, những đợt truy quét này không hiệu quả, gây nguy hiểm, lãng phí và vô đạo đức.

(theo AP)

Mì ly, pizza nóng hổi, ấm lòng người vô gia cư ở Little Saigon

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: