Các nhà đầu tư bực bội về khả năng tỷ phú Elon Musk sẽ “quay đầu” (U-turn) trong thương vụ thâu tóm mạng xã hội Twitter đã bán mạnh cổ phiếu TWTR trên sàn chứng khoán Nasdaq trong phiên giao dịch hôm nay Thứ Tư 27 Tháng Hai.
Hiện người ta vẫn tiếp tục suy đoán mà không xác định chắc chắn được liệu ông Musk có hoàn tất thương vụ mua lại Twitter Inc với giá $44.2 tỷ như đã công bố hai ngày trước đây hay không. Sự không chắc chắn đó, cùng những phân tích trái chiều về tính khả thi của thương vụ mà các tổ chức đầu tư đưa ra trong hai ngày qua, đã làm cho nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu Twitter hôm nay.
Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, kết thúc phiên giao dịch chiều nay trên thị trường chứng khoán New York, giá cổ phiếu của Twitter giảm 2.1%, xuống còn $48.68/cổ phiếu. Mức giá này khá thấp so với mức giá $54.20/cổ phiếu mà ông Musk chào mua. Với giá đóng cửa chiều nay, giá trị vốn hóa thị trường của Twitter chỉ còn $38.94 tỉ, thấp hơn 12% so với giá chào mua $44.2 tỷ mà ông Musk đưa ra. Reuters tính ra thương vụ mua lại Twitter chỉ có 62% cơ hội hoàn thành – một xác suất tương đối thấp.
Tin tốt là do ông Musk chưa sở hữu một công ty truyền thông nào nên thương vụ của ông sẽ không phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền của chính phủ Hoa Kỳ.
Nhưng tin xấu là triển vọng lợi nhuận của thương vụ rất thấp. Theo đề nghị của ông Musk, để mua Twitter ông sẽ phải bỏ ra khoản tiền mặt $21 tỷ và vay nợ khoảng $23 tỷ nữa. Với lãi suất thị trường hiện nay 4.5-5%/năm, mỗi năm ông phải trả tiền lời cho khoản vay này từ $1.2 tỷ đến $1.5 tỷ – cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận ròng mà Twitter thu được trong năm 2021.
Thêm nữa, để có khoản tiền mặt $21 tỷ, ông Musk sẽ phải bán bớt một số cổ phần của ông ở công ty xe điện Tesla và đó là lý do khiến nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu Tesla trong hai ngày qua. Hôm qua Thứ Ba 26 Tháng Tư, giá cổ phiếu Tesla (TSLA) giảm hơn 12% làm cho $126 tỷ bốc hơi khỏi giá trị của công ty và nhích lên chút ít (0.58%) trong phiên giao dịch hôm nay Thứ Tư.
Giá trị của một mạng xã hội tùy thuộc vào số lượng người sử dụng mà nó thu hút được. Ngay sau khi có tin ông Musk sẽ thâu tóm Twitter và biến nó thành một công ty tư nhân do ông là người sở hữu duy nhất, đã có rất nhiều những nhân vật nổi tiếng lên tiếng cho biết họ sẽ ngừng sử dụng Twitter; ở chiều ngược lại, chưa thấy có những nhân vật theo khuynh hướng bảo thủ cho biết sẽ gia nhập Twitter. Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump – có thời được gọi không chính thức là Twitter-In-Chief vì ông sử dụng Twitter để đưa ra các quyết định hành pháp, kể cả quyết định sa thải các quan chức cao cấp của chính phủ – cũng đã nói ông sẽ không quay lại Twitter cho dù công ty này có đổi chủ.
***
Trong quá khứ, ông Elon Musk đã từng có đôi lần đảo ngược quyết định vào phút cuối, khiến giới đầu tư bất ngờ. Đầu Tháng Tư này, sau khi công bố trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter, ông Musk nhận lời tham gia hội đồng quản trị công ty để rồi vài ngày sau đó ông tuyên bố không tham gia quản trị nữa. Năm 2018, ông đăng tweet thông báo đã thu xếp được nguồn tài chính $72 tỷ để “mua đứt” công ty Tesla và biến nó thành công ty tư nhân – giống như ông tuyên bố mua đứt Twitter hiện nay – nhưng sau đó ông bỏ dở, không thực hiện ý định. Bây giờ thì giá trị thị trường của Tesla đã là $911 tỷ, cao gấp mười mấy lần năm 2018, dù ông muốn mua đứt nó thì cũng không thể nào thực hiện được.
Nếu hủy bỏ thương vụ mua lại Twitter như đã thỏa thuận, ông Musk sẽ phải trả $1 tỷ phí phá vỡ thỏa thuận. Khoản phí này có thể không lớn so với tài sản của người giàu nhất thế giới, được tạp chí Forbes ước tính khoảng $240 tỷ.
Ông Roy Behren, thành viên quản lý của quỹ đầu tư Westchester Capital Management – công ty đang quản lý khối tài sản $5.4 tỷ, cho rằng mức phí chấm dứt thỏa thuận $1 tỷ không đủ lớn để khiến Musk phải suy nghĩ kỹ về việc từ bỏ thỏa thuận. “Trong bối cảnh giá trị tài sản ròng của ông ta và quy mô của thương vụ, khoản phí [từ bỏ thỏa thuận] có vẻ nhỏ hơn mức kỳ vọng”, Behren nói.
Đọc thêm: