Fed tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát

Thị trường phản ứng tích cực với quyết định của Fed, tăng lãi suất căn bản thêm 0.75%. Cả ba chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 27 tháng Bảy 2022. Ảnh Spencer Platt/Getty Images)

Cục Dự trữ Liên bang, hay Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (Fed) vừa quyết định tăng lãi suất căn bản thêm 0.75 điểm phần trăm trong một nỗ lực táo bạo nhằm kiểm soát lạm phát mà hiện đã lên mức cao nhất trong 41 năm qua.

Quyết định của Fed đưa ra sáng nay thứ Tư 27 Tháng Bảy là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng một tháng và là lần thứ tư trong năm nay. Với đợt tăng mới này, lãi suất căn bản của Mỹ đã lên 2.25%-2.50%, mức cao nhất kể từ năm 2018 và bằng mức lãi suất Tháng Tám 2019, thời điểm trước khi bùng nổ đại dịch COVID-19. Các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào mức lãi suất căn bản này để tính toán tỷ lệ tiền lời mà khách hàng cá nhân và doanh nghiệp phải trả cho các món vay. 

Người vay tiền để mua nhà trả góp, mua xe hơi hoặc các công ty vay tiền để hoạt động đều sẽ thấy chi phí tiền lời tăng lên đáng kể. Do vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp được cho là sẽ giảm vay mượn, bớt chi tiêu, tăng trưởng kinh tế được cho là sẽ “nguội” lại và lạm phát sẽ giảm.

Một lĩnh vực đáng chú ý là thị trường nhà đất, vốn rất nhạy cảm với các biến động về lãi suất. Thông thường, lãi suất thế chấp (mortgage) thấp thì nhiều người vay tiền để mua nhà, cầu vượt cung, đẩy giá nhà lên cao. Ngược lại, lãi suất cao thì số người vay tiền mua nhà sẽ giảm, cung vượt cầu thì giá nhà giảm theo. Với động tác lãi suất mới của Fed thì tiền lời các khoản vay mua nhà trả trong 30 năm đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái, lên mức 5.5%/năm. Giá nhà và số nhà bán dự kiến sẽ giảm trong những ngày tới.  

Nền kinh tế Mỹ đã chậm lại trong vài tháng qua cho nên hành động tăng lãi suất của Fed có thể dẫn tới suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, theo các chuyên gia kinh tế. Lạm phát tăng nhanh và mối lo suy thoái đang xói mòn niềm tin của người tiêu dùng Mỹ. 

Mức lạm phát của Mỹ đã lên mức 9.1% trong Tháng Sáu, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1981. Các quan chức Fed đánh cược rằng việc tăng lãi suất sẽ làm chậm các hoạt động kinh tế, giảm lạm phát nhưng không đến mức gây ra suy thoái kinh tế. Lập luận của Fed dựa trên dữ kiện thị trường lao động vẫn ổn định, tiền lương gia tăng và số người thất nghiệp giảm; tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ vẫn không mấy lạc quan khi giá cả hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt ngoại trừ giá xăng dầu có hạ một chút trong vài tuần qua do chính phủ Mỹ mở kho dầu dự trữ và bơm nhiều dầu thô ra thị trường. 

Khi cuộc bầu cử giữa kỳ vào Tháng Mười Một đang đến gần, mối lo kinh tế đang làm suy giảm sự tín nhiệm của cử tri đối với Tổng thống Joe Biden và làm tăng nguy cơ đảng Dân Chủ bị mất quyền kiểm soát Quốc Hội Mỹ.

Thị trường đã phản ứng tích cực với quyết định tăng lãi suất của Fed. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 27 Tháng Bảy ở thị trường chứng khoán New York, cả ba chỉ số chứng khoán chính đều tăng khá: Chỉ số công nghiệp Dow Jones thêm 412 điểm (1.33%) lên 32917 điểm; chỉ số công nghệ cao Nasdaq thêm 467.25 điểm, lên 12032 điểm và chỉ số S&P500 phản ánh giá cổ phiếu của 500 công ty lớn nhất, tăng 97.25 điểm (2.48%), lên 4023 điểm.

Đọc thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: