Mỹ: Lạm phát Tháng Sáu lên 9.1%, Fed sắp tăng lãi suất

Giá xăng dầu tháng Sáu 2022 tăng tới 41.6% so với năm ngoái là yếu tố chính đẩy chỉ số lạm phát lên 9.1%, cao nhất 40 năm qua. Nhưng dấu hiệu tốt là giá xăng đã giảm bốn tuần liên tiếp kể từ đỉnh điểm đầu tháng sáu. Ảnh Brandon Bell/Getty Images)

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng vọt trong Tháng Sáu, cao hơn 9.1% so với một năm trước và cao hơn 1.3% so với Tháng Năm, theo báo cáo được công bố sáng nay Thứ Tư 13 Tháng Bảy của Cục Thống kê Lao động. Mức lạm phát kỷ lục này cho thấy những biện pháp chống lạm phát vẫn chưa có tác dụng. Lần cuối cùng lạm phát đạt trên 9 phần trăm là Tháng Mười Một năm 1981.

Dữ liệu Tháng Sáu cho thấy giá thực phẩm, năng lượng và nhà ở tăng, xác nhận lạm phát hiện là vấn đề kinh tế thách thức nhất.

Giá năng lượng, bao gồm giá nhiên liệu, dầu, xăng và điện, đã tăng 7.5% so với Tháng Năm và tăng 41.6% so với năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ Tháng Tư năm 1980. Riêng giá xăng Tháng Sáu tăng tới 11.2% so với Tháng Năm. Giá cả cũng tăng ở nhiều loại hàng hóa khác không phụ thuộc vào năng lượng, bao gồm nhà ở, chăm sóc y tế và quần áo.

Giá lương thực tăng 1% trong Tháng Sáu và tăng 10.4% so với năm trước, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ Tháng Hai năm 1981. Giá thịt gà đã tăng 19% trong năm, mức tăng lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Giá khí đốt đã tăng 11.2% trong Tháng Sáu, có phần do ảnh hưởng cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đối với thị trường năng lượng toàn cầu. 

Mặc dù lạm phát là một vấn đề toàn cầu và Mỹ chưa phải là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất nhưng lạm phát kéo dài là một thách thức chính trị cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân Chủ khi chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ. Trong hơn một năm, đảng Cộng Hòa liên tục chỉ trích đảng Dân chủ vì các khoản chi cho các nỗ lực cứu trợ Covid, và họ đã biến lạm phát trở thành đề tài trọng tâm trong các chiến dịch tranh cử giữa nhiệm kỳ trong năm nay.

Đà tăng giá hàng hóa đang gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các chuyên gia kinh tế dự báo Fed có thể quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng này. Tăng lãi suất là công cụ chính mà ngân hàng trung ương dùng để đối phó với lạm phát, nhưng đó là con dao hai lưỡi. Lãi suất cao làm cho các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm nhu cầu và hạ nhiệt nền kinh tế; nhưng nếu lãi suất tăng quá cao, chúng có thể gây ra những thiệt hại kinh tế lớn hơn nữa, gây ra tình trạng mất việc làm với số lượng lớn. Từ đầu năm đến nay Fed đã ba lần tăng lãi suất, tổng cộng 150 điểm phần trăm nhưng lạm phát vẫn chưa giảm về mức 2% như mong muốn.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đã có những dấu hiệu tiến bộ. Lạm phát làm cho tiền thuê nhà tăng lên nhưng lãi suất cao đang làm thị trường nhà ở hạ nhiệt và có thể làm giảm giá nhà bán ở một số thị trường.

Báo cáo việc làm mới nhất cũng cho thấy thị trường lao động Mỹ duy trì tốc độ tăng mạnh trong Tháng Sáu, bổ sung thêm 372,000 vị trí mới vào lực lượng lao động và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 3.6%. Thu nhập doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định. 

Nhưng dấu hiệu khích lệ nhất là giá xăng dầu đã giảm liên tục trong bốn tuần qua, từ mức trung bình hơn  $5 mỗi gallon xuống còn $4.63/gallon hôm nay Thứ Tư 13 Tháng Bảy, giảm 38 cent so với tháng trước, theo dữ liệu của AAA. “Tiết kiệm tiền xăng thì gia đình Mỹ sẽ có thêm không gian để thở. Và các hàng hóa khác như giá bột mì cũng đã giảm mạnh sau khi báo cáo này được công bố”, Tổng thống Biden nói.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: