HIẾU CHÂN
Lần thứ nhì trong hai tuần qua, Mỹ đã điều động hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới Biển Đông Việt Nam giữa lúc Washington và Bắc Kinh tố cáo lẫn nhau là gây căng thẳng trong khu vực.
Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ hôm qua thứ Năm 16-07 thông báo hai hàng không mẫu hạm (HKMH) USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm đi cùng, đã quay trở lại vùng Biển Đông sau khi đã hoàn thành cuộc tập trận ngày 4-6/07/2020 và rời đi sang Ấn Độ Dương.
Phó đô đốc Jim Kirk, chỉ huy HKMH nguyên tử Nimitz ra thông báo cho biết: “Hai nhóm tác chiến Nimitz và Ronald Reagan đang hoạt động ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông Việt Nam), ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, nhằm tăng cường cam kết của chúng tôi với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực”.
Thông báo cho biết, sự hiện diện của các nhóm tác chiến HKMH này không nhằm ứng phó với một biến cố chính trị hoặc biến cố thế giới nào nhưng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang rất căng thẳng trên tất cả mọi lĩnh vực, từ coronavirus tới thương mại với Hong Kong.
Hai nhóm tác chiến HKMH Nimitz và Ronald Reagan có hơn 12.000 binh sĩ, cùng nhiều tàu khu trục, tàu tuần dương và hơn 120 chiến đấu cơ các loại, sẽ luyện tập phòng không chiến thuật, “để duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu và hiệu quả chiến đấu… bảo đảm ứng phó kịp thời mọi tình huống bất ngờ”, thông báo của hạm đội Thái Bình Dương cho biết.
Biển Đông là điểm nóng tranh chấp, nơi Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đòi sở hữu 90% diện tích mặt biển, lên tới 1,3 triệu dặm vuông, bao trùm con đường hàng hải huyết mạch của thế giới với 5,3 ngàn tỷ USD hàng hóa quá lại mỗi năm.
Hồi đầu tháng Bảy này, Trung Quốc đã tổ chức tập trận hải quân gần quần đảo Hoàng Sa, bất chấp phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và Phi Luật Tân. Ngay sau đó hải quân Mỹ cũng cử hai nhóm HKMH đến Biển Đông tập trận theo một kế hoạch đã được hoạch định từ lâu.
Trung Quốc tất nhiên đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Mỹ là “đóng một cái nêm chặn giữa các quốc gia, khuyến khích quân sự hóa Biển Đông, xói mòn hòa bình và ổn định của khu vực,” theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hồi giữa tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố, khẳng định lập trường của Mỹ rằng mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là “bất hợp pháp”. “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như một đế quốc hàng hải của mình. Hoa Kỳ đứng cùng với các đồng minh Đông Nam Á và các đối tác để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên xa bờ, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế,” ông Pompeo tuyên bố.
Một ngày sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, hải quân Mỹ đã cử một tàu khu trục trang bị hỏa tiễn dẫn đường đi vào vùng biển mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa trong một cuộc hành quân được gọi là bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs).
Những cuộc hành quân FONOPs của Mỹ và hoạt động của các nhóm tác chiến HKMH trên Biển Đông làm Bắc Kinh rất tức tối. Tờ Hoàn Cầu thời báo của đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài nói các HKMH của Mỹ “không gì hơn là những con hổ giấy trước cửa nhà Trung Quốc” và cho rằng Bắc Kinh có thừa hỏa lực để bảo vệ các căn cứ quân sự ở Biển Đông. “Biển Nam Hải (theo cách Trung Quốc gọi Biển Đông) hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), mọi hoạt động của HKMH Mỹ trong khu vực bị theo dõi chặt chẽ, trở thành đích ngắm của PLA – và PLA có hàng loạt vũ khí diệt HKMH như hỏa tiễn DF-21D và DF 26, cả hai được gọi là ‘sát thủ diệt mẫu hạm’”, tờ báo viết.
Nhưng sự trở lại Biển Đông ngày hôm nay của hai HKMH USS Nimitz và USS Ronald Reagan cho thấy hải quân Mỹ coi lời đe dọa của Bắc Kinh chẳng có mảy may giá trị nào.