Hoa Kỳ gia tăng tiếp nhận người tị nạn Afghanistan 

Tại chiến trường Afghnaistan, quân đội Mỹ luôn cần có thông dịch viên và nhân viên người địa phương. Ảnh U.S. Army.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa thông báo chương trình tị nạn “Ưu Tiên Hai” (Priority Two – PT), cho thêm hàng nghìn người Afghanistan cơ hội tái định cư tị nạn ở Hoa Kỳ. Đây là những người Afghan từng làm việc cho Hoa Kỳ và do vậy có thể là mục tiêu đàn áp của Taliban.

Theo bản tin của hãng Reuters hôm Thứ Hai 2 Tháng Tám 2021, chương trình PT này bổ sung cho một chương trình đang thực hiện, gọi là chương trình “Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV)”, cung cấp cơ hội định cư cho các thông dịch viên và những người từng làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ và gia đình của họ. 

Khoảng 400 người Afghanistan đã nộp đơn xin thị thực SIV và hồ sơ đang trong giai đoạn xử lý cuối cùng đã cùng các thành viên gia đình của họ bay đến Mỹ vào tuần trước, khi Hoa Kỳ bắt đầu nỗ lực xúc tiến chiến dịch di tản có tên “Chiến dịch Đồng minh Tị nạn” (Operation Allies Refuge), có thể tiếp nhận định cư cho hơn 50,000 người Afghanistan. Một chiếc máy bay thứ hai chở thêm vài trăm người Afghanistan đã nộp đơn SIV cũng đã đến Hoa Kỳ đêm qua, và họ sẽ được chuyển tới căn cứ Fort Lee ở Virginia.

Chương trình tị nạn “Ưu Tiên Hai” được dành cho những người không đủ điều kiện tham gia chương trình SIV. Đây là những người không làm việc trực tiếp cho chính phủ hoặc quân đội Hoa Kỳ mà là nhân viên các dự án được Hoa Kỳ tài trợ, nhân viên địa phương, thông dịch viên, biên dịch viên được các tổ chức truyền thông có trụ sở tại Hoa Kỳ tuyển dụng, hoặc là nhân viên của các tổ chức phi chính phủ (NGO) Hoa Kỳ.

“Trong bối cảnh bạo lực của Taliban gia tăng, chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc để cho một số người Afghanistan nhất định, bao gồm những người từng làm việc với Hoa Kỳ, có cơ hội tái định cư tị nạn đến Hoa Kỳ”, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông báo cho biết.

Chương trình PT được đưa ra khi giao tranh gia tăng ở Afghanistan trước khi Hoa Kỳ chính thức hoàn tất việc rút quân vào cuối tháng này và Taliban đang ra sức đánh chiếm các thủ phủ quan trọng của các tỉnh.

Tổng thống Joe Biden đã phải đối mặt với áp lực từ các nhà lập pháp và các nhóm vận động để giúp đỡ những người Afghanistan trước nguy cơ bị Taliban trả đũa. Kinh nghiệm lịch sử về sự trừng phạt tàn bạo của cộng sản Bắc Việt với hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức, kể cả giáo viên, bác sĩ… của chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau khi Sài Gòn thất thủ Tháng Tư 1975 khiến cho việc di tản và định cư người Afghanistan hợp tác với Hoa Kỳ trở thành một ưu tiên cấp bách của chính phủ Mỹ. Phát biểu về chương trình PT tại thủ đô Washington chiều ngày 2 Tháng Tám, Bộ trưởng Ngoại giao  Blinken nói Hoa Kỳ có nghĩa vụ “bảo đảm rằng chúng tôi giữ đúng cam kết với những người đã đặt họ và gia đình họ lên trên chiến tuyến để giúp đỡ chúng tôi”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chương trình PT có những thủ tục nặng nề mà người Afghanistan khó đáp ứng được. Chương trình yêu cầu người nộp đơn phải được cơ quan truyền thông Hoa Kỳ hoặc nhân viên (là công dân Hoa Kỳ) cao cấp nhất của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ giới thiệu.

Yêu cầu đó khác với một chương trình tị nạn tương tự áp dụng cho người Iraq, cho phép người Iraq thuộc diện tị nạn  được trực tiếp nộp đơn. Nhưng chương trình tị nạn người Iraq đã bị đình chỉ vô thời hạn trong thời gian các quan chức Hoa Kỳ điều tra những vụ cáo buộc gian lận sâu rộng.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sau khi nộp đơn, người Afghanistan sẽ được liên hệ qua email để thông báo họ đang ở trong hệ thống hồ sơ của chính phủ Hoa Kỳ; sau đó họ sẽ phải tự tìm đường rời khỏi Afghanistan để đến một quốc gia thứ ba. Tại nước thứ ba, họ sẽ được kiểm tra an ninh trước khi nhận được thị thực vào Mỹ và thủ tục đó có thể mất từ ​​12 đến 14 tháng.

“Chúng tôi công nhận rằng, người Afghan rất khó xin được thị thực vào một nước thứ ba và trong vài trường hợp họ phải tìm cách đi vào một nước thứ ba,” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ned Price cho biết. Song ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đang tiếp tục xem xét tình hình thực tế ở Afghanistan và “chương trình của chúng tôi sẽ điều chỉnh”.

“Chúng tôi đã thảo luận với các nước láng giềng, cũng như Cao Ủy về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc để chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn tiềm năng”, một quan chức cao cấp khác của Bộ Ngoại Giao nói với các phóng viên, và nhấn mạnh điều quan trọng là biên giới của Pakistan với Afghanistan phải được mở, và những người khác có thể đến Thổ Nhĩ Kỳ qua ngả Iran.

Theo ông Bill Frelick, giám đốc bộ phận Quyền của người tị nạn và di cư thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Iran và Pakistan đã gần đây tăng cường an ninh dọc theo biên giới với Afghanistan, khiến những người Afghanistan muốn tham gia chương trình di cư khó mà vượt biên vào nước họ được.

Ông Frelick cho biết thêm, dù việc vượt qua các đường biên giới dài và canh gác lỏng lẻo không phải là điều không thể, nhưng rất nhiều rủi ro. “Nếu buộc mọi người phải băng qua những địa hình hiểm trở, buộc họ phải phó thác vào tay những kẻ buôn người hoặc buôn lậu, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro đối với họ”, ông Frelick nói.

Bài liên quan:

Đọc thêm: 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: