Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trách nhiệm với phần còn lại của thế giới trong việc tránh xung đột khi người đứng đầu hai nền kinh tế hàng đầu mở cuộc hội đàm được theo dõi sát vào tối Thứ Hai 15 Tháng Mười Một.
Mở đầu cuộc họp, Tổng thống Biden nói: “Đối với tôi, trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ là đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai quốc gia chúng ta không trở thành xung đột, cho dù có chủ ý hay ngoài ý muốn”, theo Reuters. Ông Biden hứa sẽ thảo luận thẳng thắn và trung thực với ông Tập các lĩnh vực mà Mỹ quan tâm, bao gồm nhân quyền và các vấn đề khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,
Đáp lại, ông Tập gọi ông Biden là “người bạn cũ” (lão bằng hữu) – một điều mà ông Biden phủ nhận vì cho rằng quan hệ nhiều năm giữa ông và ông Tập chỉ đơn thuần là do công việc – và nói hai bên phải tăng cường giao tiếp và hợp tác để giải quyết nhiều thách thức mà họ phải đối mặt. Phát biểu thông qua phiên dịch viên, ông Tập nói: “Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ cần tăng cường giao tiếp và hợp tác.”
Cuộc đàm phán do ông Biden khởi xướng và bắt đầu lúc 7:46 tối Thứ Hai giờ Washington nhằm làm giảm sự gay gắt hiện nay trong quan hệ Trung-Mỹ. Tổng thống Mỹ nở nụ cười tươi khi Chủ tịch Trung Quốc xuất hiện trên màn hình lớn trong phòng họp.
Báo chí Hoa Kỳ được cử một nhóm nhỏ phóng viên theo dõi 10 phút đầu của cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo trong Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc trước khi hai nguyên thủ quốc gia và các trợ lý hàng đầu của họ nói chuyện riêng trong một cuộc họp mà các quan chức Mỹ dự kiến kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Ông Biden và ông Tập đã không có cuộc gặp trực tiếp nào kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống Hoa Kỳ và họ chỉ có hai lần nói chuyện với nhau qua điện thoại, lần mới nhất là vào Tháng Chín.
Hoa Kỳ và Trung Quốc có rất nhiều bất đồng, về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, về các quy tắc thương mại và cạnh tranh, về kho vũ khí hạt nhân mở rộng nhanh chóng của Bắc Kinh và việc gia tăng áp lực đối với Đài Loan, cùng các vấn đề khác như hành vi cưỡng bức của Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các quan chức Mỹ không đặt nhiều kỳ vọng sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào giữa hai bên, bao gồm cả về thương mại; Trung Quốc vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết mua thêm $200 tỷ hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như thỏa thuận đã ký với chính quyền Trump trước đây. Vấn đề thuế quan mà Hoa Kỳ áp đặt lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc không được đưa vào chương trình nghị sự của ông Biden dù Bắc Kinh và các nhóm kinh doanh hy vọng Hoa Kỳ sẽ giảm thuế.
Tòa Bạch Ốc từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có cử các quan chức đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh vào Tháng Hai 2022 hay không. Các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà lập pháp Hoa Kỳ, kể cả Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, đã thúc giục chính quyền Biden “tẩy chay ngoại giao” Thế Vận Hội Bắc Kinh, tức là không cử lãnh đạo hoặc quan chức cao cấp đến dự dù các đoàn lực sĩ, vận động viên Hoa Kỳ vẫn tham gia tranh tài.
Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington, cho biết: “Cả hai bên đang cố gắng thiết lập mục tiêu của cuộc gặp là tạo ra sự ổn định trong mối quan hệ. Vấn đề là liệu họ có đạt được thỏa thuận về bất cứ điều gì hay ít nhất, đồng ý với những bất đồng và tránh các hành động leo thang hay không.”
Ông Tập đang hướng tới Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 và Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới, mà ông được cho là đã bảo đảm được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba – một điều chưa từng có từ sau khi Đặng Tiểu Bình cải cách Trung Quốc. Và ông ta cũng muốn tránh căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ.
Nhưng ông Tập được cho là sẽ phản kháng mạnh các nỗ lực của Washington nhằm tạo thêm không gian cho Đài Loan trong hệ thống quốc tế. Trung Quốc luôn tuyên bố hòn đảo tự trị đó là của lãnh thổ của mình và thề sẽ sáp nhập hòn đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói trong một cuộc họp thường kỳ hôm Thứ Hai: “Có hy vọng rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ở giữa con đường, tăng cường đối thoại và hợp tác, quản lý hiệu quả sự khác biệt, xử lý đúng các vấn đề nhạy cảm và tìm kiếm các cách thức tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại hòa bình.”
Tuần trước, ông Tập và ông Biden đã đưa ra những tầm nhìn cạnh tranh với nhau, trong đó ông Biden nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ về một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, mà Washington cho rằng hiện đang phải đối mặt với sự “cưỡng ép” ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi ông Tập cảnh báo chống việc quay trở lại mối căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh.
Một tờ báo lá cải do Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền xuất bản hôm Thứ Hai đã gọi Đài Loan là “lằn ranh đỏ cuối cùng của Trung Quốc,” hàm ý nói Hoa Kỳ và các nước khác không được can dự vào vấn đề Đài Loan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước cho biết Washington và các đồng minh sẽ có “hành động không xác định trước” nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng Đài Loan, làm “mơ hồ thêm” chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu nay của Mỹ về việc liệu Hoa Kỳ có đáp trả bằng quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo ông Blinken trong một cuộc gọi hôm Thứ Bảy, phản đối ông Blinken “gửi tín hiệu sai” cho các lực lượng ủng hộ độc lập Đài Loan.
Đài Loan không phải là điểm nóng duy nhất. Các nghị sĩ Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ muốn ông Biden coi các biện pháp giảm thiểu rủi ro vũ khí hạt nhân với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, sau khi Ngũ Giác Đài báo cáo Bắc Kinh đang mở rộng đáng kể các chương trình vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn. Nhưng Bắc Kinh nói rằng kho vũ khí của họ kém xa Mỹ và Nga, đồng thời cho biết họ sẵn sàng đối thoại nếu Washington giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân của mình xuống mức của Trung Quốc.
“Đây là cơ hội để Tổng thống Biden thể hiện sự đanh thép, thể hiện sức mạnh của Hoa Kỳ, để nói rõ rằng chúng tôi sẽ đứng về phía các đồng minh và chúng tôi sẽ không tán thành hay dung túng cho những hành vi ác ý mà Trung Quốc gây ra”, Nghị sĩ đảng Cộng Hòa Bill Hagerty, người từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhấn mạnh.
Đọc thêm: