Joseph Mercola – một bác sĩ… “vịt cồ”!

Từ ngày xuất hiện Covid-19, cuộc chiến chống lại thông tin thất thiệt thật gian nan. Một người dân bình thường không có nhiều khả năng phân tích, so sánh, sẽ cảm thấy ngộp trong biển thông tin của cuộc chiến tranh này, tin thật và tin giả vàng thau lẫn lộn. Xã hội nào, thời nào cũng có những “con”người luôn luôn chờ cơ hội đục nước béo cò. Trong khi ở Việt Nam có bác sĩ kêu gọi người bệnh dùng dung dịch muối bão hòa (sau đó bị phản đối, mới sửa thành dùng dung dịch nước muối 3%) để đánh sập ổ virus Covid-19 bằng cách hy sinh lớp viêm mạc mũi của mình, và bài viết đã có hàng ngàn người ủng hộ, với hàng trăm lượt chia sẻ; thì ở Mỹ cũng có những tay bác sĩ như nhân vật chính trong bài viết dưới đây mà The New York Times vừa đề cập. Mời các bạn đọc để thấy cuộc chiến chống các ông lang băm gieo tin vịt khó khăn như thế nào. Không hiểu lời thề y đức và lương tâm nghề nghiệp của họ để ở đâu?

SAN FRANCISCO – Một bài viết xuất hiện online ngày 9 Tháng Hai bắt đầu với một câu hỏi có vẻ vô hại về định nghĩa của vaccine. Nhưng với hơn 3,400 từ tiếp theo, bài viết đó đã tuyên bố vaccine coronavirus là “trò gian lận y tế” và nói rằng việc tiêm ngừa không ngăn ngừa được sự nhiễm bệnh, không cung cấp khả năng miễn dịch hoặc không thể ngăn chặn sự lây truyền của bệnh. Bài báo tuyên bố vaccine sẽ “thay đổi mã hóa di truyền của bạn, biến bạn thành một nhà máy sản xuất protein virus không có cách gì ngăn lại”.

Các tuyên bố của bài viết có thể dễ dàng bác bỏ. Nhưng chỉ vài giờ sau đó, bài báo đã được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ba Lan; rồi nó xuất hiện trên hàng chục blog và cuối cùng được những người chống tiêm chủng, những người đã lặp lại những tuyên bố sai trái trên internet chọn để chia sẻ. Theo dữ liệu từ CrowdTangle, công cụ thuộc sở hữu Facebook, bài báo cũng tìm cách có mặt trên Facebook, nơi nó đến được 400,000 người.

Toàn bộ nỗ lực bắt nguồn từ một người: Joseph Mercola.

Mercola, 67 tuổi, một bác sĩ ở Cape Coral, Florida, từ lâu đã trở thành đối tượng bị chỉ trích. Gần đây nhất, theo các nhà nghiên cứu, ông ta đã trở thành người phát tán chính các thông tin sai lệch về coronavirus trên mạng xã hội. Là một chủ doanh nghiệp với hàng chục nhân viên, am hiểu về internet, Mercola đã tung ra hơn 600 bài viết trên Facebook gây nghi ngờ về vaccine COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuyên bố của ông ta đã được lặp lại và phát tán trên Twitter, Instagram và YouTube.

Tất cả đã khiến trở thành một trong những người giữ vị trí hàng đầu trong “Disinformation Dozen”, danh sách 12 người chịu trách nhiệm chia sẻ 65% thông điệp chống vaccine trên phương tiện truyền thông xã hội – theo Center for Countering Digital Hate, một tổ chức phi lợi nhuận. Những người khác trong danh sách bao gồm Robert F. Kennedy Jr., nhà hoạt động chống vaccine lâu năm; và Erin Elizabeth, người sáng lập trang web Health Nut News, bạn gái của Mercola.

Kolina Koltai, nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, người nghiên cứu các thuyết âm mưu trên mạng xã hội, cho biết: “Mercola là người tiên phong trong phong trào chống vaccine. “Ông ta là bậc thầy trong việc tận dụng những giai đoạn không ổn định, như đại dịch, để phát triển chiến dịch tuyên truyền của mình”.

Một số nhân vật truyền thông nổi tiếng đáng chú ý khác cũng thúc đẩy sự hoài nghi về vaccine là Tucker Carlson và Laura Ingraham thuộc đài Fox News, bất luận rằng các nhân vật Fox khác khuyến khích người xem đài của mình nên tiêm phòng. Hiện Mercola và nhóm “Disinformation Dozen” đang được chú ý khi việc tiêm chủng ở Hoa Kỳ chậm lại, khi biến thể Delta đang làm tăng nhanh các trường hợp nhiễm coronavirus. Theo CDC, hơn 97% số người nhập viện vì COVID-19 chưa được chủng ngừa.

Tổng thống Joe Biden đã lên án những dối trá trên mạng khiến người ta từ chối tiêm phòng. Tuy nhiên, ngay cả khi Biden thúc giục các công ty truyền thông xã hội “hãy làm điều gì đó về thông tin sai lệch” thì những trường hợp như Mercola cho thấy nhiệm vụ đó khó khăn như thế nào. Trong thập niên qua, Mercola đã cổ xúy các phương pháp chữa bệnh tự nhiên, tung ra cuộc chiến chống tiêm chủng. Điều đáng nói là ông ta hốt bạc từ tất cả hoạt động đó. Năm 2017, Mercola đã nộp hồ sơ chứng minh giá trị tài sản của mình là “hơn $100 triệu”.

Các bài đăng trên online của Mercola thường đưa ra các câu hỏi về sự an toàn của vaccine. Imran Ahmed, Giám đốc Center for Countering Digital Hate chuyên nghiên cứu thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch, cho biết: “Mạng xã hội đã truyền giúp Mercola khai thác một cách khéo léo và tàn nhẫn để lôi kéo mọi người. Báo cáo từ “Disinformation Dozen” đã được trích dẫn trong các phiên điều trần của Quốc hội và Tòa Bạch Ốc.

Trong một email, Mercola cho biết “điều khá kỳ lạ tôi được mệnh danh là người phát tán thông tin sai lệch số một.” Ông ta nói, một số bài đăng trên Facebook của ông chỉ được hàng trăm người thích, vì vậy ông không hiểu “làm thế nào mà số lượng chia sẻ tương đối nhỏ lại có thể gây ra tai họa như vậy cho chiến dịch tiêm chủng trị giá hàng tỷ đô la của Biden”. Mercola cho biết thêm, những nỗ lực chống lại ông mang tính chất chính trị và ông cáo buộc Tòa Bạch Ốc “kiểm duyệt bất hợp pháp bằng cách thông đồng với các công ty truyền thông xã hội”.

Các đầu sách y học của “bác sĩ vịt cồ” Joseph Mercola trên Amazon

Ông ta không trả lời câu hỏi những tuyên bố về coronavirus của ông ta có bằng chứng thực tế hay không. Ông nói: “Tôi là tác giả chính của một ấn phẩm liên quan đến vitamin D và nguy cơ của COVID-19 và tôi có đầy đủ mọi quyền thông báo cho công chúng bằng cách chia sẻ nghiên cứu y tế của mình”. Ông ta không nêu rõ ấn phẩm là gì. Là người Chicago, Mercola khởi đầu một công ty tư nhân nhỏ vào năm 1985 tại Schaumburg, Illinois. Thập niên 1990, ông ta bắt đầu chuyển sang y học sức khỏe tự nhiên và mở trang web Mercola.com để chia sẻ các phương pháp điều trị, cách chữa và lời khuyên. Trang web kêu gọi mọi người “hãy tự kiểm soát sức khỏe”.

Năm 2003, ông ta xuất bản cuốn “Phương pháp ăn kiêng không ngũ cốc”, trở thành quyển sách bán chạy nhất của New York Times. Kể từ đó, ông ta xuất bản sách gần như hàng năm. Năm 2015, ông dời về Florida. Khi sự nổi tiếng tăng lên, Mercola bắt đầu đưa ra những tuyên bố về sức khỏe chưa được chứng minh và viển vông, chẳng hạn như nệm lò xo gây ra bức xạ có hại, rồi bước kế tiếp là bán các sản phẩm online – từ thực phẩm bổ sung vitamin đến sữa chua hữu cơ – mà ông ta quảng cáo như một phương pháp điều trị thay thế.

Để củng cố hoạt động, ông thành lập các công ty như Health Resources và Mercola Consulting Services. Các đơn vị này có văn phòng ở Florida và Philippines với đội ngũ nhiều nhân viên. Cùng lúc, ông nắm bắt những khoảnh khắc tin tức để nhanh chóng tung ra các bài blog, bản tin và video, với gần chục ngôn ngữ lên mạng lưới các trang web và phương tiện truyền thông xã hội.

Lượng khán giả của ông ta rất đáng kể. Trang Facebook chính thức bằng tiếng Anh của Mercola có hơn 1.7 triệu người theo dõi, và trang bằng tiếng Tây Ban Nha có 1 triệu người theo dõi. New York Times cũng tìm thấy 17 trang Facebook khác dường như cũng do ông ta điều hành hoặc có mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp của ông ta. Trên Twitter, ông ta có gần 300,000 người theo dõi, cộng với gần 400,000 người trên YouTube.

Mercola hiểu rõ cách thức giúp thông tin lan truyền trên mạng. Hai cựu nhân viên giấu tên (vì họ đã ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin) cho biết ông ta thường xuyên thực hiện thí nghiệm A/B, trong đó nhiều phiên bản của cùng một nội dung được xuất bản để xem nội dung nào lan truyền online nhanh nhất. Facebook đã gắn nhãn (label) nhiều bài đăng của Mercola là sai, cấm ông ta quảng cáo trên trang chính và đã xóa một số trang của ông ta. Twitter cũng đã gỡ bỏ một số bài đăng của Mercola và gắn nhãn những bài đăng khác; trong khi đó, YouTube cho biết Mercola không tham gia chương trình ông ta có thể kiếm tiền từ quảng cáo trên video của mình.

Năm 2012, Mercola bắt đầu viết về giường tắm nắng, lập luận rằng nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, đồng thời bán giường tắm nắng với những cái tên như Vitality và D-lite với giá $1,200 – $4,000/chiếc. Ủy ban Thương mại Liên bang đã đưa ra các tuyên bố về quảng cáo sai sự thật chống lại Mercola vào năm 2017, dựa trên các tuyên bố liên quan đến sức khỏe của giường tắm nắng. Ông đã phải $2.95 triệu tiền hoàn trả cho khách hàng đã mua giường tắm nắng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng đã ban hành thư cảnh cáo Mercola vì đã bán các sản phẩm sức khỏe không được phê duyệt vào các năm 2005, 2006 và 2011 và đã phạt ông ta hàng triệu đôla.

Khi coronavirus tấn công vào năm ngoái, Mercola đã đăng các bài viết, đặt câu hỏi về nguồn gốc dịch bệnh. Vào Tháng Mười Hai, ông dùng một nghiên cứu kiểm tra việc đeo khẩu trang để lập luận rằng khẩu trang không ngăn được sự lây lan của virus. Mercola cũng bắt đầu quảng cáo bổ sung vitamin như một cách để chống coronavirus. Trong một lá thư cảnh báo ngày 18 Tháng Hai, FDA cho biết Mercola đã “trình bày một cách sai lệch”, và “các sản phẩm không được phê duyệt và ghi nhãn sai” trên Mercola.com.

Tháng Năm 2020, Mercola gỡ nhiều bài đăng Facebook để né cuộc chiến chống lại những nguồn tin thất thiệt chống vaccine. Facebook cũng xóa bài viết ngày 9 Tháng Hai của ông ta. Nhưng Mercola vẫn đưa ra các nghi vấn về vaccine. Trong một bài đăng trên Facebook hôm Thứ Sáu, ông ta sử dụng một nghiên cứu khác để bàn về mức độ hữu ích của vaccine Pfizer đối với các biến thể COVID-19; cho rằng vaccine này chỉ hiệu quả 39%. Bài viết phớt lờ một thống kê khác từ nghiên cứu cho biết vaccine có hiệu quả 91% đối với bệnh nghiêm trọng. Trong vòng vài giờ, bài đăng đã được chia sẻ hơn 220 lần. Nói cách khác, ảnh hưởng của con vịt cồ Mercola vẫn còn rất mạnh. Và nó càng mạnh hơn bởi sự hùa theo của những bầy vịt con khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: