Lưỡng đảng đạt thỏa thuận về dự luật cơ sở hạ tầng $1.2 ngàn tỷ

Cơ sở hạ tầng của Mỹ đã kém hơn rất nhiều nước, xếp vị trí 13 thế giới về hạ tầng nói chung và thấp hơn nữa trong các lĩnh vực cụ thể như giao thông công cộng, Internet tốc độ cao. Hình minh họa đường phố Chicago. Credit: Joel Mott/Unsplash

Tối nay Thứ Tư ngày 28 Tháng Bảy, Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu về việc có tiếp tục thảo luận dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá $1.2 ngàn tỷ hay không sau khi các nhà đàm phán của hai đảng đạt được thỏa thuận đột phá về các thành phần chính của dự luật, vốn là ưu tiên chính của Tổng thống Joe Biden.

Thỏa thuận về cơ sở hạ tầng, có được sau nhiều tháng đàm phán giữa các thượng nghị sĩ (TNS) đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện, dự kiến ​​sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lập pháp của cả hai đảng.

Lãnh đạo khối Dân Chủ đa số tại Thượng Viện, TNS Chuck Schumer, nói với các phóng viên trên Đồi Capitol rằng ông sẽ triệu tập một cuộc bỏ phiếu thủ tục vào tối nay Thứ Tư để xúc tiến dự luật cơ sở hạ tầng. Sau khi vượt qua được cuộc bỏ phiếu thủ tục thì dự luật mới chính thức được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu chuẩn thuận ở Thượng Viện. Hồi tuần trước, đảng Cộng Hòa đã ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu thủ tục tương tự với lý do hai đảng chưa thỏa thuận được những chi tiết của dự luật. Lần này, ông Schumer tin rằng sẽ có đủ số thượng nghị sĩ đồng ý để thông qua nó. 

TNS đảng Dân Chủ Kyrsten Sinema và TNS đảng Cộng Hòa Rob Portman, hai nghị sĩ dẫn đầu hai đảng đàm phán về dự luật cơ sở hạ tầng tại Thượng Viện, đã thông báo về thỏa thuận với các phóng viên tại Điện Capitol. “Giờ đây chúng tôi đã có một thỏa thuận về những vấn đề chính, và chúng tôi sẵn sàng tiến tới,” TNS Portman nói.

Những thông tin chi tiết về thỏa thuận vẫn đang được hoàn thiện nhưng các nhà lập pháp cho biết văn bản lập pháp của dự luật sẽ sớm được hoàn thành. TNS Sinema nói rằng bà rất vui khi đạt được thỏa thuận, “Chúng tôi đã hoàn thành phần lớn văn bản, vì vậy chúng tôi sẽ bỏ phiếu và sau đó chúng tôi sẽ cập nhật dự luật khi chúng tôi hoàn thành những phần việc cuối cùng. Chúng tôi mong muốn tiến lên phía trước và có một cuộc tranh luận lành mạnh.”

Theo văn bản dữ kiện của dự luật được Tòa Bạch Ốc phát hành vào chiều Thứ Tư, dự luật sẽ cung cấp khoảng $550 tỷ vốn đầu tư mới từ chính quyền liên bang cho các chương trình xây dựng cầu đường, đường sắt, vận tải công cộng, hệ thống cung cấp nước và một số dự án hạ tầng thiết yếu khác, $65 tỷ để mở rộng truy cập băng thông rộng và $47 tỷ cho khả năng phục hồi môi trường. So với phiên bản ban đầu được công bố hồi tháng trước, dự luật đã điều chỉnh một số hạng mục, chẳng hạn như vốn đầu tư cho vận tải công cộng bị giảm từ $49 tỷ xuống còn $39 tỷ, xóa bỏ dự án đầu tư $20 tỷ cho một “ngân hàng cơ sở hạ tầng”…

Thay đổi quan trọng nhất của thỏa thuận lần này là về cách thức trang trải cho chi phí đầu tư hạ tầng. Chính quyền Biden và đảng Dân Chủ muốn đầu tư để Cơ quan Thuế vụ Liên bang (IRS) mở rộng điều tra, ngăn chặn gian lận thuế và truy thu thuế của những người có thu nhập cao, từ đó cung cấp khoảng một phần năm số tiền phải chi cho cơ sở hạ tầng. Nhưng đảng Cộng Hòa phản đối quyết liệt biện pháp này.

Thay vì vậy, các nghị sĩ lưỡng đảng đồng ý chuyển mục đích sử dụng khoảng $250 tỷ từ luật cứu trợ COVID còn lại, trong đó có $50 tỷ tiền trợ cấp thất nghiệp bổ sung của liên bang (bị tồn đọng sau khi 20 tiểu bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã quyết định ngừng cấp khoản trợ cấp thất nghiệp này từ giữa Tháng Sáu).

Thỏa thuận mới cũng tiết kiệm khoảng $50 tỷ do đình hoãn một luật hoàn trả tiền Medicare được thông qua dưới thời Tổng thống Trump và có thể thu thêm $30 tỷ tiền thuế nhờ áp dụng yêu cầu báo cáo thông tin về thuế của hoạt động kinh doanh tiền mã hóa (cryptocurrency). Thỏa thuận cũng yêu cầu thu hồi $50 tỷ tiền trợ cấp thất nghiệp bổ sung bị gian lận hoặc lừa đảo trong thời gian đại dịch.

Cuộc bỏ phiếu theo thủ tục sẽ chỉ đơn giản là trả lời câu hỏi liệu Thượng Viện có nên bắt đầu xem xét dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng hay không. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng để phê chuẩn dự luật ở Thượng Viện – có thể diễn ra sau một tuần tranh luận – đòi hỏi phải có số phiếu thuận ít nhất 60/40.  

Năm TNS Cộng Hòa tham gia đàm phán với đảng Dân Chủ – gồm TNS Rob Portman (Ohio), Susan Collins (Maine), Lisa Murkowski (Alaska), Bill Cassidy (Louisiana) và Mitt Romney (Utah) – đều thúc dục các nghị sĩ đồng viện hãy ủng hộ một đạo luật mà họ cho rằng hết sức cần thiết để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ của quốc gia.

Dự luật lưỡng đảng về cơ sở hạ tầng là một thành phần quan trọng trong chương trình nghị sự chính sách đối nội quan trọng của Tổng thống Biden. Đảng Dân Chủ có kế hoạch giải quyết phần còn lại bằng gói ngân sách “hòa giải” trị giá $3,5 ngàn tỷ mà đảng Cộng Hòa đã thề sẽ phản đối. Kế hoạch ngân sách “hòa giải” sẽ đổ hàng tỷ đôla vào các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em và giáo dục… Theo quy định “hòa giải”, kế hoạch ngân sách có thể được thông qua Thượng Viện chỉ với số phiếu quá bán đơn giản và đảng Dân Chủ đã quyết định thúc đẩy dự luật ngân sách bất chấp sự cản trở của đảng Cộng Hòa.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: