H.C.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách Đông Á hôm nay (thứ Ba 14-07) cảnh báo Mỹ có thể áp đặt cấm vận nhiều quan chức và công ty Trung Quốc có hành vi đe dọa, cưỡng bức ở Biển Đông, sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố một lập trường cứng rắn đối với yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Tuyên bố lập trường của Hoa Kỳ được đưa ra hôm qua, bác bỏ toàn bộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên xa bờ tại Biển Đông (xem tại đây). Đây là lần đầu tiên Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Nói chuyện tại một viện nghiên cứu ở Washington, khi được hỏi liệu cấm vận có thể là một phản ứng của Mỹ đối với hành động của Trung Quốc hay không, ông David Stilwell, Phụ tá Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách Đông Á, nói: “Mọi chuyện đều được đặt lên bàn… có nhiều biện pháp như thế. Đây là cách nói mà người Trung Quốc hiểu – hành động cụ thể và quyết định.” Lập trường cứng rắn hơn của Mỹ có nghĩa là “chúng ta sẽ không còn nói chúng ta trung lập trong các vấn đề hàng hải ở khu vực này nữa. Khi một giàn khoan dầu [của Trung Quốc] được đặt vào vùng biển Việt Nam hoặc Mã Lai, chúng ta sẽ chủ động lên tiếng,” ông Stilwell nói thêm.
Biển Đông Việt Nam là hải lộ quan trọng của thế giới, có tới 3.000 tỷ đô la giá trị hàng hóa xuất nhập cảng đi qua hải lộ này mỗi năm. Trung Quốc đòi sở hữu tới 90% diện tích Biển Đông, vùng biển nhiều tài nguyên hải sản và dầu khí, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, Đài Loan và Việt Nam. Trung Quốc cũng đã bồi đắp và biến thành căn cứ quân sự nhiều cụm đảo trong vùng biển này.
Ông Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói việc Mỹ tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp sẽ mở đường cho các phản ứng cứng rắn hơn của Mỹ, chẳng hạn các biện pháp cấm vận hoặc gia tăng hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) lên án động thái của Mỹ, nói rằng nó “phá hủy hòa bình và ổn định của khu vực, là một hành động vô trách nhiệm”.
Cũng hôm nay thứ Ba, một khu trục hạm của Mỹ, USS Ralph Johnson (DDG-114), bắt đầu thực hiện cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực quần đảo Trường Sa trong Biển Đông. “Chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải nhằm bảo vệ quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp không gian biển được luật pháp quốc tế công nhận; thách thức những hạn chế mà Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt lên các cuộc đi lại vô hại,” thông báo của hải quân Mỹ cho biết.
Những hoạt động tuần tra này đã trở nên quen thuộc trong các năm gần đây.