Mỹ và đồng minh xây dựng chuỗi cung ứng “không có Trung Quốc”

Cuộc khủng hoảng thiếu vi mạch cho sản xuất xe hơi thúc đẩy chính phủ Mỹ nhanh chóng xây dựng chiến lược cung ứng mới, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh minh họa Wikiwand
H.C.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để đẩy nhanh nỗ lực hợp tác với các nước đồng minh như Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn xây dựng các chuỗi cung ứng vi mạch (chip) và các sản phẩm có tầm quan trọng chiến lược khác để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, báo Asia Nikkei cho biết.

Theo dự thảo sắc lệnh mà báo Asia Nikkei có được, chính phủ Hoa Kỳ sẽ ra lệnh phát triển một chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia, xây dựng các mạng lưới cung ứng ít bị tổn thương vì sự gián đoạn nguồn cung cấp do thiên tai hoặc do cấm vận của các quốc gia không thân thiện. Các lĩnh vực sẽ tập trung vào gồm sản phẩm bán dẫn, bình năng lượng cho xe hơi chạy điện, kim loại đất hiếm và thiết bị y khoa. 

Sắc lệnh cho biết “làm việc với các đồng minh có thể dẫn tới các dây chuyền cung cấp mạnh mẽ và bền vững”, nghĩa là quan hệ quốc tế sẽ là trung tâm của kế hoạch. Washington được biết sẽ theo đuổi sự hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn trong lĩnh vực sản xuất vi mạch, với Úc về kim loại đất hiếm.

Hoa Kỳ có kế hoạch chia sẻ với các đồng minh thông tin về các mạng lưới cung cấp những sản phẩm quan trọng, tìm cách đẩy mạnh sản xuất bổ sung, chia sẻ nhanh những mặt hàng đang cần gấp cũng như thảo luận việc bảo đảm các kho dự trữ và công suất sản xuất dự phòng.

Các đối tác của Mỹ cũng sẽ được yêu cầu cắt giảm việc làm ăn với Trung Quốc.

Vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng đã trở nên cấp bách do tình trạng thiếu vi mạch trong năm nay đang ảnh hưởng nặng nề tới các nhà máy công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất xe hơi. 

Đài Loan, hiện dẫn đầu về sản xuất vi mạch, đóng góp khoảng 22% tổng sản lượng vi mạch toàn cầu, đã ra sức đẩy mạnh sản xuất nhưng các nhà máy ở đó đã hoạt động hết công suất, có rất ít khả năng gia tăng sản lượng trong thời gian ngắn.

Trong vài thập niên gần đây, tỷ lệ đóng góp của Mỹ vào năng lực sản xuất vi mạch trên toàn cầu đã giảm từ mức 37% năm 1990 xuống còn 12% hiện nay, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ đạt tỷ lệ 24% vào năm 2030 nhờ sự trợ cấp hào phóng khoảng 100 tỷ USD của chính phủ Bắc Kinh, theo dữ liệu của Boston Consulting Group.

Việc phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc cho những sản phẩm quan trọng đặt ra nhiều rủi ro về an ninh quốc gia. Bắc Kinh thường sử dụng các quy định hành chính để gây sức ép lên các bạn hàng, chẳng hạn như Trung Quốc cấm xuất cảng đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010 khi hai nước xung đột về quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư.

Hoa Kỳ nhập cảng khoảng 80% lượng đất hiếm từ Trung Quốc, và phụ thuộc vào nước này khoảng 90% một số sản phẩm y tế.

Xây dựng lại các dây chuyền cung ứng có thể tốn nhiều thời gian, nhất là trong lĩnh vực vi mạch. Washington đã bắt đầu đặt nền móng cho công việc này và từ mùa thu năm ngoái đã mời gọi các nền kinh tế giàu có về tài nguyên và công nghệ quý như Đài Loan, Nhật Bản, Úc cùng tham gia vào việc đưa các dây chuyền cung ứng ra khỏi Trung Quốc khi căng thẳng với Bắc Kinh gia tăng.

Đài Bắc đã đáp ứng một cách nhanh chóng. Các quan chức cao cấp của Đài Loan và Mỹ đã ký một văn bản ghi nhớ hồi tháng Mười Một thúc đẩy hợp tác kỹ thuật trong bảy lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả bán dẫn và viễn thông không dây thế hệ thứ năm, cũng như “các dây chuyền cung ứng an toàn, bảo đảm và tin cậy”.

Tập đoàn Chế tạo Bán dẫn Đài Loan (TSMC) – nhà sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới – hồi mùa xuân năm ngoái đã đồng ý xây dựng một cơ sở chế tạo tại Arizona, có thể là một biểu tượng cho mối quan hệ song phương Mỹ-Đài. Nhà máy của TSMC có vốn đầu tư 12 tỷ USD, chuyên sản xuất sản phẩm bán dẫn cho quân đội, có thể bắt đầu hoạt động từ năm 2024. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ có khoản trợ cấp cho dự án này.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từ năm ngoái cũng đã cố gắng lôi kéo tập đoàn TSMC tới Nhật, không chỉ để xây dựng mạng cung ứng ba bên vững mạnh mà còn để cung cấp cho Nhật một nguồn vi mạch tân tiến và bảo đảm trong tương lai. Chính phủ Nhật đã dành ngân sách 200 tỷ yen (1,9 tỷ USD) để trải thảm đỏ mời tập đoàn này, nhắm tới một khả năng hợp tác giữa TSMC và các công ty Nhật. Nỗ lực đó bắt đầu có kết quả khi đầu tháng này TSMC lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)  tại Nhật Bản có chi phí tới 20 tỷ yen.

Trong lĩnh vực đất hiếm, Hoa Kỳ đang hợp tác với Úc để tránh vai trò thống trị thị trường của Trung Quốc. Nhà khai thác đất hiếm Úc, tập đoàn Lynas, đang xây dựng một nhà máy chế biến đất hiếm ở Texas với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bình điện cho xe hơi chạy điện là một lĩnh vực khác cần có hành động ngay khi tập đoàn Panasonic của Nhật và LG Chem của Nam Hàn đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Nhưng trong lĩnh vực viễn thông 5G, các dây chuyền cung ứng mới có thể rất tốn kém cho các công ty Mỹ và Nhật Bản đã mất thị phần vào tay các nhà cung cấp có giá cả cạnh tranh của Trung Quốc như tập đoàn công nghệ Huawei Technologies.

(theo Asia Nikkei)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: