Nhân dịp 4 Tháng Bảy, nhắc lại những sự kiện đầy máu và nước mắt của người Mỹ

Ảnh: pexels-ketut-subiyanto

4 tháng 7 là Lễ Quốc Khánh ở Mỹ. Truyền thuyết nói đó là ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) được công bố trước bàn dân thiên hạ. Nhưng thật ra bản tuyên ngôn đã được ký trước đó hai ngày. Thành thử lẽ ra 2 tháng 7 mới đúng là sinh nhật của Liên Bang Hoa Kỳ. Thậm chí John Adams (Tổng thống thứ nhì) thuở sinh thời không bao giờ dự lễ Quốc Khánh vào ngày 4 tháng 7 vì ông cho là nó… trớt quớt.

Song ai cũng biết trên đời có thiếu gì chuyện trớt quớt nhưng nghe riết mọi người đều tưởng thiệt. Dù gì đi nữa sinh nhật của nước Mỹ chỉ trật có hai ngày nên ta cũng nên thông cảm cho cụ Adams. Nhưng đó là chuyện lễ lạt, nói nghe chơi cho vui. Còn cớ sao tại thời điểm đó dân Mỹ lại nhất quyết đứng lên đòi độc lập từ vua Anh là cả một trường thiên tiểu thuyết đầy máu, mồ hôi và nước mắt. Sử sách ghi có bảy sự kiện dẫn đến cuộc chiến mà người Mỹ gọi là Revolutionary War – Chiến tranh Cách mạng, bắt nguồn từ Chiến tranh Bảy Năm giữa Pháp và Anh tại Bắc Mỹ vào thập niên 1760.

Khai mào: Stamp Act (1765)

Tháng Ba năm 1765, Nghị Viện Anh ban hành một đạo luật về thuế tô đánh lên một lô các loại hàng hoá tại những vùng đất thuộc địa. Ngân hàng nhà nước Anh lúc bấy giờ đã cạn kiệt vì chiến tranh nên quá cần tiền. Ngặt một nỗi các thuộc địa đều có chính quyền riêng lo việc thuế má và ngân sách. Tự dưng có người của vua Anh đến để đánh thuế và thâu thuế. Tất nhiên là dân Mỹ không ưng.

Họ chống lại bằng nhiều cách, kể cả đe doạ đến tính mạng nhân viên thu thuế. Tình trạng đôi co giữa hai bên kéo dài được không được bao lâu thì luật Stamp Act bị huỷ bỏ vì không thu được đồng thuế nào mà còn bị dân chúng nổi loạn khắp nơi. Tuy nhiên, Hoàng gia vẫn giữ lại quyền đánh thuế lên các thuộc địa. Còn người Mỹ thì bỗng nhiên phát hiện họ có sức mạnh mà nào giờ không nghĩ mình có.

Hiệp nhì: Townshend Acts (1767)

Thua keo đầu, Nghị Viện Anh bày ra keo khác. Charles Townshend, Giám đốc ngân hàng nhà nước, đề xuất một đạo luật đánh thuế lên các món hàng mà ông ta nghĩ dân Mỹ cần nhập cảng từ Anh – như chén dĩa, thuỷ tinh, chì, sơn, giấy, trà v.v. Tiền thuế không chỉ bỏ vào ngân khố mà còn được dùng để trả lương cho những viên thống đốc và quan toà gởi từ Anh sang để cai quản các lãnh địa. Nói cách khác, Townshend muốn tước bỏ quyền lực của các nghị viện do dân Mỹ bầu lên tại các tiểu bang.

Benjamin Franklin báo cho chính phủ Anh hay người Mỹ đã bắt đầu tự sản xuất được nhiều mặt hàng nội địa. Mặt khác, người dân tại Massachusetts, Connecticut và Rhode Islands đồng loạt tẩy chay nhập cảng hàng hoá Anh trong vòng một năm, kể từ đầu năm 1768. New York cũng bắt chước theo vài tháng sau đó. Biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn. Quân đội Anh được gởi đến Boston để dẹp các cuộc nổi loạn. Sang năm 1769 đã có đến 2,000 lính Anh đóng quân tại Boston, bấy giờ dân số chỉ có 16,000 người.

Quân đội Anh và người Mỹ đụng độ tại Boston ngày 5 Tháng Ba 1770 (ảnh: Stock Montage/Getty Images)

Đổ máu: Boston Massacre (1770)

Với số lượng binh lính đông đảo như thế, xung đột giữa người dân và quân Anh xảy ra như cơm bữa. Cuối cùng việc gì phải đến cũng đã đến. Trong một vụ xây xát, lính Anh đã nổ súng và giết chết mấy thường dân. Nạn nhân đầu tiên là một thuỷ thủ người da Đen tự do tên Crispus Attucks, về sau được vinh danh là liệt sĩ đầu tiên trong cuộc chiến tranh giành Độc Lập.

Cuộc thảm sát Boston, 1770 (ảnh: Ipsumpix/Corbis via Getty Images)

Cùng ngày cuộc thảm sát tại Boston diễn ra, bên Luân Đôn, thủ tướng Anh yêu cầu các nhà lập pháp hãy tìm cách dẹp bỏ đạo luật Townshend. Phải đến Tháng Bảy năm 1770 luật Townshend mới hết hiệu lực, nhưng thuế đánh lên trà vẫn được giữ lại như một biểu hiện quyền lực của nhà vua George III.

Tiệc trà: Boston Tea Party (1773)

Cùng trong khoảng thời gian đó thì British East India Company, một công ty tư nhân nhưng có nhiều mối “quan hệ” với nhà nước bị lỗ lã, sắp sập tiệm. Để cứu BEAC, Nghị Viện Anh ban hành đạo luật Tea Act, giảm thuế trà cho BEAC để công ty có thể cạnh tranh với trà dân Mỹ nhập cảng từ Hoà Lan. Thế là xung đột lại nổ ra.

Boston Tea Party, 1773 (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Một tổ chức mang tên Sons of Liberty cho người giả dạng làm dân da Đỏ, leo lên ba chiếc thương thuyền chở trà đậu trong Vịnh Boston và trút 92,000 cân trà (41,000kg) xuống biển. Sự kiện này về sau được gọi là Tiệc Trà ở Boston, và hàng năm vẫn còn được người dân trong vùng diễn kịch để kể lại.

Chà đạp: Coercive Acts (1774)

Tiệc trà Boston đã làm chính phủ Anh nổi đoá. Chưa kể là nhiều người trong chính phủ đã đầu tư không ít vào các thương vụ trà, nay họ mất trắng. Nghị viện bèn ban hành một số đạo luật gọi là Coercive Acts nhằm mục đích đè bẹp các nhóm chống đối. Cảng Boston bị Hải quân Anh phong toả và hăm doạ khi nào số tiền trà được đền bù thoả đáng mới thôi.

Nghị viện thành phố bị thay thế bởi quan quân của nhà vua. Người dân không được quyền tụ họp. Bị căm ghét nhất là đạo luật cho phép binh lính Anh được quyền trú ngụ trong những ngôi nhà không có người ở. Không những vậy, người dân còn bị bắt phải nuôi ăn nuôi ở cho lính Anh nữa mới nhục!

Nổ súng: Lexington và Concord (1775)

Như ông bà ta nói, tức nước thì vỡ bờ. Tháng Tư 1775, tướng Anh Thomas Gage dẫn một đoàn quân đến Lexington để lùng bắt nhóm phiến quân Mỹ, trong đó có người trong nhóm Sons of Liberty như Samuel Adams, John Hancock… May sao cuộc truy nã bị phát hiện sớm. Một toán dân quân 77 người chuẩn bị sẵn sàng chờ đón tướng Gage.

Dân New York nhận được tin về sự kiện Lexington & Concord vào Tháng Tư 1775 – trận giao tranh quân sự đầu tiên giữa lực lượng Anh và Mỹ (ảnh: PHAS/Universal Images Group via Getty Images)

Hai bên bắn nhau dữ dội, rốt cuộc Gage phải lui trở về Boston. Trên đường rút quân, binh đoàn của ông ta bị chặn đánh thêm một trận nữa tại Concord. Kết quả, Mỹ mất bảy mạng; Anh chết 73 người, 174 người bị thương, 26 người mất tích. Một chiến thắng vang dội khiến quân Anh không còn dám xem thường các đội dân quân militia của Mỹ nữa. Lexington và Concord là phát súng khai pháo cuộc chiến giành độc lập.

Giọt nước tràn ly: Falmouth và Norfolk

Sau khi bị đánh bại thê thảm ở Lexington, Hải quân Anh bắt đầu siết chặt các cửa khẩu, không cho dân quân Mỹ nhập cảng vũ khí. Tháng 10, 1775, tại cảng Falmouth ở Maine (ngày nay thuộc thành phố Portland), quân Anh ra lệnh phóng hoả thành phố sau khi cho cư dân vài tiếng đồng hồ để tản cư. Hơn ba ngàn viên pháo đã rơi như mưa xuống Falmouth, thiêu huỷ tất cả. George Washington phải thốt lên, “Thật là một hành vi quá sức dã man và hung tàn.”

Ngày đầu năm 1776, Hải quân Anh pháo kích vào đồn lính Mỹ đóng tại Norfolk, Virginia, sau khi vị chỉ huy nhất định không chịu lui quân. Một khi đã đổ bộ, lính Anh được lệnh đốt phá các kho hàng và nhà cửa trong vùng. Tuy Virginia thuộc miền Nam và người dân ở đây đa số có cảm tình với Hoàng gia Anh hơn, nhưng vụ Norfolk đã khiến cho các tiểu bang miền Nam ngã sang ủng hộ kháng chiến. Chiến tranh Cách mạng do George Washington lãnh đạo thực sự bắt đầu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: