Đối phó với thổ dân
Đạo luật về súng đầu tiên ở Bắc Mỹ được soạn tại Jamestown, Virginia, năm 1633. Mục đích chính của nó là cấm người da Đỏ sở hữu súng. Điều X của Đạo luật 209 do Đại Nghị Virginia thông qua ngày 21 tháng Tám, 1633 ghi rõ:
“Cấm tuyệt đối bán súng và đạn cho thổ dân American Indian. Bất cứ ai bán hoặc trao đổi súng ống, đạn dược, thuốc nổ hay các loại vũ khí tương tự cho người Indian trên lãnh địa này sẽ bị tước đoạt mọi tài sản, của cải. Một nửa sẽ được trao cho người khai báo, nửa kia sẽ được sung vào công quỹ. Ngoài ra, kẻ phạm tội sẽ bị tù.”
Thời bấy giờ mối liên hệ giữa các bộ lạc da Đỏ sinh sống trong vùng với dân Anh thuộc địa khá phức tạp. Một số làm ăn buôn bán, trao đổi da thú với dân da trắng. Một số khác bị chiếm đất nên phải lùi ra các vùng sâu, vùng xa. Hiềm khích xảy ra thường xuyên, do đó việc kiểm soát không cho thổ dân sở hữu súng không chỉ đến từ tâm thức kỳ thị có sẵn mà còn mang ý nghĩa sinh tồn. Cho nên các đạo luật tương tự như của Virginia cũng đã được thông qua tại các vùng thuộc địa khác ở Bắc Mỹ liền sau đó.
Năm 1676 một nhà địa chủ quyền uy có chân trong nghị viện Virginia, tên Nathaniel Bacon, đã dẫn đầu một cuộc nổi dậy chống lại thống đốc William Berkeley do vua Anh Charles II bổ nhiệm. Bacon và những người ủng hộ ông ta cho rằng Berkeley quá nhân nhượng với thổ dân, ông ta ra một bản tuyên cáo gọi người da Đỏ là “bọn cướp, thổ phỉ… xâm lấn đất của Hoàng Gia… cần phải tiêu diệt và xoá sạch.”
Khi thấy Berkeley không ưng thuận các yêu sách của mình, Bacon lập một đoàn quân khoảng 400 người gồm không chỉ dân da trắng mà còn có thêm một số đông người da trắng ở đợ và người da Đen – nô lệ cũng như không nô lệ. Cuộc khởi nghĩa đạt được một số thắng lợi lúc ban đầu. Đạo quân hỗn hợp của Bacon chiếm được Jamestown; Berkeley phải trốn sang Maryland. Jamestown bị đốt phá tan tành. Nhưng sau khi hải quân Anh đến trợ lực thì Bacon phải rút lui, rồi ít lâu sau qua đời vì bệnh kiết lỵ.
Sau cuộc nổi dậy bất thành ấy, nghị viện Virginia đặt ra một số luật vô cùng khắt khe để kiểm soát súng đạn, không cho phép người da Đen sở hữu súng. Ngoài ra, họ còn đề ra các điều luật ngăn cản việc giao tiếp và sinh hoạt chung giữa người da trắng và da màu, mở màn cho kỷ nguyên Segregation (phân chủng) kéo dài hơn hai thế kỷ.
Militia
Để giữ gìn an ninh trật tự, cũng như để kiểm soát số lượng nô lệ da Đen ngày càng đông, mỗi vùng thuộc địa đều thiết lập các đội dân quân gọi là Militia. Hầu hết đàn ông trong lứa tuổi “quân dịch” đều phải tham gia vào militia. Những người nhà giàu thường bỏ tiền ra thuê người khác làm “nghĩa vụ quân sự” thế cho mình. Tất cả đàn ông trai tráng đều bị bắt buộc phải sở hữu súng (tự túc) và dự trữ thuốc súng và đạn, phòng khi cần đến. Thậm chí Virginia còn bắt đàn ông có khả năng cầm súng phải đeo vũ trang khi vào chốn thờ phượng: [All men that are fitting to bear arms shall bring their pieces to the church. (1639, VA Acts 155)]. Cái gọi là “văn hoá súng” (gun culture) của người Mỹ bắt đầu từ những đạo luật như thế.
Tại Maryland, không người da Đen nào được phép mang súng trên đất của người chủ. Ở North Carolina, người da Đen chỉ được phép dùng súng và chó săn để săn bắn trên đất của chủ họ khi có người da trắng đi kèm. Luật South Carolina cũng vậy, nhưng còn đòi hỏi thêm giấy tờ từ chủ nhân cho phép họ đi săn; ngoài ra, họ bị cấm sử dụng súng từ tối thứ Bảy đến sáng thứ Hai. Virginia thì ra lệnh tất cả những người da Đen, da Đỏ và lai Đen (mulatto — cha da trắng mẹ nô lệ) không được mang vũ khí khi được mướn “đánh trống, thổi kèn, hay bất cứ công việc nào khác” cho người da trắng.
Dẫu vậy, trong thế kỷ 18 và 19 nhiều cuộc nổi dậy của người nô lệ vẫn xảy ra. Đồng thời, người nô lệ bỏ trốn cũng không ít. Một trong những nhiệm vụ của các toán dân quân militia là truy lùng, đuổi bắt người đi trốn. Họ thành lập những tổ gọi là “Slave Patrols” để đi tuần và khám xét nhà người nô lệ. Vô số những vụ bắt bớ, hãm hiếp và giết người đã xảy ra, nhưng luật pháp bấy giờ hầu như không xử phạt gì đám dân quân.
Khi chiến tranh giành độc lập do George Washington cầm đầu bùng nổ, những đoàn quân đầu tiên được đưa ra trận chính là các đội dân quân militia. Trong một lá thư gửi cho người cháu của mình vào năm 1776, Washington than là đám militia dưới trướng của ông không những không biết đánh giặc, bắn súng, mà còn vô kỷ luật, gây ảnh hưởng xấu đến các binh đoàn khác. Ông viết: “Nuôi cái đám này chỉ tổ phí bánh mì!”
Tu Chính Án thứ Nhì
Sau chiến tranh, khi các nhà quốc phụ soạn Hiến Pháp, một trong những nan đề họ mất rất nhiều thì giờ bàn cãi là làm sao để giới hạn quyền lực của chính phủ liên bang. Một số tiểu bang, đặc biệt là ở miền Nam với thành phần nô lệ đông đảo, sợ rằng nếu chính quyền thành lập lực lượng quân đội liên bang thì họ sẽ mất kiểm soát. Họ lo điều này sẽ dẫn đến các cuộc nổi dậy, hoặc tệ hơn nữa, chế độ nô lệ sẽ bị bãi bỏ. Do đó các bang này nhất quyết không gia nhập Liên Bang Hoa Kỳ trừ phi họ được phép giữ lại các đội dân quân militia của mình.
Patrick Henry, một trong những nhà quốc phụ lập hiến đến từ Virginia, tuyên bố thẳng thừng tại nghị hội: “Chế độ nô lệ đang bị lên án khắp nơi. Quốc Hội có thể, vì lý do này nọ, bắt quân dịch những người da Đen, giao súng cho họ rồi sau đó thả cho họ được tự do. Nghĩa là chính quyền liên bang có thể cướp đám ‘niggers’ của quý vị!”
Nhằm kiếm đủ đa số phiếu để thông qua bản Hiến Pháp, các nhà lập hiến (hầu hết đều là chủ nhân những đồn điền có nô lệ) cuối cùng đã đề xuất Tu Chính Án thứ Nhì với lời lẽ nhằm trấn an các tiểu bang miền Nam như sau:
“Quyền giữ và mang vũ khí của người dân phải được tôn trọng; vì các đội dân quân được vũ trang và cơ cấu chặt chẽ là nền tảng an ninh tốt nhất cho đất nước; nhưng không cá nhân nào sẽ bị bắt buộc phải cầm súng hay gia nhập quân đội nếu tôn giáo của họ không cho phép.”
Những từ ngữ mang tính mâu thuẫn của Tu Chính Án thứ Nhì đã dẫn đến vô số tranh cãi về quyền sử dụng súng từ đó đến nay, nhất là kể từ thập niên 1950-60, khi cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của người da Đen bước vào giai đoạn quyết liệt nhất kể từ khi họ được giải phóng sau cuộc Nội Chiến Bắc Nam.