Trẻ béo phì – mục tiêu số 1 của nạn bắt nạt học đường

(minh họa: Omar Lopez/Unsplash)

“Nhiều trường học có chính sách chống bắt nạt. Nhưng rất ít trong số đó đề cập đến trọng lượng cơ thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến bắt nạt, mặc dù nó phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên,” Tiến Sĩ Rebecca Puhl, thuộc đại học University of Connecticut cho biết.

Bất chấp động thái hướng tới sự tích cực và chấp nhận cơ thể, trẻ em thừa cân, béo phì vẫn tiếp tục là mục tiêu số một của nạn bắt nạt ở trường học, và ít có cơ hội nhờ đến giáo viên hoặc ban giám hiệu nhà trường.

Khoảng 1 trong 5 trẻ em ở Mỹ bị béo phì theo tiêu chuẩn BMI hiện hành. Số liệu thống kê về trẻ em bị bắt nạt vì kích thước cơ thể rất đáng báo động. Trong một cuộc khảo sát quốc gia gần đây về học sinh lớp Sáu thừa cân, 24% nam sinh và 30% nữ sinh bị trêu chọc, bắt nạt hoặc từ chối hàng ngày vì kích thước cơ thể của các em, theo báo cáo của Obesity Action Clinic. Con số này tăng gấp đôi đối với học sinh trung học bị béo phì với 58% nam sinh và 63% nữ sinh bị trêu chọc, bắt nạt.

Tiến Sĩ Rebecca Puhl nghiên cứu sự kỳ thị và bắt nạt vì cân nặng trong hơn hai thập niên qua, và xuất bản hơn 180 nghiên cứu về nạn bắt nạt dựa trên cân nặng ở thanh thiếu niên, sự kỳ thị về cân nặng trong chăm sóc sức khỏe và truyền thông, các biện pháp can thiệp và chiến lược chính sách nhằm giảm sự thiên vị về cân nặng, cũng như tác động của sự kỳ thị cân nặng đối với sức khỏe cảm xúc và thể chất.

“Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích nếu thực sự nghĩ đến sự kỳ thị cân nặng như một vấn đề công bằng xã hội mà chúng ta chắc chắn cần phải giải quyết, cũng như một vấn đề sức khỏe cộng đồng, bởi vì điều này thật sự đang tác động tiêu cực đến sức khỏe của rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên,” Puhl nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Ethnic Media Services.

Dưới đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn:

EMS: Thưa Tiến Sĩ Puhl, điều gì đã thúc đẩy bà quan tâm đến việc nghiên cứu hành vi bắt nạt dựa trên cân nặng?

Tiến Sĩ Rebecca Puhl: Vào năm 1999, thật sự có rất ít nghiên cứu về chủ đề kỳ thị cân nặng. Không có nhiều người làm việc trong lĩnh vực này. Tôi thấy sự kỳ thị ảnh hưởng đến cuộc sống của những bệnh nhân mà tôi đang làm việc cùng. Tôi thấy tác động đó có hại như thế nào đối với thanh thiếu niên.

Những đứa trẻ có trọng lượng cơ thể cao có nhiều khả năng bị bắt nạt hơn những đứa trẻ bình thường. Và những phát hiện đó vẫn tồn tại ở nhiều chủng tộc và sắc tộc khác nhau, tình trạng kinh tế xã hội, thành tích học tập, và kỹ năng xã hội.

Tiến Sĩ Rebecca Puhl. (Hình: Uconn via EMS)

-Tình trạng trẻ béo phì bị bắt nạt có từ bao giờ?

-Chúng tôi nhận thấy những định kiến và thái độ tiêu cực dựa trên cân nặng đang nổi lên ở trẻ mẫu giáo. Nếu nhìn vào các phương tiện truyền thông hướng tới trẻ em, nhìn vào phim hoạt hình và sách, cũng như những thông điệp mà trẻ nhận được từ cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, những điều đó thường củng cố thái độ tiêu cực về trọng lượng cơ thể.

Những giả định đó đang xuất hiện từ rất sớm. Vì vậy, khi trẻ học tiểu học, tình trạng trêu chọc và bắt nạt đã xuất hiện và điều đó thực sự tiếp tục diễn ra trong suốt cấp hai và cấp ba.

-Và có phải sự kỳ thị đôi khi được thúc đẩy bởi chính hiệu trưởng và giáo viên?

-Tôi nghĩ công bằng mà nói, không ai tránh khỏi thành kiến về cân nặng, kể cả giáo viên, phụ huynh và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu thử nghiệm trong đó, chúng tôi cho giáo viên xem ảnh của cùng những thanh thiếu niên đó, nhưng cơ thể của họ trong ảnh đã được sửa đổi để có vẻ nặng hơn hoặc có trọng lượng cơ thể nhẹ hơn.

Chúng tôi thấy rằng họ đặt kỳ vọng thấp đối với những học sinh có thân hình to lớn hơn, không chỉ ở các lĩnh vực thể chất mà còn ở các lĩnh vực khác.

-Tình trạng trẻ bị bắt nạt có tác động gì đến sức khỏe tổng thể của các em?

-Các em bị bắt nạt dễ bị trầm cảm, lo lắng, lòng tự trọng thấp, và không yêu thương cơ thể mình. Chúng tôi cũng thấy mức độ ngày càng tăng của những thứ như sử dụng chất gây nghiện, ý nghĩ và hành vi tự tử.

Và đó không chỉ là sức khỏe tâm lý, mà cả sức khỏe thể chất nữa. Chúng tôi thấy rằng khi trẻ bị trêu chọc hoặc bắt nạt về cân nặng, các em càng ăn uống vô độ, càng ăn nhiều hơn như một cơ chế đối phó. Các em cũng ít tham gia vào các hoạt động thể chất, và một trong những lý do là môi trường hoạt động thể chất, có xu hướng là nơi các em cảm thấy dễ bị trêu chọc và bắt nạt, cho dù đó là trong lớp thể dục hay một môn thể thao nào đó.

-Khi tỷ lệ béo phì tăng lên, sự kỳ thị của xã hội có giảm đi không?

-Kỳ thị cân nặng có vẻ khó thay đổi hơn các hình thức kỳ thị xã hội khác. Chúng tôi đã hoàn thành công việc của mình trong việc cố gắng tạo ra một xã hội hỗ trợ nhiều hơn, tôn trọng mọi người ở mọi kích cỡ cơ thể.

Nhiếu người béo phì cho rằng kích thước cơ thể như vậy, có nghĩa là họ không làm việc đủ chăm chỉ, rằng họ thiếu kỷ luật và ý chí. Nhiều người có những quy nghĩ tiêu cực. Nhưng sau đó chúng ta có các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Chúng ta có ngành công nghiệp ăn kiêng và ngành thời trang. Chúng ta có tất cả những yếu tố văn hóa xã hội lớn hơn này thực sự đang củng cố những thông điệp tiêu cực này.

-Làm thế nào để hỗ trợ những đứa trẻ bị bắt nạt vì cân nặng?

-Chúng ta cần phải làm tốt hơn nhiều về chính sách, cả ở cấp trường học và rộng hơn là ở cấp tiểu bang hoặc liên bang.

Nhiều trường học có chính sách chống bắt nạt. Nhưng rất ít người trong số đó đề cập đến trọng lượng cơ thể như một yếu tố nguy cơ dẫn đến bắt nạt, mặc dù nó phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Và vì vậy, chúng tôi thật sự cần các trường học tăng cường chính sách chống bắt nạt.

-Thưa tiến sĩ, bà thấy chúng ta đang phát triển thành một nền văn hóa không kỳ thị cân nặng, đặc biệt là đối với trẻ em như thế nào?

-Chúng ta cần thấy những thay đổi lớn trên các phương tiện truyền thông đại chúng về cách họ miêu tả và đại diện cho những người có kích cỡ cơ thể khác nhau. Những gì chúng tôi thấy là nhiều phương tiện truyền thông hướng tới trẻ em tiếp tục cổ vũ định kiến tiêu cực về những người có kích thước cơ thể lớn hơn.

Có rất nhiều việc cần phải làm với sự thể hiện tích cực và có các nhân vật trong các chương trình hướng đến trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị béo phì, nhưng vấn đề ở đây là không tập trung vào kích thước cơ thể. Cân nặng không phải là câu chuyện duy nhất của họ.

(TN chuyển ngữ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: