Trước Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Biden kêu gọi thế giới đoàn kết

Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, lên $11.4 tỷ mỗi năm.
Biden at UN General Assembly
Tổng thống Joe Biden đọc diễn văn trước kỳ họp thứ 76 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York sáng thứ Ba 21 tháng Chín. Ảnh Eduardo Munoz-Pool/Getty Images

Tổng thống Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hiệp Quốc vào Thứ Ba 21 Tháng Chín, khẳng định Hoa Kỳ vẫn là một đối tác quốc tế tin cậy sau bốn năm đặt “Nước Mỹ trước hết” thời Tổng thống Trump.

Phát biểu trước một lượng khán giả nhỏ hơn bình thường do đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, ông Biden kêu gọi một kỷ nguyên đoàn kết thống nhất toàn cầu chống lại các mối đe dọa đang nổi lên như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, tình trạng lạm dụng nhân quyền v.v… Ông công khai chỉ trích các cuộc xung đột quân sự và nhấn mạnh Hoa Kỳ không tìm kiếm “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc dù cảnh báo ảnh hưởng ngày càng mở rộng của các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc và Nga.

Ông Biden nói: “Dù cho những vấn đề chúng ta mà phải đối mặt khó khăn hay phức tạp đến mức nào, chính phủ do dân và vì dân vẫn là cách tốt nhất để mang lại lợi ích cho tất cả người dân của chúng ta”, ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây sẽ vẫn là đối tác quan trọng. “An ninh của chúng ta, sự thịnh vượng của chúng ta và các quyền tự do của chúng ta được kết nối với nhau với mức chưa từng có trước đây, theo quan điểm của tôi,” ông Biden nói.

Ông Biden bảo vệ quyết định rút quân và chấm dứt cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Afghanistan và kêu gọi thế giới chỉ nên sử dụng vũ lực như là “công cụ cuối cùng chứ không phải đầu tiên của chúng ta”. “Ngày nay, nhiều mối quan tâm lớn nhất của chúng ta không thể được giải quyết hoặc thậm chí không thể ứng phó bằng vũ lực. Bom đạn không thể chống lại Covid-19 hoặc các biến thể trong tương lai của nó,” ông Biden nói.

Nhưng những nỗ lực của ông Biden đưa nước Mỹ vượt qua các chính sách đối đầu diễn ra trong bối cảnh các đồng minh ngày càng thất vọng với cách tiếp cận ngoại giao của chính quyền ông.

Chính phủ Pháp vừa triệu hồi đại sứ của họ tại Washington về nước để biểu thị sự phẫn nộ – không chỉ vì mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hơn $60 tỷ với Úc, mà vì việc ký kết liên minh quân sự AUKUS (Úc-Anh-Mỹ) cho thấy rõ Pháp không phải là đồng minh thân cận của Mỹ nữa.

***

Ông Biden và các nhà lãnh đạo khác cũng phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc, quan hệ giữa các cường quốc bị phân cực và đại dịch tàn khốc đã làm trầm trọng thêm sự phân chia giàu nghèo trên toàn cầu.

Ông Biden là một trong những người đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên; trong số những người cuối cùng phát biểu có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua đoạn video được ghi âm trước, kết thúc một ngày với quan điểm cạnh tranh của hai quốc gia quyền lực nhất thế giới.

Ông Biden nhận định thế giới đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa các giá trị dân chủ được phương Tây tán thành còn Trung Quốc và các chính phủ độc tài khác coi thường chúng. 

Ông nói: “Tương lai thuộc về những người mang lại cho người dân của họ khả năng hít thở tự do chứ không phải những người tìm cách bóp nghẹt người dân của họ bằng một chủ nghĩa độc đoán bàn tay sắt. Những kẻ độc đoán trên thế giới tuyên bố thời đại dân chủ đã kết thúc, nhưng họ đã sai.”

Nhưng Tổng thống Biden thề sẽ không theo đuổi một kỷ nguyên xung đột kéo dài với các nước như Trung Quốc, ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ và dẫn đầu bằng các giá trị và sức mạnh của chúng ta để đứng lên vì các đồng minh và bạn bè của chúng ta”. “Chúng tôi không tìm kiếm – nói lại lần nữa, chúng tôi không tìm kiếm – một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới bị chia cắt thành các khối cứng nhắc,” ông nói. Đáng chú ý là trong bài diễn văn dài 34 phút, ông Biden không hề nhắc tới Trung Quốc một lần nào.

Biến đổi khí hậu và đại dịch cũng là trọng tâm, và ông Biden đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Covid bên lề hội nghị Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy các nước khác tăng cường năng lực sản xuất vaccine cho các nước nghèo. Ông Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động nhanh chóng hơn để kiềm chế đại dịch đã giết chết hàng triệu người. “Chúng ta cần hành động khoa học và ý chí chính trị tập thể. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để có được những mũi tiêm vào cánh tay càng nhanh càng tốt và mở rộng khả năng tiếp cận với ô-xy, các xét nghiệm, phương pháp điều trị, để cứu người trên khắp thế giới.”

Ông Biden nói: “Năm nay cũng đã mang đến cái chết và sự tàn phá lan rộng từ cuộc khủng hoảng khí hậu không biên giới. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đã thấy ở mọi nơi trên thế giới – và tất cả các bạn đều biết và cảm nhận được điều đó – đại diện cho điều mà ông Tổng Thư ký [Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres] đã gọi đích danh là ‘Báo Động Đỏ” cho toàn nhân loại”. Ông nói với Đại Hội Đồng rằng ông sẽ làm việc với Quốc Hội Mỹ để tăng gấp đôi khoản ngân sách trợ giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, lên mức $11.4 tỷ mỗi năm từ năm 2024.

Sau khi phát biểu tại Đại Hội Đồng, Tổng thống Biden đã có một cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Úc Scott Morrison rồi quay về Tòa Bạch Ốc, nơi ông dự định sẽ đón tiếp Thủ tướng Anh Boris Johnson và thu xếp một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người không đến New York dự hội nghị Liên Hiệp Quốc.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: