TT Jimmy Carter từng khuyên Đặng Tiểu Bình không nên đánh Việt Nam

(Carter Library)

Chưa đầy hai tháng nữa là thời điểm đánh dấu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Cộng năm 1979. Trước khi cất quân, Đặng Tiểu Bình thực hiện một chuyến công du từ Á sang Mỹ để tìm đồng minh và thu phục sự đồng tình. Tại Á Châu, ngoại trừ Singapore, các quốc gia Nhật, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Nepal đều ủng hộ Đặng. Tổ chức ASEAN cũng lên án Việt Nam xâm lăng Kampuchea.

Nhưng viếng thăm Mỹ là chuyến viếng thăm quan trọng nhất của họ Đặng. Tại Mỹ, Đặng Tiểu Bình gặp TT Jimmy Carter cả thảy ba lần.

Chiều ngày 29 tháng Giêng, Đặng Tiểu Bình và phái đoàn gồm Ngoại Trưởng Hoàng Hoa, Thứ trưởng Ngoại Giao Zhang Wenjin đến gặp TT Carter tại Tòa Bạch Ốc. Phía Mỹ, ngoài TT Carter còn có Phó Tổng Thống Walter Mondale, Ngoại Trưởng Cyrus Vance và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Zbigniew Brzezinski. Trong buổi họp, Đặng Tiểu Bình thông báo cho TT Mỹ biết TC đã quyết định chống lại sự bành trướng của Liên Xô bằng cách tấn công Việt Nam và cần sự ủng hộ của Mỹ.

Trái với mong muốn của Đặng Tiểu Bình, TT Carter không trả lời ngay. Phía Trung Quốc lầm tưởng việc không trả lời là một cách ủng hộ ngầm. Thật ra TT Carter muốn trả lời tại buổi họp trọng tâm của chuyến viếng thăm vào sáng hôm sau.

Sáng ngày 30 tháng Giêng 1979, họ Đặng gặp TT Carter lần nữa. Lần này, ngoài các vấn đề kinh tế chính trị, TT Jimmy Carter còn đặt vấn đề Hoa Kiều tỵ nạn tại Trung Quốc. Với bản tính nhân hậu, TT Carter không chỉ lo lắng cho số phận người Việt đang hay sắp tìm cách rời Việt Nam mà còn lo lắng cho cả những người Việt gốc Hoa. TT Carter muốn họ Đặng tiếp nhận thêm Hoa Kiều.

TT Carter hỏi họ Đặng: “Liệu có khả năng Trung Quốc tiếp nhận thêm người tỵ nạn Trung Quốc rời khỏi Việt Nam không?”

Đặng Tiểu Bình từ chối. Ông ta viện lý do tại Trung Quốc hiện đang có 200,000 người từ Việt Nam chạy sang và Trung Quốc cũng chưa có việc làm đầy đủ. Họ Đặng nói: “Rất nhiều người tỵ nạn thực sự là những phần tử xấu ở Việt Nam – những người không làm việc hoặc thậm chí là côn đồ – và những người thực sự làm công việc lương thiện đều bị bỏ lại phía sau.”

TT Carter cho họ Đặng biết vào thời điểm đó Hoa Kỳ đã nhận 180,000 người tỵ nạn.

Trước đó, lúc 9:05 sáng, khi hai phái đoàn vừa gặp nhau, TT Carter yêu cầu thông dịch viên đọc trực tiếp lá thư của ông gởi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình liên quan đến việc Trung Quốc xâm lăng Việt Nam. Nội dung lá thư viết tay của TT Carter như sau:

Washington, ngày 30 tháng 1 năm 1979
Gởi Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình
Phó Thủ tướng hỏi ý kiến tôi về một cuộc tấn công trừng phạt có thể xảy ra đối với Việt Nam. Tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng vì những lý do sau:
a) Nếu mục đích của cuộc tấn công là nhằm gián đoạn hoạt động xâm lược của Việt Nam hiện nay ở Kampuchea thì mục đích đó sẽ khó thành công. Một hành động mang tính cách biểu hiện như thế sẽ không được xem là một “trừng phạt” đáng kể.
b) Hai hình ảnh, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hòa bình và một Việt Nam xâm lược tàn bạo sẽ bị hoán đổi. Hiện nay, lần đầu tiên, Việt Nam bị hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án. Liên Xô và Cuba được coi như là đồng phạm.
c) Kết quả lâu dài của sự lên án này của Liên hợp quốc và trên toàn thế giới sẽ gây một số tác động bất lợi đáng kể đối với Việt Nam với điều kiện các quốc gia công nghiệp phát triển nỗ lực phối hợp một cách nhịp nhàng để cắt giảm viện trợ kinh tế và các nước “phi liên kết” thực hiện hành động của Liên Hợp Quốc và kêu gọi các biện pháp trừng phạt.
d) Một sự kiện nghiêm trọng có thể leo thang thành xung đột khu vực.
e) Các kế hoạch cho một hành động giới hạn và ngắn hạn có thể phải bị hủy bỏ nếu Trung Quốc bị đưa ra tối hậu thư để rút quân. Điều này sẽ làm cho việc rút quân trở nên rất khó khăn.
f) Xung đột võ trang do Trung Quốc phát động sẽ tạo nên sự lo ngại nghiêm trọng ở Hoa Kỳ liên quan đến tính cách chung của Trung Quốc và giải quyết hòa bình trong tương lai của vấn đề Đài Loan. Tuyên bố chung của chúng ta về hòa bình và ổn định có được từ quá trình bình thường hóa sẽ bị phủ nhận ở một mức độ nào đó.
g) Người Kampuchia dường như đang chiến đấu hiệu quả hơn mong đợi với tư cách là những chiến binh du kích.
h) Những đe dọa về biên giới của Trung Quốc có thể gây ra vấn đề cho Việt Nam ngay cả khi không xâm nhập vào Việt Nam.
i) Hành động của Trung Quốc có thể tạo thêm một cái cớ cho sự hiện diện nhiều hơn của Liên Xô ở Việt Nam.
Vì những lý do này, Hoa Kỳ không thể ủng hộ hành động như vậy và tôi thực sự mong Phó Thủ tướng cũng không theo đuổi nó.
Thưa Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, trong quan điểm của tôi, một nỗ lực phối hợp thông qua Liên Hợp Quốc hoặc các diễn đàn quốc tế khác có thể gây tổn hại nhiều hơn cho Việt Nam và các đồng minh của họ.
Trân trọng,
Jimmy Carter

(Nguồn: Carter Library, National Security Affairs, Staff Material, Office, Outside the System File, Box 47, China: President’s Meeting with Vice Premier Deng: 1–2/79. Top Secret. According to the President’s Daily Diary, this meeting took place in the Oval Office with Deng and the Chinese interpreter, Ji Chaozhu, from 9:05 to 9:40 a.m. (Carter Library, Presidential Materials))

Đặng Tiểu Bình lắng nghe không ngắt lời người thông dịch.

Sau khi nghe xong, Đặng Tiểu Bình trả lời rằng TC vẫn sẽ “trừng phạt Việt Nam giới hạn” để ngăn chặn Liên Xô trong việc sử dụng Cuba, Việt Nam và rồi Afghanistan như những chư hầu. Nhưng để vớt vát, Đặng Tiểu Bình yêu cầu Mỹ viện trợ cho các lực lượng chống CSVN qua trung gian Thái Lan.

TT Carter hỏi lại liệu Thái Lan có đồng ý không, Đặng Tiểu Bình trả lời Thái đã đồng ý. Đặng Tiểu Bình thất bại trong mục đích được Mỹ công khai ủng hộ nhưng thành công trong các mục đích nhỏ khác như được Mỹ hứa cung cấp tin tức tình báo và đóng góp cụ thể hơn trong việc giúp phe chống CSVN tại Cambodia. Cáo già CS Đặng Tiểu Bình không đi Mỹ để đánh bạc theo kiểu được ăn cả ngã về không mà được phần nào cũng tốt. (Foreign Relations of the United States, 1977–1980, Volume XIII, China)

Để hiện đại hóa Đặng Tiểu Bình biết TC phải dựa vào Mỹ. Sau bình thường hóa với Mỹ, một kỷ nguyên hợp tác Mỹ-TC đã phát khởi với các phát triển kinh tế vượt bực mà thế giới coi là “Trung Quốc Kỳ Diệu” ( China Miracle) với mức gia tăng trung bình 9.5% từ 1978 đến 2003.

Lịch sử thời cận đại cho thấy TC chưa bao giờ có một đồng minh chiến lược thật sự. Đi với Mỹ để hiện đại hóa và khi được hiện đại hóa TC xoay trở lại chống Mỹ. Mỹ nuôi lớn kẻ thù.

Giáo sư Sergey Radchenko, nhà nghiên cứu tại Woodrow Wilson Center for International Scholars nhận xét rằng Carter và nhóm an ninh quốc gia của ông hy vọng một ngày Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ và cởi mở hơn.

Không chỉ TT Jimmy Carter mà cả TT Ronald Reagan cũng nghĩ thế. Trong diễn văn đọc tại Venice Economic Summit 1987, TT Ronald Reagan tuyên bố rằng: “ Khi thị trường tự do tiếp thêm sinh lực cho châu Á, các cuộc bầu cử tự do lan rộng khắp Trung và Nam Mỹ. Ở châu Phi, nhiều nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng tự do là chìa khóa của sự phát triển. Ở Trung Quốc, đổi mới có nghĩa là hương vị tự do mà hơn 1 tỷ người được nếm lần đầu.” (Public Papers of the Presidents of the United States: Ronald Reagan, 1987)

Thật ra lý luận xung đột quyền lợi vật chất và tinh thần giữa các thành phần xã hội dẫn đến cách mạng như trường hợp Cách Mạng Pháp 1789, không sai nhưng thời gian để các mâu thuẫn chín muồi khác rất xa trong mỗi thời kỳ văn minh của loài người. Thời đại ngày nay với nền kinh tế toàn cầu hóa và các quan hệ kinh tế phức tạp, phụ thuộc vào nhau sâu sắc, các mâu thuẫn đối kháng cần rất lâu để triệt tiêu nhau.

Mỹ học một bài học dài trên 45 năm, nhưng học để làm gì, liệu có thay đổi được gì không?

Câu trả lời là có. Thế giới chưa tận diệt và cuộc đấu tranh giữa thiện và ác sẽ còn tiếp tục. Julius Caesar không phải là nhà độc tài đầu tiên và Tập Cận Bình không hẳn là nhà độc tài cuối cùng. Những bài học được học và những chọn lựa mới sẽ được chọn. Mỗi giai đoạn trong lịch sử nhân loại luôn có những thách thức mới của thời đại và luôn có những con người mới để lãnh đạo thời đại của mình. Nước Anh có một Neville Chamberlain yếu mềm nhưng ngay sau đó có một Winston Churchill cứng rắn bước ra thay thế.

Trục xung đột của thế giới đang chuyển về hướng Á Châu nhưng vì các mối quan hệ kinh tế toàn cầu phức tạp còn khá sớm cho những thay đổi lớn.

Sự bành trướng của Trung Cộng đặt Nhật Bản vào thế sớm hay muộn cũng phải tái võ trang để bảo vệ quyền lợi của họ tại Á Châu nhưng với ngân sách quốc phòng tài khóa 2025 sẽ là 55 tỷ dollar, quân đội Nhật vẫn còn là một quân đội nặng về phòng thủ.

Năm 2024 Ấn Độ gia tăng ngân sách quốc phòng lên tới 75 tỷ dollar đứng hàng thứ ba thế giới sau Mỹ và TC nhưng chính sách ngoại giao của Ấn Độ từ thời thành lập nền Cộng Hòa 1947 cần phải thay đổi để cứng rắn và dứt khoát hơn khi đáp ứng các thách thức mới từ Trung Cộng.

Biển Đông và Đài Loan sẽ là hai điểm nóng trong Chiến Tranh Lạnh Á Châu.

Khó có thể trả lời bao giờ hay khi nào số phận của 4.7 tỷ người sống trên các lục địa Á Châu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ xung đột võ trang do TC gây ra. Nhưng chắc chắn thảm họa sẽ đến.

Những bài học từ hai cuộc thế chiến cho thấy, nếu có chuẩn bị, một quốc gia có thể thoát ra hay ít bị ảnh hưởng hơn các quốc gia khác. Ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo chỉ vì tầm nhìn quá hẹp, vì tham vọng quyền lực, vì quyền lợi đảng phái, vì nồi cơm chén gạo của cá nhân, gia đình mà không thực hiện các thay đổi cấp bách, đất nước sẽ rơi vào vực thẳm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: