VinFast có thể bị cấm nhập khẩu pin theo xe vào Mỹ

Vinfast với những sự trồi sụt bất thường trên đất Mỹ (Photo by Jakub Porzycki/NurPhoto via Getty Images)

Một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa vừa lên tiếng tố cáo rằng các công ty pin Trung Quốc CATL và Gotion High Tech, vốn là đối tác quan trọng của VinFast, phải cần bị đưa vào danh sách cấm nhập khẩu ngay lập tức, bởi chuỗi cung ứng của các công ty có chứng cứ sử dụng lao động cưỡng bức, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Bài báo hôm Thứ Năm, 6 Tháng Sáu, cho biết các nhà lập pháp nêu hai cái tên CATL và Gotion, hai công ty có quan hệ đối tác với VinFast cùng Ford và Volkswagen, cần phải được đưa vào cái gọi là danh sách thực thể, theo đạo luật Ngăn Chặn Lao Động Cưỡng Bức người Duy Ngô Nhĩ. Danh sách thực thể hạn chế nhập khẩu hàng hóa bị chính phủ Hoa Kỳ coi là có liên quan đến những gì họ cho là tội ác diệt chủng đang diễn ra đối với các nhóm thiểu số ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc mà lâu nay Bắc Kinh vẫn phủ nhận mọi cáo buộc lạm dụng.

“Bất kỳ cáo buộc nào cho rằng Gotion ‘sử dụng hoặc có liên quan đến lao động cưỡng bức đều là vô căn cứ và hoàn toàn sai sự thật,’ công ty viết trong một tuyên bố qua email gửi cho Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng việc lựa chọn đối tác của Gotion dựa trên ‘cơ chế xem xét, và tiêu chí đánh giá nghiêm ngặt.’”

Phát ngôn viên của Volkswagen Group China nói với Reuters trong một tuyên bố qua email hôm Thứ Sáu, rằng Volkswagen Group China không có bằng chứng nào về việc vi phạm nhân quyền liên quan đến các hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc, và “Volkswagen cũng đang điều tra những cáo buộc này ngay lập tức, như chúng tôi đã làm trong quá khứ.”

Volkswagen cũng cho biết thêm, hãng CATL phủ nhận mọi cáo buộc về việc công ty sử dụng lao động cưỡng bức, hoặc có bất kỳ mối liên hệ nào với lao động cưỡng bức.

Hiện nay, các xe điện của VinFast sử dụng cell pin của CATL, Gotion và Samsung SDI. Gotion cũng là đối tác xây dựng và chuyển giao công nghệ cho nhà máy pin VinES tại Hà Tĩnh.

Hãng pin Gotion bị thiệt hại không ít vì cổ phiếu VFS của VinFast. Theo Nikkei Asia, hãng Gotion đã phải ghi nhận khoản lỗ đầu tư 187.3 triệu nhân dân tệ ($26.4 triệu) do sự sụt giảm không ngừng của cổ phiếu VinFast tính đến cuối năm ngoái khi công ty đã được mua 15 triệu cổ phiếu VFS với giá $10. Năm nay, cổ phiếu VinFast thậm chí còn giảm sâu hơn, có thời điểm chạm mức $2.52. Các tính toán cho thấy khoản lỗ trên giấy tờ của Gotion đã tăng lên $112 triệu.

Gotion trong báo cáo thường niên mới nhất vào tháng Tư 2024, đã phân loại cổ phiếu VinFast là “đầu tư chiến lược không thể giao dịch”. Điều này có nghĩa là bất kỳ khoản lỗ hoặc lợi nhuận nào phát sinh sẽ chỉ được phản ánh trong “thu nhập toàn diện khác” trên bảng cân đối kế toán của công ty.

Khoản lỗ này, theo cách ghi nhận, sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh hay lợi ích cổ đông của Gotion, điều này không phải là một phần của lợi nhuận thuần có thể được phân phối cho cổ đông, vốn đã tăng hơn gấp ba lần lên 938 triệu nhân dân tệ trong năm ngoái. Nhưng khoản đầu tư này sụt giảm đã làm cơ cấu tài sản của công ty trở nên xấu đi. Về lâu dài, lợi ích cổ đông của Gotion sẽ bị ảnh hưởng theo tương tự.

Ta có thể hiểu rằng khoản đầu tư $150 triệu của Gotion vào cổ phiếu VFS là không thể bán. Cho nên Gotion không thể đưa vào thu nhập trong bảng cân đối kế toán mà phải phân vào mục tài sản đầu tư. Và khi giá cổ phiếu VFS giảm thì giá trị tài sản của Gotion bao gồm 15 triệu cổ phiếu VinFast cũng giảm theo. Theo báo cáo tài chính Gotion tổng lỗ sau thuế đã lên tới 314 triệu nhân dân tệ trong năm 2024.

Vinfast VF8 tại triển lãm IFA, Berlin, Germany, năm 2022 (Photo by Adam Berry/Getty Images)

Tham vọng của VinFast ở Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng 

Tin tức mới cho biết hãng xe VinFast cũng đang bị Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ (US ITC) điều tra đơn khiếu nại của ArcelorMittal rằng nhà sản xuất xe hơi Việt Nam VinFast vi phạm bằng sáng chế liên quan đến nhôm cường độ cao và thép phủ hợp kim nhôm trên xe nhập khẩu.

Trước đó, ArcelorMittal cũng đệ đơn kiện VinFast lên Tòa Án Quận của Hoa Kỳ ở California với lý do tương tự, đồng thời cho biết VinFast chưa xin giấy phép cho sản xuất. ArcelorMittal yêu cầu tòa án ra lệnh cấm VinFast sử dụng loại thép vi phạm bằng sáng chế trên mọi loại xe của hãng Vinfast.

Được biết, đối tác cung cấp loại thép bị kiện cho VinFast là tập đoàn Thép Bảo Vũ Thượng Hải Trung Quốc, hay còn gọi là Baosteel. Baosteel cũng đang đối mặt với vụ kiện lên tới 20 tỷ yên với công ty thép hàng đầu Nhật Bản Nippon Steel (NSC) về vi phạm bằng sáng chế tương tự. Cả ArcelorMittal, Nippon Steel và Baosteel cũng từng là đối tác liên doanh Baosteel-NSC/Arcelor ở thị trường Trung Quốc.

Nếu lệnh cấm nhập khẩu pin của CATL và Gotion vào Mỹ có hiệu lực, hay vụ kiện VinFast vi phạm bản quyền thép có phần thắng nghiêng về ArcelorMittal, thì đó sẽ lại là một đòn chí tử cho tham vọng mở rộng thị trường Mỹ của VinFast, vì hãng sẽ không thể tiếp tục bán xe tại Mỹ.

Tình hình xây dựng nhà máy của VinFast cũng không khả quan hơn khi lại tiếp tục bị đình trệ khi trì hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá $4 tỷ sang năm 2025 với lý do muốn thay đổi kích thước nhà máy, và chờ chính quyền tiểu bang North Carolina xét duyệt lại. Nhưng theo một số chuyên gia nhận định thì lý do chính là VinFast không còn đủ tiền khi quý 1 năm 2024 công ty chỉ còn $123 triệu tiền mặt trong bảng cân đối kế toán, trong khi lỗ lũy kế đã lên tới hơn $8.55 tỷ.

VinFast cho đến nay cũng đã chính thức bị ba công ty luật của Mỹ kiện vì tội “khai khống” năng lực sản xuất, tài chính dẫn tới không đủ năng lực để đáp ứng mục tiêu bán 50,000 chiếc xe năm 2023 gây “nhầm lẫn” và thiệt hại cho nhà đầu tư. Những điều này đã góp phần cho rủi ro kiện tụng (Litigation Risk) của VinFast lại càng cao, khiến cho các nhà đầu tư tổ chức e ngại và càng làm khó ông Phạm Nhật Vượng trong việc bán cổ phiếu VFS để huy động vốn lên tới $1 tỷ trong ba năm, thông qua dịch vụ bán khống của Yorkville Advisors trong bối cảnh tình hình tài chính càng tệ tính theo quý.

Chất lượng xe Vinfast ngày càng bị nghi ngờ ở thị trường Mỹ

Ấn tượng về chất lượng xe Vinfast đang tệ đi, từ vụ cảnh sát NHTSA đang điều tra vụ tai nạn chết người từ một chiếc xe điện VinFast VF8 tông vào cây ven đường và bốc cháy, khiến một gia đình bốn người thiệt mạng vào Tháng Tư tại Pleasanton, California.

Hiện nay, hồ sơ điều tra từ NHTSA cũng đã ghi nhận 11 khiếu nại lỗi của dòng xe VF8, chủ yếu liên quan đến an toàn và lỗi nhu liệu xe, làm xe ngừng đột ngột. Trong đó có tới bảy lỗi về hệ thống cảnh báo va chạm, bốn lỗi lệch làn đường, ba lỗi thước lái và hàng loạt các lỗi nhỏ khác. Đây là một trong những con số kỷ lục ở NHTSA với một chiếc xe mới ra mắt ở Mỹ được hơn một năm, và chỉ lưu thông chưa tới 1,000 xe.

Hãng xe điện Việt Nam cũng mới phải thu hồi hơn 2,400 xe điện toàn cầu, bao gồm 284 xe ở Mỹ và 155 xe ở Canada vì lỗi “vô tình” được trang bị ngòi nổ “lép” cho túi khí. Loại ngòi nổ này chỉ được sử dụng trên các xe thử nghiệm, chứ không phải trên xe sản xuất hàng loạt.

Theo Nikkei Asia, từ bốn đợt thu hồi trên toàn cầu đã xảy ra từ năm 2022, tổng cộng có hơn 11,000 xe VinFast bị triệu hồi, tương đương gần 1/5 số xe điện được bán ra. Một tỷ lệ rất cao nếu so với các hãng xe khác, kể cả Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: