Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đưa ra một cảnh báo lạnh lùng đối với phương Tây về việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông ta cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây phối hợp với nhau được thiết kế để làm tê liệt nền kinh tế của Nga, là dấu hiệu ‘giống như một hành động chiến tranh’.
Trải qua cuộc chiến dài 11 ngày, dù quân Nga được công bố chịu nhiều thiệt hại nhưng có vẻ như ông Putin không nao núng. Trong những bình luận vừa thách thức vừa đe dọa, Tổng thống Nga nói với các nhà lãnh đạo Ukraine rằng quốc gia này có nguy cơ bị tước đi sự tồn tại như một quốc gia có chủ quyền độc lập nếu cứ tiếp tục chống lại sự xâm lược của Nga.
Ông Putin nói: “Ban lãnh đạo hiện tại cần hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm những gì họ đang làm, họ sẽ mạo hiểm với tương lai của nhà nước Ukraine. Nếu tiếp tục, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sai lầm đó”.
Ông Putin ám chỉ hành động quân sự của Nga có thể sớm lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine trừ khi phương Tây thay đổi hướng đi. Lời đe dọa này được đưa ra sau khi Moscow phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn cho phép thường dân Ukraine chạy trốn sau 10 ngày bị ném bom và tàn phá.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Nga tiếp lời lời cảnh báo của Putin, bằng cách chỉ về Vương quốc Anh với các hành động mà Nga mô tả là “chứng cuồng ra lệnh trừng phạt”, và vai trò nổi bật của nước này trong việc hỗ trợ Ukraine. Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết Nga sẽ không quên mối quan hệ hợp tác lúc này của Vương quốc Anh với Kyiv.
Bà Maria Zakharova nói: “Các biện pháp trừng phạt cuồng loạn mà London đóng một trong những vai trò hàng đầu, nếu không phải là vai trò chính, khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp trả đũa cứng rắn tương xứng”, đồng thời nói thêm rằng lợi ích của Anh có được từ nước Nga, sẽ bị “phá hoại” bởi phản ứng của Moscow.
Khi căng thẳng gia tăng lên cấp độ mới và hy vọng sớm đạt được tiến bộ ngoại giao trong các cuộc đàm phán hậu trường đã tan thành mây khói, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh khuyến cáo tất cả người Anh ở Nga nên rời đi không chậm trễ bằng bất kỳ tuyến đường thương mại nào có sẵn. Số lượng công dân Vương quốc Anh tại quốc gia này ước tính lên tới 6,000 người.
Càng ngày, các nhà ngoại giao châu Âu càng tin rằng Putin đang coi việc phương Tây cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác cho Ukraine là sự can thiệp trực tiếp, theo kiểu đòi hỏi phải trả đũa.
Đề cập đến yêu cầu của Ukraine đối với NATO về việc áp đặt vùng cấm bay trên đất nước – điều mà NATO đã bác bỏ – ông Putin nói thêm: “Nếu NATO thực hiện yêu cầu đó, nó sẽ mang lại kết quả thảm khốc không chỉ cho châu Âu mà cho toàn thế giới”.
Nhưng vào Thứ Bảy, Thủ tướng Boris Johnson lại tỏ ra không nao núng trước sự leo thang đe dọa của Nga, khi công bố kế hoạch sáu điểm chứng minh rằng “đảm bảo Putin thất bại” bao gồm hỗ trợ Ukraine tự vệ và “tối đa hóa sức ép kinh tế đối với chế độ của Putin”.
Thủ tướng Johnson nói: “Việc bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là chưa đủ – chúng ta phải bảo vệ nó trước nỗ lực liên tục nhằm viết lại các quy tắc bằng lực lượng quân sự”.
Về mặt thực địa chiến cuộc, Ukraine tuyên bố hôm Thứ Bảy đã tiếp tục phá hủy nhiều hỏa lực của Nga. Các nhóm lực lượng vũ trang ở nhiều nơi cho biết các binh sĩ Ukraine đã bắn rơi một máy bay trực thăng và hai máy bay chiến đấu, bắt sống ba phi công. Theo cáo buộc, một trong số những phí công này khai báo là đã tham gia các nhiệm vụ ném bom của Nga ở Syria.
Hiện quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công thành công ở khu vực Kharkiv, thu giữ các thiết bị và xe bọc thép. Thành phố lớn thứ hai của Ukraine đang chịu sự bắn phá dữ dội từ Nga.
Trong một diễn biến đầy xúc động và khó tin, vào Thứ Bảy ở phía Nam Ukraine, cư dân đã tràn vào quảng trường chính ở thành phố Kherson và biểu tình ôn hòa phản đối việc chiếm đóng của Nga. Họ vẫy cờ Ukraine và thậm chí bắt buộc một chiếc xe bọc thép của Nga đang tiến đến trấn áp, và buộc nó quay đầu chạy trong tiếng vỗ tay của đám đông. Các cuộc biểu tình chống Nga quy mô lớn cũng diễn ra ở Melitopol, nơi binh lính Nga vừa lùi, vừa bắn chỉ thiên. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở cảng Berdyansk trên Biển Azov.
Khi các thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ, cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Điện Kremlin đổ lỗi cho Ukraine vì không tổ chức được hành lang sơ tán dân thường khỏi thành phố Mariupol bị bao vây và thị trấn Volnovakha gần đó, trong khi các quan chức Ukraine cho biết nỗ lực tạo hành lang nhân đạo ở phía đông cho 200,000 dân thường bị mắc kẹt đã thất bại vì bị pháo kích.
Bất chấp báo động quốc tế ngày càng gia tăng và sự leo thang của những lời hùng biện qua lại, các nỗ lực ngoại giao vẫn đang được tiến hành vào cuối tuần này để tạo lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Có thể hiểu rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ, nước cho đến nay vẫn từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, đã sắp đặt cuộc nói chuyện với ông Putin vào Chủ nhật để thảo luận về một lệnh ngừng bắn. Các nhà ngoại giao tin rằng Erdoğan đang để mắt đến một vai trò tiềm năng là người đối thoại.
Theo lịch trình, các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp nhau tại Versailles ở Paris vào Thứ Năm tới để cố gắng đi đến một lập trường chung về yêu cầu của Ukraine tham gia EU. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đang thúc đẩy việc đưa đất nước của mình qua ‘một lối tắt’ để gia nhập EU, để đảm bảo tương lai chính trị của nó.
Ở Washington, đã có cuộc nói chuyện về việc cung cấp cho Putin một giải pháp. cái gọi là ‘cây cầu vàng’ – để Putin có thể lựa chọn rằng việc qua đó chuyện rút lui sẽ khả dĩ tốt hơn. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết cánh cửa đàm phán đã rộng mở. “Nếu họ có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa, tất nhiên chúng tôi sẽ tham gia,” ông nói.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây không tin rằng lúc này Putin có tâm trạng thoái lui hoặc đàm phán. Nhưng cựu ngoại trưởng Vương quốc Anh Malcolm Rifkind đưa ra lý luận cho rằng ông Putin phải suy tính thêm vì đã thấm đòn bởi những tác động to lớn của các lệnh trừng phạt, đặc biệt là việc phong tỏa 60% trong số 600 tỷ đô la dự trữ ngoại hối của Nga.
Các quan chức Mỹ hy vọng nỗi đau kinh tế gây ra cho Nga sẽ buộc Putin phải hạ nhiệt cuộc chiến tranh. Nhưng một số người chỉ trích phản ứng của chính quyền Biden cho rằng ‘cây cầu vàng’ đã không được cắm biển những chỉ dẫn đủ rõ ràng cho Putin.
Dan Drezner, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia trừng phạt tại Đại học Tufts, viết trên tờ Washington Post: “Nếu mục tiêu là bắt buộc, thì các nhà xử phạt cần phải nói rõ ràng về những gì Nga có thể làm để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Sự thiếu rõ ràng đó làm suy yếu khả năng thương lượng mang tính cưỡng chế, bởi vì tác nhân bị nhắm mục tiêu tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ được duy trì cho dù họ có làm gì đi nữa”.