(Hình minh họa: Kelli McClintock/Unsplash)

Hôm rồi, cháu Út hỏi:

-Người mình hay nói “phải sống đàng hoàng tử tế,” thế nào là “đàng hoàng,” hả bố?

Tôi lúng túng không biết trả lời sao cho gọn gàng và dễ hiểu nên đành phải kể lại cho con nghe mẩu chuyện ngăn ngắn, của một nhà báo lẫy lừng (Anh Ba Sàm) đọc được qua Thông Tấn Xã Vỉa Hè:

“Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo!”

Dù đường xá vắng hoe, ông xích lô vẫn “thắng xe cái rẹt.” Đây là cử chỉ, hành vi, thái độ của một người đàng hoàng (thấy rõ) khỏi phải giải thích lôi thôi gì nữa!

Còn sự “tử tế” thì có phần tế vi hơn (và cũng không dễ tóm gọn trong vài ba từ ngữ) nên xin mượn chuyện của một người cầm bút tăm tiếng khác-nhà văn Nguyễn Quang Lập:

“Kỳ nghỉ Hè Tháng Tám năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn… Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy dành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy…

Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên…”

Cái lẽ “đương nhiên” rất “nhẹ nhàng” này là cách ứng xử hàng ngày và rất bình thường của dân miền Nam, đối xử với bất cứ ai, chứ chả riêng chi đối với những người vừa mới chân ướt chân ráo đến mảnh đất này. Chả những thế, sự tử tế còn theo những chuyến tầu hay những chuyến xe (chở chiến lợi phẩm) ra tận miền Bắc luôn.

Nhà báo Nguyễn Thông từng tâm sự: “Tháng Tư năm 1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn, chỉ một thời gian ngắn hiểu rằng những gì mình được trang bị về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản bị sụp đổ hoàn toàn, hay nói chính xác hơn là đảo ngược. Những chuyến hàng, một dạng chiến lợi phẩm, ùn ùn chảy ra bắc, từ xe cộ, tivi, tủ lạnh, máy cassette, vải vóc, cục xà phòng, cây kem đánh răng, cục pin, hộp sữa tới cái kim sợi chỉ đều lên đường ngược bắc, đủ chứng minh cho cuộc nhận thức lại.”

Và có lẽ mãi cho đến thời điểm này thì người dân ở bên kia vỹ tuyến mới được nghe những câu hỏi rất lạ tai, từ những băng cassette của bên này: “Nơi em về trời xanh không em?” “Nơi em về ngày vui không em?”

Trước đó, có lẽ, trong những mẩu đối thoại hàng ngày của những người thuộc phe thắng cuộc (thường) chỉ là những câu hỏi trống không và khô khốc:

“Công tác ở đơn vị nào?”“Hộ khẩu ở đâu?”“Bố mẹ có còn sống không?”“Chưa phấn đấu vào Đoàn à?” “Tiêu chuẩn được mấy ký?”

Có lãng mạn lắm thì ngay cả hai kẻ đang yêu cũng chỉ (khẽ khàng) nhắc đến miếng ăn thôi: “Hết rau rồi em có lấy măng không?”

Giáo sư Nguyễn Văn Lục kết luận: “Sự khác biệt giữa hai miền Nam-Bắc là lòng tử tế.”

Ơ hay! Nói thế, chả lẽ, miền Bắc không có ai và không có chi tử tế hết sao?

Có chứ nhưng (tiếc thay) không còn nữa. Nhà văn Phạm Xuân Đài cảm thán: “Buộc phải ‘sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả’ qua vài ba thế hệ thì trách sao mà người dân không bớt dần tấm lòng tử tế.”

(Hình: tác giả cung cấp)

Thảo nào mà  Good Country Index (GCI) xếp Việt Nam hạng bét trong chỉ số tử tế. Đã thế, Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn còn bàn thêm (và bàn ra) thế này đây: “Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục, là thứ hạng tử tế của Việt Nam chỉ đứng chung bảng với mấy nước ‘đầu trâu mặt ngựa’ như Lybia, Iraq, Zim-babwe, Yemen…”

Tôi xin phép được thưa thêm: khi xếp thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng chót thì tưởng cũng cần phải nói cho rõ là những con số này chỉ “thể hiện” sự tiểu tâm, ti tiện, bạc ác, và đểu cáng của đám “lãnh đạo” (đầu trâu mặt ngựa) ở xứ sở này chứ không liên quan dính dáng gì đến người dân Việt cả.

Dân tộc này chưa bao giờ, và không bao giờ, tệ như thế cả, như cách nói của Đen Vâu: “Sự tử tế không nên là điều gì đó đặc biệt, và tôi (một người viết nhạc) không hề muốn mình đặc biệt vì sự tử tế. Sự tử tế nên là điều bình thường, có ở tất cả mọi người bình thường. Tôi bình thường, như mọi người trong xã hội này. Một xã hội có vô vàn người tử tế.

Ông có quá lời không? Thưa không!

Thử nhìn xem, có hàng ngàn cây cầu từ thiện, hàng trăm nơi nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa và trẻ mồ côi đã được dựng xây khắp nơi chỉ nhờ vào lòng sự từ tâm và lòng nhân ái của người dân. Có hàng triệu mảnh đời rách nát đang được chia sẻ, hay đùm bọc bởi những đồng hương ruột thịt, từ trong cũng như ngoài nước. Cùng lúc, không thiếu những hình ảnh tốt đẹp tử tế tuy rất nhỏ bé, tầm thường (“nhưng lay động lòng người”) hiển hiện khắp nơi:

Đà Nẵng dễ thương với nước cam, nước suối mời người bán vé số, xe ôm ngày nắng nóng

Trà đá miễn phí trong những ngày nắng nóng ở Quảng Ngãi

Thầy trò vùng biển Hà Tĩnh gom xe đạp cũ tặng học sinh nghèo

Ông Tư lục tỉnh xây nhà miễn phí cho người nghèo  

Vũng Tầu sắm xe cứu thương, chở người miễn phí  

Biên Hòa xuất hiện ngày càng nhiều những bình trà đá miễn phí dành cho những người lao động

Điều kỳ diệu là tính cách đàng hoàng có thể “lây” từ người dân của miền này, sang miền khác. Báo Giao Thông vừa hớn hở đi tin: “Hình ảnh ‘lạ’ trên đường Hà Nội… Mới đây, bức ảnh hai người đàn ông đi xe máy dừng chờ đèn đỏ giữa đêm khuya ở Hà Nội nhận được sự tán dương và chia sẻ mạnh mẽ.”

Trà đá miễn phí ở Saigon. (Hình: Hữu Khoa/VnExpress)

Lòng tử tế cũng thế, cũng dễ dàng lan tỏa khắp nơi:

Hà Nội: Phát miễn phí 500 suất cơm mỗi ngày cho người khó khăn

Hà Nội: Phát cơm, cháo và chè miễn phí cho bệnh nhân khó khăn

Nhóm bạn trẻ xuyên đêm cứu hộ xe máy miễn phí ở Hà Nội

Học sinh trường chuyên Hà Nội nấu cơm, phát miễn phí cho người nghèo

Cặp đôi Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho người qua đường

Hà Nội: vườn rau từ thiện của người phụ nữ hết lòng vì người nghèo

Và nơi mà tấm lòng tử tế vô cùng cảm động vừa được ghi nhận lại ở mãi huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn – theo FB Thanh Tùng Trương:

“Một gia đình bảy người gồm vợ chồng và năm người con nhỏ cùng đi trên một chiếc xe máy từ tỉnh Điện Biên đến cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn (Khoảng cách trên 600 km chủ yếu là đèo dốc) để tìm việc làm. Anh chị mong có người thuê bốc vác để có tiền nuôi con. Giữa thời tiết những ngày mưa giá rét.

Trên hành trình ấy, những người đi đường tốt bụng đã chụp lại hình ảnh này, đăng trên mạng xã hội. Và điều kỳ diệu đã xảy đến. Hội Thiện Nguyện Hữu Lũng, Lạng Sơn đã liên lạc với Trung Tâm Hy vọng của ông Nguyễn Trung Chắt, người đã nuôi dưỡng 304 người con là trẻ mồ côi. Bằng tình yêu thương của một người cha, ông Chắt quyết định nhận hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình.

(Hình: tác giả cung cấp)

Trước tiên, gia đình sẽ được đưa về trung tâm để có chỗ ăn ở giữa ngày mưa giá lạnh. Sau đó, nếu nhận được sự đồng ý của gia đình và hoàn thiện các thủ tục với chính quyền, trung tâm thiện nguyện sẽ tìm việc cho vợ chồng anh, chị, đồng thời nhận nuôi lớn năm em nhỏ này tại Trung Tâm Hy vọng! Giữa ngày mưa lạnh miền Bắc, những nghĩa cử của lòng người thật khiến chúng ta ấm lòng.”

Vâng, đúng thế!

Tôi cảm thấy rất “ấm lòng” và xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Nguyễn Trung Chắt (người cha của những em bé mồ côi ở TRUNG TÂM HY VỌNG LẠNG SƠN) cùng chủ nhân của những quán bún bò 0 đồng, những quán ăn hai ngàn, những ly trà đá miễn phí giữa trưa nóng bỏng, những ổ bánh mì từ thiện giữa lúc đói lòng, những chuyến xe cứu thương không phải trả tiền giữa lúc ngặt nghèo…

Ơn Trời! Tuy “buộc phải sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả” suốt gần cả thế kỷ qua nhưng đức khoan dung, tính vị tha, tình nhân ái, và tấm lòng tử tế chưa bao giờ mất (hẳn) trong lòng dân Việt.

Nhà thơ Inra Sara ví von mọi nghĩa cử cao đẹp và thầm lặng của họ là “những dòng nước ẩn” với niêm tin rằng: “Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: