Sự sụp đổ tất yếu của Kabul bắt đầu từ khi nào?

Lực lượng an ninh quốc gia tuần hành đường phố Kabul ngày 15 Tháng Tám 2021, khi Taliban bắt đầu tràn vào thủ đô “không bằng vũ lực hoặc chiến tranh mà chỉ thương lượng với phía bên kia để vào thành phố một cách hòa bình” – như lời một phát ngôn viên Taliban (ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency via Getty Images)

New York Times đã điểm lại một số “lỗi kỹ thuật” chết người trong cuộc chiến Afghanistan. Và hậu quả là như đang thấy: Kabul thất thủ, vào ngày 15 Tháng Tám 2021! Mỹ hoàn toàn thất bại!

Một năm sau khi Taliban bị quét khỏi Kabul, một nhóm đại sứ các nước NATO, với dẫn đầu của nhà ngoại giao Mỹ R. Nicholas Burns, đã đến thủ đô Afghanistan để thị sát tình hình. Trên trực thăng Black Hawk, họ đến nhiều vùng Afghanistan; đi bộ tại những khu phố vắng vẻ Kandahar và nhấm trà với các thủ lĩnh sắc tộc địa phương. Báo cáo từ Bộ tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết Taliban chỉ còn là một lực lượng tan nát.

“Vài người trong chúng tôi bảo: Không thể nhanh như thế được” –  lời kể của Burns. Sự hoài nghi tương tự không tồn tại ở Washington. Khảo sát CIA cùng thời điểm cũng lạc quan cho biết Taliban đã bị giập tơi tả đến nỗi không thể trở thành mối đe dọa. Quân đội Mỹ tự tin đến mức bắt đầu rút lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ khỏi Afghanistan để chuẩn bị đưa đến Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, Donald Rumsfeld, đã không bổ sung quân đội Mỹ để củng cố an ninh Afghanistan, như đề nghị từ Ngoại trưởng (lúc đó) Colin Powell.

Sau khi lật đổ chính thể Taliban Tháng Mười Hai 2001, Ngoại trưởng Colin Powell và Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice đã tranh luận đốp chát đề tài mang nội dung củng cố hình ảnh Mỹ trên trường thế giới bằng cách không thể để mất Afghanistan.

Tháng Hai 2002, tại Phòng tình huống, Powell đề nghị quân đội Mỹ nên gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế trong chiến dịch tuần hành Kabul đồng thời giúp chính quyền của Tổng thống đầu tiên (giai đoạn “hậu Taliban”) – Hamid Karzai – mở rộng quyền lực khỏi phạm vi thủ đô. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cho rằng nếu Mỹ bày tỏ dấu hiệu ủng hộ, quân đội các nước đồng minh NATO sẽ không tăng quân số mà đùn trách nhiệm cho Mỹ. Năm 2002, Mỹ bắt đầu đưa 8,000 quân đến Afghanistan, chỉ nhằm săn lùng tàn quân Taliban và Al-Qaeda chứ không tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; trong khi đó, 4,000 lính lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế lại hiếm khi đi khỏi ranh giới Kabul!

Chủ trương Mỹ là chỉ hỗ trợ Afghanistan tự xây dựng quân đội. Phần trách nhiệm trên tổng thể cấu trúc tái thiết được chia như sau: Mỹ sẽ huấn luyện 70,000 lính cho Afghanistan; Nhật chịu trách nhiệm giải giáp khoảng 100,000 chiến binh (tàn quân Taliban); Anh lãnh phần kiểm soát, ngăn chặn canh tác-chế biến thuốc phiện; Ý giúp xây dựng bộ máy tư pháp; và Ðức đào tạo 62,000 cảnh sát. Sự phân chia cho thấy chẳng ai chịu trách nhiệm chung và làm lộ ra nhiều lỗ hổng.

Thời điểm đó, tại Afghanistan, có rất ít viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ngũ Giác Đài đến nỗi 13 nhóm CIA với nhiệm vụ chính thật ra là săn lùng tàn quân Taliban lại bị yêu cầu phải cắm chốt tại nhiều tỉnh xa nhằm giúp duy trì công tác xây dựng chính trị – như tiết lộ của cựu Phó giám đốc CIA John E. McLaughlin. Do tập trung vào Iraq, tiến trình tái thiết Afghanistan cũng bị ngó lơ. Ðến khoảng đầu năm 2003, văn phòng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Afghanistan mới sắp xếp xong nhân sự với ban bệ ít ỏi.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Kabul, Afghanistan, mở cửa ngày 17 Tháng Mười Hai 2001 lần đầu tiên kể từ năm 1989 (ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Ngày 1 Tháng Năm 2003, khi Tổng thống Bush xuất hiện trên một hàng không mẫu hạm với phát biểu cuộc chiến Iraq xem như đã hoàn thành, Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld có mặt tại buổi họp báo với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tại Kabul cũng hồ hởi nhận định tình hình lạc quan cho Afghanistan. Ba tuần sau, nhiều công nhân viên chức nhà nước Afghanistan bị “bỏ đói” vì không nhận được lương trong nhiều tháng đã biểu tình tại Kabul, đòi Karzai từ chức. Cùng lúc, việc đào tạo quân đội Afghanistan bắt đầu cho thấy khó khăn hơn được nghĩ. Liên tục chứng kiến tình trạng đào ngũ, quân đội Afghanistan lúc đó chỉ vỏn vẹn 2,000 lính. Nỗ lực xây dựng lực lượng cảnh sát của Ðức thậm chí còn chậm hơn; và cố gắng của Anh trong hạn chế tình trạng canh tác anh túc cũng thất bại. Tàn binh Taliban lẩn sang Pakistan trước đó nay bắt đầu lẻn vào và giết các nhân viên thiện nguyện, khiến chiến dịch tái thiết miền Nam Afghanistan bị trì hoãn…

Một thay đổi nhân sự đã làm thay đổi chính sách Afghanistan của Mỹ, khi Zalmay Khalilzad (người Mỹ gốc Afghanistan, viên chức cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ) được bổ nhiệm Đại sứ Afghanistan. Thuộc “trường phái” tân bảo thủ, Khalilzad đến Kabul vào dịp Lễ Tạ ơn 2003, mang theo gần $2 tỉ để thực hiện chương trình tái thiết (quân đội Mỹ giúp xây trường học…). Tháng Một 2004, Afghanistan đạt đến sự dàn xếp trong thiết lập Hiến pháp mới. Tháng Mười cùng năm, Karzai đắc cử tổng thống, vào thời điểm NATO bắt đầu tăng quân số. Cơ cấu chính trị xem như đã thiết lập xong nhưng tình hình cũng chẳng mấy lạc quan. Tàn binh Taliban tiếp tục rỉ rả tấn công.

Tháng Chín 2005, khi các bộ trưởng quốc phòng NATO họp tại Berlin để bàn kế hoạch củng cố an ninh Afghanistan, Ngũ Giác Đài bất ngờ thả một “quả bom” khi cho biết đang xem xét rút 3,000 lính Mỹ (20% quân số Mỹ) khỏi Afghanistan, ở thời điểm mà tướng Tư lệnh trưởng Bộ binh Mỹ tại Afghanistan, Karl W. Eikenberry, đề nghị chuyển quân đến phía Ðông để chặn đứng dấu hiệu trở lại từ Taliban. Ðề xuất đã không được thực hiện. Ba tháng sau khi Ngũ Giác Đài “hù” rút quân, Phòng ngân sách-quản lý Toà Bạch Ốc cắt 1/3 viện trợ Afghanistan. Viện trợ Mỹ cho Afghanistan giảm 38%, từ 4.3 tỉ USD năm tài khóa 2005 còn 3.1 tỉ USD năm tài khóa 2006.

Tháng Hai 2006, Ronald E. Neumann (người thay Zalmay Khalilzad tại Kabul; từ chức vào Tháng Sáu 2007) – khi dự báo một cuộc tấn công qui mô từ Taliban – đã gửi điện tín khẩn về Washington nhưng thông tin không được quan tâm đúng mức. Mùa Xuân 2006, Taliban mở cuộc tấn công bạo nhất kể từ năm 2001, đánh quân Anh, Canada, Hà Lan túi bụi tại khu vực Nam Afghanistan. Số vụ khủng bố liều chết tăng gấp năm (136 vụ) và số vụ cài bom vệ đường tăng gấp đôi… Sau khi cắt ngân sách viện trợ Afghanistan năm 2006, Washington dự tính bơm $9 tỉ cho Afghanistan năm 2007. Tuy nhiên, vấn đề cực kỳ quan trọng thời điểm đó là sự chia rẽ trong hàng ngũ NATO. Washington than phiền đồng minh NATO không sẵn sàng liều mạng đối mặt Taliban; tại châu Âu, các thành viên NATO kêu rằng Mỹ chưa bao giờ tập trung vào chiến dịch tái thiết; và hơn nữa, các cuộc oanh kích làm thiệt mạng thường dân càng khiến người Afghanistan thù ghét phương Tây…

Đến thời Barack Obama, một trong những chuyển biến trong chính sách là thái độ không ủng hộ Karzai (trong ấn bản ngày 9 Tháng Hai 2009, tờ Newsweek từng giật tít bài viết mang tựa “Obama’s Vietnam”). Chính phủ Obama cho rằng Karzai không chỉ bất lực trong cuộc chiến tiêu diệt Taliban mà còn để đất nước ngập trong tham nhũng (tân Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong diễn văn nhậm chức, gọi Afghanistan là “quốc gia thuốc phiện” – narcostate).

Trong quyển In the Graveyard of Empires (phát hành năm 2009), Seth Jones – nhà phân tích chính trị thuộc RAND Corporation, Giáo sư Đại học Georgetown và Naval Postgraduate School – chỉ ra rằng cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan chỉ mang lại tổn thất bởi nhiều yếu tố, từ việc các căn cứ quân sự Al-Qaeda nằm tại Pakistan (chứ không phải Afghanistan) đến căn bệnh ung thư tham nhũng với di chứng nghiêm trọng trong bộ máy chính quyền sở tại Afghanistan, từ vấn đề tôn giáo đến truyền thống sắc tộc phức tạp nước này…

Có thể rút ra một số nguyên nhân chính khiến cuộc chiến Afghanistan thất bại:

1/ Chủ quan, khinh địch;

2/ Thất bại trong việc sử dụng Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf và không lột tả được chính xác bức tranh tôn giáo chính trị hóa nước này (Taliban luôn được Hồi giáo Pakistan ủng hộ);

3/ Thất bại trong việc xây dựng cảm tình đối với người địa phương Afghanistan;

4/ Thất bại trong việc xây dựng chính phủ đầu tiên Hamid Karzai để họ có thể tự bươn chải và phủ sóng quyền lực để ngăn chặn ảnh hưởng Taliban;

5/ Sự bất hòa giữa Mỹ và các thành viên NATO;

6/ Cuối cùng, đó là sự bất hòa trong nội bộ Mỹ đối với chính sách Afghanistan, giữa Quốc hội và Tòa Bạch Ốc; giữa Dân chủ và Cộng hòa và giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: