Cổ phiếu VFS của nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast bật tăng gấp ba chỉ trong một tuần. Đây cũng là thời gian công ty công bố một loạt thông tin tích cực về tình hình bán hàng của dòng xe điện mini mới có tên VF3. Liệu rằng hai sự kiện này có thực sự liên quan đến nhau, hay có lý do gì đằng sau biến động giá bất thường của VFS?
Do lượng đơn đặt hàng VF3 cao?
Trong tuần vừa rồi, giá cổ phiếu VFS của hãng xe VinFast trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq đã bật tăng mạnh mẽ từ $2.25 lên $6.42, rồi hạ nhiệt và đóng cửa ở mức giá $4.88. Như vậy, giá cổ phiếu VFS đã tăng gấp 3 lần chỉ trong một tuần từ mức giá đáy.
Trên truyền thông báo chí Việt Nam đã tung hô rầm rộ việc này với giải thích là do lượng đơn đặt hàng xe VF3 khủng với số lượng 27,649 từ hơn một nửa là từ online, livestream. Và thông tin VinFast ký hợp tác với Bosch để được sạc điện tại các trạm của Bosch trên toàn Châu Âu. Nhưng thực tế tin số lượng đơn đặt hàng VF3 không mang lại giá trị lớn tới như vậy trong mắt các nhà đầu tư Mỹ.
Lượng đơn đặt hàng nói trên với xe VF3, theo công bố, phải đến 2025 mới được bàn giao xe. Như vậy, về mặt kế toán, phải đến năm 2025, VinFast mới có thể ghi nhận doanh thu từ lượng xe được giao, từ mức 6,500 đến 8,700 tỷ VNĐ (tùy lượng xe đặt đủ pin hay thuê pin). Nhưng đó là câu chuyện của năm sau.
Năm 2024, số tiền thu được từ đơn đặt hàng nói trên là khoảng 415 tỷ VNĐ (mỗi đơn đặt hàng đóng trước 15 triệu VNĐ) – không được ghi vào doanh thu của VinFast, do đó sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm nay của công ty.
415 tỷ VNĐ nói trên chỉ đơn giản là số tiền mà VinFast nhận về, đồng thời công ty phải ghi phải trả cho khách hàng một khoản tương ứng – như cách doanh nghiệp bất động sản vẫn bán các căn hộ khi chưa hoàn thành.
Dù là 8,700 tỷ VNĐ doanh thu vào năm 2025, hay chỉ là số tiền bổ sung 415 tỷ VNĐ vào năm 2024, thì cũng đều là muối bỏ bể trong tình hình tài chính tệ hại của VinFast.
Công ty tư vấn đầu tư nổi tiếng Motley Fool cũng đã khuyến nghị là tránh xa cổ phiếu VFS khi phân tích tình hình tài chính của VinFast khá tệ trên bài “Why VinFast Auto Stock Collapsed This Week” được đăng ở trang Barchart.
“Trong quý 1 năm 2024, VinFast đã giao khoảng 9,700 xe điện cho khách hàng, giảm so với mức 13,500 trong quý 4 năm 2023. Ở quy mô nhỏ như vậy – các đối thủ như Tesla bán được hơn 1 triệu chiếc mỗi năm – báo cáo thu nhập của VinFast trông thật tệ. Trong quý 1, VinFast đã tạo ra doanh thu $300 triệu. Trong lần bán hàng này, công ty bị lỗ gộp (có nghĩa là bán hàng dưới giá vốn) là $150 triệu. Cộng thêm chi phí hoạt động, công ty đã lỗ hoạt động $422 triệu trên doanh thu chỉ $300 triệu. VinFast cần nhanh chóng mở rộng quy mô kế hoạch xe điện nếu muốn đạt được lợi nhuận và dòng tiền dương.
Tệ hơn nữa, VinFast còn phải chịu chi phí tài chính lớn, ở mức $173 triệu trong quý trước. Cộng tất cả lại với nhau và công ty đang thua lỗ với tốc độ nhanh chóng.
Vào cuối quý 1, VinFast Auto chỉ có $123 triệu tiền mặt trên bảng cân đối kế toán. Điều này khiến nó chỉ còn chưa đầy một phần tư trước khi cần huy động thêm tiền. Không có gì ngạc nhiên khi thấy công ty giảm bớt tham vọng đối với nhà máy ở North Carolina. Và cổ phiếu này vẫn không hề rẻ, giao dịch ở mức vốn hóa thị trường là $6 tỷ trong khi nó chỉ đạt doanh thu $1.4 tỷ và không tạo ra lợi nhuận.”
Motley Fool cũng đã đánh giá về số lượng đơn đặt hàng khủng của VF3 như là “muối bỏ biển” và “nên cảnh giác với cổ phiếu VinFast” trong một bài báo có tên “Why VinFast Auto Stock Jumped Today” ngày 16 Tháng Năm đăng trên Fool.com. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư Mỹ hoàn toàn không đánh giá số lượng đơn hàng VF 3 như VinFast truyền thông ở báo chí Việt Nam.
“Đừng nhầm lẫn động thái hôm nay với động thái đầu tuần này. Giao dịch thị trường tuần này chứng kiến sự hồi sinh của cơn cuồng cổ phiếu meme. Theo MarketWatch, khoảng 15% cổ phiếu lưu hành tự do của công ty tính đến cuối tháng Tư đang nằm trong tay của phe bán khống. VFS đã tăng giá theo làn sóng tăng giá của các cổ phiếu meme có tỷ lệ bán khống cao.
Hôm nay, mặc dù các nhà đầu tư đang vui mừng trước lượng lớn sự quan tâm dành cho mẫu SUV giá rẻ của VinFast. Nhưng ngay cả điều đó cũng nên được coi là muối bỏ bể.
VF 3 được chào bán với giá khởi điểm khoảng $10,000, và nhiều người mua đang đổ xô hưởng ứng ưu đãi này. Mức giá đặc biệt đó là dành cho mẫu xe bao gồm gói thuê bao pin, nhưng ngay cả khi tính luôn chi phí pin thì giá xe cũng chỉ tăng lên khoảng $12,000.
VinFast có khả năng đang tung ra chương trình khuyến mãi này như một chiêu “bù lỗ thu hút khách”, mà không kỳ vọng lợi nhuận. Sau khi ưu đãi ra mắt kết thúc, VF 3 sẽ có giá khoảng $20,000 tại thị trường quê nhà Việt Nam.
Công ty dự kiến có kế hoạch sản xuất 100,000 xe điện vào năm 2024, vì vậy mức độ quan tâm đến VF 3 là rất đáng chú ý. Nhưng công ty đã xuất xưởng ít hơn 10,000 chiếc xe điện trong quý đầu tiên. Với việc cổ phiếu tăng vọt trong tuần này mà không có lý do cơ bản quan trọng nào, các nhà đầu tư vẫn nên cảnh giác với cổ phiếu VinFast.”
Giá VFS là do trạng thái low float dễ thao túng giá của Phạm Nhật Vượng.
Giá cổ phiếu cũng biến động theo quy luật cung cầu nên khi nguồn cung ít thì một lượng nhỏ lệnh giao dịch cổ phiếu cũng có thể làm giá biến động mạnh. Theo Yahoo Finance, tỷ lệ cổ phiếu VFS do tỷ lệ nắm giữ bởi người trong công ty, chủ yếu ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup là 97.90% trên tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, số lượng cổ phiếu được giao dịch tự do ở sàn giao dịch, hay còn gọi là float của VFS hiện tại là 49.24 triệu cổ phiếu, chỉ chiếm khoảng 2.1% trên tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nên thực tế nguồn cung giao dịch trên thị trường của VFS là rất thấp và tính biến động giá cao. Ta gọi đây là tình trạng low float, có nghĩa là lượng cổ phiếu giao dịch tự do thấp.
Một ví dụ đơn giản sau để hiểu tại sao lượng cổ phiếu giao dịch tự do thấp lại làm giá cổ phiếu biến động mạnh. Giả sử công ty A phát hành 1 tỷ cổ phiếu, trong đó 800 triệu cổ phiếu được giao dịch tự do, tỷ lệ float là 80%. Nếu nhà đầu tư A mua 20 triệu cổ phiếu, vẫn còn 780 triệu cổ phiếu để các nhà đầu tư khác giao dịch, do đó lượng cung dồi dào không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu.
Nhưng nếu số lượng cổ phiếu được giao dịch tự do chỉ là 40 triệu cổ phiếu, khi nhà đầu tư A mua 20 triệu cổ phiếu, số lượng cổ phiếu còn lại để giao dịch là rất ít, dẫn đến cung ít, cầu nhiều, làm giá cổ phiếu tăng cao hơn nhiều. Đây là trường hợp của VFS, nơi float chỉ chiếm 2.1% tổng số cổ phiếu.
Ta hãy so sánh thực tế giữa cổ phiếu VFS và cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc Nio (NYSE: NIO) vào hai ngày tăng mạnh nhất của VFS gần đây là 13 và 20 Tháng Năm năm 2024 để thấy sự biến động khác biệt thế nào.
Cổ phiếu NIO có lượng cổ phiếu phát hành là 2.21 tỷ, gần tương đương với VFS là 2.57 tỷ cổ. Nhưng tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do, tức là float của NIO lên tới 59.73% và ở trạng thái high float, ngược lại với low float của VFS.
Vào ngày 13 Tháng Năm, giá cổ phiếu VFS đã tăng từ $3.08 lên $4.64, tăng $1.56 chỉ với khối lượng giao dịch 15.4 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, giá cổ phiếu NIO chỉ dao động từ $5.66 đến $5.16, tức chỉ thay đổi $0.4 dù khối lượng giao dịch lên tới 76.6 triệu cổ phiếu.
Tương tự, vào ngày 20 Tháng Năm, giá VFS tăng từ $4.76 lên $6.44 nhưng khối lượng giao dịch chỉ hơn 10 triệu cổ phiếu. Còn giá cổ phiếu NIO cũng chỉ dao động từ $5.1 – $5.32 với khối lượng giao dịch lên tới hơn 47.7 triệu cổ phiếu.
Như vậy, cùng với lượng cổ phiếu phát hành và giá cổ phiếu gần bằng nhau, nhưng do float của Nio cao hơn, dù khối lượng giao dịch gấp gần 5 lần VFS, giá cổ phiếu Nio chỉ di chuyển tối đa $0.4. Điều này cho thấy sự biến động giá của cổ phiếu có float thấp như VFS là lớn hơn nhiều so với cổ phiếu có float cao như Nio.
Đó cũng là vì sao mà khi mới lên sàn cổ phiếu VFS đã tăng phi mã lên hơn $90 vì lúc này tỷ lệ float của VFS ban đầu chưa tới 0.1%.