Ba năm sau đại dịch, Vũ Hán lại bị phong tỏa

Ở những thành phố bị phong tỏa, người dân gặp khó về đời sống và liên tục bị yêu cầu xét nghiệm virus. Ảnh tại một điểm xét nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Ảnh Getty Images.

Gần ba năm sau ngày đại dịch COVID-19 bùng phát – đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc rồi lan ra toàn thế giới – hôm nay thành phố Vũ Hán lại bị phong tỏa một phần để ngăn chặn sự truyền nhiễm của virus Corona biến chủng mới.

Truyền thông quốc tế cho biết, hơn 800,000 dân của quận Hán Dương, trung tâm thành phố Vũ Hán đã được lệnh ở yên trong nhà cho đến hết Chủ Nhật, 30 Tháng Mười. Cùng bị phong tỏa như Vũ Hán còn có một trung tâm giải trí Universal Beijing Resort ở Bắc Kinh, năm quận thuộc thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ở miền Nam và thành phố Tứ Ninh ở miền Tây Bắc Trung Quốc. Tại các địa phương bị phong tỏa, các tòa nhà bị khóa cửa, lối ra vào các đô thị bị rào chắn và hàng triệu người dân gặp khó khăn về cung cấp lương thực, thuốc men và còn bị xét nghiệm liên tục để phát hiện virus.

Số trường hợp nhiễm virus của Trung Quốc vẫn rất thấp xét theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng những biện pháp phòng dịch cực đoan và nghiêm ngắt quá đáng trước đà truyền nhiễm cao của biến chủng Omicron đã gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tính đến ngày 24 tháng Mười, có khoảng 24 thành phố Trung Quốc bị phong tỏa toàn bộ hay một phần, ảnh hưởng tới 207.7 triệu người, chịu trách nhiệm làm ra 25.6 ngàn tỷ nhân dân tệ ($3.55 ngàn tỷ) cho tổng sản lượng (GDP), tương đương một phần tư GDP của Trung Quốc năm 2021, theo số liệu của Ngân hàng đầu tư Nomura được Reuters dẫn lại.

Tại Vũ Hán, hôm thứ Năm 27 tháng Mười, giới chức y tế ghi nhận khoảng 20-25 ca nhiễm virus mỗi ngày, trên tổng số khoảng 1,000 ca nhiễm toàn Trung Quốc. Chừng đó đủ để Bắc Kinh ra lệnh phong tỏa nhiều địa phương, theo chính sách “không COVID”. Giới chức thành phố Vũ Hán cũng cấm bán thịt heo ở nhiều chợ và siêu thị trong thành phố, theo những hình ảnh và thông tin lan truyền trên mạng xã hội, sau khi một trường hợp nhiễm COVID được phát hiện mà nhà cầm quyền nói là có liên hệ với chuỗi cung ứng thịt heo ở địa phương.

Người dân Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc TQ xếp hàng chờ tới lượt “ngoáy mũi” để xét nghiệm virus Corona hôm 16 tháng Năm 2022. Thành phố hiện đã bị phong tỏa một phần từ 26 đến 30 tháng Mười 2022. Ảnh Getty Images.

Tại Tứ Ninh – thành phố 2.5 triệu dân, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, người dân cho biết rất khó khăn vì thiếu thực phẩm và giá cả tăng cao sau lệnh phong tỏa ngừa COVID-19. Một quan chức trong chính quyền thành phố nói: “Để giảm rủi ro truyền nhiễm, một số cửa hàng trái cây và rau quả phải đóng cửa và cách ly phòng dịch”.

COVID giảm trên toàn cầu và ở Mỹ

Trong khi đó, báo cáo hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm và số tử vong vì COVID-19 đều đang giảm: Trong tuần lễ 16-23 tháng Mười số ca nhiễm giảm 15% và số tử vong giảm 13% so với tuần trước đó. Hiện số ca nhiễm hàng tuần nhiều nhất là ở Đức (498,787 ca), tiếp sau là Pháp (307,610), Trung Quốc (285,348) và Hoa Kỳ (255,116). 

Các chuyên gia nhận định số ca nhiễm COVID có thể tăng trong các tháng mùa đông sắp tới; còn WHO nhận định các con số ca nhiễm và tử vong nói trên có thể không phản ánh đúng thực tế do nhiều nước đã ngừng việc xét nghiệm, xét nghiệm ít hơn, do đó số ca ghi nhận bị bệnh cũng ít hơn trước.

Tại Hoa Kỳ, số ca nhiễm COVID tiếp tục giảm và hiện ở mức thấp nhất tính từ giữa tháng Tư 2022, dù con số thật có thể cao hơn do người dân tự làm xét nghiệm ở nhà và không báo cáo dữ kiện cho cơ quan y tế. Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) cho biết vào hôm qua thứ Tư 26 tháng Mười, số ca nhiễm được ghi nhận là 37,615 ca, giảm 4% so với hai tuần trước; số ca điều trị tại các bệnh viện không thay đổi ở mức 26,792 ca; số ca tử vong giảm 5%, còn 361 ca.

Tính chung trên toàn cầu, đến thứ Năm 27 tháng Mười đã có 629.1 triệu người nhiễm COVID, 6.58 triệu người tử vong, theo số liệu theo dõi của Đại học Johns Hopkins. Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 97.3 triệu ca nhiễm và 1.070 triệu người tử vong.

CDC cho biết thêm đã có 226.6 triệu người sống ở Mỹ tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, tương đương 68.2% tổng dân số. Trong số này, có một nửa, khoảng 111.4 triệu người, đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất và 26.8 triệu người tiêm mũi tăng cường thứ hai.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: