Lịch sử đầy máu lửa vùng Trung Đông dường như đang tự lặp lại. Mấy hôm nay, hình ảnh quân nổi dậy tràn vào thủ đô Damascus của Syria, cùng người dân phá hủy tượng đài, cung điện của gia đình nhà độc tài Bashar al-Assad gợi nhớ những gì đã xảy ra ở Kabul năm 2001, Baghdad năm 2003 và những biến cố của Mùa Xuân Ả Rập năm 2011.
Chế độ độc tài al-Assad sụp đổ nhanh chóng, đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho người dân Syria đã chịu quá nhiều đau khổ, nhưng kinh nghiệm từ các nước vừa kể cho thấy dường như hãy còn quá sớm để tin rằng một tương lai tươi sáng đã bắt đầu ở đất nước này.
Không chế độ độc tài nào không sụp đổ!
Những gì đang diễn ra ở Syria mang lại nhiều bài học để suy ngẫm. Bài học đầu tiên là không chế độ độc tài nào muôn năm trường trị. Sử dụng bộ máy an ninh mật vụ đông đúc, đàn áp dã man bằng bạo lực kể cả thảm sát dân thường bằng khí độc, lại có sự chống lưng của các đồng minh hùng mạnh như Nga và Iran, gia tộc Assad đã dẹp yên được vô số cuộc nổi dậy, đã đứng vững từ đời cha, Hafez al-Assad (cầm quyền từ năm 1971), đến đời con Bashar al-Assad (nối ngôi cha năm 2000), qua nhiều cuộc cấm vận cả về kinh tế và ngoại giao trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm. Câu khẩu hiệu “alabad ya Assad” (Assad vạn tuế) treo khắp nước chứng tỏ nhà Assad muốn người dân tin vào sự trường tồn của chế độ mà thôi chống đối.
Gần đây, hết hy vọng thay đổi chế độ ở Syria, nhiều nước đã phải chấp nhận Bashar al Assad, khôi phục tư cách thành viên của Syria trong Liên Đoàn Ả Rập vốn đã bị tước bỏ sau khi Assad dùng khí độc để trấn áp người biểu tình Tháng Tám, 2013. Hãng tin Reuters cho biết, mới cách đây vài tuần, chính quyền Joe Biden còn yêu cầu Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế Syria để khích lệ al-Assad tách khỏi ảnh hưởng của Iran.
Nhưng cái chế độ tưởng vững như bàn thạch của gia tộc Assad hóa ra chỉ là tòa lâu đài trên cát: nó sụp đổ tan tành chỉ trong 10 ngày mà không có hành động kháng cự đáng kể nào trước đà tiến thần tốc của nhóm quân Giải Phóng Syria (Hayat Tahrir al-Sham – HTS) từ phía Bắc và cuộc nổi dậy của các nhóm dân quân ở phía Nam.
Các nhà phân tích thời sự đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của sự sụp đổ nhanh chóng đó: Assad mất sự hỗ trợ của Nga – nước đang sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine – trong khi các đồng minh thân cận nhất Iran và Hezbollah đã bị bầm dập sau những vụ xung đột với Israel gần đây.
Đối nội, dân chúng chán chường vì tự do bị bóp nghẹt, kinh tế kiệt quệ, guồng máy cầm quyền tham nhũng và mục nát đã đồng loạt ủng hộ quân nổi dậy; quân đội với đồng lương không đủ sống đã từ chối chiến đấu, cởi bỏ quân phục và trở về nhà. Nhiều đơn vị quân chính phủ Syria tự tan rã, bỏ lại tất cả vũ khí, quân trang được Nga và Iran cung cấp mà chưa hề sử dụng.
Khi lòng dân đã chán ngán thì “thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ chế độ độc tài nhanh chóng vỡ vụn. Biến cố ở Syria có phần do tác động bên ngoài nhưng chủ yếu là do phản ứng bên trong từ các thành phần dân chúng bất mãn và chống đối chế độ.
Sau Assad là gì?
Cùng với một số nước Ả Rập, người Syria đã từng nổi dậy trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập khởi phát từ Tunisia năm 2011, lan tới Ai Cập, Libya và Yemen, lật đổ các nhà cai trị độc tài khắp Trung Đông. Nhưng phong trào đấu tranh ôn hoà của người Syria bị Bashar al Assad dìm trong biển máu, hàng trăm người biểu tình bị bắn chết trên đường phố, mở màn cuộc nội chiến.
Bây giờ người Syria mới tìm lại được tự do và phẩm giá, sau 13 năm nội chiến đẫm máu với hơn 580,000 người bị giết (trong đó có 306,000 thường dân); gần 12 triệu người, tức một nửa dân số bị ly tán. Nỗi vui mừng của họ hôm nay là muộn màng nhưng đáng trân trọng. Tuy vậy, tương lai như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.
Ở Ai Cập và Tunisia sau cách mạng, các nhà độc tài mới lại nổi lên, bóp chết các nỗ lực xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên. Ở Libya và Yemen, các nhóm vũ trang đối lập nhau tranh giành quyền lực dẫn tới nội chiến và chia cắt đất nước. Khoảng trống mà các nhà độc tài bị lật đổ để lại đã nhanh chóng bị lấp đầy bởi các làn sóng trả thù, cướp bóc, tranh quyền đoạt lợi. Và các chế độ độc tài mới nhanh chóng ra đời từ đống tro tàn của chế độ cũ…
Đất nước Syria nhiều thập niên qua đã bị chia năm xẻ bảy giữa các thế lực tôn giáo và sắc tộc. Lực lượng chính lật đổ Bashar al Assad hôm Chủ Nhật, 8 Tháng Mười Hai, nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đặt căn cứ tại tỉnh Idlib phía Tây Bắc Syria, là một “tàn dư” của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng ISIS.
Hôm Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai, nhóm HTS đã cử Mohammed al-Bashir – người đứng đầu cái gọi là Chính Phủ Cứu Quốc Syria (Syria Salvation Government – SSG) đang cai trị tỉnh Idlib dưới sự kiểm soát của HTS – làm thủ tướng lâm thời Syria cho đến ngày 1 Tháng Ba, 2025, trong thời gian thủ lãnh HTS, Abu Mohammad al-Jolani, tìm cách thỏa hiệp với các tổ chức dân quân khác.
Ông Jolani cũng đã lên tiếng kêu gọi các phe phái Syria tôn trọng lẫn nhau nhưng thực tế như thế nào thì chưa biết. Vấn đề là các nhóm khác khó mà chấp nhận và tuân theo sự điều hành của HTS bởi vì mỗi nhóm đều hành động theo các “lý tưởng” tôn giáo và sắc tộc khác nhau, chịu sự chi phối của các thế lực nước ngoài khác nhau. Và Syria có hàng chục nhóm như vậy.
Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là sau khi loại bỏ chế độ độc tài Assad, Syria lại rơi vào thảm cảnh nội chiến liên miên giữa các phe nhóm tranh giành quyền lực và trả thù, giống như tình trạng của Libya, Yemen và Iraq sau khi các nhà độc tài Gaddafi, Ali Abdullah Saleh và Saddam Hussein bị lật đổ. Cũng tệ hại không kém là chế độ Assad được thay bằng một chế độ độc tài khác mang màu sắc Hồi Giáo cực đoan như chuyện đang diễn ra ở Idlib dưới quyền cai trị của SSG do nhóm nổi dậy HTS kiểm soát.
Kịch bản tốt nhất là người Syria, với sự giúp đỡ của các cường quốc khu vực, thực hiện được công cuộc hòa giải dân tộc thời hậu chiến, tạo ra được một chính phủ đoàn kết và bao dung trong đó lợi ích của các nhóm sắc tộc thiểu số được bảo đảm, tôn trọng tự do và phẩm giá của người dân.
Người Syria đang có vẻ sẵn sàng đón nhận những gì sẽ đến vì theo nhiều người phát biểu trên báo chí, tương lai dù thế nào thì “cũng không tệ hại bằng dưới thời Bashar al-Assad.”
Trông người mà ngẫm đến ta
Việt Nam không phải là Syria và sẽ không có cảnh quân nổi dậy tràn vào thủ đô lật đổ chế độ như chuyện đang diễn ra ở Damascus. Nhưng Việt Nam có nhiều nét tương đồng với chế độ của Bashar al-Assad, cả hai đều là chế độ độc tài dựa trên sự trung thành của thiểu số để cai trị đa số, sử dụng bạo lực và dối trá để đàn áp đối lập. Và như trình bày trên, không có chế độ độc tài nào trường cửu cả.
Syria do gia tộc Assad làm chủ, Việt Nam nằm dưới sự điều hành của đảng cộng sản, cả hai đều không thể thực hiện cải cách chính trị vì lo sợ mất độc quyền cai trị. Về kinh tế, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) phải “đổi mới” nửa vời để đất nước thoát khỏi nạn đói những năm 1980 nhưng không đi theo thị trường tự do; hậu quả là một nền kinh tế bè phái (crony capitalism) phát triển, trong đó quan chức chính quyền câu kết với tư bản ngoại quốc và gian thương cộng sinh với chế độ để thâu tóm tài nguyên quốc gia và khai thác lao động làm thuê của dân chúng.
Kinh tế bè phái đi kèm với chế độ công an trị đã làm tê liệt ý chí phản kháng của người dân; nhưng tình trạng đó sẽ kéo dài đến lúc nào thì không biết được. Nếu vì một biến cố nào đó – thương chiến Mỹ-Trung Quốc chẳng hạn – mà hoạt động kinh tế suy thoái, thị trường sụp đổ, người dân bị bần cùng hóa thì sự phản kháng sẽ bùng nổ. Việt Nam không có các tổ chức “phiến quân” vũ trang, được nước ngoài hậu thuẫn và chi phối như Syria, nhưng đấu tranh bất bạo động, ôn hòa theo kiểu Mùa Xuân Ả Rập là có thể hình dung được.
Chính vì vậy, đảng CSVN hết sức lo ngại “cách mạng màu” và dùng mọi biện pháp để ngăn chặn những tiếng nói phản kháng, những quan điểm trái với đường lối của đảng. Vụ đấu tố Đại Học Fulbright Việt Nam gần đây là một ví dụ. Nhưng giấy không gói được lửa, người dân Việt đã mất lòng tin vào đảng cầm quyền, nỗi bất mãn sẽ có ngày biến thành hành động, vấn đề là lúc nào.
Việt Nam tuy không có nhiều phe nhóm chống đối độc tài và chống đối lẫn nhau như Syria, nhưng người Việt vốn có “căn tính” không thỏa hiệp với nhau, lại bị đường lối chia để trị, nuôi dưỡng thù hận của Cộng Sản làm nhiễm độc nhiều chục năm qua, sẽ khó mà tạo dựng được một chế độ đoàn kết, bao dung (inclusive) để cùng phát triển đất nước. Giống như Syria bây giờ, kịch bản nào tốt nhất cho Việt Nam khi chế độ Cộng Sản độc tài hiện nay kết thúc? Nỗi băn khoăn đó vẫn chưa có lời giải đáp…