Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron và đối thủ thuộc đảng cực hữu, bà Marine Le Pen, đã vượt qua các ứng cử viên khác để dẫn đầu kết quả bầu cử vòng thứ nhất vào hôm nay Chủ Nhật 10 tháng Tư, và sẽ phân thắng bại trong vòng bầu cử thứ hai sau hai tuần nữa.
Theo ước tính riêng biệt của các nhà thăm dò Ifop, OpinionWay, Elabe và Ipsos, trong vòng thứ nhất ông Macron giành được 28,1-29,5% số phiếu bầu trong khi bà Le Pen giành được 23,3-24,4%. Những ước tính đó, được công bố khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, thường rất đáng tin cậy ở Pháp, hãng Reuters đưa tin.
Cuộc đối đầu giữa Macron và Le Pen được giới quan sát coi là vụ đọ sức giữa ông Macron theo chủ nghĩa tự do kinh tế, toàn cầu hóa và củng cố vai trò lãnh đạo của Pháp ở Liên minh châu Âu (EU) với bà Le Pen đại diện cho chủ nghĩa dân tộc kinh tế có quan điểm hoài nghi EU sâu sắc. Cho đến khi xảy ra chiến tranh Ukraine, bà Le Pen là một người công khai ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ai là người tiếp theo nắm giữ Điện Elysee sẽ có tác động đáng kể tới tình hình và xu thế chính trị không chỉ của nước Pháp mà cả châu Âu và thế giới.
***
Trong hai thập niên qua, chưa một tổng thống Pháp nào thắng được nhiệm kỳ thứ hai.
Cách đây chưa đầy một tháng, ông Macron đạt điểm cao trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri nhờ kinh tế Pháp tăng tưởng mạnh mẽ, phe đối lập manh mún và vai trò nổi bật của ông trong việc cố gắng ngăn chặn Nga tấn công Ukraine, bùng phát chiến tranh ở sườn phía đông của châu Âu.
Nhưng ông Macron đã phải trả giá cho việc tham gia muộn vào chiến dịch tranh cử, ít quan tâm tới tình hình trong nước để theo đuổi các hoạt động ngoại giao, tạo điều kiện cho bà Le Pen thu hẹp khoảng cách trong các cuộc thăm dò dư luận. Căn cứ chính của bà Le Pen là khơi dậy sự bất mãn của người Pháp đối với tình trạng lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao gây khó khăn cho hàng triệu người và nỗi tức giận đối với giới thượng lưu chính trị.
Theo giới phân tích, tại cuộc bầu cử này bà Le Pen đã từ bỏ tham vọng quá khứ về một chủ trương “Frexit” (đưa Pháp ra khỏi đồng tiền chung của khu vực đồng euro, thậm chí trưng cầu dân ý về việc đưa nước Pháp ra khỏi EU như Anh quốc đã làm Brexit năm 2016). Tuy nhiên bà vẫn coi EU chỉ như một liên minh đơn thuần các quốc gia có chủ quyền chứ không phải một khối đoàn kết có chung nghị viện, cơ chế hành pháp và tư pháp liên quốc gia như cơ chế của EU hiện nay. Quan điểm về EU của bà Le Pen có sự đồng cảm của một vài nhà lãnh đạo khác như ông Viktor Orban, người vừa tái đắc cử Thủ tướng Hungary.
Nếu như bà Le Pen vượt qua ông Macron để giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 24 tháng Tư sắp tới thì sự kiện đó sẽ tạo nên một cú sốc chính trị tương tự như như cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh để rời Liên minh châu Âu (EU) và việc ông Donald Trump giành được Tòa Bạch Ốc của Hoa Kỳ cuối năm 2016.
***
Trong các cuộc bầu cử tổng thống Pháp trước đây vào năm 2002 và 2017, các cử tri cánh tả và cánh hữu đã đoàn kết để ngăn phe cực hữu nắm quyền. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát hiện nay cho thấy cái gọi là “mặt trận cộng hòa” đã sụp đổ, nhiều cử tri cánh tả nói rằng họ không ủng hộ một nhà lãnh đạo mà họ cho là kiêu ngạo và một “tổng thống của người giàu” như ông Macron.
Tuy nhiên hiện các ứng cử viên bị thua cuộc nhưng có tỷ lệ ủng hộ khá cao ở vòng bầu cử thứ nhất như ứng cử viên Valerie Pecresse của đảng Bảo thủ, Anne Hidalgo của đảng Xã hội, Yannick Jadot của đảng Xanh và Fabien Roussel của đảng Cộng sản cho biết họ sẽ ủng hộ Macron để ngăn chặn phe cực hữu của bà Le Pen.
“Để nước Pháp không rơi vào tình trạng thù hận chống lại tất cả, tôi trịnh trọng kêu gọi các bạn bỏ phiếu chống lại cực hữu Marine Le Pen,” bà Hidalgo – ứng cử viên và hiện là Đô trưởng thủ đô Paris – nói. Còn ông Pecresse cảnh báo về “hậu quả tai hại” nếu Macron không giành chiến thắng trong cuộc đua nước rút ngày 24 tháng Tư.
Nhưng một ứng cử viên cực hữu khác Eric Zemmour thuộc đảng Reconquête, người về thứ tư trong vòng bầu cử thứ nhất, đã kêu gọi những người ủng hộ ông hãy chuyển sang bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Đọc thêm: