Hệ lụy đáng sợ nếu Le Pen đắc cử Tổng thống Pháp

Toà Bạch Ốc có lý do để cảnh giác, vì Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sắp đạt được một chiến thắng lớn, nhưng không phải ở Ukraine mà ở… Paris!
Bà Marine Le Pen (ảnh: Sylvain Lefevre/Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Hệ lụy đáng sợ nếu Le Pen đắc cử Tổng thống Pháp
/

Toà Bạch Ốc bắt đầu lo ngại Putin sẽ sớm đạt được một chiến thắng bất ngờ và có tác động như quân cờ domino, ngay trong lòng một pháo đài tự do dân chủ. Đó là nước Pháp! Cách biệt hẹp của các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp cho thấy Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đang bám nhau rất sát.

Ba quan chức Mỹ giấu tên cho biết, nếu Le Pen (người có cảm tình đặc biệt với Putin) chiến thắng, liên minh phương Tây chắc chắn gặp xáo trộn và bất ổn trong cuộc đối đầu với Moscow. Pháp cũng sẽ mất vai trò như một cường quốc hàng đầu châu Âu và nhiều nhà lãnh đạo NATO khác sẽ không còn quan tâm đến việc ở lại liên minh. Các cơ quan chuyên trách Mỹ đang thận trọng theo dõi khắp Đại Tây Dương để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng Nga can thiệp vào vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào ngày Chủ nhật 10 Tháng Tư. Washington đã theo dõi sát tình hình và chia sẻ thông tin về sự can thiệp của Nga, từ kỹ thuật bot đến tài khoản giả mạo, dù hầu hết các nỗ lực không gian mạng của Moscow hiện nay đều tập trung vào việc chia sẻ thông tin tuyên truyền để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Ngày 10 và 24 Tháng Tư 2022, 47.9 triệu cử tri Pháp sẽ đi bầu tổng thống (ảnh: Daniel Karmann/picture alliance via Getty Images)

Các cuộc thăm dò đều cho thấy Macron và Le Pen không thể chiến thắng ở vòng một mà sẽ phải đối đầu ở vòng hai vào ngày 24 Tháng Tư và cuộc đua giữa hai người vẫn hết sức sít sao. Le Pen, trong nỗ lực lần thứ ba của mình để ngồi ghế tổng thống, đã tăng mạnh tỷ lệ ủng hộ trong vài tuần trở lại đây, khi bà ta tạm ngưng cách hùng biện quen thuộc mà tập trung vào chi phí sinh hoạt, đánh đúng tâm lý của hàng triệu người Pháp phải vật lộn kiếm sống khi giá khí đốt tăng 35% trong năm qua.

Lý lịch của Le Pen là điều khiến Toà Bạch Ốc lo lắng nhất. Dù Le Pen tự cho là người theo “chủ nghĩa dân túy lành mạnh”, nhưng cương lĩnh tranh cử của bà về nhập cư và Hồi giáo vẫn còn cực đoan, như cấm mang mạng che mặt ở tất cả địa điểm công cộng và không cho người nước ngoài được hưởng các quyền như công dân Pháp. Cái họ Le Pen của bà, trong một số trường hợp nào đó, đồng nghĩa với phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Hiện Le Pen lãnh đạo đảng cực hữu, chống nhập cư do cha bà thành lập.

Trong cuộc thăm dò mới nhất, Marine Le Pen chiếm 25% ủng hộ cử tri trong khi Emanuel Macron chỉ nhỉnh hơn với 26% (ảnh: Chesnot/Getty Images)

Trong quá trình hoạt động chính trị, Le Pen không hề tránh né việc mình là một người ngưỡng mộ Putin, khi hai người gặp nhau ở Moscow năm 2017. Mặc dù bà cố cách xa Tổng thống Nga kể từ cuộc xâm lược Ukraine, nhưng vẫn tỏ ra thông cảm về lý do phát động chiến tranh của Putin, bác bỏ một số chính sách của phương Tây và chỉ trích các biện pháp cứng rắn chống lại Nga. Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình gần đây, khi được hỏi liệu Pháp có nên cắt giảm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, bà nói: “Người Pháp có muốn chết không? Về mặt kinh tế, chúng ta sẽ chết! Chúng ta phải nghĩ đến người dân của mình”.

NATO và EU sẽ rất khó khăn

Một chiến thắng của Le Pen (mà cách nay vài tháng còn được xem là “không thể tưởng tượng được”) sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Brexit, kéo theo sự ra đi từ từ cho một số quốc gia và làm tan rã địa-chính trị hoàn toàn lục địa già. Chiến thắng của Le Pen sẽ làm rung chuyển liên minh thân Ukraine kéo dài từ Warsaw đến Washington. Washington lo ngại Le Pen vào Điện Élysée sẽ làm đảo lộn sự cân bằng mong manh xuyên đại dương từng bị cựu Tổng thống Trump đe dọa. Chiến thắng của bà có thể khiến các lãnh đạo châu Âu khác, một số không muốn quá cứng rắn với Nga, đảo ngược thái độ.

Một quan chức Tòa Bạch Ốc nói: “Le Pen chiến thắng là tình huống xấu nhất với hệ quả tức thì là Pháp rút khỏi liên minh đang sát cánh cùng Kyiv chống Nga”. Tổng thống Macron thật ra cũng chơi trò đu dây với Nga khi cố gắng đóng vai trò hòa giải trong những ngày trước khi Putin xâm lược và cả sau đó nhưng không thành công. Chính phủ Pháp im lặng hỗ trợ vũ khí và trợ giúp Ukraine, nhưng không dám tiết lộ chi tiết về những gì đã gửi và số lượng gửi vì sợ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Một số phụ tá của Biden tin rằng ngay cả khi Macron tái đắc cử với đa số hẹp, tác động của bầu cử Pháp đối với các nhà lãnh đạo châu Âu khác sẽ vẫn còn vì tương lai chính trị của chính họ cũng bấp bênh trước những người theo chủ nghĩa dân túy, dù là ít độc hại hơn Le Pen.

Marine Le Pen nổi tiếng là nhân vật cựu hữu nguy hiểm nhất châu Âu (ảnh: Chesnot/Getty Images)

Nỗi bất an càng trầm trọng hơn nếu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine kéo dài hàng tháng trời, dẫn đến giá năng lượng cao hơn trên khắp châu Âu, một lục địa phụ thuộc vào Moscow về năng lượng. Le Pen luôn chống lại các lệnh trừng phạt, chuyển giao vũ khí, và cùng “giọng” với Kremlin về Ukraine hoặc NATO. Cương lĩnh tranh cử của Le Pen có cả việc Pháp không chấp nhận quyền chỉ huy quân sự của NATO và một loạt các biện pháp chống EU mà trên thực tế sẽ dẫn đến một Frexit, giống Brexit Anh cho dù lần tranh cử này bà ta đã loại Frexit khỏi cương lĩnh tranh cử để không làm cho cử tri hoảng sợ. Vào đêm trước chiến tranh, Tổng thống Macron ngồi đối diện chiếc bàn dài nổi tiếng của Putin để cố khuyên ngăn Tổng thống Nga. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện điện thoại nhiều lần kể từ đó. Macron đã bị chỉ trích, đặc biệt từ Ba Lan, khi cố thuyết phục Putin chỉ vì lợi ích chính trị của mình.

Trở lại Pháp, nỗi bất bình của người dân đã tăng lên khi thấy Macron, người đã đánh bại Le Pen vào năm 2017, dành quá nhiều thời gian cho ngoại giao quốc tế để xây dựng uy tín “người trung gian hòa giải” hơn là quan tâm các vấn đề trong nước và những khó khăn mà người dân gặp phải sau hai năm mệt mỏi vật lộn với đại dịch. Trong nhiệm kỳ của mình, Macron đã đụng độ với những người biểu tình “áo vàng”, ban đầu là do thuế khí đốt và sau đó trở thành một phong trào rộng lớn hơn vào năm 2018-19. Ông cũng không bao giờ cố để xóa bỏ lời phàn nàn “tổng thống của Paris chứ không phải của nước Pháp”. Việc Macron tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống muộn có lẽ do quá tự tin sự nổi tiếng quốc tế sẽ bảo đảm nhiệm kỳ thứ hai.

Liệu Emmanuel Macron có thể giữ được ghế tổng thống? (ảnh: Chesnot/Getty Images)

Nhưng…

Tuy nhiên, hầu hết nhà phân tích tin rằng chiến thắng của Le Pen rất khó xảy ra. Các cuộc thăm dò và kết quả vòng một cũng có thể chỉ là “cảnh báo” của cử tri đến Macron còn lá phiếu của họ sẽ nói khác ở vòng cuối cùng. Trong cuộc tranh cử cách đây năm năm, Le Pen cũng có lúc bám sát Macron một thời gian nhưng cuối cùng Macron chiến thắng thuyết phục. Còn nếu các suy diễn dựa vào quá khứ đều sai và Macron bị Le Pen đánh bại thật sự, chiến thắng Le Pen sẽ tạo ra một vết nứt lớn trên bức tường xuyên Đại Tây Dương do Biden và những người đồng cấp châu Âu gầy công xây dựng.

Ba chuyến đi đến châu Âu của Biden trong nhiệm kỳ tổng thống, gồm cả đến Brussels và Ba Lan mới đây để khẳng định lại mối quan hệ Mỹ-Âu xem như công cốc. Việc Paris-Washington phủ nhận thỏa thuận AUKUS, vốn cướp đi của Pháp một hợp đồng tàu ngầm béo bở ký với Úc, cũng là một yếu tố gây chia rẽ phải tính đến. Trong cuộc tranh cử năm 2017, Le Pen công khai ủng hộ Putin xâm lược Crimea và phản đối các lệnh trừng phạt của EU. Bà ta cam kết sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu thắng. Nay, bà ta nói với kênh truyền hình Pháp France 2: “Putin có thể trở thành đồng minh của Pháp một lần nữa khi chiến tranh kết thúc. Nga sẽ không đi đâu cả! Tôi luôn nói rằng một cường quốc có thể là đồng minh trong một số tình huống”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: