Con người có thể tạo ra ‘phép màu’ nhờ khả năng sinh tồn

Những em bé sống sót sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18 Tháng Hai năm 2023 được tặng quà do Trabzonspor-Basel UEFA Conference League được chuyển đến. (ảnh: Muhammed Enes Yildirim/Cơ quan Anadolu via Getty Images)

Lực lượng cứu hộ thường mô tả những người sống sót sau năm ngày dưới đống đổ nát đã là “phép màu”, vậy mà trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người mắc kẹt tới 10 ngày mà vẫn sống sót. Vì sao?

Ngày 16 Tháng Hai, Đài TRT Haber cho biết lực lượng cứu hộ đã giải cứu một thiếu nữ 17 tuổi mắc kẹt 10 ngày trong đống đổ nát ở tỉnh miền Nam Kahramanmaras. Một phụ nữ 77 tuổi cũng được cứu khỏi căn nhà sập sau hơn 200 giờ. Các bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng họ sẽ tiếp tục chứng kiến thêm nhiều phép màu như vậy, dù khoảng “thời gian vàng” 72 giờ của chiến dịch giải cứu đã trôi qua từ rất lâu.

Các chuyên gia cho biết nạn nhân có thể sống sót hơn một tuần dưới đống đổ nát, tùy thuộc vào một số yếu tố như họ có thể có nước uống và không khí hay không, cũng như điều kiện thời tiết và mức độ thương tích. Theo Stephen Morris, phó giáo sư khoa cấp cứu tại UW Medicine, người có nhiều kinh nghiệm về ứng phó thảm họa quốc tế, yếu tố quan trọng nhất để giúp nạn nhân động đất sống sót là họ có thể tiếp cận được nguồn nước uống tại nơi mắc kẹt.

Bác sĩ phẫu thuật tim nổi tiếng người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Oz đến thăm quận Antakya của nơi hứng chịu trận động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 18 Tháng Hai năm 2023. Hôm 06 Tháng Hai, trận động đất mạnh 7.7 độ richter, tâm điểm là quận Pazarcik, làm rung chuyển Kahramanmaras và tàn phá Gaziantep, Sanliurfa, Diyarbakir, Adana, Adiyaman, Malatya, Osmaniye, Hatay, Kilis và Elazig. Sau đó, lúc 1 giờ 24 chiều. (1024GMT), một trận động đất mạnh 7.6 độ richter có tâm ở quận Elbistan thuộc Kahramanmaras tấn công khu vực này. (ảnh: Muhammed Enes Yildirim/Cơ quan Anadolu via Getty Images)

Dù một người có thể sống khoảng một tuần mà không có nước, ông Morris cho biết ở gần nguồn nước sạch khi bị mắc kẹt giúp mang tới cơ hội sống sót tốt nhất, nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào may mắn. Huseyin Berber, bệnh nhân tiểu đường 62 tuổi ở thành phố miền Nam Antakya, là một trong những người như vậy. Khi động đất xảy ra, ông mắc kẹt trong khoảng trống giữa bức tường đổ sập với tủ lạnh và tủ đồ, ở đó vẫn có một chai nước và một tấm thảm để giữ ấm. Khi uống hết nước trong chai, ông uống nước tiểu của chính mình để sống sót. Berber được giải cứu sau 187 giờ và đang điều trị tại bệnh viện thành phố Mersin.

Một nạn nhân khác là Muhammet Korkut, 17 tuổi, chia sẻ cậu đã sống khi bị mắc kẹt 94 giờ nhờ uống nước tiểu của chính mình. Tuy nhiên, phó giáo sư Morris khuyến nghị người mắc kẹt không nên chọn cách này, vì nó có thể lợi bất cập hại. “Nó có thể khiến bạn bị mất nước nhanh hơn là không uống bất kỳ thứ gì. Con người khi tuyệt vọng thường có tâm lý uống bất kỳ chất lỏng nào có thể. Song từ quan điểm sinh tồn, điều này không thích hợp,” ông nói. Korkut kể cậu đã ăn hoa để sống sót, nhưng Morris cũng không khuyến khích giải pháp này. Ông cho rằng chúng ta có thể sống trong vài tuần, thậm chí vài tháng, mà không cần ăn. Do đó, ý tưởng phải ăn mọi thứ xung quanh để tồn tại không hợp lý.

Cuốn sổ của một gia đình được nhìn thấy giữa đống đổ nát sau trận động đất kép mạnh vào ngày 21 Tháng Hai năm 2023. (ảnh: Mustafa Yilmaz/Anadolu Agency via Getty Images)

Morris cho hay một trong những cách tốt nhất để được giải cứu từ đống đổ nát là tìm cách thông báo cho người bên ngoài rằng bạn vẫn còn sống. Nạn nhân có thể la hét hoặc gây tiếng động để giúp nhân viên cứu hộ chú ý. Ông nói trong các trận động đất trước đây, nhiều người sống sót là nhờ may mắn mang theo điện thoại và đã tìm cách gọi điện hoặc nhắn tin nhờ người tới giúp. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới khả năng sống sót là điều kiện thời tiết. Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua những ngày lạnh giá khắc nghiệt. Nhiệt độ ban đêm có thể giảm xuống 0 độ C, khiến những người mắc kẹt khó có thể giữ ấm cho cơ thể.

Emanuel Maidenberg, giáo sư về tâm thần tại Đại học California, cho biết khi bị mắc kẹt, cơ thể con người có thể kích hoạt một số cơ chế tâm sinh lý đặc biệt, nhằm giúp họ chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt. Ông nói mỗi người đều có những cơ chế này, nhưng nếu không cần thiết, chúng sẽ không hoạt động. “Trong thảm họa động đất, cơ thể chúng ta có thể kích hoạt cơ chế cần thiết để tồn tại. Đó là bản năng sinh tồn gồm khả năng phục hồi và ứng biến linh hoạt. “Linh hoạt có nghĩa chúng ta có thể trụ được ở một vị trí không thoải mái cả về thể chất và tinh thần trong thời gian dài”, ông nói.

Giáo sư thêm rằng những người tạo nên “phép màu” trong thảm họa động đất đều đã kích hoạt cơ chế đấu tranh sinh tồn, giúp cơ thể chịu đựng được nỗi khó chịu hoặc khó khăn khi mắc kẹt trong thời gian dài. Theo ông, khát vọng sống trở thành mục tiêu quan trọng nhất để chúng ta theo đuổi. Sức mạnh thể chất và tinh thần cùng kết hợp để giúp chúng ta tồn tại càng lâu càng tốt.

Gương mặt thất thần của người đàn ông may mắn thoát chết, ngồi trên chiếc xe bị hư của mình, sau trận động đất kép mạnh vào ngày 20 Tháng Hai. (ảnh: Mustafa Yilmaz/Cơ quan Anadolu via Getty Images)

Khi bị mắc kẹt, nạn nhân cũng có thể kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, theo giáo sư Maidenberg. Đây là phản ứng tâm lý xảy ra để đáp ứng với tình huống căng thẳng, đáng sợ hoặc đe dọa tính mạng. Nếu lựa chọn chạy trốn không khả thi, họ sẽ chọn chiến đấu để tồn tại. Ông nói thêm, trường hợp những người mắc kẹt sau động đất, phản ứng họ có thể lựa chọn chỉ là đấu tranh sinh tồn, bằng cách kiên trì và chịu đựng đau khổ.

Khi một người được giải cứu, Morris cho biết điều quan trọng là phải kiểm tra xem họ có bị chấn thương hoặc suy thận hay không, nhất là khi không có nước uống trong nhiều ngày. Những người sống sót có thể cần được truyền dịch hoặc lọc máu để đào thải độc tố khỏi cơ thể khi thận không hoạt động bình thường. Về mặt tâm lý, giáo sư Maidenberg khuyến nghị những người sống sót sử dụng những hỗ trợ từ gia đình hoặc xã hội để mau chóng vượt qua cơn sang chấn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: