Cuộc chiến Israel-Hamas và việc phát tán video trên mạng xã hội

Share:
Sự chọn lựa đứng về một bên của dư luận thế giới nói chung – giữa Israel và Palestine – đang tạo ra bức tranh hỗn loạn trên mạng xã hội. Trong ảnh là cuộc biểu tình ủng hộ người Israel ở Montevideo, Uruguay (ảnh: Santiago Mazzarovich/picture alliance via Getty Images)

Những video quay trực tiếp cuộc chiến Israel-Hamas lan truyền trên mạng xã hội nhanh như lửa. Facebook, YouTube và TikTok cấm hỗ trợ Hamas. Telegram cho phép làm điều đó. Và X (Twitter) có nhiều kẽ hở khi thực thi chính sách của riêng mình.

Người bảo được, kẻ nói không

Máy ủi lao qua hàng rào ngăn cách Israel với Dải Gaza. Một phụ nữ trẻ bị phiến quân Hamas mang đi từ buổi hòa nhạc đông đúc ngoài trời. Hỏa tiễn bị tên lửa Israel đánh chặn phát nổ trên bầu trời đêm. Một tòa nhà chung cư 14 tầng ở Gaza biến thành đống đổ nát…

Vô số video gần với thời gian thực được tải lên mạng xã hội (một số của Israel, một số của người Palestine) đã giúp đưa nhanh thông tin cuộc đối đầu khốc liệt và cho thế giới thấy những gì đang diễn ra ở Israel và Gaza. Tuy nhiên, chúng không chính xác hoàn toàn mà là sự thật xen kẽ với giả mạo, có khi rất khác với sự thật.

Khi chiến tranh nổ ra, việc cho phép ai có thể đưa lên những video này và người xem có thể bình luận gì là do các mạng xã hội quyết định, với các chính sách kiểm duyệt nội dung rất khác nhau, không hề có sự thống nhất. Những chính sách đó đã tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa cùng một nội dung đưa lên; được giữ lại hoặc bị xóa khỏi nền tảng.

Trên YouTube của Google cũng như Facebook và Instagram của Meta, người dùng có thể đứng về phía Israel, được kêu gọi hòa bình hoặc than thở cho nỗi khổ của người Palestine nhưng bị cấm bày tỏ ủng hộ Hamas. Cả hai công ty đều xem Hamas là khủng bố cực đoan nên không ai ủng hộ tổ chức này được phép sử dụng nền tảng của họ và cũng không có video hoặc hình ảnh nào do Hamas tạo ra được đăng lên. TikTok dù từ chối liệt kê cụ thể những tổ chức nào bị xem là cực đoan nhưng họ đã xác nhận với The Washington Post rằng  Hamas bị cấm tham gia nền tảng của họ.

Cuộc biểu tình ủng hộ người Israel ngày 11 Tháng Mười ở Montevideo, Uruguay (ảnh: Santiago Mazzarovich/picture alliance via Getty Images)

Dù vậy, những video do thành viên Hamas quay vẫn xuất hiện trên cả ba nền tảng này. Trong một số trường hợp, chúng được xem là “trường hợp ngoại lệ”, “tin tức giá trị” mang hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” bởi nội dung sẽ vạch trần sự tàn ác của Hamas thay vì quảng bá cho tổ chức khủng bố này, trong đó có các video Hamas phô bày cảnh ngược đãi các con tin Israel hoặc xâm phạm thi thể người chết.

Ngược lại, nền tảng nhắn tin có ảnh hưởng lớn Telegram rất ít kiểm duyệt nội dung, thậm chí có hẳn một kênh Hamas với hơn 100,000 người đăng ký, phát sóng công khai những cảnh quay và hình ảnh rùng rợn người Israel thiệt mạng. Một số bài đăng ghê rợn này cũng được chia sẻ trên X (Twitter trước đây) của tỷ phú Elon Musk (trên danh nghĩa X cấm nội dung của Hamas nhưng không đủ sức kiểm soát hết nội dung vì phần lớn nhân viên làm nhiệm vụ này đã bị Musk sa thải).

Trên Telegram, một tài khoản có vẻ chính thức của Hamas với gần 120,000 người đăng ký thường xuyên đăng tải những video rùng rợn từ Israel trong ngày đầu Hamas xâm nhập. Một đoạn clip có hơn 77,000 lượt xem cho thấy một chiến binh không rõ danh tính đang đạp lên mặt một người lính thiệt mạng. Nhiều video này được đăng lại lên X và một video được cơ quan truyền thông Al Jazeera tiếng Ả-rập đăng lên YouTube, với gần 13 triệu người đăng ký, dù máu me bị làm mờ đi.

Các chuyên gia cho biết, X đã trở thành sân chơi cho các bài đăng và video bị các nền tảng khác gỡ xuống (vì vi phạm các quy tắc của họ về bạo lực hình ảnh hoặc ngôn từ căm thù). Ngày 10 Tháng Mười 2023, Ủy viên Liên minh Châu Âu (EU) Thierry Breton đã đăng thư ngỏ gửi Musk với cảnh báo: “Các cơ quan quản lý của châu Âu phát hiện dấu hiệu X có thể đã vi phạm những quy định châu Âu về nội dung bạo lực và khủng bố cũng như thông tin sai lệch”.

Evelyn Douek, trợ lý giáo sư tại Trường Luật Stanford phân tích:

“Khi quyết định gỡ bỏ những bài đăng chiến tranh, các công ty truyền thông xã hội phải cân nhắc giữa lợi ích của việc bảo vệ người dùng trước các nội dung bạo lực, hận thù và gây hiểu lầm với việc tuân thủ quyền tự do ngôn luận, kể cả các tài liệu có giá trị tố cáo sau này và bằng chứng tội ác chiến tranh. Và thường họ phải đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi đó dưới áp lực về thời gian và không có thông tin đầy đủ để kiểm chứng”.

Bà Evelyn Douek nhấn mạnh: “Không có lựa chọn nào là tốt nhất cho việc kiểm duyệt nội dung trong bối cảnh xung đột leo thang và các hành động tàn bạo diễn ra hàng ngày. Ngay cả đối với một nền tảng có đầy đủ nguồn lực và thực sự cố gắng hành động có trách nhiệm thì đây vẫn là một vấn đề thực sự khó khăn cả về mặt kỹ thuật lẫn quy chuẩn”.

Trong trường hợp cuộc xung đột Israel-Hamas, những yêu cầu đó trở nên phức tạp hơn nhiều, nếu các mạng xã hội muốn chứng minh họ không tiếp tay cho khủng bố bằng cách ngăn chặn việc phát tán những video tuyên truyền, đe dọa, quay cảnh hành quyết con tin. Trong quá khứ, Facebook từng bị gia đình của những người bị Hamas sát hại kiện. Đầu năm nay, Google, Twitter và Meta phải tự bảo vệ họ tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trước cáo buộc họ đã hỗ trợ vật chất cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bằng cách lưu trữ hoặc đề xuất các nội dung của nhóm này (ví dụ video tuyển chiến binh).

Một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine ở Brussels, Bỉ ngày 11 Tháng Mười 2023 (ảnh: Laia Ros/Getty Images)

Việc xác định thế nào là một tổ chức cực đoan cũng không hề đơn giản trong một số trường hợp. Trong những năm qua, các nền tảng truyền thông xã hội đã phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng những gì xuất hiện trên nền tảng của họ, từ tin tức về các chính phủ, các phong trào chính trị, chiến dịch quân sự, những gì liên quan các chế độ độc tài và tổ chức khủng bố. Năm 2021, sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, các công ty truyền thông xã hội đã phải đưa ra quyết định quan trọng là “có nên tiếp tục cấm Taliban không?”, bởi lẽ lực lượng này giờ đây đã nắm chính quyền một cách chính thức. Cuối cùng, Facebook quyết định cấm Taliban, trong khi Twitter cho phép duy trì sự hiện diện chính thức với tư cách là “một nhà nước trên thực tế”.

Rối tung rối mù giữa biển thông tin

Trong những bài đăng liên quan Hamas, việc quá thận trọng có nghĩa phải gỡ bỏ tất cả những video thể hiện hành động tàn bạo của tổ chức này. Nhưng làm thế cũng đồng nghĩa với việc không cho đăng những nội dung được cho là hợp pháp của những người ủng hộ giải phóng người Palestine. Đầu năm nay, Meta đã nới lỏng các quy tắc cấm ca ngợi những tổ chức và cá nhân nguy hiểm, trong khi cho phép đăng nhiều bài hơn về các thực thể cực đoan, miễn là chúng được thực hiện trong bối cảnh các cuộc thảo luận chính trị hoặc xã hội dưới dạng bản tin hoặc tư liệu mang tính học thuật về các sự kiện hiện tại.

Israel pháo kích vào Gaza ngày 12 Tháng Mười (ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Trên TikTok, hashtag #Israel và #Palestine đều thu hút hàng chục tỷ lượt xem khi giới trẻ vào đây để tìm kiếm tin tức nhanh và góc nhìn khác về cuộc xung đột. Có ít nhất một tài khoản nổi bật đưa tin theo quan điểm của người Palestine được thông báo bị cấm vĩnh viễn vào ngày 9 Tháng Mười 2023. Nhưng hôm sau, người phát ngôn của TikTok, Jamie Favazza cho biết lệnh cấm là sai lầm và tài khoản Mondoweiss đã được khôi phục.

Theo Favazza, kể từ khi cuộc tấn công của Hamas bắt đầu, TikTok đã tăng cường số nhân viên kiểm duyệt các bài đăng về cuộc xung đột, bằng cả tiếng Ả-rập lẫn tiếng Do Thái. Nó cũng đã chặn một số hashtag chuyên đưa các hình ảnh bạo lực hoặc tuyên truyền khủng bố, gồm cả cảnh quay con tin bị hành quyết. Công ty đang làm việc với những chuyên viên kiểm tra tính xác thực để phát hiện sớm các thông tin sai lệch.

Với YouTube, người phát ngôn Jack Malon cho biết công ty đang nỗ lực kết nối những người dùng tìm kiếm các cụm từ liên quan đến chiến tranh với các nguồn tin tức đáng tin cậy. “YouTube sẽ gỡ bỏ những lời nói căm thù nhắm vào cả cộng đồng Do Thái và Palestine” – ông nói. Andy Stone, người phát ngôn của Meta, tuyên bố: “Công ty đã thành lập một trung tâm hoạt động đặc biệt với các chuyên gia thông thạo tiếng Do Thái và tiếng Ả-rập để theo dõi chặt tình hình. Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để giữ an toàn cho nền tảng, xử lý kịp thời các nội dung vi phạm chính sách của Meta và luật pháp địa phương, đồng thời phối hợp với những người kiểm tra thực tế bên thứ ba trong khu vực giao tranh để hạn chế lan truyền thông tin sai lệch”.

Hiện Meta và TikTok đang hợp tác với các tổ chức xác minh tính xác thực để dán nhãn thông tin sai lệch và gây hiểu lầm. X thu hút người dùng tham gia dự án kiểm tra thông tin có tên “Community Notes”. Ngày Thứ Ba 10 Tháng Mười, những người tham gia dự án đã tranh luận về việc có nên dán nhãn xác minh tính xác thực cho một đoạn video khủng khiếp do Donald Trump Jr., con trai của cựu Tổng thống Donald Trump đăng tải hay không. Đoạn video cho thấy phiến quân bắn vào các thi thể và những người bị thương trên sàn gạch, nhưng nguồn gốc không rõ ràng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: