Chính sách ngoại giao diều hâu của Trung Quốc đang tác động rõ rệt sự tái cân bằng việc phân bổ lại nguồn lực cũng như sự tập trung của Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây, đặc biệt khối NATO, vào khu vực Ấn Độ và châu Á-Thái Bình Dương.
NATO đến châu Á
Trong năm 2023, một trong những sự kiện đáng chú ý liên quan sự điều chỉnh an ninh toàn cầu là Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức ở Vilnius, Litva vào Tháng Bảy. Có ba chi tiết đáng chú ý ở Vilnius 2023.
Thứ nhất, NATO mời thêm bốn “quan sát viên” đến từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Đây là những quốc gia mà NATO vốn có các thỏa thuận tăng cường hợp tác. Lời mời lần này nhấn mạnh mối liên kết chiến lược giữa châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thứ hai, thông cáo của các nhà lãnh đạo NATO đã lần đầu tiên sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ bày tỏ mối quan ngại Trung Quốc.
Và thứ ba, NATO có kế hoạch mở một văn phòng liên lạc ở Tokyo. Đề xuất này bị ngăn chặn bởi sự phản đối của Pháp và, được cho là, vào phút cuối, của cả Đức, dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định kế hoạch mở văn phòng ở Tokyo “vẫn còn trên bàn”.
Sẽ là sai lầm khi cho rằng NATO chỉ quanh quẩn ở châu Âu-Đại Tây Dương và không có hoạt động nào ở châu Á. Trong phần mục đích thành lập, NATO nêu rõ rằng họ “bảo vệ tự do và an ninh của tất cả thành viên bằng các biện pháp chính trị và quân sự,” và để điều này được thực hiện tốt, đôi khi cần phải tiến hành những hoạt động “bên ngoài NATO,” vì “sự bùng nổ các cuộc khủng hoảng và xung đột bên ngoài biên giới các quốc gia Đồng minh có thể gây nguy hiểm cho mục tiêu an ninh cốt lõi.”
Vài năm gần đây, NATO thể hiện rõ hơn sự định vị của họ ở châu Á, đặc biệt công khai nhắm vào Trung Quốc. Có thể hiểu tại sao Trung Quốc nhảy dựng lên với nghị sự mới của NATO. Một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO 2023 khai mạc, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích “chương trình nghị sự ẩn giấu của NATO”.
Bắc Kinh nhấn mạnh rằng “chữ nghĩa” diễn đạt chiến lược mới của NATO thậm chí “được lấy trực tiếp” từ những gì Hoa Kỳ thường dùng để lên án Trung Quốc. Bắc Kinh dĩ nhiên đặc biệt cau có trước sự có mặt năm thứ hai liên tiếp của Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tại hội nghị NATO, và điều này cho thấy một “tín hiệu mạnh mẽ về sự mở rộng NATO sang châu Á-Thái Bình Dương”.
Cho đến thời điểm này, sự hiện diện NATO tại châu Á chưa được đón nhận tích cực. Kishore Mahbubani, nhà ngoại giao lão làng và học giả nổi tiếng Singapore, từng viết vào năm 2021 trên tờ The Straits Times, rằng “Thái Bình Dương không cần văn hóa quân phiệt mang tính phá hoại của Liên minh Đại Tây Dương,” và rằng “NATO không phải là một tổ chức địa chính trị khôn ngoan.”
Tháng Năm 2023, tờ Jakarta Post của Indonesia đăng bài xã luận, gọi việc NATO tiếp cận châu Á là “một bước đi rất nguy hiểm” và là “tin tức rất đáng lo ngại cho hòa bình và ổn định khu vực”. Trong khi đó, một bài bình luận trên tờ Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam cáo buộc rằng “việc mở rộng ảnh hưởng NATO sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã gây lo ngại cho các nước khu vực, làm tăng nguy cơ bất ổn khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng gay gắt.”
Nhiều ý kiến của giới nghiên cứu chính sách châu Á tin rằng cho dù súng ống NATO không được ùn ùn vận chuyển vào châu Á thì sự mở rộng của NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng làm phức tạp thêm bối cảnh địa chiến lược vốn đã căng thẳng.
Nhiều nước châu Á cho rằng sự vụng về trong chính sách địa chính trị của NATO đã dẫn đến cuộc chiến Ukraine của Putin và do vậy NATO phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Bộ trưởng Nội vụ Singapore – quốc gia châu Á có lập trường mạnh mẽ nhất lên án Nga – cũng phát biểu vào Tháng Ba 2023 rằng “phương Tây và NATO không phải là những kẻ ngoài cuộc và không phải là không có vai trò gì trong tình hình hiện tại (đối với vấn đề Ukraine).”
Vấn đề còn ở chỗ, trong khi hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông – nơi mà các yêu sách hàng hải mở rộng của họ rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế – được thực hiện liên tục và mỗi lúc một nghiêm trọng, thì không phải tất cả các nước trong khu vực đều coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh đối với quốc gia họ. Một số nước, dù bị hiếp đáp và bị Bắc Kinh xem như chư hầu, thậm chí cảnh báo rằng không nên xa lánh siêu cường láng giềng này.
Họ coi việc tranh chấp của họ với Trung Quốc là một phần của mối quan hệ song phương rộng lớn hơn, mang lại những lợi ích thực tế và tiềm năng kinh tế. Theo một cuộc thăm dò năm 2023 của Viện Yusof Ishak đối với người Đông Nam Á, Trung Quốc tiếp tục được coi là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất khu vực, với gần 60% người được hỏi chọn Trung Quốc thay vì Hoa Kỳ (10.5%). Trung Quốc cũng được xem là cường quốc chính trị và chiến lược có ảnh hưởng nhất, với 41.5% số người được hỏi đã chọn Trung Quốc trong khi 31.9% chọn Hoa Kỳ.
NATO và IP4
Do đó, để có thể tiếp cận châu Á, NATO cần thay đổi lối tư duy phổ biến như vậy. Trong thực tế, việc bộ tứ IP4 (Indo-Pacific Four) – Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha vào Tháng Sáu 2022 – đã là một sự kiện có tầm quan trọng lịch sử. Những gì diễn ra đằng sau hậu trường mới thật sự đáng quan tâm chứ không phải những cái bắt tay trên sân khấu Madrid 2022 hoặc Vilnius 2023.
Quan hệ NATO với IP4 nói riêng và châu Á nói chung thật ra không mới. Nhật đã đối thoại và hợp tác với NATO từ những năm 1990; 2001 với New Zealand; và 2005 với Úc cùng Hàn Quốc. Các quốc gia này đã chính thức hóa quan hệ đối tác tương ứng của họ với NATO bằng việc ký kết các tài liệu Chương trình Hợp tác và Đối tác Cá nhân (IPCP) từ năm 2012 đến 2014. NATO bắt đầu họp không liên tục với IP4 vào năm 2016, với các cuộc gặp ban đầu tập trung vào Triều Tiên nhưng sự tham gia như vậy dần tăng lên đáng kể, về tần suất và mức độ, kể từ năm 2019.
Quan hệ NATO và IP4 càng trở nên nổi bật vài năm qua trong bối cảnh xuất hiện những thách thức chiến lược nghiêm trọng hơn ở châu Á; và đặc biệt tác động từ cuộc chiến Ukraine của Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, “những gì xảy ra ở châu Âu quan trọng đối với châu Á, với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; và những gì xảy ra ở châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng quan trọng đối với châu Âu”.
Điều gì “cũng quan trọng đối với châu Âu”, nhất là với chính châu Á? Nếu chẳng phải Trung Quốc thì là gì?! Tại NATO 2022 ở Madrid, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida thậm chí nhấn mạnh, vấn đề an ninh của châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “không thể tách rời”, rằng “tôi cảm thấy cuộc khủng hoảng Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai”. Khi nói như vậy, Fumio Kishida dường như ám chỉ công khai tham vọng tấn công Đài Loan của Trung Quốc.
Liệu đôi giày boot NATO sẽ đặt sâu hơn vào châu Á 2024? Với cánh cửa đã mở ra cho IP4 và với những thông điệp cảnh báo từ những lãnh đạo châu Á như Thủ tướng Nhật Fumio Kishida thì việc NATO hợp tác sâu hơn với châu Á là điều chắc chắn và “không thể tách rời”.
Trên Foreign Affairs ngày 10 Tháng Bảy 2023, bằng ngôn ngữ cực kỳ thẳng thắn và mạnh mẽ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viết:
“Khi tôi đến Nhật và Hàn Quốc vào đầu năm nay, các nhà lãnh đạo của họ rõ ràng lo ngại rằng những gì đang xảy ra ở châu Âu hôm nay có thể xảy ra ở châu Á ngày mai. NATO không coi Trung Quốc là đối thủ. Chúng ta phải tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết những thách thức toàn cầu ngày nay, trong đó có vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu. Đồng thời, Trung Quốc cũng nên sử dụng ảnh hưởng đáng kể của họ đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa lên án hành động gây hấn của Moscow và thay vào đó, họ tăng cường hợp tác kinh tế, ngoại giao và quân sự với Nga. Hành vi cưỡng ép của chính phủ Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của họ ở nước ngoài, cũng như việc thực hiện chính sách đàn áp trong nước, đã trở thành những thách thức đối với an ninh, các giá trị và lợi ích của NATO. Bắc Kinh đang đe dọa láng giềng và bắt nạt các nước khác. Họ đang cố kiểm soát các chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng quan trọng ở những quốc gia NATO. Chúng ta phải sáng suốt nhận thấy những thách thức này và không đánh đổi lợi ích an ninh để lấy lợi ích kinh tế.
Khi các chế độ chuyên chế xích lại gần nhau hơn, chúng ta, những người tin vào tự do và dân chủ, phải sát cánh cùng nhau. NATO là một liên minh khu vực của châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là toàn cầu. Đó là lý do tại sao tôi mời các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – tham gia cùng chúng tôi tại Vilnius. Chúng ta phải có hiểu biết chung về những rủi ro an ninh mà chúng ta đối mặt và cùng nhau hợp tác để củng cố sự kiên định của xã hội, kinh tế và nền dân chủ của chúng ta…”
__________
Tờ Financial Times tiết lộ thêm, theo lời một quan chức Hoa Kỳ, đằng sau việc hình thành “format” IP4 là Washington. Chính Nội các Biden đã thúc đẩy Nhật và ba quốc gia khác cùng tham gia NATO như một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng và mở rộng liên minh. Phần mình, người Nhật cũng muốn đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh như một “chính sách bảo hiểm” để bảo vệ họ trước Trung Quốc, trong trường hợp người đắc cử tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử 2024 không phải là nhân vật mạnh mẽ và đủ quyết tâm thật sự đánh Trung Quốc.
Một cách tổng quát, NATO đang tăng cường hợp tác và mở rộng tầm nhìn quân sự của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quân đội Anh đã và đang được đào tạo tại Nhật; khi xảy ra vụ suýt va chạm với một tàu chiến Trung Quốc vào Tháng Sáu 2023, một tàu chiến Mỹ lúc đó được hộ tống bởi tàu chiến Canada; và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Shangri-La (Tháng Sáu 2023) rằng Berlin sẽ gửi hai tàu hải quân đến Thái Bình Dương vào năm 2024… Còn nhiều nữa. Với những gì đang và sẽ diễn ra, châu Á 2024 chắc chắn chứng kiến sự hiện diện nhiều và dày đặc hơn của NATO, ở hình thức nào và mức độ bao nhiêu thì còn tùy sự chọn lựa chiến lược thích hợp của họ.