Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận cho phép giám đốc tài chính của Huawei Technologies Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) được trở lại Trung Quốc thay vì bị dẫn độ sang Mỹ xét xử, đổi lấy việc bà Mạnh thừa nhận một số hành vi sai trái trong một vụ vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Bà Mạnh, người đã bị Canada bắt và giam giữ tại gia từ năm 2018, đã đồng ý với một thỏa thuận truy tố hoãn lại (deferred prosecution agreement) dự kiến sẽ được đưa ra tòa án liên bang ở Brooklyn, New York vào chiều Thứ Sáu 24 Tháng Chín, báo The New York Times đưa tin.
Bà ta sẽ phải thừa nhận một số hành vi sai trái, và các công tố viên liên bang sẽ trì hoãn và cuối cùng sẽ bãi bỏ cáo trạng chống lại bà ta; một phần của thỏa thuận cho phép bà ta không phải nhận tội, một quan chức am hiểu vụ việc nói với báo chí.
Vụ bắt giữ bà Mạnh của công ty Huawei đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ đầy biến động giữa hai siêu cường toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc, và nó đã tạo ra một thách thức ngoại giao cho Canada, nước bị kẹt vào giữa. Các phiên tòa của Canada xem xét việc có trao bà Mạnh cho tòa án Hoa Kỳ xét xử theo yêu cầu dẫn độ của Washington hay không đã kéo dài suốt ba năm qua mà không đi tới kết luận dứt khoát. Trong suốt phiên điều trần dẫn độ ở Canada, nhóm bào chữa của bà Mạnh đã tuyên bố bà vô tội. Họ lập luận rằng Tổng thống Donald J. Trump đã chính trị hóa trường hợp của bà và các quyền của bà đã bị vi phạm khi bà bị bắt ở Vancouver.
Thỏa thuận trả tự do cho bà Mạnh có thể báo hiệu một cách tiếp cận hòa giải hơn trong lập trường của Washington đối với Bắc Kinh dưới thời chính quyền Biden. Tổng thống Joe Biden vẫn cho rằng, trong quan hệ với Trung Quốc, tùy vào từng trường hợp và lĩnh vực cụ thể, Hoa Kỳ sẽ có cách ứng xử hợp tác, cạnh tranh hoặc đối đầu; trường hợp bà Mạnh Vãn Chu có thể không rơi vào biện pháp cạnh tranh hoặc đối đầu với Bắc Kinh.
Nhà chức trách Canada đã bắt giữ bà Meng, 49 tuổi, Giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies, vào Tháng Mười Hai năm 2018 tại phi trường quốc tế Vancouver, theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ. Bà Mạnh, con gái của người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), ngay lập tức trở thành một trong những người bị bắt giữ nổi tiếng nhất thế giới.
Vào Tháng Một năm 2019, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố bà Mạnh và công ty Huawei, cáo buộc công ty và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu đã có nỗ lực kéo dài nhiều năm để đánh cắp các bí mật thương mại, cản trở cuộc điều tra hình sự và trốn tránh các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đối với Iran.
Các cáo buộc nhấn mạnh nỗ lực của chính quyền Trump nhằm liên kết trực tiếp Huawei với chính phủ Trung Quốc, nghi ngờ công ty này hoạt động để thúc đẩy tham vọng kinh tế và chính trị của đảng Cộng sản ở Bắc Kinh và làm suy yếu lợi ích của Mỹ.
Để trả đũa vụ chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh, Trung Quốc ngay lập tức đã bắt giữ và truy tố hai công dân Canada, một cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, trong một hành động được nhiều người ở Canada coi là “ngoại giao con tin” (hostage diplomacy). Trung Quốc phủ nhận hai vụ này có liên hệ với nhau. Vào Tháng Tám 2021, một tòa án ở Đông Bắc Trung Quốc, nơi ông Spavor sinh sống, đã kết án ông 11 năm tù sau khi tuyên ông phạm tội làm gián điệp.
Việc thả bà Mạnh có thể ảnh hưởng đến số phận của hai người Canada này.
Nếu hai ông Michael được trả tự do, nó có thể mang lại điểm cộng cho Thủ tướng Justin Trudeau của Canada, người vừa được bầu lại trong tuần này với một chính phủ thiểu số. Việc ông Trudeau không có khả năng bảo đảm quyền tự do của hai công dân bị Trung Quốc bắt làm con tin đã phủ bóng đen lên vai trò thủ tướng của ông.
Đọc thêm: