Hàn Quốc, một cường quốc vũ khí mới nổi

Xe tăng K2 của Hàn Quốc (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Hàn Quốc, một cường quốc vũ khí mới nổi
/

Mục tiêu của Tổng thống Yoon Suk Yeol là bán được nhiều vũ khí hơn nữa, đủ để Seoul tăng bốn bậc và trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới. Tổng thống Yoon tự tin nói: “Bằng cách lọt vào nhóm bốn nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, sau Hoa Kỳ, Nga và Pháp, công nghiệp quốc phòng của chúng tôi sẽ trở thành một ngành chiến lược và một Hàn Quốc (HQ) trở thành một cường quốc quốc phòng”.

Công nghiệp vũ khí Hàn Quốc phát triển cỡ nào?

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute- SIPRI), để làm được điều đó, HQ sẽ phải vượt qua các quốc gia, theo thứ tự: Vương quốc Anh, Ý, Đức và cuối cùng là Trung Quốc, những nước hiện nắm giữ 4.6% thị trường xuất khẩu vũ khí trong giai đoạn 2017-2021. Nhiệm vụ này hoàn toàn không dễ dàng, nhưng Seoul đã chứng minh họ đang trên đường phát triển tốt mục tiêu đề ra.

Từ 2012-2016, HQ mới chỉ chiếm 1% thị trường vũ khí toàn cầu, nhưng năm năm sau đó đã tăng hơn gấp đôi, đạt 2.8% và là mức tăng lớn nhất trong 25 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu HQ (Export-Import Bank of Korea), năm 2021 HQ đã bán số vũ khí trị giá $7 tỷ ra nước ngoài.

CNN cho biết, xuất khẩu vũ khí của HQ tăng mạnh những năm gần đây, nhưng để có thành tựu hôm nay HQ đã xây dựng ngành công nghiệp vũ khí trong nhiều thập niên với động cơ chính là mối quan hệ luôn biến động với nước láng giềng phía Bắc. Theo SIPRI, tính đến 2020, chi tiêu quốc phòng chiếm 2.8% tổng sản phẩm quốc nội của HQ, cao hơn ngưỡng tối thiểu 2% mà nhiều đồng minh của Mỹ đề ra.

Giới chức quốc phòng Hàn Quốc tại cuộc triển lãm của công ty quốc phòng Korean Aerospace Industries (KAI) tại Farnborough, Anh, ngày 18 Tháng Bảy 2022 (ảnh: Richard Baker/In Pictures/Getty Images)

Về mặt kỹ thuật, Chiến tranh Triều Tiên chưa bao giờ kết thúc. Văn kiện ngừng chiến năm 1953 là một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Trong những thập niên đầu tiên sau khi giao tranh kết thúc, nền phòng thủ của HQ phụ thuộc rất nhiều vào quân đội và vũ khí của Mỹ. Nhưng tất cả bắt đầu thay đổi từ thập niên 1970, khi Mỹ bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Việt Nam và Chiến tranh Lạnh với Liên Xô nên không còn tập trung vào bán đảo Triều Tiên.

Theo Viện Phát triển HQ (KDI), HQ bắt đầu có trách nhiệm hơn với nền quốc phòng của mình và đầu tư $42 triệu tiền viện trợ quân sự của Mỹ vào các nhà máy sản xuất súng trường M-16. Kết quả là đến cuối thập niên này, các nhà nghiên cứu HQ dưới sự chỉ đạo của Viện Khoa học Quốc phòng Quốc gia (National Defense Science Institute) đã thành công trong việc chế tạo tất cả các loại vũ khí cơ bản. Trước những mối đe dọa luôn hiện hữu từ Bắc Hàn, Seoul đã ban hành Thuế Quốc phòng để có tiền thanh toán cho sự phát triển của quân đội hiện đại, từ xe bọc thép đến các thiết bị quân sự khác mà các công ty quốc phòng HQ đang chào bán hôm nay.

Vũ khí Hàn Quốc và cuộc chiến Ukraine

Mới đây, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN, Washington dự định mua 100,000 viên đạn pháo từ các nhà sản xuất vũ khí HQ để cung cấp cho Ukraine, và chúng sẽ chuyển đến Ukraine thông qua Mỹ để Seoul không vi phạm cam kết công khai “sẽ không gửi viện trợ gây chết người cho Ukraine”. Cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo: “Việc HQ quyết định gửi vũ khí và đạn dược cho Kyiv sẽ hủy hoại mối quan hệ giữa hai bên”.

HQ cũng là một bên ký kết Hiệp ước buôn bán vũ khí (Arms Trade Treaty) được Liên Hợp Quốc phê chuẩn vào năm 2014 với mục đích kiểm soát chặt chẽ những bên nhận được vũ khí và biết chắc vũ khí đó sẽ được sử dụng trong những điều kiện nào. Ukraine là một bên ký kết dù chưa phê chuẩn. Nhưng kế hoạch mua đạn pháo HQ của Mỹ không phải là cách duy nhất để cảm nhận ảnh hưởng của ngành công nghiệp vũ khí HQ ở Ukraine.

Vào Tháng Chín, HQ đã ký một thỏa thuận với Ba Lan về thương vụ bán vũ khí lớn nhất từ ​​trước đến nay, trong đó nước này sẽ cung cấp cho Warsaw gần 1,000 xe tăng K2 do công ty Hyundai Rotem sản xuất, hơn 600 khẩu pháo K9 do Hanwha sản xuất và hàng chục máy bay chiến đấu do tập đoàn Korean Aerospace Industries sản xuất. Thỏa thuận này sẽ cho phép Ba Lan thay thế nhiều loại vũ khí mà Warsaw đã gửi đến Kyiv.

Xe quân sự tự hành Arion-SMET của Hanwha tại Defense Expo Korea 2022 – cuộc triển lãm vũ khí lớn nhất Hàn Quốc được tổ chức ngày 21 Tháng Chín 2022 tại Gyeonggi. Defense Expo Korea ra mắt hai năm một lần. Năm nay, có sự tham dự của 350 công ty (so với 210 năm 2020) cùng giới chức quốc phòng cấp cao từ 43 quốc gia (ảnh: Chris Jung/NurPhoto via Getty Images)

Bảo vệ chặt chẽ cái nôi công nghiệp quốc phòng

Mối đe dọa liên tục về cuộc tấn công của Bắc Hàn là một lý do khiến các dây chuyền sản xuất quân sự được đặt tại thành phố cảng Changwon, cái nôi của ngành công nghiệp vũ khí hiện đại của HQ. Changwon nằm trong lòng chảo tự nhiên, tứ phía có núi bao bọc nên dễ phòng thủ hơn. Con đường chính Changwon-daero dài 14.9 km nhưng dễ dàng tăng gấp đôi thành một phi đạo khi tình trạng khẩn cấp quốc gia xảy ra. Ở đầu phía Nam của nó là Khu liên hợp Công nghiệp Quốc gia Changwon (Changwon National Industrial Complex), được thành lập vào thập niên 1970 và là nơi đặt các nhà máy của Hanwha Defense và Hyundai Rotem.

Từ đây, trọng pháo và xe tăng vận chuyển khỏi dây chuyền lắp ráp để ra thị trường. Các đơn đặt hàng từ nước ngoài tăng khá trong năm 2022. Đáng chú ý nhất là thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Ba Lan mà Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng HQ (Korea Defense Industry Association) ước tính trị giá $15.3 tỷ. Phần của Hanwha trong thỏa thuận là $2.4 tỷ nhờ hợp đồng lớn nhất cho K9. Ba Lan là một trong chín quốc gia (HQ, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Ấn Độ, Na Uy, Estonia, Australia, Ba Lan. Ai Cập) mua đạn pháo của Hanwha.

Lee Boo-hwan, phó Chủ tịch điều hành bộ phận kinh doanh nước ngoài của Hanwha Defense, bộc bạch: “Liên tục cập nhật và cải tiến sản phẩm là những gì chúng tôi đang làm. Ví dụ công ty đã chế tạo mẫu xe tăng mới K9A2, đặt tổ lái bên ngoài tháp pháo để họ ít gặp nguy hiểm hơn. Chúng tôi cũng đang phát triển một phiên bản thế hệ tiếp theo. Khi đó xe tăng sẽ hoàn toàn tự động, không người lái, với trí khôn nhân tạo (AI), cho phép xe tự học trên chiến trường”. Để đạt mục tiêu đó, công ty đang thiết lập các cơ sở sản xuất mới ở Úc, Ai Cập và Ba Lan.

Hanwha

Tại một khu phức hợp hiện đại, rộng lớn ở Changwon, các robot của Hanwha chế tạo các khẩu pháo K9 với tốc độ cứ sau ba đến năm ngày lại xuất xưởng một khẩu. Sự kết hợp của robot và con người trên một dây chuyền lắp ráp bảy trạm dừng để tạo ra thứ cuối cùng sẽ là khẩu pháo tự hành 47 tấn với máy móc và thiết bị điện tử đi kèm. Một robot cao hơn hai tầng hàn các tháp pháo. Xa hơn nữa, một robot khác đục lỗ trên tấm thép sơn xanh, hoàn toàn tự động, với độ chính xác 1/100 milimet, mỏng hơn sợi tóc người.

Hyundai Rotem, một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Hàn Quốc (ảnh: Simon Shin/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Sau khi các robot hoàn thành công việc đến lượt các công nhân của Hanwha. Mỗi thân pháo đi dọc theo dây chuyền được 11 người chăm chút. Tại mỗi trạm dừng, có các đèn xanh, vàng và đỏ. Bất kỳ công nhân nào cũng có thể dừng dây chuyền khi thấy tín hiệu đèn đỏ và gọi các kỹ sư đến giải quyết vấn đề. Ở điểm dừng cuối cùng là ngắm bắn, nơi thử nghiệm độ chính xác của pháo K9 bắn vào một mục tiêu cách xa. Các khẩu pháo hoàn thiện sẽ ra ngoài thực địa để kiểm tra hiệu suất. Chúng làm rung chuyển mặt đất khi gầm rú dọc theo con đường lát đá với tốc độ tối đa 67 km/giờ. Những người thử nghiệm quay khẩu pháo các hướng.

Hanwha tùy chỉnh K9 cho khách hàng nước ngoài: Loại pháo dùng cho các vùng khí hậu cực lạnh như Na Uy sẽ có thêm nguồn sưởi ấm cho đội điều khiển; những nơi nóng hơn như Ấn Độ hoặc Ai Cập được tăng cường máy lạnh. Jack Watling, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) ở London nhận xét:

“HQ là nơi thử nghiệm vũ khí mới rất hoàn hảo. Các mùa của nước này đa dạng, từ mùa Đông băng giá đến gió mùa và nhiệt độ mùa Hè từ 30 độ C trở lên, lại có cả địa hình bằng phẳng lẫn đồi núi”. Cách nơi thử nghiệm pháo K9 vài dặm, xe tăng K2 của nhà máy Hyundai Rotem cũng đang được thử nghiệm…

Nhìn tổng quát, công nghiệp vũ khí Hàn Quốc đang thật sự mạnh. Họ thậm chí đang muốn bán sản phẩm của họ cho Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: